Công nghiệp quốc phòng Việt Nam:
Mức độ tự chủ và tiềm năng
xuất khẩu
Việt Nam đã tận dụng Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam
2024 (Vietnam Defence Expo 2024) để giới thiệu các thiết bị quân sự nội địa, đồng
thời đa dạng hóa các kênh hợp tác mua sắm, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và
tìm kiếm cơ hội xuất khẩu.
Cuộc triển lãm do Bộ Quốc phòng chủ trì diễn ra từ ngày 19 đến 22/12 tại
Sân bay quân sự Gia Lâm, Hà Nội trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp
quốc phòng, hiện đại hóa năng lực quân sự, đồng thời đa dạng hóa các nguồn cung
vũ khí, giảm bớt phụ thuộc vào Nga.
Chính phủ Việt Nam cho biết triển lãm này đã mang về cho Hà Nội 16 hợp đồng
với tổng giá trị khoảng 286,3 triệu USD, cùng với 17 thỏa thuận hợp tác chiến
lược giữa công nghiệp quốc phòng Việt Nam và doanh nghiệp của các nước có nền
công nghiệp phát triển như Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Bỉ…
Sự quan tâm của giới truyền thông và công chúng Việt Nam đối với triển
lãm này cũng dâng cao. Báo đài trong nước đưa tin sự kiện đã thu hút hơn
300.000 lượt tham quan của người dân và khách chuyên ngành, một số gian hàng đã
mở cửa thêm một ngày 23/12 để phục nhu cầu của người dân.
Tham vọng của Việt Nam
Từ Mỹ, Tiến sĩ Benjamin J. Sacks, nhà nghiên cứu thuộc Rand Corporation,
nói với BBC News Tiếng Việt rằng xét theo hầu hết các tiêu chí, Triển lãm Quốc
phòng Quốc tế Việt Nam 2024 là một thành công to lớn.
Theo ông, với việc quy tụ 242 công ty công nghiệp quốc phòng đại diện cho
49 quốc gia, trong đó bao gồm các đối thủ địa chính trị trên thế giới, lẫn các
nước đang có chiến tranh như Israel - Iran, Nga - Ukraine, Mỹ - Trung Quốc nói
lên rằng nền kinh tế và quan trọng nhất là ngoại giao Việt Nam đang vươn ra thế
giới.
"Tham vọng của chính phủ Việt Nam là chứng minh sự tăng trưởng và
phát triển mối quan hệ với các quốc gia và siêu cường trong một kỷ nguyên có
nhiều bất ổn. Việc Việt Nam tìm kiếm con đường trung lập giữa các cường quốc và
phòng ngừa rủi ro là một quyết định thông minh của Hà Nội," ông Sacks nêu
quan điểm.
Ông Nguyễn Thế Phương, chuyên gia về quốc phòng tại Đại học New South
Wales, Úc, đánh giá: "Tham vọng của Việt Nam là sẽ biến Triển lãm Quốc
phòng quốc tế Việt Nam trở thành một thương hiệu riêng của quân đội, và bên cạnh
đó là tham vọng mở rộng sự kiện này thành một trong những triển lãm quốc phòng
lớn nhất Đông Nam Á."
"Họ muốn gia tăng hình ảnh của mình không những với người dân trong
nước mà còn với quốc tế," ông Phương nói với BBC.
Trên thực tế, Triển lãm Quốc phòng Quốc tế của Việt Nam diễn ra khá muộn
so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Vietnam Defence Expo được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2022, trong khi
Triển lãm hàng không Singapore (Singapore Airshow) đã ra mắt từ năm 2008 và từ
lâu đã trở thành một trong những triển lãm về quốc phòng lớn nhất châu Á. Indo
Defence Expo & Forum của Indonesia thì đã xuất hiện từ năm 2004 và Triển
lãm Quốc phòng-An ninh (Defense & Security) của Thái Lan có từ năm 2003.
Ngoài ra, những con số 16 hợp đồng với tổng giá trị khoảng 286,3 triệu
USD, cùng với 17 thỏa thuận hợp tác chiến lược cũng không phải là lớn so với những
sự kiện nêu trên.
Tuy vậy, các chuyên gia nhận định với BBC rằng số hợp đồng và thỏa thuận
được ký kết không quan trọng bằng sự đa dạng của các đối tác tham gia triển
lãm.
"Singapore đã có tiếng tăm hay Indonesia đang ngày càng trở nên quan
trọng, nhưng Việt Nam có thể trở thành một nơi có tầm quan trọng chiến lược nhất,"
Tiến sĩ Benjamin J. Sacks đánh giá.
Ông lý giải rằng Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược với cả ASEAN,
Trung Quốc, Mỹ và Nga.
"Tất cả họ đều có những lợi ích đa phương đáng kể ở Việt Nam, nên
tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều khoản đầu tư và cân nhắc cẩn thận trong những triển
lãm lần sau của Hà Nội. Vì vậy, trong tương lai Vietnam Defence Expo có thể
không phải là triển lãm quốc phòng lớn nhất trong khu vực, nhưng có thể là sự
kiện có nhiều điều thú vị nhất," ông nói thêm.
Tăng cường hợp tác với tất cả các bên
Vietnam Defence Expo 2024 có sự gia tăng đáng kể về quy mô triển lãm lẫn
số lượng đơn vị tham dự so với lần đầu tiên tổ chức vào năm 2022. Trung Quốc và
Iran là hai nước lần đầu tiên tham gia sự kiện.
Chuyên gia Nguyễn Thế Phương cho rằng sự có mặt của Trung Quốc và Iran chỉ
là ví dụ của chiến lược "ngoại giao cây tre", thể hiện rằng Việt Nam
có thể mời các đối tác mà bình thường rất khó quan hệ với nhau như Irsael -
Iran, Mỹ - Nga, Mỹ - Trung Quốc…
"Điều đó thể hiện rằng Việt Nam là một điểm đến phù hợp, sẵn sàng là
bạn của tất cả, và Hà Nội sẵn sàng là một đối tác mà tất cả các bên có thể tới
nói chuyện và làm việc với nhau," ông Phương nói với BBC.
Tiến sĩ Benjamin J. Sacks nêu dẫn chứng rằng phương châm "Hòa bình -
Hợp tác - Cùng phát triển" mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến trong lễ
khai mạc của triển lãm lần này "không phải là ngẫu nhiên".
Theo ông, ở một cấp độ lớn hơn, trong một kỷ nguyên đầy bất ổn với cuộc
chiến của Nga ở Ukraine, Chủ tịch Tập Cận Bình siết chặt quyền kiểm soát ở Bắc
Kinh hay một chính quyền Trump khó đoán, Việt Nam đang tìm cách cân bằng với
các cường quốc này vì an ninh của chính Việt Nam.
"Là một quốc gia có tranh chấp chủ quyền trong khu vực Biển Đông,
vùng biển không chỉ có tầm quan trọng to lớn về an ninh, quân sự và chủ quyền
mà còn với nền kinh tế và sinh kế của đất nước, Việt Nam đang tìm cách bảo vệ lợi
ích của mình và không làm leo thang căng thẳng trong khu vực."
"Và tôi nghĩ rằng thành công của triển lãm lần này là một cách để chứng
minh rằng Hà Nội trung lập, ít nhất là trên lý thuyết, và họ sẵn sàng và cởi mở
để hợp tác với các quốc gia khác để hiện đại hóa năng lực quân sự của họ, và mở
rộng hơn là năng lực kinh tế, khoa học và công nghệ, chuyên môn và đào tạo,"
ông Sacks nhận định.
Chuyên gia Nguyễn Thế Phương bổ sung thêm rằng sắp tới có khả năng Việt
Nam sẽ có những hợp đồng mua bán vũ khí đối với những nước là đối tác chiến lược
toàn diện như Mỹ, Hàn Quốc.
"Đó là lí do vì sao những năm gần đây Việt Nam cố gắng mở rộng danh
sách các quốc gia đối tác chiến lược toàn diện. Việt Nam mong muốn có thể tiếp
cận các loại công nghệ mới," ông Phương giải thích.
'Tự lực, tự cường, tự chủ'
Trong triển lãm năm nay, Việt Nam có 77 đơn vị tham gia, trong đó có Tập
đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), các nhà máy Z111, Z113, Z131,
Z175, các công ty thành viên thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, các công ty
trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Có 69 chủng loại vũ khí, khí tài được giới quốc phòng Việt Nam nghiên cứu,
phát triển và sản xuất từ năm 2022 đến nay đã được trưng bày.
Trong đó phải kể đến khu vực đối diện với khán đài - nơi lãnh đạo Việt
Nam dự lễ khai mạc hôm 19/12, trưng bày nhiều xe tăng, pháo tự hành, xe thiết
giáp, tổ hợp tên lửa, radar của Việt Nam.
Ở khu vực gian trưng bày của Viettel High Tech có 3 loại UAV, bao gồm UAV
trinh sát, UAV cảm tử và UAV đa năng. Theo báo Quân đội Nhân dân, tất cả các sản
phẩm UAV này đều do Viettel làm chủ công nghệ, tự nghiên cứu, phát triển và chế
tạo trong nước 100%.
Một khí tài cũng gây chú ý tại triển lãm là máy bay huấn luyện TP-150 được
mô tả là "sản xuất ở Việt Nam" của công ty Flying Legend Vietnam.
Theo truyền thông nhà nước, TP-150 là sản phẩm hợp tác giữa Việt Nam và Ý, phục
vụ công tác huấn luyện bay sơ cấp và nhiệm vụ tuần tra.
Hiện chưa rõ mức độ "Việt Nam" của sản phẩm TP-150 như thế nào,
nhưng website của Flying Legend tại Mỹ cho biết công ty cung cấp nguyên bộ kit
- bao gồm thân, càng, cánh... - để lắp ráp máy bay. Với bộ kit này thì một nhà
lắp ráp nghiệp dư có thể hoàn thành việc lắp ráp một chiếc TP-150 trong 300 đến
350 giờ.
Ngoài ra còn có chiến đấu xa bộ binh XCB-01, được báo cáo là do Tổng cục
Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam nghiên cứu, phát triển và chế tạo. Xe dài 6,95
m, rộng 3,25 m, cao 2,14 m và có trọng lượng khoảng 15 tấn, sử dụng kết cấu
bánh xích có tính việt dã cao với kíp điều khiển gồm 3 thành viên.
Theo chuyên gia Nguyễn Thế Phương, chiến đấu xa đã trở thành tiêu điểm của
truyền thông trong nước, dù là vũ khí bộ binh nhưng cũng thể hiện năng lực của
Việt Nam, vì việc chế tạo xe thiết giáp không hề đơn giản, từ việc luyện thép
như thế nào, thiết kế các thiết bị bên trong ra sao...
Ông nhấn mạnh rằng các khí tài mới do Việt Nam tự phát triển và sản xuất
thể hiện rằng quân đội Việt Nam đã đầu tư rất nhiều vào việc cải thiện và nâng
cao năng lực quốc phòng, và hơn hết là việc "tự lực, tự cường và tự chủ".
Ngoài ra, ông cũng đề cao việc Quốc hội mới đây đã thông qua Luật Công
nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, trong đó cho phép doanh
nghiệp tư nhân tham gia vào toàn bộ chuỗi công nghiệp quốc phòng của Việt Nam.
"Việc cho phép tư nhân lập ra liên doanh với công ty nước ngoài cho
thấy sự cởi mở và mong muốn tăng cường nội lực của toàn bộ chuỗi cung ứng, ví dụ
như máy bay huấn luyện TP-150 hợp tác với Ý," chuyên gia này nêu ví dụ.
Ông cho rằng ở thời điểm hiện tại, Việt Nam sẽ ưu tiên những gì mà mình
có thể nội địa hóa được, còn những vũ khí công nghệ cao hơn và không có nhiều
nước nắm công nghệ cốt lõi, chẳng hạn như máy bay chiến đấu, thì bắt buộc Việt
Nam sẽ phải tìm phương án nhập khẩu phù hợp.
Bên cạnh đó, ông đánh giá rằng Việt Nam cũng sẽ từ từ học hỏi những công
nghệ cốt lõi thông qua mở rộng mạng lưới đối tác, đặc biệt là đối tác chiến lược
toàn diện.
Tiến sĩ Benjamin J. Sacks chia sẻ rằng việc chứng kiến Việt Nam giới thiệu
vũ khí được thiết kế và sản xuất trong nước là một dấu hiệu cho thấy Hà Nội
đang bắt đầu phát triển năng lực chủ quyền tự chủ trong khu vực.
Theo ông, quân đội Việt Nam thật không may là đã bị kìm hãm với những vũ
khí khí tài lỗi thời từ thời Liên Xô, ít nhất đã 35-40 năm tuổi cho đến thời điểm
này.
Ông tỏ ra lạc quan khi Việt Nam đang sử dụng chuyên môn đặc biệt về chiến
tranh rừng rậm từ thời Chiến tranh Việt Nam để phát triển cả vũ khí khí tài
trên bộ, trên không và trên biển.
"Dù Việt Nam vẫn đang sử dụng công nghệ nước ngoài nhưng đây là
ngành công nghiệp mới ra đời của nước này, và nó sẽ tiếp tục phát triển. Sẽ rất
thú vị khi theo dõi sự phát triển này và thấy Việt Nam tự sản xuất thiết bị
quân sự của riêng mình," nhà nghiên cứu của Rand Corporation chia sẻ.
Tìm kiếm cơ hội xuất khẩu
Việt Nam là một trong 20 nước mua vũ khí lớn nhất thế giới, với số liệu từ
Bộ Quốc phòng cho biết chi tiêu quân sự hằng năm trên 2% tổng sản phẩm quốc nội.
Nhưng những năm gần đây, các quan chức của Bộ Quốc phòng nhiều lần tuyên
bố thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm quân sự hiện là ưu tiên hàng đầu.
Các chuyên gia nói với BBC rằng Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam
2024 là dịp để các công ty quốc phòng cả tư nhân lẫn nhà nước tìm được thị trường
và đối tác để xuất khẩu vũ khí, tối đa hóa tập khách hàng, để vừa bán được hàng
vừa có tiền tái đầu tư để mở rộng quy mô của nền công nghiệp quốc phòng.
Theo ông Thế Phương, một trong những mảng mà Việt Nam tự tin có thể xuất
khẩu là vũ khí nhỏ như súng cối, đạn dược và một số mặt hàng có liên quan đến
vũ khí công nghệ cao của Viettel như UAV, radar, cũng như một số sản phẩm của
ngành công nghiệp đóng tàu.
Còn về các vũ khí khí tài lớn hơn, Tiến sĩ Benjamin J. Sacks cho rằng Việt
Nam không thể xuất khẩu ra nước ngoài trong nhiều năm tới.
Ông nêu ví dụ về Ấn Độ, quốc gia đã phát triển ngành công nghiệp quốc
phòng kể từ khi giành được độc lập vào năm 1950. New Delhi đã chuyển đổi dần dần
từ việc dùng vũ khí của Anh sang mua khí tài từ mọi phía trong Chiến tranh Lạnh,
và nhập khẩu một lượng lớn thiết bị từ Liên Xô cho đến phát triển ngành công
nghiệp vũ khí riêng ở trong nước, hợp tác với các nhà thầu quốc phòng Liên Xô,
Mỹ, Anh và các nước châu Âu.
Tới năm 2024, Ấn Độ đã trở thành nước xuất khẩu vũ khí tiên tiến trên mọi
lĩnh vực, từ dưới biển đến không gian.
Tiến sĩ Sacks cho biết đây là con đường mà Việt Nam đang hướng tới.
"Việt Nam rốt cuộc sẽ cố gắng bán một thứ gì đó, có thể là cho các
nước ASEAN. Nhưng sẽ mất nhiều thập niên để Việt Nam có thể đạt đến trình độ xuất
khẩu được những thiết bị quân sự lớn," ông kết luận.
Nhận xét
Đăng nhận xét