BỎ RƠI VIỆT NAM:-71-QUỐC HỘI MỸ KHÔNG DUYỆT VIỆN TRỢ

 
BỎ RƠI VIỆT NAM:
71-QUỐC HỘI MỸ KHÔNG DUYỆT VIỆN TRỢ

Vào thời điểm này, Tổng thống Ford, được Henry Kissinger khuyến khích nhưng bị cố vấn đối nội Robert Hartmann và Thư ký báo chí Ron Nessen ngăn cản, đã ra trước phiên họp chung của Quốc hội vào ngày 10 tháng 4 để yêu cầu khoản viện trợ quân sự bổ sung đầy đủ 722 triệu đô la và 250 triệu đô la khác cho viện trợ kinh tế và cứu trợ người tị nạn. Ford khẳng định rằng thảm họa hiện tại ở miền Nam là hậu quả của “sự không chắc chắn về viện trợ tiếp theo của Hoa Kỳ”, vì việc cắt giảm viện trợ “báo hiệu sự miễn cưỡng ngày càng tăng của chúng ta trong việc hỗ trợ quốc gia đang đấu tranh để tồn tại”. Ông yêu cầu Quốc hội giúp ông “giữ lời hứa của Hoa Kỳ trên toàn thế giới”. Tổng thống nhấn mạnh rằng viện trợ bổ sung cho Sài Gòn “phải nhanh chóng và đầy đủ” và nếu không hành động sẽ chỉ dẫn đến “thảm họa sâu sắc hơn”. Ông yêu cầu Quốc hội phê duyệt dự luật trước ngày 19 tháng 4, tức chỉ còn chín ngày nữa.  Nếu có nghi ngờ về phản ứng có thể có của quốc hội đối với yêu cầu viện trợ mới, thì nó đã nhanh chóng bị xua tan bởi phản ứng tại chỗ đối với bài phát biểu của tổng thống. Không một tràng pháo tay nào chào đón lời kêu gọi của Ford về viện trợ bổ sung cho Sài Gòn, và thậm chí hai đảng viên Dân chủ đã bỏ ra ngoài giữa chừng bài phát biểu.
 
Bất chấp những nỗ lực của chính quyền, yêu cầu viện trợ bổ sung đã bị thất bại ngay từ đầu. Các sự kiện ở Campuchia đã không giúp ích gì cho tình hình. Khmer Đỏ cộng sản đã sẵn sàng tràn ngập Campuchia trong phút chốc. Hai giờ trước khi tổng thống phát biểu trước Quốc hội, Đại sứ John Gunther Dean đã gửi điện từ Phnom Penh yêu cầu khởi xướng Chiến dịch Eagle Pull (Đại bàng Rút), giai đoạn cuối cùng của cuộc di tản của Mỹ khỏi thủ đô Campuchia. Sau năm năm Hoa Kỳ nỗ lực và chi tiêu hơn một tỷ đô la vào Campuchia, vào sáng ngày 17 tháng 4, Khmer Đỏ chiến thắng tiến vào Phnom Penh, kết thúc quá trình tham gia của Mỹ vào đất nước này.
 
Những bóng đen về sự sụp đổ sắp xảy ra của Campuchia và thảm họa đang diễn ra ở miền Nam lù lù hiện ra khi Quốc hội xem xét yêu cầu viện trợ quân sự của tổng thống. Như các nhân viên Nhà Trắng đã dự đoán, ngay cả những người ủng hộ trước đây của Hoa Kỳ về chính sách ở miền Nam, như Thượng nghị sĩ Byrd, một lần nữa lên tiếng phản đối viện trợ mới cho Sài Gòn. Byrd tuyên bố rằng “bất kỳ hỗ trợ quân sự bổ sung nào cho Campuchia hoặc miền Nam đều sẽ rơi vào tay những kẻ mà chúng ta hiện đang chống đối” và bày tỏ “mối nghi ngờ rằng việc chi thêm tiền của Hoa Kỳ, ngoại trừ cho mục đích nhân đạo, có thể làm thay đổi tiến trình của các sự kiện”. Các nhà lập pháp khác thậm chí còn kiên quyết hơn. Dân biểu Abzug (Dân chủ-NY) đã viết thư cho tổng thống, cáo buộc rằng “các chính sách sai trái và sự can thiệp quân sự bất hợp pháp trong thập kỷ qua” của chính phủ Hoa Kỳ “phần lớn là nguyên nhân gây ra hoàn cảnh bi thảm hiện tại của miền Nam”. Bà yêu cầu Ford “ngay lập tức ngừng mọi viện trợ quân sự cho chính phủ đã mất uy tín của Tổng thống Thiệu”.
 
Các đại diện của chính quyền đã bị thẩm vấn nghiêm khắc trong các phiên điều trần của quốc hội về yêu cầu viện trợ. Ngoại trưởng Kissinger đã làm chứng trước Ủy ban Tài chính Hạ viện, nói rằng “miền Nam không còn nơi nào khác để hướng đến. Nếu không có sự giúp đỡ của chúng ta, miền Nam không còn hy vọng, ngay cả trong việc điều chỉnh tốc độ diễn tiến của các sự kiện mà miền Nam đã dũng cảm chống lại trong nhiều năm”.  Ông cũng cảnh báo rằng “nếu Hoa Kỳ tạo ra ấn tượng là mình bỏ rơi những người đã sát cánh hết lòng với chúng ta trong một thời gian dài—mà không có một chút nỗ lực kiểm soát tình hình, thì điều đó sẽ không giúp ích gì cho vị thế quốc tế của chúng ta”. Những lời kêu gọi như vậy đã rơi vào những lỗ tai điếc.
 
Các quan chức chính quyền khác đã bày tỏ nỗi  ngờ vực nghiêm trọng, cho dù cố gắng đưa ra lý lẽ để xin thêm tiền. Khi Bộ trưởng Quốc phòng Schlesinger làm chứng, ông được hỏi liệu quân miền Nam có thể giữ được lãnh thổ mà họ hiện đang chiếm đóng khi họ có trang thiết bị và vũ khí được trang trải bằng yêu cầu bổ sung hay không. Ông trả lời, “Chúng ta phải thừa nhận rằng khả năng là không cao… [nhưng] vẫn có cơ hội”. Khi Tướng Weyand làm chứng về dự luật viện trợ bổ sung trước Ủy ban Tài chính Hạ viện, ông được dân biểu Jamie Whitten của Mississippi hỏi, “Có cơ sở nào cho yêu cầu của ông không ngoại trừ để duy trì một bộ mặt, có lẽ là trên báo chí và trên các phương tiện truyền thông, khi chúng ta biết tỏng rằng hồi kết là điều không thể tránh khỏi?” Weyand trả lời yếu ớt, “Vâng, thưa ông, để tôi nói thế này: đôi khi phong cách theo đó chúng ta làm mọi việc, mà ông gọi là bộ mặt, cũng đều quan trọng như bản chất.” Những lời điều trần như vậy không giúp ích gì nhiều cho lập luận của chính quyền về gói viện trợ bổ sung. Không có gì ngạc nhiên khi Quốc hội bác bỏ yêu cầu của tổng thống và sau đó tập trung sự chú ý vào việc sơ tán dự kiến ​​của công dân Hoa Kỳ. Khi chính quyền yêu cầu miễn trừ các hạn chế pháp lý đối với lực lượng quân sự để công dân Việt Nam đã làm việc cho Hoa Kỳ có thể được sơ tán cùng với người Mỹ, những thành viên theo chủ nghĩa tự do ở cả hai viện đã lên án đề xuất này bằng những lời lẽ cực đoan nhất.  Tại Hạ viện, Bella Abzug đã lớn tiếng tuyên bố: “Luật này chỉ là cái cớ để Hoa Kỳ ở lại Việt Nam và sử dụng vũ lực quân sự nếu cần thiết để duy trì quyền kiểm soát… để nếu chúng ta lỡ không thích những gì xảy ra ở đó, chúng ta có thể một lần nữa can thiệp vào các vấn đề của quốc gia đó…. Nó chẳng khác một nghị quyết Vịnh Bắc Bộ mới.”
 
Một cuộc thăm dò của tạp chí Time vào ngày 14 tháng 4 đối với 30 nghị sĩ đã đi thăm các quận của họ trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh cho thấy nhiều cử tri của họ đã “chán ngấy và mất hứng thú” với các sự kiện ở miền Nam. Một bài báo đi kèm với cuộc thăm dò đã trích dẫn lời của đảng viên Dân chủ Don Bonker của Washington, nhận xét, “Mọi người đã kiệt sức. Họ muốn chôn vùi ký ức về Đông Dương. Họ coi đó là một chương bi thảm trong đời sống người Mỹ, và họ không muốn tiếp tục dính líu vào đó nữa.”  Theo bài báo, điển hình cho những bình luận mà các nghị sĩ nghe được là lời nhận xét giận dữ của Dan Merwin, một lính cứu hỏa ở Girard, Ohio, y đã nói về miền Nam Việt Nam: “Họ đang đi xuống cống mà không chịu chiến đấu, và chúng ta đang bàn đến việc gửi cho họ hàng trăm triệu đô la? Tôi không thể hiểu điều đó. Chúng ta ở Tây Virginia có người đang chết đói.” Những thái độ như được mô tả trong bài báo của Time và các tạp chí khác, cùng với lập trường hiếu chiến của Quốc hội, đã phản ánh rõ ràng người miền Nam sẽ không thể nhận được thêm sự giúp đỡ nào từ Hoa Kỳ.
 
Thiệu rất nản lòng vì chính quyền Ford không thể thuyết phục Quốc hội thông qua dự luật viện trợ quân sự khẩn cấp. Trong một bài phát biểu được truyền hình toàn quốc vào ngày 4 tháng 4, ông đổ lỗi cho mọi người về những thất bại quân sự, quy kết những thảm họa cho sự phản bội của quân đội người Thượng (trong lực lượng địa phương quân), sự hèn nhát và chủ nghĩa chủ bại trong lực lượng vũ trang, âm mưu của các điệp viên nước ngoài, và thậm chí các chương trình phát sóng của “các đài phát thanh nước ngoài như BBC và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ”. Thay vì đích thân chấp nhận một phần lớn trách nhiệm, ông sau đó đã chỉ trích Hoa Kỳ vì đã không đến giúp đỡ miền Nam như hai tổng thống đã hứa. “Người ta tự hỏi,” ông nói, “liệu những cam kết của Hoa Kỳ có đáng tin cậy không và liệu lời nói của Hoa Kỳ có giá trị gì không.” Sau khi chỉ trích gay gắt người Mỹ, Thiệu nói rằng chỉ có Hoa Kỳ mới có thể mang đến phép màu cứu vãn tình hình. Nếu viện trợ của Hoa Kỳ tiếp tục đến “từng giọt một… chúng ta sẽ mất dần đất đai vào tay Cộng sản Bắc Việt cho đến ngày chúng ta mất tất cả.  Do đó, tôi hy vọng rằng người dân Mỹ và Quốc hội Mỹ hiện đã thấy rõ tình hình thực tế… và hậu quả của những hành động của mình trong hai năm qua và  họ sẽ hỗ trợ chúng ta theo cách thực tế hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và đầy đủ hơn để chúng ta có thể bảo vệ phần lãnh thổ còn lại của mình.”
 
Điều đó đã không xảy ra. Vận mệnh của Thiệu và đất nước ông đã sa sút đến mức vào ngày 8 tháng 4 Trung úy Nguyễn Thành Trung, một phi công lái máy bay chiến đấu F-5E của Không quân Việt Nam, thực hiện hai đợt ném bom vào Dinh Độc Lập và sau đó bay đến sân bay Bắc Việt chiếm đóng tại Phước Long, nơi anh hạ cánh trong sự chào đón nồng nhiệt dành cho một người hùng. Thiệu, từ lâu đã lo sợ về khả năng xảy ra đảo chính, đã gần như điếng người bởi cuộc tấn công vào dinh thự.  Mặc dù sau đó được phát hiện là một hành động biệt lập và không phải là một phần của cuộc đảo chính, vụ đánh bom dinh tổng thống đã chứng minh rõ ràng tình hình đang bắt đầu vỡ vụn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến