8-Vết thương

8

Bàn về tư tưởng Phật Học
trong tiểu thuyết Võ Hiệp Kim Dung

Phần 7
Hồi 6 : Vết thương


A. Tóm tắt Hồi 6
- Liên tiếp nhiều sự hiểu lầm chết người, nhiều cuộc xung đột lời lẽ và đao kiếm xẩy ra do sự nhận lầm cái thân tướng giống nhau giữa Cẩu Tạp Chủng và Thạch Phá Thiên (Thạch Trung Ngọc ) :
Dù thành thật xác nhận chàng không phải là Thạch Ca của Đinh Đang, Đinh Đang cũng nhất mực đòi cưới chàng, nhất là khi nhận ra vết thẹo trên vai Cẩu Tạp Chủng nằm đúng vị trí mà Đinh Đang đã một lần cắn vào vai Thạch Trung Ngọc ( vết thẹo trên vai Cẩu Tạp Chủng là do Bối Hải Thạch giả tạo khi chàng đang cơn sốt mê )

Dù Cẩu Tạp Chủng rất chân thật nói chàng không có mối liên hệ nào với bang Tuyết Sơn, thì vô minh ( do tin đồn và thị giác đánh lừa ) của nhóm Bạch Vạn Kiếm vẫn cho là lời lẽ của chàng là xảo ngôn, bội nghĩa...
- Sự dối gạt của Bối Hải Thạch, và sự mê muội, sân si, hẹp lượng của các người khác đã dựng nên bi kịch về cái tướng dẫn đến cảnh máu rơi...

B. Ý kiến 1. Cái tướng trạng là hư dối :
- Cái na ná của thân tướng Cẩu Tạp Chủng và Thạch Trung Ngọc chưa có cơ sở để kết luận cả hai là một người duy nhất.
- Dù hai chàng ấy giống nhau cho đến từng vết thẹo trên thân thì hai người vẫn là hai cá thể khác biệt, có hai thế giới cảm xúc và tâm thức hoàn toàn khác nhau.
Việc nhận diện con người qua ngoại hình, hay việc xác định giá trị hành động qua các biểu hiện bên ngoài của hành động, là một bi kịch của máu và nước mắt.

Vết thương trong Hồi truyện thứ 6 nầy không phải là vết thương trên vai, trên chân của Cẩu Tạp Chủng, mà là vết thương trong nhận thức và văn hóa con người !
Đây là điều mà Kinh Kim Cang đã dạy : sự thật là ở thực tại, ở cái tâm, mà không ở nơi cái tướng. Các tướng trạng đều là không thật ( Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng )
Sự nhận lầm về giá trị của các hiện hữu qua các tướng trạng ấy, giáo lý nhà Phật gọi là vô minh. Chính vô minh là đầu mối của các rối ren của con người và xã hội phát sinh ra vạn nổi sầu khổ, hệt như sự nhận lầm lừng lựng về Cẩu Tạp Chủng !

2. Chủ quan của các quan điểm và giới hạn của các quan điểm :
- Như Đinh đinh Đang đang với chủ quan qua kinh nghiệm các giác quan của mình đã nhận lầm rất lớn về Cẩu Tạp Chủng dẫn đến cảnh ngộ cưới hỏi, yêu thương lỡ khóc lỡ cười; cũng thế, các chủ trương của các lý thuyết ở đời cũng chỉ dẫn đưa con người đến một kết cục lỡ khóc lỡ cười !

- Như Bạch Vạn Kiếm và nhóm kiếm sĩ Tuyết Sơn với chủ quan qua kinh nghiệm các giác quan, qua các báo cáo điều tra, và qua cả vết thẹo tình cờ mang dấu hoa mai nơi chân của Cẩu Tạp Chủng, đã dẫn đến bi kịch xung đột đao kiếm rất tang tóc; cũng thế, các chủ trương của các lý thuyết dựa vào kinh nghiệm, chứng nghiệm giới hạn cũng chỉ dẫn dắt con người đến các kết cục bi kịch đầy bi thương !

Giáo lý nhà Phật nói về sự thật vô ngã, thái độ sống vô chấp, nhân ái, từ bi chỉ nhằm vào mục đích diệt trừ nguyên nhân của khổ đau, đem lại hạnh phúc, an lạc cho đời, mà không nhất thiết dừng lại ở một chủ trương, chủ thuyết nào, nên sẽ không dẫn dắt con người đến một kết cục ki bịch nào. Đây là những gì mà người viết nghe âm vọng từ ngôn ngữ tiểu thuyết Hiệp Khách Hành của Kim Dung.

3. Nguyên nhân của các hiện hữu :
- Quần hào nhận lầm Cẩu Tạp Chủng là Thạch Trung Ngọc đặc biệt là qua vết thẹo hoa mai do kiếm pháp của Tuyết Sơn để lại trên chân của Thạch Trung Ngọc. Nếu tìm hiểu rõ nguyên nhân của vết thẹo trên chân của Cẩu Tạp Chủng là do Bối Hải Thạch giả tạo thì sự thật sẽ phơi bày. Cũng vậy, nếu biết rằng vết thẹo trên vai của Cẩu Tạp Chủng là do Bối Hải Thạch tạo ra, thì Đinh Đang đã không nhầm lẫn " đấng " lang quân !
Đây là bài học tìm hiểu rõ nguyên nhân của một hiện hữu : theo giáo lý nhà Phật, khi chưa hiểu rõ nguyên nhân của Khổ thì chưa hiểu rõ sự thật của Khổ, và do đó chưa thể thấy con đường dẫn ra khỏi khổ.

4. Các duyên tạo nên vô minh hay sự nhận lầm : 
- Bạch Vạn Kiếm nhận lầm là do tức giận, nóng vội chưa kiểm chứng và lập luận kỷ về sự việc và nguyên nhân của sự việc.
- Đinh đinh Đang đang nhận lầm là do dục ái, nông nổi khiến mù quáng qua các lập luận.
- Triển Phi hương chủ nhận lầm là do lòng căm hờn sâu nặng đánh mất sự thận trọng và sáng suốt.
- Thị Kiếm nhận lầm là do dễ dãi, lười biếng phân tích, suy luận, và do cả lòng đầy nghi ngờ đối tượng.
- Tất cả bị nhận lầm là do bị ám ảnh bởi các tướng, mà xem nhẹ cái tâm ( tà kiến, tà niệm ).

Các duyên ấy, theo Phật học, là nội dung của các tâm lý bất thiện, cấu uế do năm thứ ngăn che tâm, thức gây ra đó là :
- Trạo cử, tâm lý thiếu ổn định.
- Hôn trầm : tâm lý thụ động, mệt mõi, lười biếng.
- Dục : tâm lý ham muốn sắc, thanh, hương, vị, và xúc chạm...
- Sân : tâm lý nóng nảy, sân hận.
- Nghi : tâm lý si ám, nghi ngờ, do dự.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến