Tết ngày xưa, khuôn bánh thuẫn với cối đá 'chạy' vòng vòng
quanh xóm
Mấy chị em gái tranh thủ buổi tối bỏ lò than để rim
mứt. Bỏ chừng ba bếp lò, rim hai đêm là được các loại mứt. Hôm sau lót
báo ra sàng, bỏ mứt ra phơi khô ráo trước khi cất vào bị giấy.
Tết là trồng bông, làm dưa kiệu, rim mứt thơm...
Hình như việc đầu tiên chuẩn bị cho Tết là trồng bông. Khoảng
đầu tháng 11, ba tôi gieo bông vạn thọ, bông thược dược. Rồi mấy nhà
trong xóm nhỏ đổi nhau, nhà này xin vạn thọ con nhà kia, nhà kia xin
bông sống đời, bông cúc, bông mồng gà con nhà nọ. Xin qua xin lại, cuối
cùng trong xóm nhà ai cũng có đủ loại bông mà không phải đi mua.
Rồi khoảng chừng giữa tháng chạp bắt đầu lặt lá mai. Lặt sớm hay
muộn còn phụ thuộc vào thời tiết, canh lặt sao cho vừa kịp Tết.
Sau ngày 23, sau khi đưa ông Táo về Trời, không khí Tết chộn rộn
hơn. Đàn ông lo chùi đồ đồng, đàn bà lo làm dưa kiệu. Đồ đồng trên
bàn thờ được lấy xuống, tháo ra phơi nắng. Hái khế, hái me giã nhỏ
rồi chà xát lên đồ đồng, rồi lấy vải vụn chà. Cứ chà đến lúc nào
đồ đồng sáng trưng lên.
Củ kiệu, củ hành, đu đủ, cà rốt, su hào... xắt ra đem phơi một
nắng ngâm mắm hoặc ngâm giấm đường làm chua ngọt. Mùi hành mùi kiệu thơm
nồng khắp nhà trên bếp dưới.
Rồi khi đàn bà lo tráng bánh tráng, lo rim mứt thì đàn ông lo đi
giẫy mả (tức là ra mộ giẫy cỏ, dọn dẹp, quét vôi...).
Mấy chị em gái tranh thủ buổi tối bỏ lò than để rim mứt. Bỏ chừng
ba bếp lò, rim hai đêm là được các loại mứt. Hôm sau lót báo ra sàng, bỏ mứt
ra phơi khô ráo trước khi cất vào bị giấy.
Hồi đó không dùng phẩm màu, màu mứt từ lá dứa, lá cẩm, củ
nghệ... Nhìn mấy sàng mứt phơi ngoài sân màu sắc đẹp mắt, lòng hân hoan.
Rồi má sai đứa nhỏ nhất nhà đi nổ nếp để làm bánh in. Cả vùng chỉ
có một cái máy nổ, đứa nhỏ chờ cả ngày cả buổi mới tới lượt. Nổ
xong rồi đi xay mịn chở về.
Tối, má sên đường vàng, gừng giã nhỏ vào thơm lựng. Rồi lấy nia đổ bột nếp
và đường sên vô, nghiền cho đường và bột nếp quyện hòa, mềm mại. Rồi mấy mẹ
con, người lớn đóng, người nhỏ lấy giấy màu gói tới khuya. Cứ mười cái cột
thành một phong. Thành quả thu được là những phong bánh in đủ màu sắc.
Cả xóm xài chung chiếc cối đá xay đậu, khuôn bánh thuẫn
Tới nấu đậu khuôn. Cả xóm chỉ có cái cối đá nhà bà Tư có tay
cầm cho hai người xay. Xay đậu nành để nấu đậu khuôn phải xay hai
người vì quay rất nặng, không nhẹ như xay bột gạo tráng bánh tráng.
Cả xóm thay phiên lần lượt tới nhà bà Tư xay đậu. Bà Tư nói vói
xuống: "Cô Mừ ơi lo ngâm đậu đi, hết nhả đậu này là tới lượt
nhà cô đó".
Nhà bà Tư người ra người vào nườm nượp. Con chó già cứ thấy có người tới
là đứng dậy sủa vài tiếng rồi lững thững ra nằm phơi nắng.
Trong xóm nhà nào cũng đông con, nhà nào cũng nhiều việc để làm vì nhà
nào cũng rạo rực Tết nhứt. Đứa lột me thì khỏi đóng bánh, đứa xay bột
thì đứa lau lá chuối, tước lạt.
Cận Tết, khoảng tối 28 mới gói bánh tét chứ không gói sớm vì sợ để
lâu hư. Không gói sớm nhưng lá chuối và dây lạt đã chuẩn bị sẵn sàng trên
nia.
Còn nữa, Tết là không thể thiếu món bánh thuẫn, cái mùi thơm lừng, thơm
ngọt của nó bay khắp nhà vô cùng quyến rũ.
Nhưng trong xóm không phải nhà nào cũng sắm cái khuôn bánh thuẫn, cho nên
cái khuôn cũng rộn ràng chạy vòng vòng khắp xóm.
Tiếng pháo báo xuân sang
"Xuân đã về, xuân đã về, kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông.
Xuân đã về, trên cánh đồng, bao bác nông ngưng cày cùng vui say xuân... Xuân đã
về, xuân đã về, ta hát vang chào mừng xuân sang, xuân sang...". Trời ơi
đã chộn rộn thì chớ mà tiếng hát trong cái máy Akai cứ rộn ràng làm như sợ người
ta không biết, làm như cần phải báo tin: Xuân đã về.
Xuân đã về - Tiếng báo tin Xuân của nhạc sĩ Minh Kỳ dội vào tai, ran ran
lồng ngực. Tiếng ca thêm niềm vui để làm bao nhiêu việc, để chuẩn bị bao nhiêu
thứ. Chỉ vì một thói quen trong suy nghĩ mỗi nhà: Tết là phải có, Tết là phải đầy
đủ chu tất.
Lòng người nôn nao rạo rực vì không khí Xuân tràn lan, vì cứ một lát
nghe pháo nổ đùng đùng, một lát nghe pháo nổ đùng đùng. Ủa nhà nào xóm
trên đốt phong pháo dài đã dữ ta ơi. Nhà nào xóm ngoài mua trúng phong
pháo gì lạ nổ ì ạch buồn ngủ dị không biết.
Còn mấy đứa nhỏ trong xóm nghe nhà nào đốt pháo là chạy ào
tới, chờ nổ xong chạy ào vô lượm pháo sót. Tụi con Mọn, thằng Tèo
lùn, thằng Tí Móp đứa nào cũng có một bị pháo sót trong túi, cứ một
lát nghe tụi nó đốt cái đùng, một lát nghe cái đùng. Có đứa nhỏ không
được đi chơi với mấy đứa nhỏ trong xóm, cứ bị sai hết việc này đến
việc kia.
Chạy u ra quán bà Trầm mua cho má cái này coi con. Chạy u xuống
chợ mua cho chị cái này, chạy u ra vườn đào cho chị củ nghệ giã bỏ
thêm vô thau bột cho bánh thuẫn có màu chút coi, màu còn tái... Ngồi
đây đánh bột cho nó dậy lên coi em, bột lì gì đây bánh sao ngon được...
Trời ơi con nhỏ bị sai mệt đừ không dám cãi nhưng cái mặt chù ụ. Nhưng
một lát là hết, chỉ cần nhìn mấy phong pháo cuộn tròn trên bàn là tự
nhiên rạo rực, nôn nao. Nó nói với ba: "Phong này đốt tất niên nhe ba,
phong này đốt chiều 30 rước ông bà, phong này đốt lúc giao thừa, phong
này đốt sáng mùng 1, nhe ba". Ba nói: "Con gái gì mê pháo dữ
dị không biết".
Làm gì thì tới chiều 30 phải xong xuôi mọi việc. Sau khi cúng rước
ông bà về ăn Tết, má chuẩn bị sẵn một mâm để đúng 12h khuya, ba cúng
giao thừa.
Đùng... đùng... đùng... Đùng... Mùi nồng của pháo. Mùi thơm của
hành kiệu. Mùi thơm của bánh thuẫn. Mùi thơm của mai, vạn thọ. Mùi thơm của
nhang trầm. Mùi Tết... ngày xưa...
Tất cả đã thuộc về ký ức, với ba tiếng: Tết ngày xưa. Con nhỏ mê đốt
pháo mặt chù ụ vì cứ bị sai chạy u, chạy u ngày xưa vẫn còn nhớ.
Lòng bần thần nhớ cái gọi là Tết xưa. Nhớ cái cảm giác cầm cây
chổi đứng lâu ngoài sân, không nỡ quét xác pháo sau bữa chiều cúng tất
niên. Nhớ tiếng má kêu Quét lẹ cái sân rồi dô đây cho má sai chút coi,
sao đứng miết ngoài đó con...
Nhận xét
Đăng nhận xét