Hồ sơ ngoại giao Mỹ về Hải chiến Hoàng Sa Kỳ 3:
Toan tính
của Trung Quốc
Những toan tính chiến lược của Trung Quốc trong việc đánh
chiếm quần đảo Hoàng Sa đã được ủ mưu từ lâu, theo nhận định từ hồ sơ ngoại
giao được giải mật của Mỹ.
Ngày 30.1.1974, lãnh sự quán Mỹ ở Hồng Kông đã báo cáo về cho Bộ Ngoại
giao và đại sứ quán Mỹ ở các nước liên quan về những tính toán của Trung Quốc
trong việc thôn tính quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo nhận định của lãnh sự
quán ở Hồng Kông, Trung Quốc đã có ý đồ đánh chiếm Hoàng Sa từ trước chứ không
phải chỉ tự vệ như những lời ngụy biện và lu loa của Bắc Kinh trước cộng đồng
quốc tế. Theo phân tích của lãnh sự quán Mỹ ở Hồng Kông, quyết định đánh chiếm
Hoàng Sa phụ thuộc vào một số yếu tố như tiềm năng về dầu khí tại khu vực, lo
ngại về việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể đưa ra tuyên bố chủ quyền ở Hoàng
Sa cũng như lợi ích chiến lược về lâu dài của quần đảo.
“Có bằng chứng chắc chắn về việc Trung Quốc tính trước khả năng hành động
quân sự tại Hoàng Sa từ trước khi xảy ra các sự cố giữa tháng 1. Việc Trung Quốc
có thực sự lên kế hoạch khiêu khích và sau đó chiếm toàn bộ quần đảo vẫn còn được
để ngỏ. Song trong mọi trường hợp, một khi cuộc đụng độ bắt đầu, Bắc Kinh ra
tay kiên quyết và triển khai mọi vũ lực cần thiết để đánh bật Việt Nam ra khỏi
quần đảo”, bài phân tích của Lãnh sự quán Mỹ viết.
Trung Quốc nhận ra việc sở hữu quần đảo Hoàng Sa có lợi ích về kinh tế và
chiến lược. Có một số yếu tố thúc đẩy quyết định của Bắc Kinh. Trước hết là những
quan tâm ngày càng gia tăng về tiềm năng dầu khí tại toàn bộ thềm lục địa Đông
Á. Bằng việc đánh bật Việt Nam ra khỏi Hoàng Sa, Bắc Kinh đưa ra lời cảnh báo đến
các nước có tranh chấp lãnh thổ khác, kể cả Nhật và Hàn Quốc, kiềm chế thực hiện
các hành động đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền. Việc này cũng làm chùn bước các công
ty dầu muốn thăm dò ở khu vực.
Theo phân tích của lãnh sự quán Mỹ ở Hồng Kông, Trung Quốc cũng có thể lo
sợ việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ không tiếp tục giữ thái độ im lặng trước vấn
đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Bằng việc sử dụng vũ lực, Trung Quốc đã “tiên hạ
thủ vi cường” để tránh tình huống nguy hiểm hơn nhiều sau khi Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa đưa ra tuyên bố chủ quyền về Hoàng Sa (điều này thực tế đã được Nhà nước
CHXHCN Việt Nam tiến hành sau khi đất nước thống nhất).
Cũng theo nhận định trong hồ sơ ngoại giao được giải mật, nỗi lo sợ ngày
càng lớn của Trung Quốc trước các hoạt động của hải quân Liên Xô tại biển Đông
và các vùng biển khác ở châu Á có thể là một yếu tố dẫn đến quyết định của
Trung Quốc.
“Chúng tôi hoài nghi việc Bắc Kinh lo ngại rằng Liên Xô hoặc Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa lên kế hoạch cho hành động trực tiếp liên quan đến quần đảo Hoàng
Sa ở thời điểm này, song việc tăng cường đáng kể hạm đội Thái Bình Dương của
Liên Xô trong những năm gầy đây đã nhấn mạnh cho Trung Quốc thấy được tiềm năng
chiến lược lâu dài của lãnh thổ tranh chấp”, hồ sơ viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét