TỪ CHỈ “CON” TRONG TIẾNG VIỆT VÀ VĂN HỌC


TỪ CHỈ “CON”
TRONG TIẾNG VIỆT VÀ VĂN HỌC

Một trong những đặc điểm đặc thù của tiếng Việt là: các danh từ chỉ sự vật, hiện tượng, trạng thái, tính chất... không phải luôn chỉ đứng một mình mà thường kết hợp với một từ đứng trước với chức năng phân loại, chỉ đơn vị, biểu thái... trong lời nói. Chẳng hạn, sự vật thuyền trong tiếng Việt không phải chỉ có từ "thuyền" mà còn có "cái thuyền", "chiếc thuyền", "con thuyền", "lá thuyền", "mảnh thuyền"... các từ "cái - chiếc - con - lá - mảnh..." thường gọi là từ chỉ loại (hay là loại từ).

Đặc điểm đặc thù ấy dẫn đến các hệ quả là, trong lời nói; một danh từ chung có thể kết hợp với nhiều từ chỉ loại khác nhau (như danh từ "thuyền" nêu trên); hoặc ngược lại, một từ chỉ loại có thể kết hợp với nhiều danh từ chỉ sự vật, hiện tượng khác nhau. Chẳng hạn, "mảnh trăng, mảnh thuyền, mảnh đời, mảnh tình,...".

Từ "con" trong tiếng Việt, với tư cách là từ chỉ loại, là một từ như vậy. Những trường hợp như "hai đứa con, sông con, mảnh vườn con, con gái, con trai"... không phải là từ chỉ loại.

Với tư cách là từ chỉ loại, từ "con", có các nghĩa sau:

1. Dùng để chỉ từng đơn vị cá thể động vật (con rùa, con chim...).

2. Dùng để chỉ từng đơn vị một số vật thường có đặc điểm hoạt động hoặc hình thể giống động vật (con mắt, con tim, con đường, con quay,...) (Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Nxb KHXH, H.1994). Đó là những nét nghĩa cơ bản, tự thân, nghĩa kết cấu của từ chỉ loại "con" trong hệ thống từ vựng tiếng Việt. Song, trong hoạt động giao tiếp, đặc biệt trong sáng tác thơ ca, từ chỉ loại "con" mới có thể hiện thực hóa những tiềm năng ngữ nghĩa, những kết hợp bất ngờ, những sắc thái biểu cảm và phong cách đa dạng và tinh tế của mình. Chỉ ở trong ngôn ngữ nghệ thuật, từ chỉ loại "con" cũng như nhiều từ cùng nhóm khác, mới bộc lộ hết tất cả những khả năng tiềm ẩn ngữ nghĩa của mình. Chỉ ở trong hệ thống mở (trạng thái động), ta mới có thể phát hiện được hết những nét ngữ nghĩa tinh tế linh hoạt của từ "con" mà khi còn ở trong hệ thống tĩnh, ta không hề cảm nhận được.

Ở trong hệ thống tĩnh, nghĩa của loại từ "con" chỉ biểu thị một hình thức tồn tại nào đó của đối tượng, là ý nghĩa "phi thực thể". Nhưng khi hoạt động trong lời nói, trong văn bản nghệ thuật thì nghĩa "phi vật thể" tạm thời chìm ẩn. Ở đó diễn ra quá trình chuyển hóa ngữ nghĩa "phi vật thể" thành nghĩa "vật thể", làm cho vật thể được gọi tên trở thành một chỉnh thể trọn vẹn, cụ thể với những đặc trưng đầy đủ phẩm chất, chức năng, chất liệu, hình dáng, màu sắc,... Chẳng hạn:

Con (loại từ): chỉ hình thức tồn tại của đơn vị riêng lẻ ở dạng động...

Con chim: loại động vật đơn lẻ, có cánh, biết bay...

Con sông : sự vật đơn lẻ, có nước, đang trôi...

Con trăng : sự vật đơn lẻ, hành tinh trên bầu trời, tỏa sáng ban đêm, đang vận động... cùng với tâm trạng, sự đánh giá đối tượng của người nói.

Rõ ràng, nghĩa của các tổ hợp có loại từ "con" phải được phát hiện với tất cả phẩm chất năng động trong tính lịch sử cụ thể của nó cùng với sự biến hóa giữa nội dung và hình thức trong từng cấu trúc, từng văn cảnh nhất định.

Trong ngôn ngữ nghệ thuật, từ chỉ loại "con" xuất hiện trong những văn cảnh khác nhau đều có cái sắc thái ngữ nghĩa không giống nhau. Nó thực sự đã "khoác một tấm áo mới" về sắc thái ý nghĩa và sắc thái biểu cảm, mặc dù nét nghĩa cơ bản của nó vẫn ẩn hiện làm cơ sở cho sự phát sinh các sắc thái nghĩa văn cảnh.

Chẳng hạn trong bài "Tình thu", Hàn Mặc Tử viết :

            "Đêm trước ta ngồi dưới bãi trông
            Con trăng mắc cỡ sau cành thông"

Trong văn cảnh này (không gian, thời gian, tâm trạng) mà dùng kết hợp con trăng thì quả là một sự liên tưởng độc đáo, vừa bất ngờ. Theo lôgic thông thường thì phải dùng vầng trăng, mặt trăng. Nhưng vầng trăng, mặt trăng thuần túy chỉ là một vật vô tri, vô giác (vật vô sinh). Dùng cấu trúc con trăng, Hàn Mặc Tử đã "biến hóa" một vật vô sinh thành hữu sinh, và hơn thế nữa là một "người bạn tình", một người tình thực sự với những cuộc "gặp gỡ, hẹn hò" không hẹn trước. Dùng cấu trúc con trăng loại từ con đã hóa thân và nằm trong mối quan hệ nhiều chiều: quan hệ với không gian (bãi trống mênh mông), quan hệ với thời gian (một buổi đêm), quan hệ với con người (một người tình tự nguyện và say đắm).

Từ chỉ loại con không chỉ có chức năng hữu sinh hóa, vật hóa và nhân hóa các sự vật, hiện tượng vô tri, vô giác mà còn có tác dụng biểu thị đơn vị đo thời gian. Mỗi con trăng là một vòng quay theo chu kỳ của mặt trăng trong một tháng.

            Em thương anh không nói không cười
            Ôm duyên chờ đợi chín mười con trăng
                                    (ca dao)

            Anh gặp em đây con bóng đương trưa
            Rưng rưng nước mắt tay đưa miếng trầu
                                    (ca dao)

Cách sử dụng loại từ con với chức năng động hóa kết hợp với vật hóa những sự vật, hiện tượng tĩnh tại nhiều lúc hết sức sinh động:

"Thanh ngồi trên chiếc chõng tre, mãi nhìn con nắng đang bò dần lên bậu cửa". (Tô Hoài).

Ánh trăng, ngọn gió vẫn là những hình ảnh đầy tâm trạng thường xuyên đi về trong thơ ca Việt Nam. Xuân Diệu đã cảm nhận :

            Con gió xinh thì thào trong lá biếc
            Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi.

Tác giả đã không dùng cấu trúc ngọn gió hay làn gió mà dùng con gió. Dùng loại từ "con", tác giả đã nhân hóa vật vô sinh thành vật hữu sinh, đã biến ngọn gió thành một con gió có cảm xúc, biết đồng cảm thương yêu, biết giận hờn và chia sẻ với những cuộc tình chốc lát, mỏng manh, vô vọng...

Những phân tích, miêu tả ở trên cho thấy sự phong phú, linh hoạt các sắc thái nghĩa của từ chỉ loại con trong ngôn ngữ nghệ thuật: hữu sinh hóa cái vô sinh, động hóa cái tĩnh, chủ quan hóa cái khách quan, thời gian hóa không gian... Vì thế, loại từ con thực sự đã trở thành một phương tiện không thể thiếu được cho các biện pháp tu từ trong ngôn ngữ thơ ca, điều mà xưa nay không phải ai cũng luôn nhận thấy.

HOÀNG TẤT THẮNG


Nhận xét

Bài đăng phổ biến