Sư Minh Tuệ trả lời BBC:
'Họ hoan nghênh hay đánh đập, bắt
nhốt thì con cũng thấy như nhau'
Sau giai đoạn tu tập tại Việt Nam với nhiều lần bị gián đoạn,
hiện nay sư Thích Minh Tuệ đang thực hiện một cuộc bộ hành qua nhiều nước với
đích đến là đất Phật Ấn Độ.
Ông đã xuất phát từ Việt Nam, đi bộ qua miền nam Lào rồi qua cửa khẩu
Vang Tao để vào Thái Lan vào ngày 31/12/2024.
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư
Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 thuộc khu vực huyện Phibun Mangsahan, tỉnh
Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
BBC News Tiếng Việt đã có mặt tại tỉnh Ubon Ratchathani và có cuộc trao đổi
với sư Minh Tuệ.
Bộ hành ở Thái Lan
BBC: Thưa nhà sư Minh Tuệ, ông có thể cho biết là đi bộ ở Lào và Thái Lan
có khác gì với đi bộ ở Việt Nam không và khác như thế nào?
Sư Minh Tuệ: Vâng, đi bộ ở Lào với ở Thái thì nói chung là đều mệt mỏi cả,
nói chung là đều rát chân. Ở Việt Nam cũng thế, nhưng ở bên Lào hay Thái Lan
thì nói chung là mình còn đi bộ thoải mái được, mọi người không đi theo mình
nhiều, [số người đi theo] ít thì mình có điều kiện. Còn ngày xưa ở Việt Nam thì
đi bộ cũng giống như thế này, nhưng sau đó mọi người đi theo đông rồi lại khó
khăn. Khó khăn là chỗ đông người thôi.
BBC: Hiện tại thời tiết bên Thái Lan khá nóng, sư có thể cho biết là đi bộ
trong thời tiết nắng nóng như thế này có gì khó khăn không?
Sư Minh Tuệ: Vâng, nóng hay lạnh hay gì thì cũng khó khăn. Nhưng mà như
con đi học tập thì cũng khắc phục được. Nói chung là bình thường cũng không khó
khăn lắm, khắc phục khó khăn.
BBC: Một ngày sư sẽ khởi hành lúc mấy giờ và đi đến mấy giờ thì nghỉ?
Sư Minh Tuệ: Ở đây có anh Báu [ông Đoàn Văn Báu, người trước đây được
truyền thông Việt Nam giới thiệu là tiến sĩ tâm lí tội phạm] và anh Giáp [ông
Lê Khả Giáp, một người từng đi bộ qua nhiều nước, nhà sản xuất nội dung trên
các nền tảng số] giúp đỡ tìm chỗ ở và làm thủ tục giấy tờ. Chẳng hạn như đi qua
Thái Lan thì họ cho đi 1.200km trong 60 ngày, thì trung bình mình đi từ
20-25km/ngày, phù hợp với thời gian quy định của nước Thái và vừa sức khỏe
mình. Chứ bây giờ mà đi 50km/ngày rồi bữa sau hư chân hư cẳng cũng không được.
Vai trò của ông Đoàn Văn Báu
BBC: Trên YouTube, ông Đoàn Văn Báu nói là đã đến xin sư đi cùng, đó có
phải là lần đầu tiên hai người gặp nhau không?
Sư Minh Tuệ: Ngày xưa ở Việt Nam thì con có đem tâm nguyện của mình lên mạng.
Nói chung bất kì anh Báu hay ai giúp đỡ cũng được. Nhưng anh Báu đến giúp đỡ
trước và đảm bảo. Chứ đã nhận anh Báu giúp đỡ rồi thì đâu nhận người khác được,
đúng không? Người ta đã giúp đỡ thì mình cũng vui vẻ. Họ làm tốt việc đó thì ai
cũng bình đẳng giống ai, họ làm được thì cứ để cho họ làm, giúp đỡ.
BBC: Điều gì đã khiến sư tin tưởng ông Báu có đủ khả năng và đủ lòng để
đi cùng với mình?
Sư Minh Tuệ: Vâng, con không biết anh Báu là ai. Con cũng không biết anh
Báu là an ninh hay quân đội hay là người nông dân gì hết. Nhưng mà con thấy một
người khi mình đem [tâm nguyện] lên mà họ chạy đến với mình trước, thì dường
như là họ có niềm tin rằng họ làm được thì họ mới tới. Chứ không lẽ một người bảo
là dẫn mình bơi qua sông mà họ không biết bơi thì người đó chắc chả dám chạy tới.
Thì mình nói ở đây là cái chân thật của họ.
Con cũng không biết họ có hại mình, hay như có người nói là Việt cộng hay
cái gì phản động, con chả cần biết. Nhưng mà chỉ cần giúp con thủ tục giấy tờ với
lại đi thôi, còn những chuyện khác con không biết.
Con thấy bất kỳ ai mà đến trước thì con nói người đó [đi cùng] trước. Con
không biết họ có làm được hay không, nhưng mà thấy họ đến trước còn những người
khác chẳng qua họ đến sau, rồi họ nói tùm lum. Chẳng hạn như khi thấy được rồi
thì lại nói người ta. Chẳng hạn như tại sao mình làm tốt sao mình không đến sớm.
Nói chung là ai đến trước thì mình thấy người đó tốt đẹp trước.
BBC: Từ ngày bộ hành từ Việt Nam đến nay cũng đã được gần một tháng, sư
thấy việc đặt niềm tin vào ông Báu và ông Giáp có đúng không?
Sư Minh Tuệ: Con cũng không nghĩ tới cái gọi là đặt niềm tin hay không đặt
niềm tin. Chẳng hạn như các anh đang đảm bảo tốt thì đi, nhưng cái vô thường
mình cũng không biết được, như ở trên đường anh ấy đau ốm hay vô thường nó tới
thì sẽ có người khác giúp, hay là có chuyện gì… Chẳng hạn là ai cứ nói tôi làm
được, nhưng mình bệnh chết hay những cái vô thường mình không nói được.
Mình thấy ngày hôm nay và ngày mai tốt đẹp cái đã. Biết ngày hôm nay là
được rồi, đừng biết ngày mai. Nếu ngày mai không còn, kể cả con cũng thế, cứ
nói là đang đi Ấn Độ nhưng mà chiều nay chết ngay thì làm sao đi nữa. Nhưng mà
thấy đang tốt đẹp.
BBC: Vậy tức là từ ngày rời Việt Nam tới nay thì mọi chuyện đều tốt đẹp,
có phải không?
Sư Minh Tuệ: Vâng, đều tốt đẹp, không có gì khó khăn cả, nói chung là đều
khắc phục được.
BBC: Vậy còn cả đoàn gồm các sư khác, ông Báu, ông Giáp và những người hỗ
trợ… thì có ai đau ốm gì không?
Sư Minh Tuệ: Vâng, ốm thì có ốm, nhưng mà ốm lặt vặt bình thường, chẳng hạn
như sổ mũi, nhức chân, hay giẫm cái đinh hay cái gai hay thay đổi thời tiết,
cái này bình thường. Họ đều khắc phục được cả, không sao.
Vì sao đi Ấn Độ?
BBC: BBC có đọc được một lá đơn của sư nói rằng muốn đi tới Ấn Độ. Trước
đó sư đã đi bộ hành ở Việt Nam được vài năm, xin hỏi vì sao bây giờ lại quyết định
đi sang Ấn Độ?
Sư Minh Tuệ: Vâng, nói chung là tất cả đều do duyên. Đủ duyên thì mình
đi, chưa đủ duyên thì mình chưa đi. Nhưng mà thấy thời này cũng đủ duyên rồi. Tất
cả đều do nhân duyên, chết rồi thì không đi được. Nhưng mà vẫn còn sống tốt đẹp
thì nên đi Ấn Độ.
Với lại ở Việt Nam mình cũng học rồi, đi ra nước ngoài, thế giới thì mình
học được nhiều hơn. Đi nhiều học nhiều, học rộng. Mọi người cũng nên đi, đi được
nhiều học nhiều thì mới mở mang được, chứ ở nhà trong lũy tre làng thì chả
thoát ra được.
Học nhiều, mình biết được nhiều thứ hơn, học hỏi kinh nghiệm hơn về tất cả
mọi cái.
BBC: Sư có nói về việc đã thấy "đủ duyên", sư có thể giải thích
kỹ hơn rằng "đủ duyên" là như thế nào không?
Sư Minh Tuệ: Vâng, giống như thấy lúa chín rồi thì mình tới mình gặt chứ
để rồi nó rụng đi.
Chẳng hạn bây giờ mình đang trẻ khỏe, mà ở Việt Nam thì mình đi rồi, học
rồi, nhưng ở Việt Nam thì giờ đi lại khó khăn. Cơ hội ra ngoài thoải mái hơn, đủ
điều kiện hơn thì mình nên đi, không để mai mốt già rồi lại khó đi, sức khỏe
không cho phép hay là bệnh dịch tới.
Nên là đủ duyên và hợp thời thì mình nên đi để tranh thủ khi sức khỏe
mình đang tốt nhất. Vì đường sá xa xôi và còn ra nước ngoài nữa nên nếu sức khỏe
hạn chế thì lại khó khăn. Nên con thấy là đi sớm học hành thì tốt đẹp hơn.
BBC: Ở trên mạng có những ý kiến cho rằng ông Báu là người quyết định sư
nào được đi cùng đoàn, sư nào không được. Sư nghĩ sao về việc ông Báu quyết định
đi cùng, ai không đi cùng?
Sư Minh Tuệ: Vâng, anh Báu cũng có quyết định được. Tại vì cái gọi là các
sư thì con không mời chào họ. Tại vì con với các sư phụ không phải là thầy trò
đệ tử gì cả, cũng đều học Phật Thích Ca Mâu Ni, cũng là đệ tử Phật cả, đều bình
đẳng, anh em huynh đệ, hữu duyên thì đi cùng, không hữu duyên thôi.
Con đi ra nước ngoài như thế này là con đi nhưng anh Báu tổ chức làm giấy
tờ, nhưng giấy tờ thì anh Báu không quyết định được, tại vì [tùy] vào pháp luật
nước đó, hay quy định của Việt Nam, của Lào hay của Thái Lan. Cái này anh Báu nắm
được nên tùy tình hình mà cho phép người đi, hay những người nào đi để học tập,
rèn luyện được vì giờ con đâu có kêu rủ đâu.
Giờ con cũng không sử dụng điện thoại, không liên lạc được với vị nào muốn
đi và không biết về mạng xã hội, nhưng anh Báu làm được cái đó.
Con cũng nói là theo quy định của pháp luật nước đó như thế nào thì anh
Báu thấy tùy ý hợp thời mà tạo điều kiện được, tốt đẹp thì giúp đỡ cho họ đi. Với
lại cũng xem xét trên mạng xã hội họ nói sư này như thế nào, sư kia như thế
nào, đi để phá, hay chưa được, hay lung tung ra thì cũng không nên.
Con thì không biết cái đấy. Con nói là vị này đi được hay không con không
quan trọng. Tất cả các sư đều bình đẳng, gặp trước đi trước, con là như thế, gặp
sau đi sau, ai đi được thì đều tốt đẹp cả.
BBC: Nếu bây giờ nói là sư Minh Tuệ đã ủy nhiệm cho anh Đoàn Văn Báu việc
lựa chọn thành viên của đoàn thì là đúng hay sai?
Sư Minh Tuệ: Ủy nhiệm hay không, nhưng mà chỉ đi từ đây tới Ấn Độ thôi.
Con nhờ anh Báu làm thủ tục giấy tờ. Nếu mà anh tự nguyện giúp đỡ đúng như nguyện
hạnh của mình thì để anh ấy làm.
Đáng nhẽ là con chỉ xin mình con đi thôi, nhưng anh Báu biết được luật,
cho thêm các sư phụ thì để cho anh tự sắp xếp. Giờ anh ấy hỏi thì con cũng nói
là đều tốt đẹp cả.
Nhưng nếu như khi đang đi trên đường mà anh Báu làm ngược lại hay làm
sai, chẳng hạn như dẫn những chỗ ở không đúng hạnh đầu đà, không đúng giới luật,
như nhà nghỉ, nhà dân… thì con không cần anh Báu nữa.
Con cần người tạo điều kiện giúp đỡ mình và con cũng nói với anh Báu trước
như thế, đảm bảo sức khỏe, đúng giới luật, cái học của mình, căn các nơi để nghỉ
ngơi cho vừa sức.
Mình đi được 20 cây số mà đặt cái chỗ nghỉ 30 cây số thì kêu anh Báu đi
chứ mình đâu đi nổi. Với lại cần đi ở cái chỗ mà mình khất thực được, phải phù
hợp, chứ không phải dẫn bậy dẫn bạ. Ý là mình cố gắng mình đi nhưng khi mà
không hợp lý nữa thì thôi. Cái đấy cũng không phải cứ nhất nhất như vậy.
BBC: Lí do BBC hỏi câu này là vì trên mạng có những người nói rằng ông
Báu "vượt quyền", hay kiểm soát tất cả mọi người nên muốn nhờ sư giải
đáp?
Sư Minh Tuệ: Cái này thì chẳng hạn quy định ở nước Thái Lan là cho đoàn
10 người hay 15 người thì đâu thêm người được nữa.
Họ đi sau như quay YouTube hay làm cái gì là việc theo quy định không ảnh
hưởng tới ai, nhưng mà chẳng hạn anh Báu đi, rồi người khác đi, rồi người khác
đi nữa, cho đi theo rồi ai cũng chạy sang thành một đoàn dài như thế đâm ra lại
ảnh hưởng lẫn nhau là không được.
Nếu như họ cho 15 người chẳng hạn thì 15 người đi theo đúng quy định của
pháp luật thì được, nhưng mà nếu có thêm ai đi theo khiến họ trục xuất tất cả
thì đâu được, cái đó cũng khó cho anh Báu. Nhưng anh làm cái đấy là để đảm bảo
được, chứ không ai đi cả, rồi kéo theo một đoàn là không được.
Mọi người đều có quyền đi theo quy định của pháp luật, nhưng không ảnh hưởng
tới ai. Chẳng hạn như những người khác đi theo mà ảnh hưởng đến con với mọi người
và anh Báu thì cũng không được, hay ảnh hưởng đến luật pháp cũng không được.
Nói chung là mình làm đúng theo quy định của pháp luật thì mình được đi.
Còn anh Báu thì anh ấy cũng trong đoàn này thôi chứ anh chả có quyền hạn
gì to. Như anh [nói với phóng viên BBC] cũng thế, nếu mà anh nói tôi có thể làm
tốt hơn, làm visa tốt hơn, chạy đến nói với con thì anh Báu cũng để cho anh đi
thôi.
Nếu mình có đủ khả năng nói rằng tôi đến đây để [đưa đoàn] qua Thái Lan,
qua Myanmar, tôi có thể cho nhập cảnh, tôi có thể đi đối thoại với Bộ Ngoại
giao, mà trong khi anh Báu làm không được, thì mình cũng có quyền để nói nhưng
mà anh làm được cả thì để cho họ làm. Mình không nên gây rối họ làm gì.
Kế hoạch đi Ấn Độ
BBC: Được biết hành trình sang Ấn Độ của sư sẽ đi qua Myanmar, xin hỏi sư
có lo ngại về vấn đề nội chiến ở Myanmar không?
Sư Minh Tuệ: Không, nội chiến hay không nội chiến, con tới đó mà họ nhập
cảnh thì con cũng đi hết. Con không lo, nhưng mà sợ họ không cho nhập cảnh, thì
mình dùng phương án khác.
Nhưng mà kể cả chiến tranh hay không chiến tranh, cho nhập cảnh là con
vào. Con không sợ chết, con vẫn mong cho mọi người hạnh phúc. Nhưng mà khi đến
đó thì những người khác như anh Báu chẳng hạn, nếu tới đó sợ chết thì chạy về,
mình con đi thôi có gì đâu.
BBC: Sau khi đến Ấn Độ thì sư có dự định gì?
Sư Minh Tuệ: Vâng, dự định đến học tập ở Ấn Độ một thời gian, nói chung
là cũng không biết bao lâu. Con thì không có bó buộc thời gian, nên tập trung đảnh
lễ học tập tìm hiểu Ấn Độ, đến Hi Mã Lạp Sơn có thể là tu hành ở núi, ở rừng một
thời gian. Con cũng có ý nguyện bộ hành nữa.
BBC: Sư đã chọn được địa điểm để đi bộ hành đến chưa?
Sư Minh Tuệ: Muốn đi đâu con không nói trước. Nhưng mà mình vẫn còn khỏe
thì tiếp tục vòng quanh, nhưng chưa biết đi đường như nào.
BBC: Sư đã có dự định quay về Việt Nam, trước hoặc sau khi đến Ấn Độ
chưa?
Sư Minh Tuệ: Quay về Việt Nam thì nói chung cũng tốt đẹp, nhưng mà phải hữu
duyên. Quay về cũng tốt đẹp, mà không quay về cũng tốt đẹp, chứ đâu phải nhất
thiết mình phải quay về hay không. Cái đó tới duyên, còn duyên thì quay về, còn
sống với cả có điều kiện.
Bộ hành thế giới cũng thế, có điều kiện [thì mới đi] chứ đâu nhất thiết
đi được đâu. Nói chung tất cả cũng là vì nhân duyên chứ mình không nói trước được
gì cả. Hôm nay bộ hành cái đã, ngày mai còn thở thì tiếp tục.
Tự nguyện dừng khất thực?
BBC: Vào thời điểm ngày 2/6/2024, khi sư và đoàn đi theo đang bộ hành ở
Huế thì bất ngờ không thấy đoàn đâu nữa. Đến sáng ngày 3/6 thì có những hình ảnh
chụp sư đang làm căn cước công dân ở Gia Lai. Khi đó sư đi bằng cách nào từ Huế
đến Gia Lai?
Sư Minh Tuệ: Con thì cũng không muốn nói cái đấy. Nhưng mà nói chung là
an ninh họ đem đi.
BBC: Trước đó thì an ninh có liên hệ hay báo trước với sư là tới lúc đó
là sẽ di chuyển như vậy không?
Sư Minh Tuệ: Những cái đấy thì con cũng không được rõ lắm, đó là việc của
họ. Tại vì theo con nghĩ nếu lúc đó không có người dân đông thì họ đâu có đem
đi.
Cái gì cũng đều do duyên, có nhiều người đi theo đông, chứ nếu mà không
có những người Phật tử chạy theo thì cũng không có chuyện đó xảy ra. Nên tất cả
mọi cái là việc tất yếu nó như thế thôi.
Nếu mà nói mục đích sâu xa hơn nữa thì lý do mất tích đem đi đó là do những
người chạy theo đông mới như thế, mới đem đi, [bởi vì] ảnh hưởng an toàn giao
thông.
Nếu mà mình không vi phạm giao thông hay an toàn trật tự thì mọi cái đã
không có vấn đề gì. Cái đó mình cũng gọi là việc chủ quan với khách quan. Con
nghĩ là cũng do duyên, cái này cái kia chứ mình cũng không trách ai hay nói gì
cả. Buộc nó phải như thế, nhân quả nó xảy ra, nhưng mà cũng qua điều kiện như vậy
mà mình có thể học tập, thử thách.
Nhưng mà họ làm việc gì với mình, mình không sân hận, không oán ghét họ,
bình đẳng mong tất cả mọi người đều tốt đẹp.
BBC: Hồi đó, có phóng sự của VTV phỏng vấn sư phát vào ngày 8/6. Trong thời
gian từ ngày 3/6 đến ngày 8/6, sư làm gì và ở đâu?
Sư Minh Tuệ: Con ở Công ty Cà phê Ia Châm [huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai]. Ở
đó tránh một thời gian để mọi người khỏi tới đông. Ở đó thì có mấy người nhà,
có anh Tuấn, lúc đó đang làm chỗ công ty đấy, cho cơm, có mấy người trong công
ty đó cũng cho bữa cơm. Thì mình tạm thời ở như thế sau đó thì đi khất thực.
Những lá đơn
BBC: Trên mạng và báo chí đăng hai lá đơn nói là của sư, một lá đơn là về
việc sư không muốn mọi người đưa hình ảnh của mình lên mạng, một lá đơn thể hiện
mong muốn đi Ấn Độ và có ai có thể giúp phần giấy tờ . Có những người cho rằng
hai lá đơn đó không phải do sư viết. Sư có thể xác nhận hai lá đơn đó có phải
là do mình viết hay không?
Sư Minh Tuệ: Con thì không tự mình đưa hình ảnh [lên mạng], nhưng mà có
nhiều người nói là đem hình ảnh của con rồi lên gây lung tung chuyện trên mạng.
Con thì không cần biết mạng là gì.
Nhưng cũng có người chạy tới nói với con là viết cái lá đơn không đem
hình ảnh thì con cũng viết lá đơn không đem hình ảnh.
Nhưng cũng có người chạy xin đem hình ảnh lên mạng, thì con cũng cho. Họ
xin cái gì con cho cái đấy... nhưng mà phải đúng với quy định pháp luật.
BBC: Sư cho hỏi người đến nhờ sư viết lá đơn là ai vậy?
Sư Minh Tuệ: Lá đơn ấy là con viết là thật.
Nhưng nói chung là họ đã xin và con đã cho rồi thì không nên hỏi ai nữa.
Tại vì giờ con đã cho anh rồi thì con không có kiện cáo hay đòi hay không nuối
tiếc nữa. Đã cho là không tìm đến.
Nên những cái đấy thì cũng thôi, xin không nên truy tới họ. Nhưng mà con
có cho cái người đó.
Chẳng hạn như giờ con đang ngồi đây mà có người xin chém một nhát thì con
cũng cho, nhưng không nói là ai chém rồi người ta lại tìm đến để đánh đập người
đó thì đâu được. Mình đã cho người ta rồi mình không đòi nữa, mình không tìm nữa.
BBC: Vậy thì nội dung của lá đơn đó là sư tự viết hay cũng là người đó nhờ
viết?
Sư Minh Tuệ: Vâng, nói chung là anh muốn như thế nào con viết cho anh như
thế.
Con cũng nói với anh là không cần phải biết ai nói, cho ai. Cho rồi con
không tìm nữa. Nhưng mà họ xin cái gì con cho cái đấy, chẳng hạn như anh tới
xin phỏng vấn con cũng cho phỏng vấn. Nhưng ai hỏi ai tới con không biết, con
cho người đó như thế nhưng con không biết người đó là ai. Con cũng không hỏi
anh là ai nữa.
BBC: Vậy còn lá đơn sư muốn đi sang Ấn Độ là có người nhờ viết hay sư tự
viết?
Sư Minh Tuệ: Không, lá đơn mà đi Ấn Độ là tự con [viết], không ai nói cả.
Tự mình đi mà, không cần thế lực nào, đó là tâm nguyện của mình.
Còn việc sử dụng hình ảnh là không phải tâm nguyện, mà đó là cái ở thế
gian, cái phóng giật, cái lung tung thì họ mới xin, chứ có ai chạy tới nói đi Ấn
Độ đâu.
Nên đi Ấn Độ ấy là tự con, nhưng cái đó con nghĩ là cái giá trị với cái tốt
đẹp nhất đối với con hiện giờ.
