Quân đội Việt Nam hiện đại hóa: Dần rời xa vòng tay Nga?

 
Quân đội Việt Nam hiện đại hóa: 
Dần rời xa vòng tay Nga?

Việt Nam là một trong 20 quốc gia mua vũ khí hàng đầu thế giới, với ngân sách nhập khẩu vũ khí hằng năm khoảng 1 tỷ USD và dự kiến sẽ còn tăng lên, theo GlobalData, một nhà cung cấp thông tin tình báo về mua sắm quân sự.
 
Phần lớn số tiền đó trước đây đã được chuyển cho Nga, quốc gia trong nhiều thập niên là nhà cung cấp vũ khí và hệ thống phòng thủ chính của Việt Nam.
 
Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Moscow chiếm hơn 80% lượng vũ khí nhập khẩu của Hà Nội trong giai đoạn 1995-2023.
 
Nhưng con số này đã giảm trong những năm gần đây, khi Nga không thể cung cấp cho Việt Nam những vũ khí khí tài tiên tiến, cũng như đối mặt với lệnh cấm vận từ phương Tây vì cuộc xâm lược Ukraine.
 
Điều này càng đẩy nhanh việc Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung, vốn đã bắt đầu trước cả khi Nga đánh Ukraine, chuyển hướng sang mua thiết bị quân sự từ những nhà cung cấp mới, bao gồm Mỹ, Israel, Hà Lan, Hàn Quốc… cũng như tăng cường tự sản xuất vũ khí.
 
Theo các chuyên gia, Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam International Defence Expo 2024) diễn ra từ ngày 19 – 22/12 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội là minh chứng mới nhất cho việc Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung, giảm dần phụ thuộc Nga.
 
Triển lãm đã thu hút 242 đơn vị từ các cường quốc công nghiệp quốc phòng như Mỹ, Israel, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ...
 
"Không còn nghi ngờ gì nữa về tính quốc tế và đa dạng của Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, hay thậm chí là triển lãm đầu tiên vào năm 2022. Điều đó cộng với việc Việt Nam giới thiệu các thiết bị tự thiết kế và phát triển trong nước cho thấy cuộc chơi đang thay đổi đối với Moscow," Tiến sĩ Benjamin J. Sacks, nhà nghiên cứu từ Rand Corporation, Mỹ, bình luận với BBC News Tiếng Việt.
 
"Những ngày tháng Nga độc quyền bán vũ khí cho Việt Nam đã qua và đã qua từ lâu rồi," ông nói thêm.
 

'Lượng nhập khẩu vũ khí Nga xuống 50% và còn giảm thêm'
Tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022, tập đoàn vũ khí hàng đầu của Nga Rosoboronexport góp mặt với gian hàng lớn, gồm drone, xe thiết giáp, trực thăng, máy bay, vũ khí loại nhỏ.
 
Năm nay, Rosoboronexport giới thiệu các mô hình kích thước đầy đủ của tổ hợp tên lửa đối hải Rubezh-ME, xe chiến đấu bộ binh BMP-3 với giáp tăng cường và hệ thống tên lửa chống tăng Kornet-EM đặt trên khung gầm xe bọc thép kháng mìn Typhoon-K.
 
Nhưng trang Defense Express nhận định chỉ với ba loại vũ khí này, sự hiện diện và sức ảnh hưởng của vũ khí Nga ở Việt Nam đang suy giảm.
 
Một số ý kiến cho rằng Nga đang hy vọng Việt Nam có thể mua xe chiến đấu BMP-3 để thay thế các phương tiện lỗi thời từ thời Liên Xô, bao gồm gần 300 xe tăng hạng nhẹ PT-76 vẫn đang hoạt động.
 
Nghiên cứu sinh tiến sĩ Nguyễn Thế Phương, chuyên gia về quốc phòng Việt Nam tại Đại học News South Wales, Úc, không đánh giá cao khả năng này.
 
Theo ông, Việt Nam có thể thay thế được PT-76 bằng các sản phẩm của công nghiệp quốc phòng trong nước và không cần phải mua BMP-3.
 
"Dù rõ ràng là các thông số kỹ thuật của các loại vũ khí do Việt Nam sản xuất có thể không bằng BMP-3, cho nên đó không phải là lựa chọn tốt nhất, nhưng đó là sự lựa chọn phù hợp nhất trong thời điểm hiện tại. Nga đang bị phương Tây cấm vận và Việt Nam rất ngại cấm vận," ông Thế Phương nói với BBC.
 
"Không thể phủ nhận rằng Việt Nam vẫn coi Nga là đối tác quan trọng, nhưng rõ ràng là từ khi nổ ra cuộc chiến Nga – Ukraine thì mọi dấu hiệu đều cho thấy Việt Nam đang muốn rời xa nguồn cung Nga, từ việc có ý định mua máy bay vận tải C-130 của Mỹ, hay chuyến thăm của các lãnh đạo quốc phòng Đông Âu như Cộng hòa Séc, Bulgaria… hoặc gần đây là các dấu hiệu cho thấy Việt Nam có thể mua vũ khí khí tài Hàn Quốc," ông nói thêm.
 
"Nếu như trước đây Nga là đối tác chính cung cấp 60-70% vũ khí cho Việt Nam thì sắp tới sẽ giảm xuống 50% và thậm chí sau đó còn giảm nhiều hơn nữa," chuyên gia này nhận định.
 
Trong nhiều năm qua, Nga đã bán cho Việt Nam các tàu ngầm lớp Kilo, khinh hạm lớp Gepard, tàu hộ tống Tarantul, tàu tuần tra bờ biển Svetljak, phi cơ Sukhoi Su-30MK2 và xe tăng chiến trường T-90S/SK.
 
Lần Việt Nam mua vũ khí lớn từ Nga cuối cùng được công khai là 64 xe tăng T-90 vào năm 2016.
 
Tiến sĩ Benjamin J. Sacks cho rằng ảnh hưởng về quân sự, chiến lược, kinh tế, ngoại giao của Nga đang suy giảm tại Việt Nam và "thực tế là Moscow biết rõ điều đó".
 
"Tất nhiên, Nga vẫn coi Việt Nam là rất quan trọng, không hẳn vì bản thân Việt Nam và vì vị trí của Việt Nam ở Đông Nam Á, mà còn vì Việt Nam đã trở thành nơi cạnh tranh giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga," chuyên gia từ Rand Corporation nhận định.
 
"Nga thực sự nhìn nhận vấn đề này theo góc nhìn về cách họ sẽ ứng xử với Trung Quốc và phản ứng với Mỹ. Và khi họ bán hay trưng bày vũ khí ở Việt Nam, thì có khả năng đó là là loại vũ khí về mặt lý thuyết có thể được sử dụng để chống lại Mỹ, nhưng cũng có thể dễ dàng được sử dụng để chống lại Trung Quốc trong trường hợp có xung đột với Việt Nam, đặc biệt là vũ khí chống tăng trên bộ," ông Sacks đánh giá.
 
Dẫu vậy, ông Thế Phương vẫn cho rằng không nên đánh giá thấp mối quan hệ truyền thống Việt-Nga, và nhận định "không loại trừ khả năng Hà Nội và Moscow đang cố gắng có một số đàm phán để đi đường vòng tránh cấm vận".
 
Trước đây, trong chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Việt Nam vào tháng 6/2024, đã có tin đồn là Hà Nội và Moscow đang cố gắng đàm phán để lách cấm vận.
 
Vào tháng 9/2023, The New York Times trích dẫn một tài liệu nội bộ vào tháng 3/2023 bị rò rỉ của chính phủ Việt Nam, nêu rõ cách Việt Nam đề xuất hiện đại hóa quân đội bằng cách bí mật thanh toán cho các giao dịch mua vũ khí Nga thông qua một liên doanh dầu khí chung với Nga ở Siberia.
 
Được ký bởi một thứ trưởng tài chính, tài liệu bị rò rỉ cho biết Việt Nam đang đàm phán một thỏa thuận vũ khí mới với Nga nhằm "tăng cường lòng tin chiến lược" vào thời điểm "Nga đang bị các nước phương Tây cấm vận về mọi mặt".
 

Khả năng mua vũ khí Mỹ
Tại khu vực ngoài trời của Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, Mỹ thu hút sự chú ý của khách tham quan với một loạt các thiết bị quân sự, đáng chú ý có một máy bay vận tải C-130, hai máy bay cường kích A-10 Thunderbolt II, xe bọc thép Stryker và lựu pháo M777.
 
Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã có bài đăng mô tả quy mô và tầm cỡ chưa từng có về sự hiện diện của Washington tại sự kiện.
 
Tiến sĩ Benjamin J. Sacks nhận xét việc các quan chức quân sự, ngoại giao cấp cao của Mỹ phát biểu tại triển lãm đã gửi đi những tín hiệu rất mạnh mẽ rằng "Mỹ nghiêm túc, cam kết và tham gia, và Việt Nam sẵn sàng lắng nghe".
 
Theo ông, Việt Nam đang phòng ngừa rủi ro và vẫn tìm cách cân bằng, không chỉ để thể hiện sự trung lập, mà Hà Nội còn nghiêm túc về mối quan hệ với Washington.
 
Chuyên gia Nguyễn Thế Phương nhận định việc Mỹ tự tin đưa nhiều vũ khí tới triển lãm lần này thể hiện mối quan hệ hợp tác quốc phòng an ninh song phương Việt-Mỹ đang rất tốt, và cũng thể hiện rằng Mỹ muốn mối quan hệ này tốt hơn trong tương lai.
 
Trong dàn vũ khí của Mỹ, ông Thế Phương cho rằng C-130 là đáng chú ý nhất vì gần đây có thông tin là Việt Nam sẽ mua máy bay vận tải này, trong khi những vũ khí khác như máy bay A-10, lựu pháo hay Stryker thì Việt Nam đã có những cái tương tự rồi.
 
Tiến sĩ Benjamin J. Sacks nhận định:
"C-130 do Lockheed Martin sản xuất đã là một 'con ngựa thồ' của quân đội Hoa Kỳ trong hơn nửa thế kỷ. Nó đại diện cho khả năng vận chuyển hàng hóa trọng tải lớn và khả năng có thể tới được bất cứ đâu, thích hợp với ưu tiên của Việt Nam trong chiến tranh rừng rậm từ thời Chiến tranh Việt Nam".
 
"Máy bay cường kích A-10 Thunderbolt-2 [thường được gọi là Warthog: lợn lòi] là một trường hợp thú vị vì đây là một loại máy bay cũ nhưng rất độc đáo. Lí do mà chúng tôi vẫn còn A-10 trong kho là vì loại máy bay này cực kì giỏi trong những gì nó làm được và có rất ít đối thủ cạnh tranh hoặc ngang hàng trong các lực lượng quân sự lớn khác trên thế giới."
 
"A-10 là máy bay tấn công mặt đất, nhưng nó chủ yếu được thiết kế như một máy bay diệt tăng. Vũ khí này gửi đi một tín hiệu rằng chúng tôi có khả năng này và nếu Việt Nam nhìn thấy điều đó, họ có thể quan tâm đến vũ khí kế nhiệm cho A-10 Warthog vốn đã cũ."
 
"Và đó là một tín hiệu ngầm đối với Trung Quốc, theo tôi hiểu, rằng về mặt lý thuyết, Việt Nam có thể có được khả năng tiêu diệt xe tăng từ bất kỳ đối thủ nào tìm cách leo thang thành xung đột với Hà Nội."
 
Chuyên gia từ trung tâm Rand Corporation cũng nhắc đến việc Việt Nam mua 12 máy bay huấn luyện T-6C Texan II của Mỹ, và cho rằng những máy bay này sẽ "hỗ trợ đắc lực cho chương trình đào tạo phi công của Việt Nam", các phi công mà về mặt lý thuyết sẽ vận hành máy bay phương Tây.
 
Ông Nguyễn Thế Phương lưu ý rằng Việt Nam sẽ mua thêm các loại máy bay của Mỹ, cả sát thương và phi sát thương và không chỉ tập trung vào quân đội mà còn cả công an.
 
"Gần đây Bộ Công an Việt Nam vừa mới khởi công xây dựng sân bay Gia Bình. Sắp tới lực lượng công an có thể sẽ nhắm tới các khí tài có thể sử dụng khi có các vụ cháy rừng hoặc hỏa hoạn trong đô thị," ông Phương nhận định.
 
Về khả năng Việt Nam mua tiêm kích F-16, cả hai chuyên gia đều nhận định rằng thương vụ này khó có thể xong trong một sớm một chiều.
 
"F-16 là một loại vũ khí nhạy cảm mà nếu Việt Nam thực sự chấp nhận mua thì sẽ phải tìm cách để giảm nhẹ một số yếu tố bất lợi, bao gồm giá cả và tính nhạy cảm với cả Trung Quốc và Mỹ," ông Nguyễn Thế Phương nói.
 
"Trung Quốc sẽ xem đó là một sự xích lại gần nhau giữa Việt Nam và Mỹ, trong khi về phía Mỹ sẽ đặt nặng vấn đề nhân quyền, vì việc mua bán bất kì vũ khí nào của nước này đều phải thông qua quốc hội," ông giải thích.
 
Chuyên gia từ Đại học New South Wales cũng lưu ý rằng khi mua F-16 thì phải xem xét là liệu Mỹ có bán vũ khí đi kèm hay cho phép Việt Nam sử dụng vũ khí đó theo ý của Việt Nam không.
 
"Đó là vấn đề thực sự lớn, cả về mặt kỹ thuật, chính trị lẫn đối ngoại," ông nói.
 
Tiến sĩ Sacks nhấn mạnh đến các bài học về chính trị và đàm phán xung quanh việc Ukraine nhận được các chiến đấu cơ F-16.
 
Theo ông, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2025, chính quyền mới sẽ tiếp tục theo đuổi lập trường cứng rắn ở Đông Nam Á, và đặc biệt là ở Biển Đông.
 
