NGUỒN GỐC ĐỊA DANH SÀI GÒN – ĐỒNG NAI – HUẾ


NGUỒN GỐC ĐỊA DANH
SÀI GÒN – ĐỒNG NAI – HUẾ

Khởi đi từ tư duy hệ thống và phi tuyến tính, chúng tôi thấy rằng rất ít khi có một địa danh lẻ loi, từ trên trời rơi xuống. Mỗi địa danh đều gắn kết với ít nhất một địa danh khác, mà chúng tôi tạm gọi là “hệ địa danh”. Trong nội bộ một hệ địa danh nhất định, sự tương tác cũng như liên đới về phương hướng (đông tây nam bắc), ngữ nghĩa, ngữ âm, lịch sử hình thành và địa lý chắc chắn sẽ giúp chúng ta khám phá ra logic gần sự thật nhất, có độ thuyết phục cao nhất, từ ít cứ liệu nhất.

Đó là lý do chúng tôi quyết định khảo sát nguồn gốc các tên gọi Sài Gòn, Đồng Nai và Huế cùng một lúc.

Người Hoa từ trước đến nay đều viết bằng Hán tự tên thành phố bên bờ sông Sài Gòn là Tây Cống 西貢. Âm của Tây Cống trong tiếng Triều Châu (chi Mân Nam) gần với âm Sài Gòn nhất, theo nhu liệu ngữ âm của S. Starostin là [Saikoŋ].
Sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776 có dữ kiện “Năm 1674 Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vỡ lũy Sài Côn”. Sách Đại Nam Thực Lục ghi nhận chỉ 5 năm sau sự kiện trên, năm 1679 chúa Nguyễn đã phong chức, ủy lạo rồi sai Trần Thượng Xuyên và đoàn Hoa nhân tị nạn vào khai khẩn Đông Phố tức Biên Hòa – Đồng Nai ngày nay. Họ Trần người Lôi Châu, khu vực chủ yếu dùng phương ngôn Lôi Châu thuộc nhóm Mân ngữ.

Sơ đồ phân bổ Mân ngữ: Màu tím là nhánh Quỳnh – Lôi, đất bán đảo Lôi Châu và Quỳnh Châu (Hải Nam), nơi xuất phát của Trần Thượng Xuyên. Màu xanh Mân Nam (Southern Min) bao gồm toàn bộ đất Triều Châu và vùng ven biển Đài Loan.
Chúng tôi chưa tìm được đủ dữ kiện để minh xác Sài Côn hay [Saikoŋ] ra đời trước. Khả năng Lê Quý Đôn đã dùng hai chữ Sài Côn để ghi lại giọng đọc [Saikoŋ] đương thời (1776) vì rõ ràng người Khmer chưa bao giờ dùng từ này. Không có lý nào để họ gọi đồn lũy của mình bằng Mân âm hoặc Hán Việt âm. Và nếu Sài Côn là ký âm Hán Việt thì rất vô lý, họ sẽ dùng chữ Tây chứ không phải Sài.

Về ngữ âm và ngữ nghĩa, chúng ta thấy ngay Tây Cống 西貢 hầu như vô nghĩa, đặc biệt là chữ Cống. Do vậy Cống có thể là Hán tự ký âm bản ngữ Champa [krong] hoặc Khmer [ស្ទឹង – stoeng] chỉ dòng sông. Tiền lệ của nó là trường hợp âm [krong] bản địa đã được người Trung Nguyên viết thành Giang (cổ âm đọc như chữ Công ) chỉ sông Dương Tử từ thời Xuân Thu Chiến Quốc; hay Mekong được người Việt viết thành Cửu Long. Cũng có thể Cống chỉ liên quan với Krong/Stoeng ở cội nguồn Austronesian vì âm Kong trong tiếng Quảng Đông vừa chỉ Cảng và Sông/Giang như ta đã thấy trong từ Hongkong, chữ Hán là Hương Cảng 香港.


Từ điển Chăm – Việt – Pháp của G. Moussay

Như vậy phải chăng Tây Cống mang nghĩa dòng sông phía tây và Mân âm Lôi Châu (pha trộn giữa tiếng Quảng Đông và Triều Châu) của nó chính là Sài Gòn? Khi đọc lên, âm Sài Gòn sẽ có hai nghĩa, tùy ngữ cảnh: Cảng phía Tây hoặc Dòng sông phía Tây.

Nếu đi theo hướng suy luận này, chúng ta sẽ kết nối được Đồng Nai với Đông Nai. Tức là âm Đồng có khả năng là Mân âm Lôi Châu chỉ hướng Đông, hoàn toàn khớp với tương quan vị trí địa lý của nó với Đông Phố (Bến nước phía đông) và Tây Cống (dòng sông hoặc bến cảng phía Tây) trên thực địa. Đến đây thì Nai đã hiện ra dấu hiệu âm bản ngữ bị rút gọn, đơn âm hóa của Krong Binai (sông Cái) trong tiếng Champa!

Xét về lưu vực, lưu lượng dòng chảy và độ lớn, sông Đồng Nai ngày nay vẫn đóng vai trò sông Cái, sông Mẹ và sông Sài Gòn là một nhánh con phía tây của nó. Các tục danh đa dạng của Đồng Nai hầu như đều rút gọn từ cụm từ Nông Nại Đại Phố 農耐大浦, đến đây đã có thể hiểu là Bến cảng lớn của sông Cái phía Đông.

Vị trí và hình thế của sông Đồng Nai và Sài Gòn.
Nếu Đồng Nai tiên khởi mang nghĩa Sông Cái phía Đông và Sài Gòn chỉ Sông Con phía Tây, nó sẽ khớp với logic hình thành địa danh không chỉ tại Việt Nam xưa nay, mà còn ở cả Trung Quốc. Tên đất chính là tên sông: Hà Nam, Hà Bắc (vùng đất phía nam và phía bắc sông Hoàng Hà), Giang – Hoài (vùng đất nơi có sông Trường Giang và sông Hoài). Tiền Giang, Hậu Giang, Bắc Giang, Ninh Giang, Hà Giang, Hà Nam, Kiên Giang…

Trần Thượng Xuyên nam tiến từ vùng đất nói tiếng Mân muộn hơn người cùng họ và cùng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình là Trần Kính trên dưới 600 năm. Không phải tình cờ mà ngày nay người ta gọi đất Hóa Châu xưa kia bằng Mân âm Huế của chữ Hóa. Triều đại mở đất Việt Nam đến Huế chính là Đông A, được lãnh đạo bởi các hậu duệ của Trần Kính. Âm Huế có lẽ đã là phương danh, tục danh tồn tại từ thời Trần Anh Tông (1276 -1320). Cũng chính Trần Anh Tông đã đổi tên đất An Sinh thành Đông Triều. Rất có thể đấy là dụng ý có tính toán kỹ lưỡng của tiền nhân để lưu lại dấu tích Mân ngữ – Triều Châu ngữ cho đời sau, giống hệt trường hợp địa danh Tân Triều ở Đồng Nai.
Từ 7 đến 8 tuổi, tác giả của bài viết này đã được sống một năm giữa vùng đất Bạc Liêu mênh mông “Dưới sông cá chốt – Trên bờ Triều Châu”, nghe những câu vọng cổ đêm mang nỗi hoài hương của di dân Hoa Nam thuở nào. Đến nay mới chợt hiểu:

Từ thuở mang cày đi mở cõi
Ngàn năm thương nhớ đất Triều Châu
Âm xưa còn đọng trong danh tại
Diết da câu vọng cổ Sáu Lầu




Nhận xét

Bài đăng phổ biến