CÁCH XƯNG HÔ CON ĐẦU LÒNG Ở BẮC + NAM


CÁCH XƯNG HÔ CON ĐẦU LÒNG
Ở BẮC + NAM

Ở miền Bắc, con đầu lòng được gọi là con cả (anh cả, chị cả, thằng cả, con cả) trong khi ở miền Nam và miền Trung, con đầu lòng lại được gọi là con "thứ hai" (Anh Hai, chị Hai, thằng hai, con Hai). Tại sao lại có sự khác biệt này? Dưới đây là 3 ý kiến giải thích khác nhau về cách gọi này như sau:

Ý kiến thứ nhất:
Trong quá trình Nam tiến(1), đặc biệt là thời Trịnh - Nguyễn phân tranh(2), do áp lực từ các cuộc tấn công của chúa Trịnh từ phương bắc và nhu cầu mở rộng đất đai về phương nam, các chúa Nguyễn đã bắt đầu một công cuộc mở mang bờ cõi nước Việt về phía nam với quy mô lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Từng đoàn người phương bắc lũ lượt kéo nhau về phương nam, trong đó người dẫn đầu là những anh Hai (tức những người con thứ hai trong gia đình), còn các anh Cả phải ở lại quê nhà để trông nom mộ phần của tổ tiên. Từ đó, ở miền Trung, miền Nam các con đầu lòng chỉ được gọi là anh Hai, chị Hai bởi ngầm hiểu rằng anh Cả, chị Cả còn ở miền Bắc.   

Một gia đình người Việt thời trước
Ý kiến thứ hai:
cách gọi anh hoặc chị Hai của người miền Nam so với anh hoặc chị Cả của miền Bắc là do vấn đề tị húy. Khi bị Pháp chiếm làm thuộc địa, cơ quan cai trị ở mỗi xã miền Nam được gọi là Hội Đồng Tề, trong đó người đứng đầu được gọi là Hương Cả. Nếu gọi người con lớn nhất là Cả, thí dụ: "Thằng Cả đâu, vô đây biểu coi" thì vô tình đã gọi trùng với tên Hương Cả. Điều này có thể bị suy diễn là hỗn láo, mỉa mai và bị kết tội phạm húy. Vì vậy, người miền Nam tránh tiếng Cả mà gọi người con lớn nhất là anh Hai hoặc chị Hai. 

Một Hội đồng hương chánh thời Pháp thuộc

Theo thiển ý của chúng tôi [ATABOOK], ý kiến thứ hai này có vẻ áp đặt, suy diễn bởi những anh Hai, chị Hai đã có từ trước khi thực dân Pháp xâm lược. Chẳng hạn, trong ba anh em nhà Tây Sơn gồm Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ thì Nguyễn Nhạc - người anh lớn nhất, còn được gọi là Hai Trầu. Do vậy, chuyện tị húy với chức vụ Hương Cả là không hợp lý.

Ý kiến thứ ba:
Do thời xưa cha ông đi mở cõi vào miền nam phải đối diện với sự khắc nghiệt của tự nhiên, con cái sinh ra rất khó để nuôi dưỡng, nhiều người con đầu lòng sinh được chưa lâu thì đã bị chết do thú dữ hoặc bệnh tật. Vì vậy các bậc cha mẹ thường khấn vái trời đất thần linh để phụ hộ cho họ nuôi dưỡng con cái tốt hơn, và như một cách để đánh lừa ma quỷ, thay vì gọi theo thứ tự là con cả, con đầu... thì họ cố tình gọi là thằng hai, con hai... coi như đứa thứ nhất đã mất rồi để thần linh, ma quỷ không bắt con họ nữa.


Chú thích
(1) Tức mở rộng lãnh thổ của người Việt về phương nam trong lịch sử Việt Nam
(2) Mở đầu khi Trịnh Tráng đem quân đánh Nguyễn Phúc Nguyên năm 1627 và kết thúc vào cuối thế kỷ 18 khi nhà Tây Sơn dẹp cả chúa Nguyễn lẫn chúa Trịnh. Khi đó, nước Đại Việt đã bị chia cách hơn 100 năm.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến