Vì sao 2025 được gọi là năm Ất Tỵ:
Thú vị can và chi trong
lịch âm
Để trả lời cho câu hỏi về năm Ất Tỵ 2025 này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu
về âm lịch - đóng vai trò quan trọng với đời sống văn hóa và tinh thần của người
phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng.
Âm lịch và mặt trăng
Theo nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học
Việt Nam, nếu dương lịch được đặt ra dựa trên chu kỳ chuyển động của trái đất
quanh mặt trời, thì âm lịch dựa trên chu kỳ chuyển động của mặt trăng quanh
trái đất. Mặt trăng chuyển động quanh trái đất mỗi vòng hết 27,32 ngày.
Trên thực tế, vì bản thân trái đất còn có chuyển động quanh mặt trời nên
mặt trăng cần thêm một chút thời gian nữa để trở về vị trí cũ trên bầu trời khi
nhìn từ trái đất. Do vậy chu kỳ mà chúng ta quan sát thực tế của mặt trăng là
29,53 ngày. Chu kỳ này được gọi là một "tuần trăng".
Từ xa xưa, người phương Đông đã nhận thấy khoảng 12 tuần trăng tương
đương với một chu kỳ thời tiết. Để thuận tiện cho việc quan sát, dự đoán thời
tiết phục vụ sản xuất nông nghiệp, người ta chọn một chu kỳ này là 1 năm, mỗi
tuần trăng gọi là một tháng.
"Tuy vậy, cứ 3 năm thì lại bị chậm so với chu kì thời tiết khoảng 1
tháng nên cần có thêm một tháng bù vào. Những năm có tháng bù vào này được gọi
là năm nhuận. Người phương Đông cổ đặt ra hai yếu tố nữa là can và chi, hay gọi
đầy đủ là thiên can và địa chi, đều có cơ sở từ quan sát thiên văn",
chuyên gia phân tích.
Ất Tỵ 2025 và mối liên hệ can, chi
Trước kia, người ta chưa biết rằng các ngôi sao trên bầu trời đều là các
thiên thể như mặt trời, chỉ có riêng các hành tinh là chuyển động quanh mặt trời.
Tuy vậy, người thời đó đã nhận thấy có năm đốm sáng không đứng im so với nền trời
sao mà vị trí thay đổi mỗi ngày, họ gọi chúng là các hành tinh.
5 hành tinh này gồm: sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc và sao Thổ, được
gọi là ngũ hành. Sở dĩ không có sao Thiên Vương và sao Hải Vương chỉ có thể
quan sát qua kính thiên văn nên người thời xưa không nhìn thấy.
Khi quan sát 5 hành tinh này, người phương Đông cổ nhận thấy mỗi hành
tinh đều có một chu kỳ nhất định để chúng trở về vị trí cũ so với nền trời sao.
Cụ thể như sau: sao Thủy: khoảng 0,25 năm; sao Kim: khoảng 0,6 năm; sao Hỏa:
khoảng 2 năm; sao Mộc: khoảng 12 năm; sao Thổ: khoảng 30 năm.
Sao Hỏa cứ 2 năm lại về vị trí cũ, nên mỗi chu kỳ của nó được coi tương ứng
với một hành trong ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), mỗi hành 2 năm như vậy
nên có 1 năm mang tính dương và một năm mang tính âm. Tổng cộng mỗi chu kỳ như
vậy là 10 năm, vậy nên người ta đặt ra 10 can tương ứng với âm và dương của mỗi
hành.
10 can gồm: Giáp, Ất tương ứng với Mộc; Bính, Đinh tương ứng với Hỏa; Mậu,
Kỷ tương ứng với Thổ; Canh, Tân tương ứng với Kim; Nhâm, Quý tương ứng với Thủy.
Trong khi đó sao Mộc hết khoảng 12 năm trở về vị trí cũ. Con số 12 này
cũng trùng với số tuần trăng trung bình của một năm. Vậy nên 12 chi được đặt
ra, mỗi chi gắn vào một năm theo chu kỳ này và vào một tháng trong năm.
Sao Mộc có chu kỳ trùng khớp như vậy nên còn được gọi là Tuế Tinh. 12 chi
gồm có: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Mỗi năm âm
lịch được gọi tên bằng một can đi với một chi. Vì bội số chung nhỏ nhất của 10
và 12 là 60 nên có thể thấy ngay rằng cứ 60 năm thì chu kỳ mới kết thúc.
Chẳng hạn chúng ta đón tết Ất Tỵ bây giờ thì phải đúng 60 năm sau mới lại
được thấy tết Ất Tỵ. Con số 60 này cũng chính là bội số chung nhỏ nhất của 2,
12 và 30 (chu kỳ của các hành tinh như nêu trên), nên 60 năm cũng chính là khoảng
thời gian tương đối chính xác để tất cả 5 hành tinh quay trở lại vị trí tương đối
như cũ. Chu kỳ này còn thường được gọi là "lục thập hoa giáp".
Theo như phân tích trên, nếu như năm 2024 là năm Giáp Thìn thì năm 2025
theo can và chi sẽ là Ất Tỵ. Tương ứng, năm 2026 sẽ là năm Bính Ngọ.
Nhận xét
Đăng nhận xét