BÊN THẮNG CUỘC-Phần một-Chương 01-BA MƯƠI THÁNG TƯ-[2]
BÊN THẮNG CUỘC
Phần một
Chương 01
BA MƯƠI THÁNG TƯ-[2]
Sài Gòn trong vòng vây Theo Henry A. Kissinger, cuối tháng 4-1975, người Mỹ đã hoàn thành phần lớn
việc di tản, kể cả hơn một trăm nghìn người Việt Nam có thể bị nguy hiểm do đã
cộng tác với người Mỹ. Ngày 22-4-1975, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã “chấp thuận yêu cầu”
của Tổng thống Gerald Ford, đồng ý gỡ bỏ những điều kiện hạn chế (extend
parole) cho “khoảng 130,000 dân tị nạn đến từ Đông dương, trong đó có 50,000
người thuộc diện nguy cơ cao”. Đây là lần thứ hai Bộ Tư pháp Hoa Kỳ “chấp thuận
một trường hợp ngoại lệ” (lần đầu, năm 1960, được dành cho “dân tị nạn Cuba”). Từ ngày 21-4, các máy bay, C-141 vào ban ngày và C-130 vào ban đêm, liên
tục cất cánh từ Sài Gòn, đưa “khoảng 50.000 người Việt nam” ra đi. Hơn 80.000
người Việt Nam khác “với sự trợ giúp của Mỹ chạy thoát bằng các phương tiện
khác”. Tuy nhiên, vào 4 giờ sáng ngày 29-4, khi quân Giải phóng tấn công bằng
tên lửa vào sân bay Tân Sơn Nhất, 8.000 người Việt nam và 400 người Mỹ vẫn còn
đang tập trung ở đó để chờ lên máy bay. Cuộc sơ tán đã phải tạm ngưng vì đám
đông hoảng loạn. Trong ngày hôm ấy, Sài Gòn chứng kiến những đợt rút chạy cuối
cùng của phái bộ Mỹ, trực thăng lên xuống ầm ĩ trên vùng trời Tân Sơn Nhất,
binh sĩ dưới đất bắn lên, tức giận. Ba giờ chiều ngày 29-04-1975, tình hình quân sự được báo cáo về Bộ tổng
tham mưu Sài Gòn: Hướng Củ Chi, Sư đoàn 25 của Chuẩn tướng Lý Tòng Bá thất thủ
vào chiều 28-04-1975 sau khi căn cứ Đồng Dù bị mất. Ở Biên Hòa, Trung tướng
Toàn cho biết: trong ngày 28-04-1975, lúc 18 giờ 10 phút, Việt Cộng dùng xe
tăng đánh chiếm chi khu Long Thành; 18 giờ 50 phút mất tỉnh lị Bà Rịa; 19 giờ
30 phút Biên Hoà bị bao vây ba mặt. Tối 29-04-1975, Thiếu tướng Lê Minh Đảo nói với Tướng Nguyễn Hữu Hạnh ông
đang bị bọc hậu và xin rút về bên này sông Đồng Nai để cố thủ. Theo ông Hạnh
thì giọng Tướng Lê Minh Đảo lạc đi. Cách đó mới hơn một tuần, Tướng Đảo tuyên bố
“Cố thủ Xuân Lộc”, nhưng rồi Sư đoàn 18 đã phải rút chạy. Trong khi đó, ở Sư 22
đóng tại Tân An, Chuẩn tướng Phan Đình Niệm đã bỏ trốn. Hướng Thủ Dầu Một do Sư
5 trấn giữ đã bị chọc thủng đêm 29-04-1975, liên lạc bị cắt đứt. Khi quân Giải phóng tràn đến Hố Nai, Sư đoàn 18 và Lữ đoàn 5 thiết giáp lập
tuyến phòng thủ bên này sông Đồng Nai. Đêm 29-04-1975, nhiều đoàn xe của quân
Giải phóng từ phía Hóc Môn đã tiến về Sài Gòn. Tư lệnh Biệt khu Thủ đô cho biết
đã lập xong kế hoạch phản công. Theo Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, muốn kéo dài
sự phòng thủ thì cần chỉ thị sắp xếp quân lại. Tuy nhiên, ông đã không bàn với
Tướng Vĩnh Lộc việc này. Theo chỉ thị của Tổng thống Dương Văn Minh, “không được
di chuyển quân để chờ ông thương thuyết”. Trước khi về gặp tổng thống, ông Nguyễn Hữu Hạnh trình bày tình hình quân
sự với Trung tướng Vĩnh Lộc và Trung tướng Nguyễn Hữu Có: “Phía Tân Sơn Nhất
quân của Biệt khu Thủ đô đang chạm súng với Việt Cộng. Có thể họ sẽ giữ nổi
nhưng phải chịu thiệt hại nhiều về người và vật chất. Tuy nhiên phía Biên Hòa
và Thủ Dầu Một, Quân đoàn III không còn; chỉ huy các đơn vị của họ, Trung tướng
Toàn đã bỏ chạy; Sư đoàn 18 và Lữ đoàn 5 thiết giáp kẹt ở tuyến sông Đồng Nai.
Hướng Thủ Dầu Một bị bỏ ngỏ. Một đoàn chiến xa của Việt Cộng đang tiến về Sài
Gòn. Mặt trận phía này chúng ta không có quân xung kích mà chỉ có lực lượng
phòng thủ. Tôi e trong thời gian ngắn nữa chúng ta sẽ không thể gỡ nổi”. Theo
ông Nguyễn Hữu Hạnh: “Nghe xong, Tướng Vĩnh Lộc biến đổi sắc mặt, vội cầm lấy
điện thoại báo cáo với ông Dương Văn Minh. Sau đó Vĩnh Lộc bắt tay tôi, đó là
cái bắt tay cuối cùng”. Tám giờ sáng 30-04-1975, viên tướng dòng dõi hoàng tộc
này đã cùng gia đình “di tản” bằng đường thủy. Ông Nguyễn Hữu Hạnh nhớ lại: “Tôi và Tướng Nguyễn Hữu Có chạy đi tìm xe,
tài xế đã bỏ đi mất. Tướng Có phải gọi điện thoại về nhà đưa chiếc xe riêng đón
chúng tôi đến nhà ông Dương Văn Minh lúc 6 giờ sáng. Gặp ông Minh, Tướng Có
trình bày lại toàn bộ tình hình quân sự như tôi đã nói. Ông Minh trầm ngâm. Tôi
nói thêm: ‘Tình hình rất nguy ngập, xin Đại tướng quyết định gấp’. Ông Minh
quay lại hỏi: ‘Bây giờ toa muốn gì?’ Tôi nói: ‘Thưa Đại tướng quyền chính trị
là ở Đại tướng, riêng về quân sự thì Đại tướng phải giải quyết, tình hình quá
nguy ngập không cho phép chúng ta chần chừ nữa’. Ông Minh suy nghĩ trầm ngâm một
hồi rồi nói: ‘Thôi để tôi đi bàn với ông Huyền và ông Mẫu, các toa ngồi đây đợi’.
Tôi đề nghị được đi theo, ông Minh đồng ý”. Ông Minh và ông Hạnh tới Phủ Thủ tướng, số 7 đường Thống Nhất (nay là đường
Lê Duẩn). Trên đường đi họ chứng kiến sự hốt hoảng của dân chúng, tại tòa đại sứ
Mỹ có nhiều kẻ đang hôi của. Đại sứ Mỹ Martin rời khỏi Sài Gòn vào lúc 4 giờ 58
phút sáng 30-4-1975. Tuy nhiên, chuyến trực thăng cuối cùng rời khỏi tòa Đại sứ
Mỹ, theo Ngoại trưởng Kissinger, là vào lúc 8 giờ 53 phút sáng 30-4, để sơ tán
129 lính thủy đánh bộ bảo vệ cuộc di tản ở tòa Đại sứ. Ông Dương Văn Minh yêu cầu cho xe đón ông Huyền và ông Mẫu. Xe riêng của
tổng thống đã đón ông Nguyễn Đình Đầu trước khi qua nhà ông Nguyễn Văn Huyền.
Ông Đầu thuật lại, trên đường đi đến số 7 Thống Nhất, ông Huyền có nói với ông
Đầu một câu bằng tiếng Pháp “Il faut se rendre”(phải đầu hàng). Tình hình chiến sự mỗi phút càng nguy ngập. Lúc 8 giờ sáng 30-4, ba ông
Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền và Vũ Văn Mẫu không còn lựa chọn nào hơn là
đơn phương tuyên bố “bàn giao chính quyền cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng
hòa Miền Nam Việt Nam”. Ông Vũ Văn Mẫu soạn lời tuyên bố mất khoảng một tiếng đồng
hồ; 9 giờ ông Minh đọc vào máy ghi âm, và lúc 9 giờ 30 phút lời tuyên bố này được
phát đi trên sóng. Những người như ông Võ Văn Kiệt như trút được gánh nặng khi
nghe được tuyên bố này phát trên đài Sài Gòn. Vào khoảnh khắc Bản Tuyên bố bàn giao chính quyền sắp được đọc vào máy
ghi âm, trước 9 giờ ngày 30-04-1975, Tướng Vannuxem đến Phủ Thủ tướng gặp ông
Nguyễn Hữu Hạnh nhờ ông Hạnh đưa vào gặp ông Minh, khi đó đang ngồi trong phòng
khách với ông Nguyễn Văn Huyền và ông Vũ Văn Mẫu. Vannuxem là thiếu tướng người
Pháp đã hồi hưu, thân Mỹ và thân cả Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Tướng Cao
Văn Viên. Vannuxem đi ngay vào câu chuyện: “Tôi ở Paris mới đến, trước khi đi
có gặp nhiều nhân vật, kể cả đại sứ Trung Cộng”. Rồi Vannuxem yêu cầu ông Minh
kéo dài cuộc chiến ít nhất hai mươi bốn tiếng đồng hồ, tuyên bố bỏ Mỹ đi với Bắc
Kinh. Theo ông Vannuxem, làm như vậy Bắc Kinh sẽ gây áp lực với Hà Nội để ngưng
chiến tại miền Nam. Ông Minh không đồng ý. Khi Vannuxem về rồi, ông Dương Văn
Minh nói: “Mình đã lỡ đi với Mỹ, bây giờ lại bán nước cho Trung Cộng sao”. Theo kế hoạch thì chính phủ của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu sẽ “ra mắt” vào lúc
10 giờ sáng 30-4-1975, nhưng khi các nhân vật của chính phủ cũ và mới đến số 7
Thống Nhất thì họ nghe được Tuyên bố Bàn giao Chính quyền. Nhiều người trong số
họ đã di chuyển sang Dinh Độc Lập không phải để tuyên thệ mà để chờ đợi. Trong thời gian ấy, Tướng Nguyễn Hữu Hạnh mang Tuyên bố Bàn giao Chính
quyền của Tống thống Dương Văn Minh và Chỉ thị buông súng của Phụ tá Tổng Tham
mưu trưởng Nguyễn Hữu Hạnh sang phát trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Khi Tướng Hạnh
trở lại Phủ Thủ tướng thì nơi đây đã hoàn toàn vắng lặng. Ông Hạnh chạy đến nhà
ông Dương Văn Minh ở số 3 Trần Quý Cáp thì được biết ông Minh và gia đình đã
vào Dinh Độc Lập. Ông Hạnh đến Dinh Độc Lập. Ngoài đường lúc ấy im phắc. Ông
Nguyễn Hữu Hạnh vào Dinh bằng cổng chính, cổng Dinh mở, không lính gác. Trước thềm Dinh, ông Hạnh thấy một xe Jeep và một xe GMC đầy lính vũ
trang. Tướng Hạnh hỏi một sỹ quan đeo lon trung úy mới biết Thiếu tá Tiểu đoàn
trưởng Tiểu đoàn Lôi Hổ phòng thủ Tân Sơn Nhất đang gặp ông Minh ở tầng một
Dinh Độc Lập. Tướng Nguyễn Hữu Hạnh định về Bộ Tổng tham mưu, nhưng ông Minh giữ
lại. Vừa lúc, điện thoại tại phòng làm việc của Chánh văn phòng Tổng thống
reng. Một thiếu tá xin gặp Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh. Đó là Thiếu tá Tiểu
đoàn trưởng Tiểu đoàn Lôi Hổ phụ trách phòng thủ Bộ Tổng tham mưu. Viên thiếu tá hỏi: “Chuẩn tướng bảo chúng tôi buông súng là làm sao? Tôi
không đầu hàng đâu, tôi đã bắn cháy ba xe tăng”. Tướng Nguyễn Hữu Hạnh giải
thích và khuyên: “Thiếu tá không nên để cho máu đổ ở giờ thứ 25”. Viên thiếu tá
yêu cầu nói chuyện với Tổng thống, Tướng Hạnh mời ông Minh đến, nhưng câu chuyện
chưa xong thì chiếc tăng 843 xuất hiện. Ông Minh nói: “Quân Giải phóng đã vào tới
Dinh rồi, thôi cúp”. Xe tăng 390 Lúc đó là 10 giờ 45 phút ngày 30-4-1975. Trước đó ít phút, khi Tiểu đoàn
trưởng Lôi Hổ phòng thủ Tân Sơn Nhất bỏ đi, một dân biểu thuộc lực lượng thứ
ba, Trung tá Nguyễn Văn Binh, đã cẩn thận đóng cổng Dinh Độc Lập. Hành động này
của Trung tá Nguyễn Văn Binh đã điều chỉnh một chi tiết trong lịch sử: Chiếc
tăng 843 đi theo đường Thống Nhất từ Sở Thú tới trước rồi dừng lại trước cổng
phụ trong khi xe tăng 390 tới sau, nhưng hùng dũng húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập,
cánh cửa cuối cùng của cuộc chiến. Vào lúc 9 giờ 30 phút sáng 30-4, khi ở phía Tây Sài Gòn, ông Võ Văn Kiệt
ra lệnh “giản chính đồ đạc”, ở phía Đông, Trung tá Bùi Văn Tùng, chính ủy Lữ
đoàn tăng 203, cũng nghe được tuyên bố của Tướng Dương Văn Minh qua chiếc radio
mà ông luôn đeo bên người. Phía sau ông, Tư lệnh Quân đoàn II, Tướng Nguyễn Hữu
An, luôn theo sát đốc chiến. Họ như những người lính xung trận linh cảm được
chiến thắng, càng nóng lòng hơn khi có thể “sờ” thấy ở phía trước mục tiêu cuối
cùng. Đêm 29-4, Tướng Nguyễn Hữu An gửi thư cho Lữ đoàn 203. Bức thư được Trung
tá Bùi Tùng ghi chú “Nhận lúc 24 giờ ngày 29-4-1975” viết: “Anh Tài và Tùng. Bảy
chiếc tăng và một bộ phận bộ binh đã đến cầu xa lộ Biên Hòa gặp bộ phận đặc
công của 116 giữ đã hai ngày nay. Tình hình như vậy là thuận lợi do đó phải mạnh
dạn tiến lên, đừng để bọn tàn binh lẻ tẻ nó cản trở. Cố gắng đưa toàn bộ đội
hình của các anh qua bên Tây cầu đêm nay và độ 3-4 giờ sáng 30-4 là ta xốc được
tới Sài Gòn chiếm xong cầu Rạch Chiếc và Tân Cảng đến cầu Sài Gòn. Tôi đã nói
anh Ân cho 2d (tiểu đoàn) của E9 tràn về phía cầu xa lộ Biên Hòa. Các anh thi
hành khẩn trương và giữ liên lạc với tôi thường xuyên. Mục tiêu vào Sài Gòn là
Dinh Tổng thống – Đài Phát thanh, BTL (Bộ Tư lệnh) Hải quân, ngân hàng, phủ đặc
ủy trung ương tình báo./An”. Trước đó, vào lúc 10 giờ ngày 29-4-1975, ngay sau khi Tổng thống Dương
Văn Minh ra lệnh cho quân đội Sài Gòn ngừng di quân, Bộ Chính trị điện: “Gửi
anh Sáu, anh Bảy, anh Tư, / Đồng điện anh Tấn,/Bộ Chính trị và Quân uỷ đang họp
thì được tin Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn. Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung
ương chỉ thị: Các anh ra lệnh cho quân ta tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế
hoạch; tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ
thành phố, tước vũ khí toàn bộ quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của
địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng. Công bố đặt thành phố Sài
Gòn-Gia Định dưới quyền của Uỷ Ban Quân Quản do tướng Trần Văn Trà làm chủ tịch.
Sẽ có điện tiếp, nhận được điện trả lời ngay. Ba”25. Rạng sáng ngày 30-4-1975, những chiếc tăng đầu tiên của Lữ đoàn 203 chạy
đến căn cứ Nước Trong, Long Khánh. Lúc bấy giờ, Thiếu úy Lê Văn Phượng, trưởng
xe 390, vẫn chưa biết chiếc tăng T59 của mình sẽ đi vào lịch sử. Sống chết vẫn
còn gang tấc. Khi cho xe dừng lại định nấu cơm bên một bìa rừng cao su, pháo thủ
số hai của tăng 390, Đỗ Cao Trường, bị một toán thủy quân lục chiến núp trong
vườn cao su bắn bị thương. Thiếu úy Phượng ra lệnh quay nòng pháo vào vườn cao
su, bắn cho tới khi toán thủy quân lục chiến rút hết. Họ để Đỗ Cao Trường ở lại
cho du kích rồi bốn anh em lên xe tiến về Sài Gòn. Tới ngã tư Hàng Xanh, những
chiếc tăng phải chạy lòng vòng để tìm đường. Trước đó không lâu, trong một cánh rừng cao su, Trung tướng Lê Trọng Tấn
giao nhiệm vụ cho Quân đoàn IV: “đánh chiếm mục tiêu quan trọng nhất”. Tướng
Nguyễn Hữu An, tư lệnh Quân đoàn II, hỏi: “Nếu Quân đoàn II vào trước có được
đánh chiếm mục tiêu quan trọng nhất không?”. Tướng Lê Trọng Tấn gật đầu. Ngày
24-4, cũng tại một vườn cao su ở Long Thành, Tướng Nguyễn Hữu An đặt vấn đề với
Lữ đoàn 203: “Cậu Tài (Trung tá Nguyễn Tất Tài, lữ trưởng 203) tốt nghiệp ở
Liên Xô, cậu Tùng tốt nghiệp Học viện Thiết giáp Trung Quốc, các cậu biết rõ
Liên Xô khi kết thúc Thế chiến thứ II đã dùng một sư đoàn tăng để tấn công vào
sào huyệt cuối cùng. Tại sao mình có một lữ tăng, mình không vào Dinh Độc Lập?”.
Ngay sau đó, trong khi “mũi thọc sâu” của Quân đoàn IV là bộ binh thì Tướng
Nguyễn Hữu An đã đưa Lữ tăng lên tiên phong. Xe 390 đi trước nhưng chạy thẳng
theo đường Hồng Thập Tự, thay vì đi hướng từ Sở Thú lên như 843, nên khi vào đến
Dinh Độc lập lúc 10 giờ 45 phút, đã thấy xe 843 của trung úy Bùi Quang Thận tấp
qua bên trái, dừng lại trước cổng phụ. Bùi Quang Thận phất tay ra hiệu cho xe của
Lê Văn Phượng tiến lên. Thiếu úy Lê Văn Phượng ngồi thụp xuống, đậy nắp tháp pháo và lệnh cho xe ủi
vào cổng chính. Anh nghe tiếng “rầm” và tiếp đó là âm thanh bánh xích nghiền
nát cánh cổng sắt. Biết cổng không có mìn, Lê Văn Phượng mở nắp tháp pháo, đứng
nhô lên nửa người, từ xa anh thấy một nữ phóng viên “Tây” ngồi trên thảm cỏ.
Nhưng khi xe anh cán lên bãi cỏ thì không thấy chị phóng viên đâu nữa. Hai mươi
năm sau, Lê Quang Phượng sẽ gặp lại người phụ nữ ấy, còn lúc bấy giờ thì anh
không có thời gian để tìm xem chị ở đâu. Đến thềm Dinh, anh quay lại, thấy xe 843 vẫn đậu chỗ cũ, nhưng Trung úy
Bùi Quang Thận thì đã nhảy xuống, chạy núp theo sau xe 390, tay cầm lá cờ khổ
nhỏ, loại cờ được để sẵn rất nhiều ở trên mỗi xe để cứ chiếm được mục tiêu quan
trọng nào lại cắm lên. Pháo thủ số 1 của xe 390 cũng cầm cờ định nhảy xuống,
nhưng Lê Văn Phượng ra lệnh: “Anh Thận cầm cờ rồi, hãy nạp pháo, chuẩn bị!”. Rồi
Lê Văn Phượng giữ lấy khẩu đại liên, yểm trợ. Nhưng từ lúc ấy, họ không còn phải
bắn một phát đạn nào. Khi chiếc tăng 390 đỗ lại, chính trị viên đại đội Vũ Đăng Toàn xách AK nhảy
xuống, chờ đại đội trưởng Bùi Quang Thận cầm cờ tiến vào. Cả hai chạy lên thềm
Dinh trong tư thế được mô tả là sẵn sàng chiến đấu. Bùi Quang Thận nhớ lại là
anh đã hơi lo khi thấy bên trong có người mặc quân phục. Có thể vì quá căng thẳng
và có thể vì là một người lính nông dân lần đầu đứng trước một tấm kính khổng lồ,
Bùi Quang Thận lao vào cửa kính mạnh đến nỗi anh ngã bật ra phía sau trong khi
tay vẫn không rời lá cờ. Từ trong Dinh, một người bận đồ dân sự chạy ra, mời
vào. Bùi Quang Thận đứng trước một “Nội các” có lẽ cũng bối rối không kém.
Không biết phải làm gì hơn, Bùi Quang Thận đề nghị Vũ Đăng Toàn ở lại “canh chừng”,
chờ cấp chỉ huy đến còn mình thì làm nốt “vai trò lịch sử”, cắm cờ trên nóc
Dinh Độc Lập. Chỉ huy lực lượng Phòng vệ Phủ Tổng thống, Đại tá Chiêm, được lệnh
hướng dẫn Bùi Quang Thận đi thang máy lên nóc Dinh. Cùng đi theo hỗ trợ có sinh
viên Nguyễn Hữu Thái (cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn) và Tiến sỹ Huỳnh
Văn Tòng [27]. Khi ấy, thang bộ của Dinh chưa sử dụng được vì ngày 8-4-1975 đã bị phi
công Nguyễn Thành Trung, một người được Cách Mạng cài vào quân đội Sài Gòn, ném
bom làm hỏng. Đại tá Chiêm dẫn ba người đến trước thang máy, loại phương tiện
mà đối với Bùi Quang Thận còn lạ hơn những tấm kính khổ rộng rất nhiều. Bùi
Quang Thận nhất quyết không vào; về sau anh kể lại: “Lúc đó tôi thấy thang máy
giống như… cái hòm, vào đó nhỡ nó nhốt mình luôn, biết bao giờ mới ra được!”.
Sau khi nghe Đại tá Chiêm giải thích, Bùi Quang Thận mới chịu dùng thang máy. Phải mất khá lâu, ba người đi cùng mới giúp Bùi Quang Thận hạ lá cờ ba sọc
vàng xuống bởi nó khá lớn và được buộc giây chắc chắn. Bùi Quang Thận kéo lá cờ
của Mặt trận Dân tộc Giải phóng nửa xanh nửa đỏ có sao vàng ở giữa lên, sau khi
viết và ký tên vào: “11g30 ngày 30-4. Thận” [28]. Đầu hàng Khi Bùi Quang Thận được Đại tá Chiêm dẫn lên nóc Dinh, Trung úy Vũ Đăng
Toàn ở lại tầng hai. Trung úy Toàn viết: “Tôi dồn toàn bộ nội các Dương Văn
Minh vào một chỗ. Dồn xong thì ông Nguyễn Hữu Hạnh mời ông Dương Văn Minh ra
chào. Khi ông Minh vừa ra thì anh Phạm Xuân Thệ cùng hai trợ lý đến. Anh Thệ
nói: ‘Tôi là đại úy Phạm Xuân Thệ, trung đoàn phó Trung đoàn 66′”. Borries Gallasch, phóng viên tạp chí Tấm Gương của Cộng hòa Liên bang Đức,
người châu Âu duy nhất có mặt trong Dinh Độc Lập vào thời điểm đó, tường thuật:
“Tay Thệ cầm súng ngắn đã lên đạn, một khẩu K54 của Nga, Thệ rất phấn khích la
lớn yêu cầu ông Minh ra đài phát thanh. Nhưng tướng Minh không muốn đi. Ông ta
đề nghị rằng bài nói của ông phải được thu âm vào máy thu ở trong Dinh. Họ
tranh luận việc đó. Càng lúc càng nhiều người lính Giải phóng chạy vào. Rồi họ
bắt đầu tìm máy thu nhưng không có kết quả. Không có một cái máy ghi âm nào
trong Dinh cả. Sự hoang mang chấm dứt khi người chỉ huy của quân Giải phóng,
Chính ủy Bùi Văn Tùng, xuất hiện”29. Ở cửa Dinh, Trung tá Bùi Văn Tùng, chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 đã nghe
báo cáo: “Có Tổng thống Ngụy”. Ông Tùng quá mừng: “Vớ được cả tổng thống cơ
à!”. Tổng thống Dương Văn Minh thấy ông Tùng, một người cao lớn, bước vào, thì
lịch sự chào: “Thưa ông, chúng tôi đợi các ông vào đã lâu rồi để bàn giao chính
quyền”. Ông Bùi Văn Tùng nói: “Các ông là người bại trận. Các ông không có gì để
bàn giao cả mà chỉ có đầu hàng vô điều kiện”. Ông Tùng hỏi Chuẩn tướng Nguyễn Hữu
Hạnh: “Đường giây liên lạc từ đây qua đài thế nào?”. Ông Hạnh nói: “Hư hết rồi”.
Ông Tùng quyết định cho đưa vị tổng thống bị bắt giữ đến đài phát thanh. Khi xe tăng 390 dừng lại, mọi người xuống hết, Trung sỹ Nguyễn Văn Tập,
lái xe 390, cũng định đi vào trong Dinh, nhưng khi nhảy lên bậc thềm ngoảnh lại
thấy vắng quá. Anh nghĩ, “nhỡ địch quay lại chiếm mất xe mình thì sao?”, bèn
quay lại nhảy vào ghế lái ngồi thò đầu ra ngoài. Chỉ một lúc sau, Trung sỹ Tập
thấy “Nội các Ngụy” ra, đi rất hiên ngang. Cùng đi có cả Phạm Xuân Thệ nhưng
khi ấy anh Tập chỉ nhận ra thủ trưởng của mình là Chính ủy Bùi Văn Tùng. Trung
sỹ Tập có lẽ liên hệ đến bức ảnh của Phan Thoan và lời đề nổi tiếng của Tố Hữu:
“O du kích nhỏ dương cao súng / Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu”, nên kêu lên:
“Thủ trưởng ơi, thủ trưởng bắt nó phải cúi đầu xuống chứ!” Trung tá Bùi Văn
Tùng nói: “Việc ấy là của tớ”. Chiếc xe Jeep mang biển số 15770 mà Trung đoàn 66 thu được từ chiến trường
Đại Lộc, Quảng Nam, do chiến sỹ Đào Ngọc Vận lái, được trưng dụng để chở Tổng
thống Dương Văn Minh đi từ Dinh Độc Lập qua đài. Đào Ngọc Vận30 kể: “Tôi thấy
Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ dẫn theo hai người đàn ông tiến lại chiếc xe Jeep
15770 mà tôi cầm lái. Trung đoàn phó cùng một người ngồi hàng ghế phía trên,
người kia ngồi phía dưới, cùng Trung úy Phùng Bá Đam, Trung úy Nguyễn Khắc Nhu.
Hai chiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng và Bàng Nguyên Thất ngồi hai bên thành xe. Mãi
sau này tôi mới biết người to béo, đeo kính trắng, đi giày đen ngồi ngay bên cạnh
mình là Tổng thống Dương Văn Minh, và vị quan chức mặc bộ complet, sơ mi trắng
ngồi phía sau là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu”. Nhà báo Borries Gallasch viết tiếp: “Chỉ có hai chiếc xe của chúng tôi chạy
giữa thành phố lúc ấy – một thành phố đã từng sôi sục mà nay sự sợ hãi bỗng
nhiên được làm dịu đi – qua Tòa đại sứ Mỹ trống hoác, đến Đài Phát thanh nằm
trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chúng tôi đi vào phòng thu nhỏ trên lầu một. Những
kỹ thuật viên đã lấy chân dung của Thiệu từ trên tường xuống và ném qua cửa sổ
ra sân. Chúng tôi ngồi bất động một lát. Ông Mẫu quạt mặt mình bằng một quyển
sách. Tổng thống Dương Văn Minh và Chính ủy xe tăng Bùi Văn Tùng ngồi trên hai
chiếc ghế và tôi ngồi giữa họ tại một chiếc bàn nhỏ. Ông Tùng thảo văn kiện đầu
hàng trên một mảnh giấy màu xanh”31. Trung tá Bùi Văn Tùng nhớ lại: “Tôi với ông Dương Văn Minh ngồi cùng một
băng ghế dài. Khi ấy, sau 8-9 đêm mất ngủ, tôi có cảm giác mệt rã người. Nhưng
một ý nghĩ chợt thoáng qua, “ổng mà nói linh tinh thì chết”. Mồ hôi tự nhiên
toát ra như tắm, người tỉnh hẳn, tôi nói: “Ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều
kiện”. Tổng thống Dương Văn Minh nói: “Ông muốn gì hãy ghi ra”. Trung tá Bùi Văn Tùng viết ngắn gọn: “Tôi, Dương Văn Minh, tổng thống
chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng
không điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố Chính quyền Sài
Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa
phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam”. Tướng Dương Văn Minh đọc xong, Trung tá Bùi Văn Tùng nói tiếp vào máy ghi
âm: “Chúng tôi đại diện lực lượng quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam long trọng
tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng
không điều kiện của tướng Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn”32. Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cũng được dành cho ít phút để phát biểu và đây, có lẽ,
mới là “chính kiến” của nhóm ông: “Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc,
tôi – giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng – kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào vui
vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc và trở lại sinh hoạt bình thường. Các
nhân viên của các cơ quan hành chánh quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của
chính quyền cách mạng”33. Ông Võ Văn Kiệt đến Dinh khi nơi này đã được tiếp quản bởi một lực lượng
của Quân đoàn IV. Ông là vị trung ương uỷ viên Đảng Lao động Việt Nam đầu tiên
đến Dinh Độc Lập. Ông Kiệt nắm thêm tình hình quân sự và nhắc nhở chỉ huy các
đơn vị chiếm đóng đối xử tốt với những người trong chính phủ ông Dương Văn
Minh, chờ lệnh. Ông Kiệt là bí thư Đảng ủy Đặc biệt Ủy ban Quân quản, là vị trí thực sự
“đứng đầu” ở Thành phố lúc bấy giờ. Tuy nhiên, người công khai xuất hiện trong
vai trò đứng đầu tại thời điểm ấy lại là Trần Văn Trà. Ngày 1-5-1975, khi đang ở
Sở chỉ huy tiền phương, Thượng tướng Trần Văn Trà được ông Lê Đức Thọ và ông Phạm
Hùng thông báo: “Điện anh Ba Lê Duẩn nói Bộ Chính trị quyết định cậu làm chủ tịch
Uỷ Ban Quân quản Sài Gòn-Gia Định. Đi ngay cho kịp”. Ông Võ Văn Kiệt cho rằng đây là một thay đổi hợp lý. Sài Gòn mới tiếp quản
cần một quân nhân đồng thời phải là một quân nhân không quá xa lạ với dân
chúng. Tướng Trà từng là trưởng Phái đoàn Quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng
hoà Miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp Quân sự Bốn bên thực thi Hiệp định
Paris. Năm 1973, ông đã có một thời gian khá lâu ở Sài Gòn, và đã từng được báo
chí Sài Gòn nhắc đến. Ngày 2-5, Tướng Trần Văn Trà mới về đến Dinh Độc Lập. Ông kể34: “Theo chỉ
thị của Bộ Chính trị, tôi cho thả tất cả những nhân vật trọng yếu của ngụy quyền
mà từ hôm giải phóng Sài Gòn, bộ đội ta đã giam giữ họ tại một phòng ở đây. Tôi
chỉ gặp những người đứng đầu: Dương Văn Minh, tổng thống, Nguyễn Văn Huyền, phó
tổng thống và Vũ Văn Mẫu, thủ tướng ngụy quyền, giải thích cho họ chính sách của
cách mạng là quang minh, chính đại, độ lượng, khoan hồng. Tôi đã nhấn mạnh: Tất
cả những việc làm đã qua chúng tôi xếp nó vào quá khứ, chúng tôi căn cứ vào
thái độ và hành động từ ngày nay trở đi. Tôi mong họ quan niệm được sự thắng lợi
vĩ đại của dân tộc vừa rồi mà tự hào rằng mình cũng là người Việt Nam. Có vẻ họ
tỏ ra xúc động. Dương Văn Minh đã phát biểu: Tôi vui mừng được là công dân của
một nước Việt Nam độc lập”35. Tuẫn tiết Với năm cánh quân Giải phóng áp sát Sài Gòn trong sáng 30-4, không ai có
thể đủ sức cưỡng lại chiến thắng của quân đội miền Bắc. Tuy nhiên, ‘Việt cộng”
chỉ thực sự nắm được miền Tây vào chiều tối 30-4-1975. Vào thời điểm ấy, không chỉ có sỹ quan chỉ huy hai tiểu đoàn Lôi Hổ xộc
vào Dinh Độc Lập chất vấn tổng thống về quyết định buông súng. Từ mấy ngày trước,
các sư đoàn không quân còn lại của Việt Nam Cộng hòa đã di chuyển xuống Trà Nóc
và các sân bay lân cận. Tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng bay xuống, nhóm họp với các tướng
lãnh, các tỉnh trưởng của Vùng IV với sự tham gia của Phó đề đốc Hải quân Hoàng
Cơ Minh, người khi ấy đang làm tư lệnh Lực lượng Thủy bộ 211. Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh bố trí Đoàn 232 của Tướng Lê Đức Anh ở
hướng Long An nhằm phòng ngừa khả năng lực lượng của Tướng Nguyễn Khoa Nam từ Cần
Thơ lên ứng cứu là có cơ sở. Tuy nhiên, ngay trong đêm 29-4-1975, gần như tất cả
lực lượng hải quân đều bỏ trốn. Theo Thiếu úy Dương Đức Dũng, phóng viên mặt trận của Sư 21 không quân:
“Tướng Nguyễn Khoa Nam ra lệnh oanh tạc những kẻ đào ngũ nhưng anh em không
quân không chấp hành”. Sáng 30-4-1975 vẫn còn lệnh bay. Máy bay bắt đầu trút hết
bom vào đồng trống. Một số phi công nói với Thiếu úy Dũng: “Tụi tao được lệnh
di tản sang U-Tapao (Thái Lan), mày có đi thì lên”. Dũng đã ở lại. Bầu trời Cần
Thơ từ lúc ấy không một phút yên tĩnh. Đầu tiên là các khu trục A1E, A1H, sau
đó là A37 rồi C123. Trực thăng túa lên trời như châu chấu. Bảy giờ sáng ngày 30-4-1975, Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh Quân
đoàn IV báo cáo về Bộ Tổng Tham mưu bằng điện thoại: “Tôi bị tấn công mạnh ở ba
nơi: Vĩnh Bình, Bạc Liêu và một nơi cách sân bay Trà Nóc ba cây số. Nhưng tôi
đã đẩy lùi được cuộc tấn công của Việt Cộng. Tôi sẽ giữ các vị trí còn lại. Các
lực lượng Quân đoàn và Quân khu IV, mặc dầu có bị tấn công vài nơi, nhưng vẫn
còn nguyên vẹn”36. Phó tướng của Nguyễn Khoa Nam khi đó là Chuẩn tướng Lê Văn
Hưng, người mà năm 1972 đã từng tử thủ ở An Lộc. Từ Bộ Tổng Tham mưu, Chuẩn tướng
Nguyễn Hữu Hạnh nhắc Tướng Nam: “Anh cố gắng thi hành lệnh của Tổng thống”. Năm giờ 30 phút chiều 30-4-1975, Tướng Lê Văn Hưng rời Bộ Tư lệnh Quân
đoàn IV, về Bộ Chỉ huy phụ. Khi đại diện bộ đội miền Bắc vào Bộ Tư lệnh Quân
đoàn IV gặp Tướng Nguyễn Khoa Nam yêu cầu “đầu hàng”, Tướng Nam và Tướng Hưng
chỉ chấp nhận “bàn giao”. Khi vị đại diện miền Bắc này qua khỏi cầu Cái Răng,
Tướng Hưng liên hệ với Tướng Mạch Văn Trường và ra lệnh điều động hai chi đội
thiết giáp ra án ngữ cầu Cái Răng và chiếm lại đài phát thanh rồi cho mời Mạch
Văn Trường và chỉ huy các đơn vị đóng xung quanh vành đai thị xã Cần Thơ về họp.
Sáu giờ 30 phút chiều, khi các vị sĩ quan về tới cổng Bộ Chỉ huy của Tướng
Hưng, một nhóm nhân sĩ Cần Thơ đến gặp Tướng Hưng, xin ông đừng phản công để
tránh bị “Việt Cộng pháo kích vào thị xã”. Tại Vĩnh Long, các lực lượng của miền Nam vẫn không thôi kháng cự. Theo
ông Phạm Văn Trà37: “Chiều ngày 30-4, sau khi bộ phận trinh sát kỹ thuật của Bộ
Tư lệnh tiền phương quân khu bắt được sóng đài của địch, anh Ba Trung đã sử dụng
điện đài tuyên bố với viên tỉnh trưởng Vĩnh Long rằng tính mạng của y đã nằm
trong tay quân Giải phóng. Nếu đầu hàng, cách mạng sẽ khoan hồng, tha thứ lỗi lầm
trước đây, tính mạng, tài sản của bản thân và gia đình, vợ con được bảo toàn; bằng
không, y sẽ phải đền tội và vợ con, gia đình cũng khó bề bảo toàn tính mạng, mặc
dù Cách mạng không muốn điều đó. Sau 30 phút suy tính, vào lúc 17 giờ ngày
30-4, tỉnh trưởng Vĩnh Long chấp nhận đầu hàng và xin anh Ba Trung giữ lời hứa
bảo toàn tính mạng”38. Chiều 30-4-1975, tại căn cứ Đồng Tâm, Chuẩn tướng Trần Văn Hai, tư lệnh
Sư đoàn 7 tự tử bằng thuốc độc39. Sáu giờ 45 phút chiều, hai vị tướng chỉ huy lực lượng Quân lực Việt Nam Cộng
hòa ở miền Tây vẫn trao đổi điện thoại với nhau. Tướng Nam cho đến lúc ấy vẫn định
phát lời kêu gọi dân chúng Cần Thơ, nhưng cả hai đều biết là quá trễ. Theo Đại
tướng Văn Tiến Dũng: “Do sức ép của ta ngày càng mạnh, các Trung đoàn 31, 32,
33 ngụy cùng phần lớn các cơ quan chỉ huy sư đoàn ngụy đã tự động vứt bỏ vũ
khí, cởi bỏ áo lính trở về nhà. Chỉ còn một số sĩ quan ngụy cao cấp ở lại để
xin đầu hàng ta vào lúc 20 giờ cùng ngày”40. Bảy giờ 30 phút tối 30-4-1975, Tướng Lê Văn Hưng về phòng nói lời từ biệt
với thuộc cấp và vợ con. Tám giờ 45 phút, từ dưới nhà, vợ ông, bà Phạm Thị Kim
Hoàng, nghe tiếng súng, chạy lên. Khi cùng người nhà cạy cửa phòng, bà Hoàng thấy
Tướng Hưng đã chết với một phát súng tự bắn vào đầu. Mười một giờ đêm hôm đó,
Tướng Nguyễn Khoa Nam gọi điện thoại cho bà Hoàng chia buồn. Sáng hôm sau, khoảng
7 giờ 30 phút ngày 1-5-1975, Tư lệnh Quân đoàn IV, Quân đoàn cuối cùng của Việt
Nam Cộng hòa, Tướng Nguyễn Khoa Nam tự sát. Trước đó, như một hành động nhận lãnh trách nhiệm của mình, ngày
29-4-1975, Tư lệnh Quân đoàn II, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, người đảm trách cuộc
triệt thoái thất bại khỏi ba tỉnh Cao Nguyên, đã tự tử bằng một liều thuốc độc;
gia đình đã đưa vào bệnh viện Grall, nhưng đến trưa 30-4-1975, khi Dương Văn
Minh tuyên bố đầu hàng, thì tắt thở. Cũng trưa 30-4, tại Lai Khê, Tướng Lê Nguyên Vỹ tự sát tại Bộ Tư lệnh Sư
đoàn 5 sau khi cho binh lính rã ngũ. Vào lúc 2 giờ chiều ngày 30-04-1975, Ðại
tá Đặng Sĩ Vinh cùng gia đình gồm vợ và bảy người con đã tự tử bằng súng lục. Nhưng đấy vẫn chưa phải là những phát súng cuối cùng của cuộc chiến
tranh. Nhiều quân nhân vô danh vẫn tìm đến cái chết trong những ngày sau đó.
Nhận xét
Đăng nhận xét