Về cuốn sách Hương bay ngược gió
BBC: Thời gian gần đây có một cuốn sách viết về sư, tên là Hương bay ngược
gió. Sư có biết đến cuốn sách này không?
Sư Minh Tuệ: Vâng, con có xem cuốn sách rồi, con giở ra một vài trang,
nhưng con chưa đọc. Con không yêu cầu họ viết. Họ thấy tốt đẹp như thế nào,
mang lại lợi ích, vui vẻ gì cho họ thì họ viết, đó là việc của họ, con không có
ý kiến gì.
Con không đính chính là đúng hay sai. Nhưng mà con chỉ có nhiều cái làm
chưa được, chẳng hạn như là con phát nguyện đi bộ nhưng mà rồi lại đi xe đấy.
Nhưng mà nếu họ muốn vẽ voi, vẽ chuột, hay muốn làm gì để họ hạnh phúc
vui vẻ mà không ảnh hưởng tới ai thì họ cứ làm, con không kiện cáo hay đòi bản
quyền, không nói gì hết. Ai thấy vui vẻ, họ muốn làm thì cứ làm.
BBC: Xin hỏi sư có được cuốn sách đó từ đâu?
Sư Minh Tuệ: Cái đấy con không tự lấy được, nhưng lúc đấy có anh Hà, kênh
YouTube Sơn Tây Phố, vào chỗ con gặp con thì anh ấy mua được cuốn sách đó. Anh ấy
nhờ xem thì con mới biết tới cuốn sách đó. Lúc đó con đang ở Thiên Định Tuệ, ở
tỉnh Gia Lai. Ngày mấy thì con cũng không biết, nhớ là ngày 16 hoặc 17/11 hay
sao đó.
BBC: Sư đã đọc nội dung cuốn sách này chưa?
Sư Minh Tuệ: Chưa, con chưa đọc.
BBC: Theo BBC được biết thì cuốn sách này hiện tại đã bị cấm xuất bản ở
Việt Nam...
Sư Minh Tuệ: Vâng, cấm thì thôi. Tại vì đối với con thì không cấm cũng tốt
đẹp mà cấm cũng tốt đẹp… Tại vì mình cũng đâu cần thiết mấy cái đấy đâu. Mấy
cái đấy cái lung tung.
Nhưng mà con cũng khuyên mọi người là viết sách hay tranh ảnh hay cái gì
mà ảnh hưởng đến ai thì mình không nên làm. Những cái như giữ giới, đừng trộm cắp,
đừng nói láo… thì tốt đẹp.
Nhiều người đi theo ở Việt Nam
BBC: Cách đây vài năm, khi sư đi bộ hành ở Việt Nam thì không có nhiều
người chú ý như bây giờ. Sư cảm thấy thế nào khi mình đột nhiên được chú ý như
vậy?
Sư Minh Tuệ: Cái đấy thì con cũng thấy bình thường thôi. Cái đấy là con
cũng thấy là cái nghiệp quả để mình học, mình thử thách thôi.
Tại vì đông người rồi thì cái tham của mình được nhiều người tới rồi cung
kính, rồi yêu mến, rồi ủng hộ để xem mình như thế nào. Nhưng mà mình thấy cái đấy
bình thường, coi như là cảm ơn tất cả mọi người, cái món quà tốt đẹp.
Nhưng mà con cũng nghĩ là mình chưa xứng đáng để nhận cái món quà to lớn
như thế. Thôi mình im lặng vì mình cũng thấy bình thường.
Con cũng nghĩ là giờ họ chạy tới họ hoan nghênh với mình như thế, họ chào
đón mình hay là giờ họ chạy đến đánh đập, chửi mắng mình, bắt nhốt mình… thì
con cũng thấy như nhau, bình thường. Nói chung là để mình rèn luyện cái tâm của
mình không dao động.
Nói chung là có cũng bình thường, không có cũng bình thường.
BBC: Hôm mà sư nói là an ninh đưa đi vào đêm 2/6/2024, khi đó đoàn cũng
lên đến vài chục người. Lúc đó sư có biết các sư khác ở đâu và có lo lắng khi
đoàn bị tách ra như vậy không?
Sư Minh Tuệ: Vâng, con [lúc đó] nói chung là cũng có dao động chứ không
phải là không. Nhưng mà con cũng nghĩ là tội cho các sư phụ, các vị đi như thế
này.
Nhưng mà con nghĩ là mình làm những việc không lỗi lầm, tại vì mình không
có sát sanh, không có trộm cắp, không có ai kiện cáo hay là ai nói gì, chỉ có
đi theo rồi đông người, ảnh hưởng an toàn giao thông mất trật tự.
Đi như thế con cũng nói là mong cho các sư phụ được tốt đẹp chứ đừng có xảy
ra như thế. Con cũng muốn nói với họ là thôi bắt mình con đi thôi, để cho họ
thoải mái, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm. Vậy cũng không có sao.
BBC: Khi sư nói như vậy thì họ phản ứng như thế nào? Hoặc khi đưa sư đi
thì thái độ và cách cư xử của họ là như thế nào?
Sư Minh Tuệ: Con thấy họ cũng tốt đẹp bình thường, họ cũng nói bình thường
tốt đẹp.
Nhưng mà con cũng nói rồi, con bây giờ là một người tu hành, không liên
quan gì đến chính trị, xã hội, an ninh gì cả. Nhưng mà họ là chính quyền thì họ
muốn làm gì thì họ làm, mình là nông dân mình nói gì được.
Anh muốn đem [đi] thì đem [đi], hay là muốn cái gì cũng được, mình cũng
vui vẻ, mình cũng tư duy là tất cả những cái đó đều thuộc về đảng phái, chính
trị, công việc của họ. Họ muốn làm thì họ làm, họ không làm thì thôi, cái đấy
mình cũng không có ý kiến, hay nói là "tôi phải như thế này, tôi phải được
cái này, tôi phải được cái kia" gì hết.
Con nói là "anh thấy hợp thời vui vẻ thì anh làm, anh muốn đi đâu
cũng được", tùy họ, thích đem [đi] thì đem [đi], mà không thích thì thôi.
Đấy là việc làm của họ. Họ ưng thì họ làm, con cũng không kiện cáo, cũng không
nói là đáng nhẽ tôi phải ở chỗ này chỗ kia. Cái đấy là niềm vui của họ, mà họ
thấy là họ làm như thế này là đúng, là hợp thì làm. Tại vì cái đấy là bên đảng,
cơ quan nhà nước, mình không biết gì cả. Cái đấy thì tùy chứ con cũng không oán
hận họ, không kiện cáo với họ gì cả.
BBC: Thưa sư Minh Tuệ, do đoàn dự kiến tiếp tục bộ hành nên BBC xin phép
kết thúc phỏng vấn tại đây. Tuy nhiên, BBC có thể xin ngày mai quay lại phỏng vấn
thêm được không ạ?
Sư Minh Tuệ: Khi nào hợp thời thì cứ phỏng vấn. Phỏng vấn cả ngày, nói
chung khi nào cũng được.
Tại vì con nói toàn sự thật như thế, con cũng không có giấu chiếm gì cả.
Tại vì con chả lo lắng điều gì nữa. Được sống ngày nào thì bộ hành, tu hành, mà
không được thì thôi chứ con cũng không lo lắng chỗ này chỗ kia.
Nên là mọi người có duyên, đủ duyên thì gặp thoải mái. Nhưng mà phải có
chỗ nghỉ ngơi như thế này thì được.
Nhưng mà giữa đường thì không nên. Không nên tụ tập những chỗ mà gây đông
người hay gây chú ý gì ai. Mọi người thấy phỏng vấn mà đem lại lợi ích, đem lại
hạnh phúc, vui vẻ cho mình thì cứ làm.
Nhận xét
Đăng nhận xét