"Chúng ta đã từng thấy ở chính quyền Trump đầu tiên, họ đã tìm cách đàm phán với Bắc Kinh theo cách đổi chác, và phần lớn để ASEAN tự xoay xở, điều này không chỉ gây bất lợi cho Việt Nam mà còn cho tất cả các quốc gia ASEAN."
 
"Theo nhiều cách, chính quyền Trump 2.0 thực sự có thể thúc đẩy bán nhiều vũ khí và thiết bị cho Việt Nam hơn cả chính quyền Biden."
 
"Đó chắc chắn là một sự leo thang, khi gửi một tín hiệu rất khác, không chỉ tới Trung Quốc mà còn tới các quốc gia ASEAN. Trong bối cảnh đó, tôi không thể nói liệu Washington cuối cùng có cho phép bán F-16 cho Việt Nam hay không," ông kết luận.
 
Khả năng mua vũ khí Trung Quốc?
Tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, Trung Quốc lần đầu tiên góp mặt, sau khi từ chối lời mời tham dự vào năm 2022, theo Reuters.
 
Tiến sĩ Benjamin J. Sacks cho rằng Bắc Kinh muốn chứng minh với Hà Nội rằng họ sẵn sàng trở thành đối tác tích cực, nhưng đồng thời cũng muốn gửi một tín hiệu ra bên ngoài tới Nga, và đặc biệt là Mỹ, Úc và các đồng minh như Pháp, để chứng minh rằng Trung Quốc nghiêm túc và họ sẽ không từ bỏ lập trường của mình đối với Biển Đông.
 
"Tôi không ngạc nhiên khi Trung Quốc xuất hiện tại triển lãm năm 2024, vì họ đến với ý tưởng hợp tác và có khả năng bán một số vũ khí, khí tài," ông Sacks nêu quan điểm.
 
Ngược lại, chuyên gia Nguyễn Thế Phương cho rằng sự tham gia của Trung Quốc chỉ mang tính chất ngoại giao để thể hiện rằng quan hệ song phương Việt - Trung vẫn tiến triển tốt đẹp.
 
"Nói thẳng ra là Việt Nam sẽ không mua vũ khí của Trung Quốc, một trong những nguyên tắc ngầm bất thành văn của Việt Nam là sẽ không mua những vũ khí sát thương của Trung Quốc từ những năm 1970-1980. Nếu có thì chỉ mua các loại vũ khí phi sát thương như máy ủi, máy xúc, máy đào… cho công binh," ông nhận định.
 
Chuyên gia quốc phòng này dẫn chứng rằng trong khi Mỹ trưng bày vũ khí ở khu vực ngoài trời thì Trung Quốc chỉ để ở khu trong nhà, điều đó "cho thấy sự dè dặt của Bắc Kinh".


Những nguồn cung nào khác?
Theo các chuyên gia, Việt Nam được cho là một mặt sẽ tiếp tục giữ quan hệ truyền thống với Nga, mặt khác vẫn tiếp tục tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, đồng thời dần dần xây dựng và hoàn hiện ngành công nghiệp quốc phòng trong nước.
 
Ông Nguyễn Thế Phương cho rằng ngoài các đối tác truyền thống, Việt Nam có thể mua vũ khí khí tài từ Israel, Ấn Độ, Hàn Quốc...
 
Tiến sĩ Benjamin J. Sacks nói rằng tại triển lãm năm 2024, một quốc gia khác có tiềm năng bán vũ khí cho Việt Nam là Úc.
 
"Chúng ta đã chứng kiến mối quan hệ song phương Việt-Úc thực sự phát triển trong thập kỷ qua. Việt Nam có ý nghĩa chiến lược với Úc bởi Canberra không muốn thấy sự leo thang ở Biển Đông, vì họ có thể bị kéo vào nếu xảy ra xung đột, và họ cũng lo ngại về tham vọng lâu dài của Trung Quốc trong khu vực," chuyên gia từ Mỹ nói với BBC.
 
Ông nói rằng Canberra đang theo dõi rất chặt chẽ các chính sách ngoại giao và động thái của Hà Nội.
 
Kể từ năm 2022, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với một loạt các quốc gia - bao gồm Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ - lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, một động thái mà Hà Nội cho biết là thể hiện "sự hiểu biết lẫn nhau và lòng tin chính trị được tăng cường mạnh mẽ".
 
Và trong mỗi tuyên bố chung của những lần nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện này, đều có một phần về hợp tác quốc phòng, cơ sở để Việt Nam bắt đầu tìm hiểu việc mua vũ khí và công nghệ từ các nước này.
 
"Việt Nam vẫn sẽ tìm kiếm sự cân bằng và để chứng minh họ là một quốc gia không liên kết đang tìm cách bảo vệ chủ quyền ở Đông Nam Á và Biển Đông," Tiến sĩ Sacks nhận định.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến