Bình - PHƯỢNG NHỚ -Hansy

PHƯỢNG NHỚ

Hạnh phúc vĩnh hằng thánh thót rơi 
Cung thương ran tiếng ngậm thơ trời 
Xôn xao phách nhịp xôn xao mắt 
Ngọt đượm hương lòng ngọt đượm môi 
Cúi xuống cho mơ nồng mãn kiếp 
Ngẩng lên để mộng ngát muôn đời 
Thì thầm em nhé lời ru vọng 
Mê đắm ta rồi phượng thắm ơi 

Mê đắm ta rồi phượng thắm ơi 
Có em cung nhớ nỉ non đời 
Tay tiên một dải vuông tròn ái 
Dáng lụa bao làn ủ ấp môi 
Tiếng hát nhân ngư mê hoặc núi 
Nụ cười quỳnh mộng xuyến xao trời 
Vầng trăng cổ tích về thơm thảo 
Hạnh phúc vĩnh hằng thánh thót rơi


HANSY
*********
*
Hãy lắng nghe những âm hưởng ngọt ngào trong bài thơ “PHƯỢNG NHỚ” của cây đại thụ thơ Đường luật trên các Thi đàn, nhà thơ Hansy. Bài thơ PHƯỢNG NHỚ là bài thơ tình dạt dào cảm xúc và nhiều hình tượng, âm thanh lưu lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó phai.

Khác với các bài thơ viết về hoa Phượng gắn với tuổi học trò mộng mơ, tác giả Hansy viết bài Phượng Nhớ với niềm cảm xúc đắm say như lời thì thầm với người tình bé nhỏ. Câu đầu và câu kết bài thơ rất đặc sắc “Hạnh phúc vĩnh hằng thánh thót rơi”. “Hạnh phúc vĩnh hằng” là một khái niệm khá trừu tượng lại được gắn với 2 từ giàu âm điệu “thánh thót” cho người đọc cảm giác rơi vào cõi hư ảo. Vĩnh hằng (
永恆) là muốn nói đến sự trường tồn, bất diệt mà con người không đạt đến được nhưng khi có tình yêu thì nó trở nên bất diệt, còn tình yêu thì mãi mãi hạnh phúc song hành.


Câu tiếp theo nối thơ rất nhịp nhàng, trìu mến “Cung thương ran tiếng ngậm thơ trời” nâng niu niềm hạnh phúc đang dâng lên trong lòng. Cung thương, cung nhớ... nghe như một lời vỗ về, và đến câu 7 của bài thơ tiếng ru đó đã được khẳng định “Thì thầm em nhé lời ru vọng”. Phải có tình yêu say mê đến nhường nào mới viết được những lời thơ như vậy, câu nối giữa 2 thức bài thơ Đường luật được nhắc lại “Mê đắm ta rồi phượng thắm ơi”. Nếu như câu mở đầu và câu kết thúc mang đầy tính trìu tượng thì ở câu nối cũng được nhấn lại hai lần này đã mở ra cho ta thấy mấu chốt của niềm “Hạnh phúc vĩnh hằng” đó, và cũng được lấy làm nhan đề bài thơ “Phượng nhớ”. Phượng đã được tác giả nhân hóa lên làm đắm say tâm hồn, không còn là bông phượng rực cháy nữa, chắc chắn đây đang nói đến người tình, lời thơ bỗng trầm xuống, cảm giác khi đọc phải nhắm mắt lại để thưởng thức hết nỗi say đắm tác giả gửi gắm vào từng câu chữ. 

Toàn bộ bài thơ câu nào ta cũng bắt gặp những hình ảnh, âm thanh chứa chan của nhịp đập con tim đang ngân lên khúc hát của tình yêu. Đó là tiếng nhịp phách "xôn xao" đó là hình ảnh: 

Cúi xuống cho mơ nồng mãn kiếp
Ngẩng lên để mộng ngát muôn đời


Hay hơn nữa, đó không còn là tiếng hát ở cõi trần nữa mà là tiếng hát mê hoặc của "nhân ngư", hình ảnh rất đẹp đó được so sánh với "nụ cười quỳnh mộng" nụ cười đó làm rung động tác giả, xao xuyến mây trời. Nụ cười của nàng đem sánh với tiếng hát tuyệt vời của nàng tiên cá thì quả là quá đẹp, quá yêu mất rồi... 

Một câu nối nhẹ nhàng cũng lại là hình ảnh đầy thơ mộng để quay lại, nhấn mạnh thêm câu mở đầu bài thơ làm nên bài Đường luật nhị thức thủ vĩ ngâm "Vầng trăng cổ tích về thơm thảo". Vô cùng nhiều hình ảnh đẹp, và những từ gợi âm thanh trong bài thơ đã đưa đến sự thành công xuất sắc của bài thơ "Phượng Nhớ".

PHƯỢNG NHỚ đọc xong như còn ngân nga mãi những giai điệu say sưa của biển trời, tình yêu đã nâng con người lên đến sự Vĩnh Cửu. Hai từ mà Kay trong câu chuyện cổ tích " Bà chúa Tuyết" của Andersen đã không sao xếp được cho đến khi gặp lại Gerda, đó là sự kỳ diệu của tình yêu. 

Minh Hien


Nhận xét

Bài đăng phổ biến