SÁCH GIÁO KHOA TIẾNG VIỆT 1 RẤT NHIỀU LỖI

SÁCH GIÁO KHOA TIẾNG VIỆT 1
RẤT NHIỀU LỖI

Theo phụ huynh Lê Quân, khi mở sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 dạy con học, anh thấy viết hoa lung tung, dấu câu được sử dụng không theo quy chuẩn, tên riêng không viết hoa.

Phụ huynh Lê Quân (tên đã thay đổi) chia sẻ về sách giáo khoa (SGK) lớp 1 của NXB Giáo dục Việt Nam với nhiều điểm bất cập, sai sót, “thua xa sách ngày xưa".

Thông tin này nhanh chóng nhận được gần 2.400 lượt thích, hơn 300 chia sẻ và nhiều bình luận. 

SGK sử dụng từ tối nghĩa, không viết tên tác giả?

Theo phụ huynh này, những bài thơ, câu văn trong SGK xưa luôn rõ ràng, rành mạch, gợi mở, theo mỗi con người suốt cuộc đời. Ví dụ, trích đoạn Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh - tác phẩm đã đi vào lòng của biết bao thế hệ học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường với ngôn từ trong sáng. SGK lớp 1 ngày xưa cũng không có lỗi chính tả.

Tuy nhiên, ngày nay, khi mở sách tiếng Việt lớp 1 của con ra, anh Lê Quân cho rằng sách có nhiều lỗi, quy tắc viết hoa và dấu câu cũng sai.

“Ví dụ từ Chào Mào, SGK viết hoa chữ M nhưng từ Tu hú thì chữ h không viết hoa.

Các dấu câu như hai chấm, chấm hỏi được đặt không có quy chuẩn. Tên riêng của người lúc viết hoa, lúc không. Ngoài ra, nhiều câu văn trích dẫn tối nghĩa như: Sau cơn mưa cả nhà cá bơi đi bơi lại bận rộn; hay câu: Dì Na gửi thư về, cả nhà vui quá / Dì na ở phố, nhà dì có chó xù”, phụ huynh này thông tin.

Bên cạnh đó, phụ huynh chỉ ra hàng loạt lỗi được cho là sai sót ở SGK Tiếng Việt lớp 1.
Thứ nhất, bài Quê hương theo nguyên tác và trong trí nhớ của nhiều thế hệ, câu thơ phải là: Tuổi thơ con thả trên đồng, nhưng trong sách lại là Chiều chiều con thả trên đồng.

Thư hai, trong từ dì na, chữ Na là tên riêng thì phải viết hoa, nhưng trong sách không viết hoa.

Thứ ba, từ sau rốt ít được sử dụng, người lớn khó hiểu, tối nghĩa thì sao trẻ con hiểu được? Từ này có mối liên hệ gì với hình vẽ trong bức ảnh?

Thứ tư, một ví dụ hình ảnh có bài thơ về ngôi nhà và ốc sên thì ốc sên được vẽ to gần bằng ngôi nhà. Tỷ lệ người, nhà, vật không cân đối, phá hỏng khuôn hình trong suy nghĩ của trẻ con.

Thứ năm, việc trích dẫn tên tác giả trong các bài văn, thơ mẫu gần như biến mất. Những tác giả như Tô Hoài, Võ Quảng, Thanh Tịnh, Trần Đăng Khoa... không được nhắc tên, trẻ em không biết tác phẩm của ai.

Anh Lê Quân khẳng định ngành giáo dục nếu không có cuốn sách giáo khoa lớp 1 - sách đầu đời của học sinh - được làm tử tế thì những đổi mới cũng sẽ không cải thiện được tình hình. 


NXB Giáo dục Việt Nam lên tiếng

Trước băn khoăn của phụ huynh, ông Nguyễn Văn Tùng - Phó tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam - giải thích, thứ nhất, SGK Tiếng Việt 1 tập một tr.163 khổ thơ của Đỗ Trung Quân có câu Chiều chiều con thả trên đồng.

Trong quá trình biên soạn sách, nhóm tác giả sách Tiếng Việt 1 đã chọn trích bài thơ này theo các nguồn tài liệu sau đây: Những bài thơ em yêu (NXB Giáo dục, 1997, tuyển chọn: Phạm Hổ, Nguyễn Nghiệp, tr.149), và Thơ thiếu nhi chọn lọc (NXB Thanh niên, 2005, nhóm tuyển chọn: Định Hải - Xuân Dục - Minh Phúc, tr. 150). Những tài liệu này đều in là Chiều chiều con thả trên đồng.

Trong Tuyển tập thơ Việt Nam thế kỷ 20, dòng thơ trên cũng in là chiều chiều.


SGK ngày xưa gợi nhớ về những bài thơ, văn quen thuộc với một thế hệ. 

Thứ hai, SGK Tiếng Việt 1 tập một tr.47 không viết hoa (dì na), vì từ trang 3 đến trang 57 là không viết hoa tên riêng. Lý do, trước bài 28, học sinh chưa học viết hoa. Từ trang 58, sách bắt đầu viết hoa.

Thứ ba, SGK Tiếng Việt 1 tập một tr.147 sử dụng từ sau rốt. Từ này thực ra không mới (các bé mẫu giáo đã biết và thuộc lòng bài Con vỏi con voi / Cái vòi đi trước… / Còn cái đuôi đi sau rốt. Từ này liên hệ cụm hình đàn vịt con có một con đi sau rốt (cùng).

Thứ tư, ảnh minh họa ốc sên và ngôi nhà của SGK Tiếng Việt 1 tập một tr.161 không phải tỷ lệ thực, cho nên Ốc sên vẽ to vì trong khổ thơ nó được liên tưởng so sánh như (một) mái nhà của nó (ốc sên).

Thứ năm, SGK Tiếng Việt 1 ghi tên các tác giả có thơ văn được trích dẫn làm ngữ liệu vào trang 172 - tập một và tập hai. Lý do là học sinh phải bắt đầu học tiếng Việt (trong sách Tiếng Việt 1) từ dễ đến khó (từ tiếng có vần một âm, đến tiếng có vần 2 âm, 3 âm) nên không thể đưa tên các tác giả ở cuối phần trích nhằm tránh trường hợp trong tên tác giả đó có các vần học sinh chưa được học.

Nếu cố tình sẽ dẫn đến trường hợp có phần trích có ghi tên tác giả, có phần không, như thế cuốn sách sẽ thiếu tính hệ thống.

Cũng trên mạng xã hội, một phụ huynh phản ánh SGK Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục có in câu thơ: Bà già đi chợ đàng trong / Mua một cây mía vừa cong vừa dài.
Theo phụ huynh này, bài thơ được trích dẫn người lớn đọc lên cảm giác ngô nghê, không có nghĩa, tại sao không sử dụng bài thơ đã quen thuộc ý nghĩa với nhiều thế hệ: Bà còng đi chợ trời mưa / Cái tôm cái tép đi đưa bà về.

Ông Nguyễn Văn Tùng trả lời đây là tình huống trong một cuốn sách tham khảo phục vụ cho việc học sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục. Ngữ liệu ở đây được dùng với mục đích để học sinh khi phát âm nhận ra tiếng gần giống nhau (cong / trong). 

Quyên Quyên


Nhận xét

Bài đăng phổ biến