HƠI TIẾC CHO BÌA SÁCH “NÀNG KIỀU KHỎA THÂN”

HƠI TIẾC CHO BÌA SÁCH
“NÀNG KIỀU KHỎA THÂN”

Bạn không phải là Nguyễn Du - tất nhiên. Nhưng nếu bạn là Nguyễn Du, bạn có chắc "duyệt" bìa này, với "thẩm mỹ đời 2015", cho một truyện thơ 3.254 câu vốn là niềm tự hào của người Việt 200 năm qua? 


Bức tranh Kiều của cụ Lê Văn Đệ là một minh hoạ đẹp, thuần Việt, táo bạo trong thanh tao (phải). Còn khi đưa tranh ra làm bìa, bản tranh gốc ba màu, tạo hiệu ứng không gian ý nhị, dịu dàng được thay bằng bản đã xử lý vi tính nên bẹt, trơ, và không nên thơ (trái).

Những người có kinh nghiệm đọc sách phong phú thường tự nhủ: Đừng bao giờ đánh giá một cuốn sách mà chỉ thông qua trang bìa của nó. Điều này có thể đúng với ấn bản Truyện Thuý Kiều (Nhã Namv à NXB Thế giới). Vì sao?…

Bìa sách này có ‘thơ’ không?

Bìa sách thường diễn đạt đặc trưng về thể loại của cuốn sách. Theo đó, là chủ đề, bầu không khí mà cuốn sách truyền đạt, và thông điệp chính - tư tưởng, hay giá trị mà bạn giới thiệu cho độc giả. Họ tìm kiếm điều gì ở cuốn sách này?

- Bìa Truyện Thuý Kiều là hình ảnh nàng đang tắm vào buổi thong dong. Cơ thể khoả thân màu nhũ vàng trên nền đen trắng phối hợp. Bản tranh gốc ba màu, tạo hiệu ứng không gian ý nhị, dịu dàng được thay bằng bản đã xử lý vi tính nên bẹt, trơ, và không nên thơ.

Bìa sách này có "Kiều" không?

Bìa sách là công cụ tiếp thị số 1 của một cuốn sách.

Bìa sách Truyện Thuý Kiều sử dụng trích đoạn minh hoa Kiều, nên có hình ảnh Thuý Kiều. Trong loạt tranh kèm sách, hình ảnh này chưa hẳn trội, nhưng khoả thân nhất, và vì thế, đúng ý nhà làm sách?

Bìa sách này có "thanh" không?

Sách là cửa sổ vào trí tưởng tượng của chúng ta. Chúng có thể tạo ra thế giới riêng trong tâm trí của người đọc, Vì vậy, sẽ không ổn khi hình ảnh nhân vật đại diện không tương tác với trải nghiệm của người đọc.

Các yếu tố hấp dẫn chính yếu phải được nhận ra, chắt lọc và diễn đạt tinh giản, khiến độc giả nhận ra hồn vía của câu chuyện mà tác giả gửi gắm.

HÌnh ảnh của ý thơ "Rõ màu trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên" không thể hiện phận đời trôi nổi của Kiều. Đây là một minh hoạ cảm tác từ hai câu thơ đó. Trong tổng thể bản tranh gốc thì hình ảnh Kiều thì thanh. Còn trên bìa này thì không. Vì sao? - xin đọc tiếp:

Bìa sách này có ‘tục’ không?

Hiển thị nhân vật chính của sách trên trang bìa không luôn là một ý tưởng tốt. Hầu hết người đọc thích dùng trí tưởng tượng của mình để miêu tả những câu chuyện và các nhân vật trong đầu của họ. Nhân vật thông qua minh họa ra sao, luôn là một thách thức đối với hoạ sĩ minh họa, hoạ sĩ thiết kế bìa.

May mắn cho người làm bìa (và người đọc), là không phải vẽ nàng Kiều, mà chỉ biên tập tranh đã có. Nhưng không may, là người này không rõ đúng sai trong thao tác với một đồ hoạ khắc gỗ của tiền nhân. Nhanh và dễ nhất để gia tăng ấn tượng Kiều khoả thân, là phóng tràn trang.

Bản tranh gốc, hoạ sĩ Lê Văn Đệ minh hoạ cho ý thơ nói trên ở trang trong của sách. Khi đưa ra bìa này, do đặc tả, nên chi tiết phóng to, và đã khử màu ở chi tiết chậu bông và cây lá. Cho nên đường nét uốn lượn ngợi ca "toà thiên nhiên" nay thành các nét ma quái trắng và đen - Thuý Kiều đã trở nên một phụ nữ "nude" thô giản.

Vì sao? – Tranh khắc gỗ diễn tả hoa lá, đêm đen, Thuý Kiều,… bằng thủ pháp ước lệ. Khi phóng to, chi tiết cận cảnh hơn, đã khiến thủ pháp này, với số đông độc giả, được xem xét bằng thủ pháp tả thực, kiểu như ảnh chụp. Pha trộn kiểu cảm nhận này, bìa sách đã chạm vào ý niệm tục.

Bìa sách Truyện Thuý Kiều hay, hay đẹp?

Bìa sách hay, luôn bắt đầu với sự hiểu biết của những người làm sách.
Có một cách nhìn mới mẻ, luôn tạo hứng thú, và chú ý của độc giả, bắt đầu từ cảm nhận, tinh thần chính, và tương tác với tựa, chữ. Bìa sách luôn phải phản ánh tốt những gì người đọc có thể tìm thấy trong cuốn sách. Hình tượng chính trên bìa cần hỗ trợ cho ẩn dụ của cuốn sách.

Bức tranh Kiều của cụ Lê Văn Đệ là một minh hoạ đẹp, thuần Việt, táo bạo trong thanh tao. Và chỉ có thể là một tranh minh hoạ trong ruột cuốn sách, hay bản tranh treo riêng. Nó không thể trở nên hình trên bìa như hồn vía của Đoạn trường Tân Thanh bất hủ. Cảnh nàng Kiều tắm đêm không đại diện cho thân lưu lạc, phận bán mình, đời dâu bể.

Với đa số bạn đọc, bức tranh đó không đủ đại diện cho tiếng lòng hay ký ức thị giác về Thuý Kiều. Thêm nữa, khi được dùng trên bìa sách, bản tranh đã được can thiệp khá thẳng tay, bằng cách cắt trên, dưới, khử màu, làm trơ, chèn chữ, hình lên trên. Cô Kiều trên bìa sách, bị lột phần nên thơ, dường như hiện nguyên hình là Nguyễn Thị Thuý Kiều, một gái mại dâm còn biết e lệ.

Nghĩa là bìa sách này chưa hay, chưa đẹp.

*****
Bạn không phải là Nguyễn Du - tất nhiên. Nhưng nếu bạn là Nguyễn Du, bạn có chắc "duyệt" bìa này, với thẩm mỹ 2015, cho một sử thi 3.254 câu, niềm tự hào của người Việt đã 200 năm?

Cảm giác nhất quán khiến một bìa sách trở nên tuyệt vời.
Bìa sách Truyện Thuý Kiều, hơi tiếc, không có điều đó.

*****
Bìa sách tốt là gì?

Đồ họa trên bìa tạo những ấn tượng trực tiếp nhất và không dễ quên đối với độc giả. Người thiết kế bìa sách cần có suy nghĩ của một người đọc, người xem sách. Trên kệ sách, một bìa sách tốt được nhận ra khi:

- Chúng giao tiếp rõ ràng, nhanh chóng và hiệu quả cho người đọc bằng cách tổ chức hình ảnh hài hòa với nhau.

- Có chủ đề, được diễn đạt một cách có ý tưởng, sống động.
Điều quan trọng là thiết kế của bạn truyền tải thông điệp và ý nghĩa của cuốn sách rõ ràng.

Hơn thế, hình ảnh thể hiện trên bìa tốt đem đến cho người xem cảm giác của một câu chuyện hay.

NGUYỄN TRI PHƯƠNG ĐÔNG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến