ĐỪNG HIỂU SAI LỜI CỔ NHÂN


ĐỪNG HIỂU SAI LỜI CỔ NHÂN

Trên tạp chí Xứ Thanh số 35 (6-1998) có bài "Tiểu thuyết Thanh Hoá" của nhà văn Nguyễn Ngọc Liễn. Cũng trên tạp chí này số 36 (7-1998) lại đăng bài "Trao đổi cùng nhà văn Nguyễn Ngọc Liễn (Nhân đọc bài "Tiểu thuyết Thanh Hoá" - xứ Thanh số 36 (6-1998) của nhà văn Nguyễn Văn Đệ. Ở cả hai bài "trao" và "đổi" nói trên các tác giả đã viện dẫn khá nhiều văn, thơ, nhiều câu nói có tính chất "kinh điển" của người xưa để củng cố thêm ý kiến của mình.

Xin nói ngay rằng tôi không tham gia bàn tới vấn đề lớn mà hai nhà văn họ Nguyễn đang quan tâm. Tuy nhiên, trong khi trích dẫn và phân tích, cả hai bài viết đều không trích dẫn đúng và hiểu sai lời, ý của các bậc tiền thánh, danh nhân như: Lê Quý Đôn, Khổng Tử, Trần Tử Ngang, Lão Tử v.v...Xin có đôi dòng trao đổi.

Trong bài "Tiểu thuyết Thanh Hoá" ông Nguyễn Ngọc Liễn cho rằng: "Lê Quý Đôn viết: "Nếu mắt chưa nhình thấy được trăm sông ngàn núi, nếu bụng chưa chứa được hàng ngàn pho sách thì khoan hãy viết văn". Không biết nhà văn N.N.L trích dẫn ở đâu, theo tài liệu nào, nhưng theo sách "Vân Đài Loại Ngữ", câu nói đó của ông Ngô Lai bên Tàu, Lê Quý Đôn chỉ là người chép lại trong sách ấy mà thôi. Hơn nữa nguyên văn câu nói của Ngô Lai cũng không tầm thường như nhà văn Nguyễn Ngọc Liễn nhầm lẫn. Xin trích lại Ngô Lai nói: "Trong bụng không có được ba vạn quyển sách, trong mắt không có được núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì chưa chắc đã làm được văn" (1) (H.T.C nhấn mạnh).

Rõ ràng việc nhìn thấy "núi sông kỳ lạ của thiên hạ" theo ý của Ngô Lai rất khác với “trăm sông ngàn núi"  mà N.N.L trích dẫn. Đâu phải nhà văn cứ đi nhiều, nhìn thấy nhiều là được. Vấn đề (như ý của Ngô Lai nói) là đi đâu và nhìn thấy gì ? Ngô Lai cũng không chủ quan khuyên người ta: "Khoan hãy cầm bút viết văn", ông chỉ nghi ngờ hiệu quả công việc của người cầm bút "chưa chắc đã làm được văn" mà thôi. Người xưa nói và viết thận trọng là vậy đó ! Lê Quý Đôn - tác giả "Vân Đài Loại Ngữ" - Người trong bụng đã "có được ba vạn quyển sách" trong mắt đã "có được núi sông kỳ lạ của thiên hạ" nếu biết chuyện này ông nghĩ gì ?

Tiếp đến bài "Trao đổi cùng nhà văn Nguyễn Ngọc Liễn" nhà văn Nguyễn Văn Đệ viết: "đức Khổng tử nói rằng: "Nhân sinh thất thập nhi tòng tâm sở dục" (Người sống bảy mươi tuổi đã làm được cái điều mình muốn làm)". Nếu cứ hiểu theo ý của câu trích dịch đó thì: Sống đến bảy mươi tuổi người ta đã làm được những điều muốn làm (cần làm) trong cuộc đời hoặc người ta có thể làm được mọi điều nếu người ta muốn (!). Lẽ nào Khổng tử lại phát ngôn một cách chủ quan và hồ đồ như vậy ? Nhà văn Nguyễn Văn Đệ không ghi xuất xứ câu nói của Khổng tử, nhưng theo tôi, câu nói trên ở trong sách "Luận Ngữ".

Tuy nhiên nguyên văn của nó rất khác. Đó là về lúc cuối đời, Khổng tử thuật lại theo thứ tự trình độ học đạo và tu thân của ngài. Ở đây chỉ xin trích lại hai câu Khổng tử nói về độ tuổi 15 và bảy mươi của ngài. Đức Khổng tử nói rằng: "Ngô thập hựu ngũ, nhi chí vu học" (Hồi mười lăm tuổi, ta đã để hết tâm trí vào sự học) và "thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ" (Được bảy mươi tuổi, trong tâm trí ta dù có muốn sự chi cũng chằng hề trái phép) (2). Trích dẫn như nhà văn Nguyễn Văn Đệ thì thừa 2 chữ "nhân sinh" và thiếu hẳn cụm từ quan trọng "bất du củ" (không vượt qua phép tắc). Không thể tự ý thêm hai chữ "nhân sinh" (nghĩa là con người ta sống ở đời nói chung) được.

Bởi vì Khổng tử thuật lại quá trình học đạo, tu thân của chính ngài chứ không ai khác. Chỉ có đức thánh Khổng - người mới mười lăm tuổi "đã để hết tâm trí vào sự học" thì bảy mươi tuổi mới có khả năng phân biệt được mọi sự hay, dở, chính, tà, để "dù có muốn sự chi cũng chẳng hề trái phép". Người đời đâu phải cứ sống qua tuổi bảy mươi là có được khả năng như đức thánh Khổng?

Nhà văn Nguyễn Văn Đệ viết tiếp: "Ngày xưa đời nhà Đường ông Trần Tử Ngang viết:

"Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chỉ du du
Độc thương nhiên nhi thế hạ"

Ý ông Trần Tử Ngang nói rằng: "Vô tiền khoáng hậu" (trước sau không có ai cả). Ấy thế mà nghìn năm sau chúng ta cẫn thấy các thi nhân đời Đường như ông Lý Bạch, ông Bạch Cư Dị, ông Đỗ Phủ có kém gì ông Trần Tử Ngang không?".

Mới đọc qua đoạn văn trên tôi ngờ ngợ. Đọc lại thì giật mình ! Hiểu như vậy quả là oan cho Trần Tử Ngang thi nhân lắm lắm ! Ý thơ Trần Tử Ngang, con người Trần Tử Ngang đâu có vậy ? Tại sao mới chỉ qua 2 câu thơ đầu "Tiền bất kiến cổ nhân, Hậu bất kiến lai giả" đã vội "thâu tóm" nội dung toàn bài: "ý ông Trần Tử Ngang nói rằng "Vô tiền khoáng hậu" rồi chụp ngay cho nhà thơ cổ khả kính cái mũ "cao ngạo" văn chương của ai đó?

Thực tế, thơ và đời của Trần Tử Ngang không hề có sự cao ngạo tới mức tự xem mình là "vô tiền khoáng hậu". Trần Tử Ngang (661-701) sống ở thời kỳ sơ Đường. Ông đỗ tiến sĩ năm hai mươi tuổi, làm quan dưới thời Võ Hậu, nhiều lần dâng sớ can gián nhà vua, hai lần tham gia cuộc chiến tranh biên tái chống ngoại tộc. Ở triều hơn mười năm, ông tỏ ra bất đắc chí và nhân cớ cha già, xin lui về ở ẩn. Sau bị tên huyện lệnh hãm hại chết trong ngục ở độ tuổi bốn mươi hai, để lại 120 bài thơ. Chính ông là người có công giương cao ngọn cờ cách tân trong thơ ca. Ông cực lực bài xích thơ Tề Lương và đề xướng học tập phong cốt Hán, Ngụy, đặc biệt là phong cách thơ Kiến An (Niên hiệu Hán Hiến Đế 196 - 220).

Văn trào này có lãnh tụ là ba cha con họ Tào, dưới nữa có "Kiến An thất tử" (...) Như vậy, Trần Tử Ngang là người chủ trương học tập văn chương của người xưa đấy chứ? Hơn nữa, trong bài tựa "Tu trúc thiên" của Đông Phương Cầu, ông còn viết: "Bài Vịnh công đồng của ngài cốt cách sáng sủa, điêu luyện, nghe có tiếng chuông khánh". Nếu là người "cao ngạo", nhất là "cao ngạo" trong văn chương ở mức "vô tiền khoáng hậu" thì người ta đâu có biết đến văn chương của ai, nói gì đến việc học tập tiền nhân, ngưỡng mộ kẻ khác ? Thực ra 4 câu thơ của Trần Tử Ngang mà nhà văn Nguyễn Văn Đệ viện dẫn trên chính là bài "Đăng U Châu Đài Ca" - một tâm sự hoài cổ u buồn, cô đơn của kẻ bất đắc trí, khi một mình bước lên thăm đài U Châu, giữa vắng vẻ, mênh mang đất trời. Xin trích dịch:

Đăng U Châu Đài Ca
Tiến bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên dịa chỉ du du
Độc thương nhiên nhi thế hạ
Dịch nghĩa:
Bài ca lên đài U Châu
Trước không thấy người xưa
Sau không thấy kẻ sắp đến
Nghĩ trời đất mênh mang không cùng
Một mình bùi ngùi nhỏ nước mắt (3)

Cuối cùng, tôi xin được nói vài lời về hai chữ "vô vi" theo cách hiểu của hai nhà văn họ Nguyễn:

Nhà văn Nguyễn Ngọc Liễn cho biết ông "không từng trải lắm về cuộc đời. Phẳng lặng và yên ả, cộng thêm một chút vô vi". Nhà văn Nguyễn Văn Đệ "đối ngôn": "Chà, sao bác đọc Lão tử hời hợt thế ? Đức Lão Tử xưa vốn vô vi và phiêu diêu. Người vẫn cười khẩy với quan trường, với những thế lực lớn dễ động trời động đất trong thiên hạ". (Xin lưu ý luôn rằng chữ "tử" trong Khổng tử, Lão tử mà viết hoa như nhà văn Nguyễn Văn Đệ là không đúng). Thực tình tôi không biết trong hai nhà văn, ai là người đọc Lão tử một cách "hời hợt" hơn ai ?

Chỉ xin lưu ý  không nên hiểu "vô vi" trong học thuyết của Lão tử một cách giản đơn, trần trụi và tầm thường như vậy. "Vô vi" của Lão tử đâu phải là "không làm gì", chấp nhận sự "yên thân" ? Cũng không phải là "cười khẩy với quan trường, với những thế lực lớn dễ động trời trong thiên hạ"! "Vô vi" trong học thuyết của Lão tử chính là sự tôn trọng quy luật tự nhiên, không làm trái với "đạo của thiên nhiên” (4). Tuân theo quy luật của tự nhiên là "đạo" (vô vi). Đó là nền tảng của toàn bộ học thuyết Lão tử, cũng là cơ sở lý luận trị nước của Lão tử. Thuyết "vô vi" của Lão tử chỉ nhằm chống lại những hành động trái với "đạo" (như tiến hành chiến tranh, áp bức bóc lột v.v...) chứ không phải chống lại hành động, việc làm nói chung của con người.

Chính Lão tử là con người của hành động, việc làm tích cực. Thánh nhân chân chính theo sự "vô vi" mà Lão tử nói là người cần cù lao động "suốt ngày hành động mà không khỏi việc nặng nề" (chương 26 - Đạo đức kinh). Ông căm thù sâu sắc bọn áo bức bóc lột và đồng tình, tha thiết yêu thương nhân dân lao động. Trong "Đạo đức kinh" ông cảnh cáo những kẻ bóc lột, thống trị giàu có rằng: "Nếu nhân dân không sợ chết, thế thì sao lại lấy cái chết để uy hiếp họ? Cưỡng bách nhân dân mà lấy đó làm thú vị, người như thế ta cần bắt họ và giết họ" (chương 74). Lão tử, trên nguyên tắc thì phản đối chiến tranh, nhưng cũng chủ trương chiến tranh phòng ngự trong lúc bất đắc dĩ: "Binh khí tốt là đồ không lành, không phải là đồ của người quân tử, bất đắc dĩ mà phải dùng" (chương 31)(5).

Lão tử gọi bọn thống trị là "kẻ trộm cướp” và cảnh báo chúng rằng, đối với kẻ làm trái quy luật "đạo", "ta sẽ bắt họ, giết họ" thì thử hỏi, đời nào ông lại chịu "cười khẩy" mà bỏ qua cho những "thế lực lớn dễ động trời động đất trong thiên hạ"? Ấy là chưa kể chính Lão tử từng làm quan, con cháu, chắt, chút Lão tử đều làm quan to. Khi Khổng tử hỏi Lão tử về "Lễ" ông trả lời: "Người quân tử khi gặp thời thì xe ngựa nghênh ngang, không gặp thời như cỏ bồng xoay chuyển ..."(6). Rõ ràng là Lão tử không hề có tư tưởng coi thường quan trường, coi khinh thế sự khi bàn về "đạo" với Khổng tử. Lão tử đích thực là con người luôn hành động, đấu tranh, nhưng là hành động và đấu tranh theo "đạo", theo hai chữ "vô vi" (không làm trái ngược với đạo). Bản thân tác phẩm "Đạo đức kinh" vĩ đại chính là việc làm vô cùng tích cực với đời của ông. Mong rằng có dịp được bàn thêm về vấn đề này.

HOÁNG TUẤN CÔNG
Bài này đã đăng trên Tạp chí Xứ Thanh số 37 (1998)
15-7-1998
(1). Xem Vân Đài Loại Ngữ - Lê Quý Đôn - NXB Văn Hoá - 1962 Chương V - Văn nghệ - tr.240.
(2). Xem Luận Ngữ - dịch giả Đoàn Trung Còn - NXB Thuận Hoá Huế - 1996 tr.17.
(3). Xem Đường thi tuyển dịch - tập 1. Lê Nguyễn Lưu - NXB Thuận Hoá - 1997 và Thơ Đường tập 1- NXB Văn học Hà Nội 1987.
(4). Hai chữ "vô vi" cũng được Khổng tử dùng với nghĩa là: Không được làm trái ngược (xin xem lại Luận Ngữ chương thứ nhì: Vi chính, tiết thứ 5. tr.17, sách đã dẫn.
(5). Xem Lão tử và Đạo đức kinh - NXB Sự thật Hà Nội - 1963.
(6). Xem Sử ký của Tư Mã Thiên - truyện Lão tử.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến