3-Cuộc đấu trí của HÙM THIÊNG YÊN THẾ

 
3-Cuộc đấu trí của 
HÙM THIÊNG YÊN THẾ
Nhóm khởi nghĩa của Đề Thám (hình chụp của trung úy Romain-Desfossés). Nguồn: wikipedia.
“Lợi dụng thời kỳ hòa hoãn, Bouchet thậm thọt ra vào chỗ chúng tôi ở để do thám. Có nhiều lần, lại mang cả máy ảnh vào để chụp”, bà Hoàng Thị Thế kể trong cuốn hồi ký.

Cha tôi đánh Pháp suốt mấy chục năm trời, không bao giờ buông lơi tay súng. Bọn thực dân tổn thất quá nhiều binh lính và tiền của mà Đề Thám vẫn đứng vững trên đất rừng Yên Thế, nên chúng phải đề nghị hòa. Cuộc đình chiến kéo dài được dăm bẩy năm thì hai bên lại đánh nhau.
Trong thời gian tạm thời hòa hoãn ấy, hai bên đều ra sức thu phục nhân tâm và chuẩn bị thêm lương thảo, võ khí. Pháp thì chở võ khí từ “mẫu quốc” sang, còn cha tôi thì mua võ khí ở vùng biên giới. Cha tôi, không phải là nhà vua nhưng có võ trang nên muốn tiêu diệt phải tốn quân, tốn đạn, hoặc phải dùng mẹo để hại ngầm.
Chúng từng thuê người quen biết cha tôi đem bom mìn vào sâu trong dinh lũy; thậm chí làm nổ ngay dưới gậm giường của cha tôi. Rút cục, chúng chẳng ăn thua gì.
Thua keo này, chúng bầy keo khác. Dùng sức mạnh của bom đạn không nổi, chúng chuyển sang đầu độc bằng thuốc, qua vài ba cuộc viếng thăm. Lần ấy, có hai viên quan để móng tay rất dài đến chơi, đi theo có hai người Pháp, đều là võ quan thì phải. Cha tôi sai làm một bữa rất thịnh soạn, có rượu vang boóc-đô và sâm-banh.
Trong khi vui vẻ ăn uống, thừa lúc mọi người không để ý, một ông quan đã nhúng móng tay ngón út vào cốc rượu của cha tôi. Tức thì lúc ấy, một người lính liền đem một thanh gươm sáng loáng đặt trước mặt cha tôi và đưa mắt nhìn về phía viên quan kia. Cha tôi cứ mặc thanh gươm trên bàn, điềm tĩnh và thư thái, đứng dậy bưng cốc rượu mời viên quan ấy: “Một vinh dự như thế này thì không thể khước từ”. Mọi người đều nhìn nhau, các viên quan Nam triều và hai võ quan Pháp mặt tái đi.
Còn viên quan vừa được mời, hết nhìn cốc sâm-banh lại nhìn thanh gươm, ông ta uống hết nửa cốc.
- Theo phép lịch sự, ngài nên uống hết - Một ông bạn cũ của cha tôi ngồi bên cạnh nói. Lần này, chỉ vừa nhấp môi vào viên quan đã ngã lăn ra đất.
Cuộc vui vẫn cứ vui - Cha tôi cười lớn rồi lại tự tay rót sâm-banh, vui vẻ vô cùng. Khi đám khách đã say mềm, người ta liền lột trần bọn vô lại ấy, lấy gậy tre đánh đuổi. Bọn chúng cứ tông hông như vậy mà chạy về Nhã Nam.
Lợi dụng thời kỳ hòa hoãn, Bouchet thậm thọt ra vào chỗ chúng tôi ở để do thám. Có nhiều lần, lại mang cả máy ảnh vào để chụp, nhưng chẳng bao giờ chúng chụp được ảnh của mẹ tôi và anh Cả Trọng. Chúng có hỏi thì cha tôi bảo là đi vắng rồi gọi các anh Cả Dinh, Cả Huỳnh và hai đứa con của các anh là Oanh và ủy đến cùng chụp. Chụp xong, Bouchet kéo tôi ra một chỗ bằng cách chơi bóng, rồi hỏi:
- Anh Cả Trọng của cháu đâu?
- Anh ấy ở nhà mẹ cả.
- Thế mẹ cháu đâu? Mẹ ở trong nhà phải không?
- Không, mẹ tới chơi nhà bà từ hôm qua.
Tôi đã nghe chú tôi nói, nên tôi không nói ngược lại. Lúc tôi kể lại cảnh đối thoại trên với cha mẹ tôi, thì cả hai cùng cười. Cha thì khen thông minh và ôm hôn tôi đến ngạt thở. Mẹ thì cho tôi một con ngựa bằng đường để ở trên giá gỗ. Trên giá còn có một con khỉ, một con gà giò, một con hươu, một con chó đều bằng đường phèn. Cha mẹ tôi để đấy để hễ khi nào tôi tỏ ra ngoan ngoãn thì sẽ cho tôi.
Lại một lần khác, Bouchet đến nhà tôi để hỏi xem một tù nhân có trốn đến nhà tôi không.
- Làm sao anh ấy đến đây được khi cảnh sát Pháp vốn tinh ma ranh mãnh như thế? Từ Hà Nội tới Bắc Giang làm gì có rừng - cha tôi mủm mỉm.
- Nhưng nó có súng lục. Nó đi gặp đồng bọn để mưu việc sát hại chúng tôi…
- Sao lại thế được! Dù sao thì hắn cũng không tới được đây.
- Nhỡ hắn đến đây thì sao? Ông có báo cho chúng tôi biết không?
- Tôi không thông lưng với cảnh sát. Quân của tôi sẽ chẳng bao giờ cho hắn vào nếu hắn có võ khí.
Mà đích anh kia đang ở nhà chúng tôi. Anh là cựu khố đỏ. Anh đã giết chết tên phó quản, một năm sau khi anh được giải phóng. Tên phó quản kia rất xấu, hắn đã bắn bị thương nhiều lính bản xứ. Bouchet cũng biết thế, nhưng hắn chỉ đành hậm hực cút về Nhã Nam.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến