GIỤC - NGĂN - DẶN

GIỤC - NGĂN - DẶN
Khi phân loại hành động cầu khiến tiếng Việt theo mức độ cầu khiến (tức là theo lực ngôn trung của lời), ta có 2 kiểu lực đối lập nhau là lực khiến và lực cầu. Hành động có lực khiến là hành động áp đặt lệnh cho tiếp ngôn và cưỡng bức tiếp ngôn phải thực hiện lệnh. Trong trường hợp này, chủ ngôn có vị thế giao tiếp cao hơn hoặc bằng tiếp ngôn, có quyền sai khiến tiếp ngôn tuân theo ý mình nên lời khiến thường thiên về lí trí, ít tính lịch sự. Với lời khiến, tiếp ngôn là người có trách nhiệm phải thi hành. Hành động có lực cầu là hành động mà chủ ngôn là người được hưởng lợi nên chủ ngôn phải đặt vị thế giao tiếp của mình xuống thấp hơn hoặc bằng tiếp ngôn và chủ ngôn kêu gọi sự tự nguyện hành động của tiếp ngôn theo hảo tâm của mình nên lời cầu thường thiên về tình cảm, tính lịch sự cao.

Căn cứ vào sự khác nhau về mức độ của lực cầu hoặc khiến ta có 18 hành động cụ thể là: ra lệnh, cấm, giục, ngăn, cho/cho phép, yêu cầu, đề nghị, dặn, khuyên, rủ, mời, chúc, nhờ, xin/xin phép, cầu, nài, van, lạy. Trong đó, 13 hành động có vị từ ngôn hành tường minh tương ứng với tên gọi của hành động và được nhận diện bằng sự có mặt của vị từ ngôn hành cầu khiến trong biểu thức ngôn hành cầu khiến K1 như: ra lệnh, cấm, cho/cho phép, yêu cầu, đề nghị, khuyên, mời, chúc, nhờ, xin/xin phép, cầu, van, lạy. Năm hành động không có vị từ ngôn hành tường minh biểu thị là: giục, ngăn, dặn, rủ, nài. Chúng được biểu thị bằng phương tiện chỉ dẫn lực ngôn trung nguyên cấp trong biểu thức K2 hoặc được biểu thị gián tiếp nên việc nhận diện chúng khá phức tạp. Hành động rủ, nài là những hành động có lực cầu. Trước đây, chúng tôi đã viết các bài trình bày phương pháp nhận diện hành động nài và rủ [x. Đào Thanh Lan 2009, 2011].Bài báo này tiếp tục phân tích, nhận diện 3 hành động: giục, ngăn, dặn là những hành động có lực khiến.
1.
Hành động giục / thúc giục
Từ điển tiếng Việt giải thích nghĩa của động từ giục là: “tác động đến bằng lời nói, cử chỉ nhằm làm cho việc gì đó nhanh hơn hoặc làm ngay, không để chậm, ví dụ: Giục làm cho kịp. Đưa mắt giục nhau nói” [6]. Theo đó, ta có thể hiểu hành động giụclà dùng lời nói yêu cầu cho việc gì đó được làm nhanh hơn hoặc được làm ngay, không để chậm. Với nghĩa đó, hành động giục tiền giả định đã có một hành động cầu khiến tiền ngôn yêu cầu tiếp ngôn thực hiện nhưng tiếp ngôn hoặc chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa nhanh nên chủ ngôn phải giục. Hành động giục còn có động từ song tiết thúc giục, giục giã để miêu tả sự giục liên tiếp.

● Ví dụ 1
Giờ tính sao anh, tốt nhất là anh vào anh lôi nó ra. Em không muốn, không muốn con bé gần một người như thế. Anh vào đi, anh Hoàng, anh vào đi. (Không chỉ là màu đen - Hoàng Thanh Du)

Trong lời trên, chủ ngôn nói hai lần anh vào đi có biểu thức ngôn hành cầu khiến nguyên cấp K2 = D2 + V(p) + Tck (Tck = đi) tức là thực hiện hai hành động cầu khiến liên tiếp. Khi nói lần 1, chủ ngôn đề nghị tiếp ngôn thực hiện hành động vào. Khi nói lần hai, chủ ngôn nhắc lại đề nghị với mục đích thúc giục tiếp ngôn phải thực hiện ngay hành động đã nêu trước đó. Ở đây, giục là hành động cầu khiến thứ hai được thực hiện tiếp sau một hành động cầu khiến tiền ngôn khi yêu cầu của chủ ngôn chưa được tiếp ngôn thực hiện hoặc thực hiện chậm. Hành động cầu khiến tiền ngôn ở đây là đề nghị vì vai giao tiếp của chủ ngôn thấp hơn tiếp ngôn (chủ ngôn = em, tiếp ngôn = anh) nên ta có cặp đôi cầu khiến: đề nghị - thúc giục.

● Ví dụ 2
A: – Cháu giỏi quá, nào, ném xuống đây bác đỡ… rồi xuống mau!
B: – Bác đỡ nhé.
A: – Ôi giời! Thôi, xuống đi. (Không chỉ là màu đen - Hoàng Thanh Du)

Chủ ngôn A ở ví dụ 2 thực hiện hai lượt lời. Lượt 1, A ra lệnh cho B thực hiện hai hành động: ném, rồi xuống mau (trèo xuống) với mô hình biểu thức ngôn hành cầu khiến nguyên cấp K2 chứa Tck = nào có kèm theo ngữ điệu mạnh (ở văn bản, dấu “!” biểu thị ngữ điệu mạnh). Khi B thực hiện xong hành động 1 (ném) thì A giục B thực hiện tiếp hành động hai (ở lượt lời 2: Thôi, xuống đi) mà trong lời cầu khiến tiền ngôn A đã ra lệnh B làm.

● Ví dụ 3
A: – Thôi, nghỉ đi, đem ngay thuốc về cho cụ. Bệnh này đã nhập tim là rất nguy hiểm.
B: – Cháu cảm ơn chú.
A: – Ừ… ừ… đi ngay đi.

Ví dụ 3 cũng tương tự ví dụ 2. Trong lượt lời 1, chủ ngôn A ra lệnh B thực hiện 2 hành động: nghỉ và đem thuốc về ngay. Lượt lời 2, chủ ngôn A giục B thực hiện nhanh hành động thứ hai với lời cầu khiến đi ngay đi. Sở dĩ, ở cả hai ví dụ 2, 3, ta nhận biết chủ ngôn thực hiện hành động cầu khiến tiền ngôn là hành động ra lệnh chứ không phải là hành động yêu cầu vì lực khiến ở 2 ví dụ sau mạnh hơn ví dụ 1 nhờ có dấu chấm than biểu thị ngữ điệu mạnh và vai giao tiếp của chủ ngôn cao hơn tiếp ngôn (chủ ngôn = bác, chú; tiếp ngôn = cháu). Cặp đôi cầu khiến ở hai ví dụ 2, 3 là: ra lệnh - thúc giục.

● Ví dụ 4
– Ôi dào! Đi làm lấy tiền lại còn ngượng, sợ ngượng thì bịt mặt vào. Nhanh lên. (Đường em đi - Quý Hải)

Ví dụ 4 có hành động cầu khiến thứ nhất là yêu cầu (bịt mặt vào) bởi vì chủ ngôn có vị thế giao tiếp bằng đối ngôn thể hiện ở việc nói trống (từ trỏ chủ ngôn và tiếp ngôn đều vắng mặt trong lời) và hành động cầu khiến thứ hai là hành động giục tiếp ngôn thực hiện yêu cầu đã nêu (nhanh lên). Đây là cặp đôi cầu khiến: yêu cầu - thúc giục.

● Ví dụ 5
A: – Sao… Xin chào, các vị vẫn chưa xong việc hay sao?
B: – Anh đi đâu thế? Đến giờ hẹn nộp hồ sơ rồi.
C: – Nhanh lên… vào ngay kẻo lỡ việc bây giờ.
A: – Không… Các cậu vào đi, tớ không nộp hồ sơ xin việc đâu… Hoàng trả tớ bộ hồ sơ của tớ nào. (Không chỉ là màu đen - Hoàng Thanh Du)

Ngữ cảnh ở ví dụ 5 cho biết: hành động chuẩn bị làm của A, B, C là nộp hồ sơ. Hành động đó chưa được thực hiện vì B, C chờ A, cho nên khi thấy A đến và chào hỏi thì C giục A: nhanh lên… vào ngay kẻo lỡ việc. Hành động tiền ngôn nêu nội dung của hành động giục được nhận biết nhờ ngữ cảnh. Như thế, trong trường hợp không có cặp đôi hành động cầu khiến cùng xuất hiện trong lời thì ta phân tích ngữ cảnh để tìm ra nội dung sự tình của hành động giục.

Về hình thức ngôn từ, biểu thức ngôn hành cầu khiến nguyên cấp của hành động giục thường có mặt những từ chỉ mức độ nhanh biểu thị ý nghĩa của việc giục giã như tính từ nhanh, mau…, phó từ lên, ngay, lập tức, tổ hợp vị từ + phó từ mức độ: nhanh lên, vào ngay hoặc vị từ + tiểu từ tình thái cầu khiến đi ở cuối lời: xuống đi, đi ngay đi.

Khi thực hiện hành động giục, chủ ngôn thường có vị thế giao tiếp cao hơn tiếp ngôn hoặc bằng tiếp ngôn nên hành động giục có lực khiến. Hành động giục được phân biệt với các hành động có lực khiến khác như ra lệnh, yêu cầu, đề nghị ở chỗ: các hành động ấy là hành động khiến tiền ngôn, còn giục là hành động được thực hiện tiếp sau các hành động ấy với nội dung lệnh là “làm ngay/làm nhanh hơn”.

Trong đoạn hội thoại, lời giục thường đứng sau lời ra lệnh, yêu cầu, đề nghị tạo thành cặp đôi: ra lệnh - thúc giục, yêu cầu - thúc giục, đề nghị - thúc giục. Cặp đôi cầu khiến này do cùng một người nói ra, tức là có cùng chủ ngôn và đều có lực khiến. Khi lời khiến tiền ngôn vắng mặt thì ngữ cảnh có nhiệm vụ nêu nội dung sự tình của giục thay cho lời khiến tiền ngôn. Về hình thức biểu hiện, giục không có vị từ ngôn hành tường minh mà được biểu hiện bằng biểu thức nguyên cấp K2 chứa vị từ + phó từ mức độ hoặc vị từ + tiểu từ tình thái cầu khiến đi.

2.
Hành động ngăn / ngăn cản
Hành động ngăn đồng nghĩa với ngăn cản được Từ điển tiếng Việt giải thích là: “giữ lại, không cho tiếp tục hoạt động, phát triển” còn ngăn cấm là “cấm không cho phép làm việc gì đó” [6]. Như thế, xét theo góc độ hành động ngôn từ thì ngănlà hành động dùng lời nói để ngăn cản một hành động nào đó, không cho nó tiếp tục hoạt động. Còn hành động ngăn cấm đồng nghĩa với cấm và phân biệt với ngăn ở chỗ: cấm không tiền giả định có một hành động đang tiến hành, nhưng ngăn lại tiền giả định có một hành động đang tiến hành cần được yêu cầu dừng lại. Như thế, hành động ngăn có tiền giả định giống như giục nhưng theo hướng ngược lại với giục(giục: làm nhanh hơn, ngăn: làm chậm lại hoặc đừng làm). Do đó, ngăn cũng có thể có hành động cầu khiến tiền ngôn và ngăn là hành động cầu khiến tiếp sau hành động tiền ngôn đó. Nếu như cặp đôi cầu khiến ở hành động giục thường do cùng một người nói ra/cùng chủ ngôn thì hành động cầu khiến tiền ngôn ở ngăn thường do người khác thực hiện (A ở ví dụ 1, 2, 3, 4) đối lập với người nêu hành động ngăn (B ở ví dụ 1, 2, 3, 4).

● Ví dụ 1
A: – Nhưng em sợ, em không muốn. Ta về đi anh.
B: – Ấy khoan, khoan đã em. Chúng ta đã bàn bạc kĩ thống nhất hôm qua rồi cơ mà. Sao em lại thay đổi thế? (Không chỉ là màu đen - Hoàng Thanh Du)

Trong ví dụ 1, A rủ B đi về và B thực hiện hành động ngăn A đừng về với lời nói “khoan đã em” có biểu thức cầu khiến nguyên cấp K2 chứa vị từ (V = khoan) + tiểu từ tình thái cầu khiến (Tck= đã) + Danh từ ở ngôi 2 (D2 = em). Lời ngăn có đặc trưng hình thức khác với lời cấm là: danh từ ở ngôi 2 trỏ tiếp ngôn vốn đứng đầu câu, trước vị từ của biểu thức K2 nay được đảo xuống đứng ở cuối câu, sau cả tiểu từ tình thái cầu khiến. Việc đảo vị trí D2 xuống cuối câu tạo ra chỗ ngừng ngữ điệu có tác dụng nhấn mạnh giúp phân biệt lời ngăn với các lời cầu khiến khác.

● Ví dụ 2
A: – Thôi đi, anh lầm đấy. Anh làm sao mà lại có đứa con xinh xắn như thế được. Thôi không có thời gian dông dài với anh. Anh quán tính tiền.
B: – Khoan đã Thuỳ, chúng ta vừa mới bắt đầu câu chuyện, sao em lại định kết thúc sớm vậy. Em ngồi xuống đi, chắc em không muốn câu chuyện này lây lan ra dư luận. Hãy đừng bắt buộc anh phải làm lớn chuyện.(Không chỉ là màu đen - Hoàng Thanh Du)

Trong ví dụ 2, B nói “Khoan đã Thuỳ” để ngăn hành động “không muốn nói chuyện, tính tiền với anh quán để đi về” của Thuỳ. Lời ngăn có biểu thức K2 như ví dụ 1.

● Ví dụ 3
A: – Bác ạ.
B: – Trưa rồi, sao không về ăn cơm?
A: – Cháu về.
B: – Khoan, ngồi xuống đây đã.
A: – Có việc gì không bác?
B: – Dạo này, cháu có việc gì mà phải cần đến nhiều tiền thế? Có thể cho bác biết được không? (Không chỉ là màu đen - Hoàng Thanh Du)

Trong ví dụ 3, B nói “khoan” để ngăn hành động về của A, rồi yêu cầu A ngồi xuống. Lời ngăn có biểu thức K2 dạng rút gọn: V + ngữ điệu.

● Ví dụ 4
A: – Anh rất muốn gặp em nữa, nhưng không phải ở cái nhà này.
B: – Đừng anh ạ… à mà thứ năm em nghỉ đấy, cứ thứ năm hàng tuần là em được nghỉ.
A: – Anh đến trường đón em nhé. Thứ năm, em cứ đến trường…
B: – Không được đâu anh ạ. Đừng… (Vai kép - Lê Anh Hoài)

Trong ví dụ 4, B thực hiện lời ngăn hai lần ở hai lượt lời. Lời ngăn ở lượt lời 1 có biểu thức K2 = Vck (đừng) + D2 (anh). Lời ngăn ở lượt lời 2 có K2= Vck + ngữ điệu (dạng rút gọn).

Trong trường hợp không có hành động cầu khiến tiền ngôn thì nội dung sự tình của hành động ngăn tức là hành động tiền ngôn đang được tiếp ngôn tiến hành được thể hiện qua ngữ cảnh (ví dụ 5). Ta phân tích ngữ cảnh để thấy được hành động tiền ngôn đó. Trong ví dụ 5, A nói lời trần thuật: Bà lại khóc trước khi thực hiện hành động ngăn: đừng khóc. Lời trần thuật đó giúp ta hiểu được nội dung sự tình của hành động tiền ngôn.

● Ví dụ 5
A: – Có bà bên tôi, cái chết bớt đáng sợ hơn. Da tôi vàng thêm nhưng hồn tôi thì xanh lại, phải không?
B: – Xanh ngắt.
A: – Bà lại khóc! Đừng khóc! Những phút quý giá này đừng giành cho nước mắt…(Đáo Bỉ Ngạn - Quế Hương)

Hình thức biểu hiện của lời ngăn là biểu thức K2 chứa Vtck = đừng, chớ biểu thị sự ngăn cản + V nêu nội dung sự tình, hoặc Vtck = hãy + vị từ có ý nghĩa từ vựng biểu thị ý ngăn cản như: khoan, gượm thành: hãy khoan, hãy gượm. Lời ngăn thường dùng Tck = đã. Mô thức thường có 2 dạng là:

K2 (1) = đừng/chớ + V(p)
K2 (2) = hãy + khoan/gượm + đã.

Về hiệu lực ngôn trung, lời ngăn thể hiện lực khiến mạnh. Chủ ngôn có vị thế giao tiếp cao hơn tiếp ngôn. Lời ngăn có tính chất áp đặt tiếp ngôn thực hiện lệnh. Tuy nhiên, lực khiến của lời ngăn vẫn yếu hơn lời cấm. Lời cấm có lực khiến mạnh nhất với tính chất cưỡng bức tiếp ngôn phải thực hiện lệnh (ví dụ: cấm hái hoa).
3. Hành động dặn

Hành động dặn/dặn dò được từ điển tiếng Việt [6] giải thích: “dặn là bảo cho biết điều cần nhớ để làm; dặn dò là dặn với thái độ hết sức quan tâm” [tr.253]. Vị từ dặn/dặn dò là vị từ miêu tả dùng để gọi tên hành động dặn, lời dặn.

● Ví dụ 1
Hôm nay mẹ về muộn, con ở nhà trông nhà cẩn thận và nấu cơm giúp mẹ nhé.
Đây là lời dặn của người mẹ với người con để yêu cầu con làm 2 việc: trông nhà cẩn thận và nấu cơm. Lời dặn này vừa có tính khiến vừa có tính cầu nhẹ nhàng được thể hiện bằng biểu thức ngôn hành cầu khiến nguyên cấp K2 với phương tiện chỉ dẫn lực ngôn trung là tiểu từ cầu khiến nhé. Mô thức của lời dặn trên là:

K2 = D2 (con) + V(p) + Tck (nhé)

Lực khiến của lời dặn yếu hơn lời yêu cầu và tương đương với lời đề nghị. Lời dặn giống lời đề nghị ở chỗ vừa có lực khiến vừa có lực cầu bởi vì lời dặn thường chứa tiểu từ tình thái cầu khiến nhé thể hiện tính tình cảm, tính lịch sự. Mặt khác, lời dặn khác với lời đề nghị/yêu cầu ở chỗ: trong khi lời đề nghị/yêu cầu cầu khiến người nghe thực hiện hành động ngay lập tức, thì lời dặn chỉ yêu cầu người nghe nhớ thực hiện hành động trong khoảng thời gian mà người nói yêu cầu, thường là không câu thúc về thời gian.

So sánh ví dụ 1 với ví dụ 2 dưới đây:
● Ví dụ 2
– Con đi nấu cơm đi. → Lời này yêu cầu người nghe thực hiện ngay hành động nấu cơm nên không phải là lời dặn.

Lời dặn không có vị từ ngôn hành tường minh, mà được biểu thị bằng biểu thức ngôn hành K2. Có lời dặn trực tiếp (VD 1) là lời chủ ngôn yêu cầu người nghe thực hiện và lời dặn bắc cầu (chủ ngôn nói lời dặn với người nghe để yêu cầu người nghe truyền đạt đến người thứ ba thực hiện đề nghị của chủ ngôn ở VD 3). Lời dặn bắc cầu được biểu thị bằng biểu thức ngôn hành K2 nên vẫn là lời cầu khiến chính danh.

● Ví dụ 3
– Con nhớ nhắc bố ngày mai đi lấy sổ hộ khẩu về cho mẹ nhé.
Mô thức: D2 + V(p) + Tck (nhé).
Vì lời dặn yêu cầu tiếp ngôn nhớ việc cần phải làm nên trong lời dặn thường có mặt vị từ nhớ.

● Ví dụ 4
– Tí nữa quên, con nhớ mua mấy nén hương… (Một đám cưới - Tuyển tập Nam Cao 1)

● Ví dụ 5
– Anh đi mạnh nghen! Bao giờ thống nhất, nhớ vô thăm ba má. (Mái tóc - Minh Chuyên - Tuyển chọn truyện ngắn đầu tay)

● Ví dụ 6
– Tụi nó mần chi đã có ba má, con cứ vờ bịnh ngồi lặng thinh nghe. (Mái tóc - Minh Chuyên - Tuyển chọn truyện ngắn đầu tay)

● Ví dụ 7
Thuỷ cúi đầu xuống hầm dặn nhỏ Nguyệt:
– Bình tĩnh nghe Nguyệt. Nó không làm gì được mình đâu. (Bữa cơm Tết - Văn Định - Tuyển chọn truyện ngắn đầu tay)

Ở các ví dụ 5, 6, 7, từ nghen/nghe là tiểu từ cầu khiến của phương ngữ miền Nam, miền Trung, có ý nghĩa tình thái như nhé của phương ngữ miền Bắc Việt Nam.
Bên cạnh hành động dặn, tiếng Việt còn có hành động giao hẹn cũng thường dùng tiểu từ nhé ở cuối lời giống như hành động dặn. Từ điển tiếng Việt [6] giải thích: “giao hẹn là nêu rõ điều kiện đặt ra với người nào đó trước khi làm việc gì” (tr.394). Như thế, ở hành động giao hẹn, chủ ngôn nêu ra điều kiện để tiếp ngôn biết mà thực hiện theo điều kiện đó, tức là có mục đích cầu khiến gián tiếp.

● Ví dụ 8
Ông giao hẹn: -Tôi nói cho mợ thế này này: chúng tôi gặt thì chỉ biết gặt thôi chứ không biết đập, giũ; miễn là làm sao cắt được lúa, bó lại quẩy về nhà là được.
Đó là một cách để vòi đấy. Ấy thế mà người đàn bà cũng chịu:
– Vâng.
– Ồ, nhưng mợ phải cho một đồng.
– Vâng, thì mời các ông về nhà.

Trong ví dụ trên, để thực hiện việc giao hẹn, trong lượt lời trao 1 với biểu thức: D1+ V(p), người nói dùng lời trần thuật để nêu điều kiện của mình - lời trần thuật này có mục đích cầu khiến gián tiếp: ngầm yêu cầu người nghe thực hiện điều kiện đã nêu. Trong lượt lời trao 2 với biểu thức K2 = D2 + Vck (phải) + V(p) người nói dùng lời cầu khiến nguyên cấp để yêu cầu người nghe thực hiện tiếp điều kiện thứ hai. Như vậy, hành động giao hẹn là hành động phức tạp hơn hành động dặn. Trong thực tế giao tiếp, có các ví dụ sau:

● Ví dụ 9
– Một hào của chị đưa trả tiền các, trừ chỗ này hết tám xu rồi, còn thiếu 4 xu nữa nhé. (Tắt đèn - Ngô Tất Tố) → Sơ đồ: (D2) + V(p) + Tck (nhé)

● Ví dụ 10
– Tôi còn thiếu chị 4 xu nữa nhé. → Sơ đồ: D1 + V(p) + Tck (nhé)

Ở ví dụ 9 hành động giao hẹn có điều kiện nêu ra hướng về phía tiếp ngôn tức là tiếp ngôn phải thực hiện hành động thoả mãn điều kiện này. Cho nên lời (Chị) còn thiếu 4 xu nữa nhé là lời dặn dùng biểu thức cầu khiến nguyên cấp K2 chứa tiểu từ nhé của chủ ngôn đối với tiếp ngôn với mục đích cầu khiến tiếp ngôn nhớ sẽ trả nốt 4 xu còn thiếu. Lời ở ví dụ 10 lại có điều kiện nêu ra hướng về phía chủ ngôn tức là chủ ngôn phải thực hiện hành động thoả mãn điều kiện này cho nên nó là sự giao hẹn của chủ ngôn đối với tiếp ngôn với mục đích hứa sẽ trả nốt 4 xu cho tiếp ngôn. Đây là lời hứa gián tiếp.

Như vậy, sự khác nhau giữa hành động dặn và giao hẹn là ở chỗ: hành động dặn là hành động cầu khiến trực tiếp được biểu hiện bằng lời dặn nguyên cấp, còn đối với hành động giao hẹn thì cần phân biệt hướng của điều kiện được nêu ra: Nếu điều kiện nêu ra hướng trực tiếp về phía tiếp ngôn thì giao hẹn đồng nhất với dặn, nếu điều kiện nêu ra hướng về phía chủ ngôn thì chủ ngôn đã thông qua giao hẹn để cầu khiến gián tiếp (ví dụ 8) hoặc hứa gián tiếp (ví dụ 10).
.......

Tóm lại, 3 hành động giục, ngăn, dặn đều là những hành động có lực khiến được biểu thị bằng phương tiện chỉ dẫn lực ngôn trung nguyên cấp với biểu thức K2. Trong đó, hành động giục và ngăn có lực khiến mạnh hơn hành động yêu cầu, đề nghị, dặn và yếu hơn hành động ra lệnh, cấm. Hành động dặn có lực khiến tương đương với hành động đề nghị và có lực cầu như đề nghị. Đề nghị và dặn đều thuộc tiểu nhóm hành động “vừa có tính khiến vừa có tính cầu”.

PGS. TS. ĐÀO THANH LAN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đỗ Hữu Châu, Đại cương ngôn ngữ học, t. 2: Ngữ dụng học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001.
[2] Nguyễn Đức Dân, Ngữ dụng học, t. 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998.
[3] Đào Thanh Lan, Ngữ pháp - ngữ nghĩa của lời cầu khiến tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010.
[4] Đào Thanh Lan, Nhận diện hành động nài/nài nỉ trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, s. 11, 2009.
[5] Đào Thanh Lan, Nhận diện hành động mời và rủ trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, s. 3, 2011.
[6] Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng, 1992.
[7] Searle J. R., Speech acts, Cambridge University Press, 1969.
Nguồn: Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư. Số 5 (19), 9-2012.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến