18-Thành Lăng Tiêu

18
Bàn về tư tưởng Phật Học
trong tiểu thuyết Võ Hiệp Kim Dung


Phần 17
Hồi 16 : Thành Lăng Tiêu

A. Tóm tắt Hồi 16
- Đoàn người Bạch Vạn Kiếm, các cao thủ Tuyết Sơn, Thạch Thanh, Mẫn Nhu và Thạch Trung Ngọc trở về thành Lăng Tiêu.

- Đinh Đang thuyết phục thành công Thạch Phá Thiên " vác cây thánh giá " thay cho Thạch Trung Ngọc.

- Tại thành Lăng Tiêu, sau khi Sử bà bà ra đi biệt tăm, A Tú mất tích, đoàn cao thủ do Bạch Vạn Kiếm dẫn đầu đi lùng tìm Thạch Trung Ngọc, Bạch Tự Tại trở nên nóng nảy bất thường và trút các cơn thịnh nộ xuống hàng đệ tử : đã vô lý giết chết nhiều đệ tử khiến bang phái trở nên vô cùng bất an. Các sư đệ Bạch Tự Tại cùng hàng đệ tử lập mưu tống ngục Bạch Tự Tại và bàn chuyện phế ông ta, cử người mới lên làm chưởng môn.

- Đoàn người mới trở về cũng bị đánh thuốc mê và giam vào ngục thất. Thạch Phá Thiên nghĩ ra cách thoát ngục và đi cứu giải, vừa lúc Sử bà bà và A Tú đến, đang bị vây quanh các làn kiếm rất nguy kịch. Thạch Phá Thiên nhảy vào cứu nguy cho Sử bà bà và A Tú, tất cả ba cùng tìm cách cứu vãn tình thế nội biến trong bang.

B. Ý Kiến 
1. Hai nhóm người
Các nhân vật trong truyện mỗi người một vẻ, có tâm lý biểu hiện khác nhau, tựu trung có thể xếp thành hai loại :

Vị kỷ : Nhóm vị kỷ, điển hình như Thạch Trung Ngọc, Đinh Đang, Đinh Bất Tam, Đinh Bất Tứ, Bạch Tự Tại và rất nhiều cao thủ khác của Tuyết Sơn. Trung tâm hành dinh của vị kỷ là tự ngã, chấp thủ nặng cái " ta " và cái " của ta ", chỉ sống nhằm thỏa mãn dục vọng, hiếu danh, hiếu lợi.

Vị tha : Điển hình có hai sứ giả, Thạch Thanh - Mẫn Nhu, Cẩu Tạp Chủng, A Tú ...
Trung tâm điểm của tâm lý là hoạt động hành hiệp vì lợi ích của tha nhân, vì công lý mà trừ gian diệt hại, vì tình người, yêu con người. Chính sự có mặt của nhóm nầy trong tiểu thuyết kiếm hiệp đã tạo ra một sức hấp dẫn lớn, một sự đam mê truyện.

2. Hai ảnh hưởng : 
- Nhóm thần tượng cái " ta " và cái " của ta " thì mãi là nguyên nhân, tác nhân của các xung đột, bạo hành, gây rối ren xã hội dẫn đến hậu quả không lường.
- Nhóm vị tha có khuynh hướng không nhìn thấy gì là " ta ", " của ta ", nhưng lại thường hành động tích cực giúp đời, giúp người khốn khó, bị bức hiếp, đem lại an lành, ổn định và tình người ấm áp cho xã hội.

Giáo lý nhà Phật có thể được giới thiệu là giáo lý của " không ta ", " không của ta " ấy, là giáo lý của thái độ sống thật, tích cực, mà không phải của triết lý, huyền đàm, rất đáng được tham cứu, trân trọng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến