QUÁN trong “CÓ QUÁN TÌNH PHỤ CÂY ĐA”

QUÁN trong
“CÓ QUÁN TÌNH PHỤ CÂY ĐA”

Trong tâm thức của người Việt hiện đại, khi nhắc đến QUÁN thì hầu hết mọi người đều nghĩ ngay đến một gian nhà hoặc một căn nhà nhỏ có cấu trúc đơn giản, dùng làm nơi bán hàng như quán nước, quán cháo, quán bún ốc, quán cơm bình dân, quán cà phê, v.v. Điều này thật khó lí giải khi ta bắt gặp câu ca dao “Có quán tình phụ cây đa, Ba năm quán đổ cây đa hãy còn.” QUÁN nếu được hiểu như đã nêu ở trên thì có liên quan gì đến CÂY ĐA được nhỉ?

CÂY ĐA thuộc dạng cây to, sống lâu năm, có nhiều rễ phụ mọc từ cành thõng xuống, thường trồng nơi cổng làng, đình chùa ở các vùng nông thôn Việt Nam để lấy bóng mát. Vóc dáng và sự hữu dụng của cây đa đã trở nên thân thuộc với người nông dân. CÂY ĐA vừa là nơi tránh nắng, trú mưa, vừa là nơi nghỉ ngơi cho người nông dân sau những giờ lao động vất vả. CÂY ĐA cũng là nơi trò chuyện của người già, là chốn tình tự của những đôi trai gái trong làng. Chính vì vậy mà hình ảnh CÂY ĐA đã xuất hiện rất nhiều trong thơ ca:

Cây đa bến cũ năm xưa.
Chữ tình ta cũng đón đưa cho trọn đời.
(Ca dao)

Mẹ thời sớm cách cõi tây,
Cha thời mù quáng, ăn mày nuôi cha..
Ngày thời nương dựa cây đa.
Một manh chiếu rách cửa nhà cũng không..
(Truyện Mã Phụng - Xuân Hương.)

Cội đa chốn ấy quê tôi,.
Mẹ cha sớm đã chầu trời một khi..
Rừng mai sớm lại tối đi,.
Bóng đa nghỉ mát vậy thì hôm mai..
(Truyện Thạch Sanh)

Ngày nay dù ở nơi xa,.
Nhưng khi về đến cây đa đầu làng,.
Thì bao nhiêu cảnh mơ màng
Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre.
(Cổng làng. Bàng Bá Lân.).

Mọi sự diễn biến trong đời sống của vùng quê dường như đều được CÂY ĐA “chứng kiến”. CÂY ĐA cùng với bến nước, con đò như là đầu mối tiếp xúc, giao lưu văn hoá của một làng với các làng quê khác trong vùng. Đặc biệt, mỗi khi gặp cảnh ngộ trắc trở về tình duyên thì dân gian thường mượn hình ảnh CÂY ĐA để thổ lộ:

Cây đa bậc cũ lở rồi
Đò đưa bến khác, bạn ngồi chờ ai.
(Ca dao)

Cây đa là cây đa cũ
Bến đò là bến đò xưa
Nay chừ người khác vô đưa
Oan ơi, oan hỡi! tức chưa bạn tề!
(Ca dao)

Em đang dệt vải quay tơ
Bỗng đâu có khách đưa thơ đến nhà
Hẹn giờ ra gốc cây đa
Phượng hoàng chả thấy, thấy gà buồn sao!
(Ca dao)
 
CÂY ĐA là nơi cho người ta nương tựa, gửi gắm tâm tình, bày tỏ tình cảm yêu đương. Vậy mà từ khi có QUÁN thì CÂY ĐA lại bị người ta “tình phụ”! QUÁN là thứ gì mà có sức hút đến vậy? Lần theo các cứ liệu cũ thì thấy rằng, QUÁN ở trường hợp đang bàn chính là “nhà nhỏ dựng ở giữa đồng để trú mưa, trú nắng” (Từ điển tiếng Việt, Vietlex). Và từ khi QUÁN ra đời thì người ta đã quên đi CÂY ĐA có cùng chức năng. Dân gian đã mượn hình ảnh QUÁN và CÂY ĐA để bày tỏ chuyện nhân tình thế thái: sinh lòng phụ bạc, thay lòng đổi dạ, có mới nới cũ, gặp người đẹp/sang thì quên người tình cũ.

(Nguồn ảnh: hungyen.tintuc.vn)

Nguyên văn bài ca dao:
Có oản anh tình phụ xôi
Có cam phụ quít có người phụ ta
Có quán tình phụ cây đa
Ba năm quán đổ cây đa hãy còn
Có mực anh tình phụ son
Có kẻ đẹp tròn anh phụ nhân duyên
Có bạc, anh tình phụ tiền
Có nhân ngãi mới, anh quên em rồi.

Dị bản
Có bạc em tình phụ tiền
Có nhân ngãi mới, em quên anh rồi
Có oản em tình phụ xôi
Có cam phụ quít, có người phụ ta
Có quán tình phụ bóng đa
Ba năm quán đổ cây đa vẫn còn.

QUÁN được dựng ở giữa đồng bây giờ vẫn còn tồn tại ở một số địa phương vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, sớm muộn nó sẽ trở thành phế tích nếu như không được các cấp chính quyền địa phương xem như một di tích cần được bảo vệ. Và biết đâu đấy, đến một ngày không xa, chúng ta chỉ còn mơ hồ hiểu về QUÁN như là một thứ xa lạ, chỉ tồn tại trong thơ ca xưa.

Từ điển Vietlex


Nhận xét

Bài đăng phổ biến