LẮT LÉO CHO VUI VỚI NHAU


LẮT LÉO CHO VUI VỚI NHAU

1.-
TIẾNG VIỆT PHONG PHÚ

Mỗi dân tộc đều có một tiếng nói riêng để truyền thông với nhau và dân tộc đó chỉ thực sự tồn tại trong bao lâu ngôn ngữ đó còn tồn tại, cho nên có thể nói ngôn ngữ chính là sức sống của một dân tộc. Dân tộc Việt nam cũng có một ngôn ngữ riêng từ lâu đời và hiện nay vẫn đang được gần 80 triệu người Việt không những ở trong nước mà kể cả người Việt sống ở nước ngoài xử dụng để truyền thông với nhau. Ðiều đó cho thấy tiếng Việt đã gắn liền với sự tồn vong của dân tộc Việt.

Theo các nhà ngữ học thì tiếng Việt thuộc loại ngôn ngữ tượng hình và độc âm. Chỉ cần nghe âm thanh là người ta cũng có thể hình dung ra hình ảnh, cách thế của những sự việc, người và vật được nói đến. Có thể nói tiếng Việt là một ngôn ngữ vừa phong phú, vừa uyển chuyển, lại luôn luôn có tính cách sáng tạo cho nên tiếng Việt rất giàu về từ ngữ chỉ sự vật cụ thể cũng như các từ tượng thanh, tượng hình, và các phó từ chỉ đặc tính của các sự vật đó.

Cái khuynh hướng dễ dãi và tùy tiện trong việc tạo từ được thể hiện rất rõ trong tiến trình hình thành ngôn ngữ Việt. Khi người dân Việt bành trướng về phương Nam, ngoài lý do ảnh hưởng của phong thổ địa lý và sự pha trộn tiếng nói của những dân tộc bản xứ bị người Việt chinh phục mà tiếng Việt bị biến đổi về âm giọng, cũng như vì nhu cầu mà nảy sinh ra nhiều từ mới để gọi tên các sự vật mới, tuy nhiên cũng vì quá tùy tiện mà một số vật vốn đã có tên rồi cũng được đặt thêm tên khác. Cùng một vật ở miền Bắc được gọi bằng một tên này, người Trung có thể gọi bằng một tên khác và người Nam lại dùng một tên lạ hơn nữa. Riêng người Nam lại còn biến đổi thanh của âm gốc để loại bỏ bớt tiếng phó từ bổ nghĩa đi kèm theo mỗi khi cần xử dụng các từ được dùng làm đại từ nhân xưng ngôi thứ ba. Do đó để nói ông ấy, người Nam gọi là "ổng", và cứ thế mà "bả" thay cho bà ấy, "chỉ " thay cho chị ấy v.v...

Do sáng tạo theo kiểu "thấy mặt đặt tên" và tính tùy tiện biến đổi nghĩa của các từ theo điều kiện địa phương xưa kia mà tiếng Việt có quá nhiều từ đồng nghĩa, rồi những từ này lại đồng âm với từ có sẵn khác, hay có khi vẫn cùng là một từ, nhưng ý nghĩa lại hiểu khác đi, thí dụ như người Bắc nói "gầy" thì người Nam nói "ốm", người Bắc lại hiểu nghĩa "ốm" là "bịnh" của tiếng Nam v.v... Thêm vào đó, vào thời phong kiến trước đây, có nhiều từ, thường là gốc chữ Hán, bị buộc đọc trại thành một âm khác vì lý do kỵ húy tên các vua chúa, khiến cho cùng một chữ mà có hai cách phát âm thí dụ như "hoàng" và "huỳnh"chẳng hạn... Ðiều này đôi khi cũng dễ gây ra nhiều cái rắc rối hay hiểu lầm trong vấn đề truyền thông giữa những người gốc địa phương khác nhau, và là nguyên nhân gây ra kỳ thị địa phương.

Tuy tiếng Việt rất dồi dào từ ngữ cụ thể chỉ sự vật cũng như rất giàu các phó từ chỉ đặc tính để mô tả sự vật thiên nhiên cùng các hiện tượng, cũng như rất uyển chuyển trong phương diện diễn đạt tình cảm hay các trạng thái tâm hồn của con người, nhưng lại thiếu từ ngữ trừu tượng để diễn đạt ý tưởng cho nên thường phải vay mượn từ chữ Hán hay từ những ngôn ngữ khác. Tuy nhiên có một điều đặc biệt là những từ ngữ này khi du nhập vào tiếng Việt thì cũng đều được Việt hóa cho phù hợp với cách phát âm của nguời Việt. Ngay cả bộ chữ Hán mà người Việt dùng cũng được phát âm theo cách riêng của mình. Tuy nhiên vì tiếng Hán Việt là một thứ tiếng Tàu không hoàn toàn là Tàu mà ta cũng chẳng phải ta, do đó khi muốn giao thiệp với người Tàu, nếu người Việt không biết một thứ ngôn ngữ nói của Trung hoa thì lại phải dùng bút đàm chẳng khác nào khi phải giao thiệp với người Cao ly hay người Nhật bản là những dân tộc cùng dùng một chuyển ngữ chung là Hán tự.

Ngôn ngữ Việt cũng như ngôn ngữ Trung hoa đều là tiếng độc âm, nhưng tiếng Việt nói xuôi còn tiếng Tàu nói ngược. Người Việt nói cái áo xanh nhưng người Tàu lại nói theo thứ tự tiếng phó từ bổ nghĩa đi trước tiếng danh từ chỉ sự vật. Chính vì thế mà khi tạo từ ngữ kép gốc chữ Hán thì thường tuân theo trật tự của ngôn ngữ Trung hoa, nhưng khi ghép các từ kép này vào câu thì người Việt có khi lại áp dụng cái trật tự của tiếng Việt. Mặc dù vậy, cái trật tự này không hẳn là luật nhất định mà đôi khi cũng có những trường hợp có thể nói "trưởng ty" hay "ty trưởng", "Từ điển Văn học Việt nam" hay "Việt nam Văn học Từ điển" đều được cả.

Ngoài ra tiếng Việt lại có một đặc điểm mà các ngôn ngữ khác không có, đó là cách nói lái và sự xử dụng tiếng đệm. Khi nói lái người ta phải chọn một cụm hai hoặc ba tiếng rồi hoán vị các phụ âm hoặc các thanh của những tiếng đó cho nhau. Tiếng lái có khi là tiếng có nghĩa nhưng có khi không. Câu "con cá đối nằm trong cối đá" thì tiếng lái có nghĩa, nhưng thí dụ "con gà" nói lái "ca gòn" thì chẳng có nghĩa gì cả.

Còn tiếng đệm là những tiếng thường được ghép thêm vào sau một tiếng gốc để làm rõ nghĩa thêm cho tiếng gốc hoặc có khi chỉ nhằm tạo thêm âm vận cho tiếng nói, do đó tiếng đệm có thể là một tiếng có nghĩa như "nhà cửa", "sách vở"..., hoặc có khi làm tăng hay giảm nghĩa của tiếng gốc như "nằng nặng", "buồn buồn", "sạch sành sanh"..., nhưng cũng có khi chỉ là tiếng thêm vào cho tiếng gốc nghe bớt cộc mà thôi thí dụ như "cơm kiếc", "chơi bà lơi xơi" v.v... Tuy nhiên tất cả tiếng đệm thêm vào cũng chỉ dựa vào một âm vận theo thói quen và tùy thuộc vào sự thẩm âm của người nghe chứ không có một quy luật rõ rệt.
2.-
LƯỠI KHÔNG XƯƠNG NHIỀU ÐƯỜNG LẮT LÉO
Tục ngữ Việt nam có câu: "Lưỡi không xương nhiều đừng lắt léo". Dĩ nhiên con người nói được là nhờ cái lưỡi nhưng câu nói trên nhắm vào nghĩa bóng, ý nói con người muốn nói xuôi hay nói ngược cách nào cũng được vì chân lý là cái không có hoặc không ai nắm được. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về cái tiếng nói mà người dân Việt đã nói từ hơn bốn ngàn năm nay, nhiều lúc tôi lại đâm ra thắc mắc không biết có phải vì nhờ cái lưỡi uốn éo dễ dàng mà tiếng Việt trở nên phức tạp và lắt léo vô cùng hay không?

Ðể thấy sự phức tạp của tiếng Việt, chỉ cần nghe qua cách xưng hô. Chẳng hạn, khi ta nghe một đôi nam nữ xưng hô với nhau từ lúc họ xử dụng cụm đại từ nhân xưng ông-tôi, hoặc cô-tôi, sau đó đổi qua anh-tôi, hoặc em-tôi, rồi chuyển thành anh-em, ta cũng có thể hiểu ngay tiến trình liên hệ tình cảm giữa hai người này đối với nhau như thế nào. Cũng thế, khi nghe các cụm đại từ nhân xưng từ ông-tôi biến qua mày-tao v.v... hay ngược lại, là người nghe có thể hiểu được những chuyển biến trong thái độ. Ðối với cách dùng đại từ ngôi thứ ba cũng thế. Ðiều này không những làm cho người ngoại quốc học tiếng Việt cảm thấy rắc rối mà đôi khi cũng làm cho chính người Việt nam lúng túng khi họ chưa xác định được vai vế, thái độ hay tình cảm đối với người đối thoại.

Ngoài đặc tính giàu âm thanh và ngữ điệu, tiếng Việt lại không bị gò bó trong những quy luật chặt chẽ nên có đặc tính rất lắt léo, do đó mà người xử dụng có thể biến hóa cho phù hợp với nhu cầu diễn đạt của mình.Ðiều này giúp cho người Việt nam không những dùng ngôn ngữ để truyền thông mà còn có thể biến ngôn ngữ thành một phương tiện giải trí như là nói lái, nói bằng một phụ âm, dùng tiếng đồng âm dị nghĩa, nhại tiếng ngoại quốc, hoặc dựa vào các hình thức trên để làm thành những câu đố mua vui ...

Hình thức giải trí bằng ngôn ngữ thông thường nhất là nói lái. Ngoại trừ những cụm từ cùng một âm vận với nhau thí dụ "thắc mắc" khi hoán vị các phụ âm không tạo ra sự biến đổi thì không thể nói lái, còn các cụm từ có hai âm vận khác nhau thì đều có thể nói lái được. Thí dụ như nhà thơ Bùi Giáng cũng có lần xử dụng cách nói lái này để ký tên một cách hài hước dưới một bài thơ của mình như sau: "Bùi văn Giáng, Bàng văn Giúi, Búi văn Giàng, Báng văn Giùi..." Riêng nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì đã xử dụng rất tài tình những tiếng lái trong thơ của mình để khi đọc xuôi thì nghe ra thanh nhưng nếu lái lại thì lại hiểu thêm ra nghĩa tục, nhờ thế mà thơ Hồ Xuân Hương chiếm được một chỗ đứng độc đáo trong giòng văn học tiếng Việt.

Ngoài mục đích mua vui, tạo khôi hài, tạo thêm một nghĩa khác cho câu nói, người ta còn có thể xử dụng cách nói lái để ngầm ý xỏ xiên hay khích bác một cách kín đáo. Có những cách đơn giản dễ nhận như câu: "Ðem hình bác lộng kiếng", nhưng cũng có những câu phức tạp cần phải được giải thích như câu chuyện về món ăn "đại phong" mà Trạng Quỳnh dâng cho chúa: "Ðại phong là gió to, gió to thì đổ chùa, đổ chùa thì tượng lo, tượng lo là lọ tương".

Ðôi khi sự nói lái còn sâu sắc hơn do được phối hợp giữa chữ nghĩa bác học với ngôn ngữ thông thường để có thể qua mặt người bị chửi xỏ như bốn chữ "Ðại điểm Quần thần" trong bức hoành phi mà các nhân sĩ Nam kỳ mừng Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm thời còn Tây. Nếu đọc qua và hiểu theo nghĩa thông thường thì bốn chữ trên có ý khen ngợi một người có công lớn đối với nước nhưng nếu khi dịch sát từng tiếng câu trên sẽ là "Chấm to bầy tôi" và nói lái lại thành ra "Chó Tâm bồi Tây" là một câu chửi xỏ.

Văn học phản kháng trong dân gian cũng thường hay dùng tính cách lắt léo của ngôn từ để sáng tác ra những câu nói vừa mua vui, vừa mỉa mai châm biếm hay biểu lộ sự chống đối một cách bất bạo động như bài thơ truyền khẩu sau đây thời Việt minh kháng chiến:
Chú phỉnh tôi rồi chính phủ ơi
Chú khiêng lên hết chiến khu rồi
Thi đua sao cứ thua đi mãi
Kháng chiến lâu dài khiến chán thôi

Sống dưới chế độ Cộng sản, người dân Việt cũng đã truyền tụng nhau câu ca dao sau đây, mặc dù nội dung biểu lộ một nhận định về lối sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa nhưng xét kỹ ra thì đây cũng là một thái độ chung về chính trị của người dân Việt từ xưa tới nay:

Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt
Lách lòn lươn lẹo lại lên lương

Cái cách nói chỉ dùng một phụ âm này cũng thường được dùng cho mục đích giải trí, như làm thơ, hoặc thi kể một câu chuyện mà chỉ dùng một phụ âm nào đó thôi, thí dụ như:

Rầu rĩ râu ria ra rậm rạp
Rờ râu râu rụng, rờ rún rún rung rinh

Kể ra những cách dùng ngôn ngữ để mua vui thì rất nhiều nhưng nói chung tất cả đều dựa trên đặc tính độc âm và sự trùng âm cùng với sự lỏng lẻo của cấu trúc các cụm từ, mà tiếng Việt lại có quá nhiều từ tuy đồng âm nhưng nghĩa lại khác nhau, có khi lại tương phản nhau, lại còn cách dùng pha lẫn tiếng nôm và tiếng gốc chữ Hán hay chữ ngoại quốc, khiến cho một câu nói có thể hiểu theo nhiều cách, tùy theo người nghe và tuỳ theo hoàn cảnh, do đó mà người Việt vẫn có tính thích chơi chữ.

Trong câu đố "rùa bò mấy chân?" người được đố có thể hiểu tiếng "bò" như là một động từ nên đáp là bốn, nhưng người đố để tranh phần thắng sẽ giải thích "bò" hiểu theo nghĩa "bò" đây tức là con bò thì khi tính số chân của cả hai con trên cọng lại phải là 8 mới đúng. Kể ra thì cái lý luận này hoàn toàn dựa trên tính cách mập mờ của từ ngữ và lối nói nên không thể bảo đó là chính xác, tuy nhiên cả người đố lẫn người được đố chỉ nhằm mục đích mua vui nên cũng không ai lấy đó làm điều tranh cãi để tìm đâu mới thực là chân lý. Ðiều này phản ảnh cái tinh thần của người dân Việt không quan tâm đến luận lý để tìm ra chân lý mà chỉ nhìn xem hiện tượng để biết cách sống sao cho phù hợp thôi.

Cái triết lý sống này được thể hiện qua câu tục ngữ mà nhiều người tương truyền đó là sấm Trạng Trình: "Khôn chết, dại chết, biết sống". Ngu dại thì bị người ta đè đầu đè cổ, bóc lột cho tới chết, mà khôn thì cũng bị người ta tìm cách hãm hại vì sợ tranh giành, chỉ có biết thì mới sống yên ổn. Nhưng "biết" là biết như thế nào thì lại không ai xác định được. Có lẽ do mỗi người tự tìm lấy một phương cách xử thế sao cho thích hợp với hoàn cảnh riêng của mình. Có lẽ do thái độ hiện sinh này mà người dân Việt chỉ nhìn vào hiện tượng để tìm cách thích nghi chứ không đặt vấn đề đi tìm nguyên ủy hay bản thể của sự vật để giải thích sự vật. Ngôn ngữ là phản ảnh tâm hồn con người cũng vì thế mà được phát triển theo chiều hướng mô tả cảm xúc chứ không lý luận trừu tượng.

Trong suốt quá trình lịch sử, trải qua bao nhiêu lần bị các dân tộc khác đô hộ, phải tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ khác nhau và bị các ngôn ngữ này khống chế về mặt chính trị, nhưng người dân Việt không những vẫn duy trì tiếng nói của mình mà còn dùng tiếng nói của mình để nhại ngôn ngữ của kẻ thống trị như một sự mua vui, hay có khi để qua mặt kẻ thống trị. Bằng cách nói lái hay dùng những tiếng có âm thanh hao hao với một thứ tiếng ngoại quốc nào đó, người dân Việt đã đùa bỡn với tiếng Tàu, tiếng Tây, tiếng Nhật, tiếng Nga... Vào thời các chú chệc còn làm vương làm tướng, để nhại tiếng Tàu người dân Việt chỉ việc thêm tiếng "tỉn" sau mỗi âm tiếng Việt rồi nói lái từng cặp một thí dụ như: "mìn tẩy đin tỉ đin tẩu đín tỏ", nói lên nghe có âm hưởng như tiếng Tàu nhưng thực ra chỉ là "mầy đi đâu đó". Khi mấy ông Tây bà đầm sang An-nam "khai hóa" cho dân An-nam-mít thì để nhại tiếng Pháp người ta nói "ít-xơ-măng" (ăn xơ mít) v.v... Ðàn anh Liên xô qua Việt nam giúp Việt nam xây dựng xã hội chủ nghĩa thì để nhại tiếng Nga người ta mời đồng chí Móc-cu-ra-đớp đi "xô xích le" (xe xích lô). Cũng có khi người ta lại nhại người ngoại quốc nói tiếng Việt để tạo thành những câu nói theo một nghĩa này nhưng do cách phát âm lơ lớ của người ngoại quốc khiến cho một số từ nghe ra như một từ khác khiến người nghe có thể hiểu ra một nghĩa khác có tính chất khôi hài.

Như vậy thì quy luật tiếng Việt lỏng lẻo là do nơi con người Việt nam chỉ quan tâm đến hiện tượng hơn là đi tìm bản chất cho nên nhìn thấy cái nhu cầu diễn đạt tình cảm đối với sự vật mới là chính yếu, mà các trạng thái của tâm hồn thì lại vô cùng uyển chuyển và phức tạp, không bị gò bó theo quy luật nhất định, do đó mà ngôn ngữ cũng trở nên phức tạp và không có quy luật rõ ràng. Khi một người "chẻ sợi tóc làm tư " thường không phải người đó muốn phân tích tận cùng một sự vật theo suy luận để tìm ra chân lý mà chỉ nhằm khai thác những khía cạnh lắt léo của sự vật để tìm bắt cho được khía cạnh nào đó thích hợp với chủ đích tình cảm của mình mà thôi.
3.-
MẸ HÁT CON KHEN HAY

Tiếng Việt còn một điểm đặc biệt là mặc dù ngôn ngữ nói đã có từ thời Thượng cổ và phát triển đến một trình độ cao, nhưng qua đến thời kỳ có sử, ngôn ngữ viết vẫn không xuất hiện. Hệ thống chữ quốc ngữ đang được người Việt hiện nay xử dụng chỉ mới nảy sinh gần đây do hoàn cảnh lịch sử đưa đẩy mới có. Có lẽ vì thế mà trước đây, nhà văn phạm học Phạm Duy Khiêm khi soạn bộ Văn Phạm Việt Nam, đã từng gọi tiếng Việt là một thổ ngữ (dialect).

Sự thiếu một hệ thống chữ viết trước đây có lẽ là hậu quả của sự kiện người Trung hoa đô hộ đằng đẵng suốt một ngàn năm. Với manh tâm đồng hóa dân tộc Việt, người Tàu sang cai trị đã mang theo nền văn hoá của họ sang truyền bá cho dân Việt, bắt người Việt phải học chữ Hán, dùng Hán văn làm chuyển ngữ, tiếng Việt chỉ còn là phương tiện truyền thông giữa người Việt với nhau như là một phương tiện trao đổi niềm an ủi cảm thông của những kẻ cùng chung cảnh ngộ mà thôi, do đó mà người dân Việt nam hầu như không còn cơ hội để phát minh một hệ thống ký hiệu riêng để ghi chép ngôn ngữ của mình.

Ngoài ra, có lẽ do ảnh hưởng của một ngàn năm bị đô hộ và sức mạnh văn hóa của kẻ thống trị lấn át mà mãi mấy trăm năm sau khi đã giành lại được quyền tự chủ, người dân Việt vẫn không quan tâm đến việc tạo cho mình một nền văn học riêng. Mãi đến thế kỷ 13, Hàn Thuyên mới mượn chữ Hán để sáng chế ra chữ Nôm, mở đầu cho thời kỳ văn chương chữ nôm thành hình, nhưng vì muốn đọc được chữ nôm lại phải biết chữ Hán cho nên đó cũng là một trở ngại khiến cho hệ chữ viết này khó trở thành phổ cập. Có lẽ vì thế mà cả Hồ Qúy Ly hay vua Quang Trung trước kia khi đề xướng việc dùng chữ Nôm thay thế cho chữ Hán làm chuyển ngữ đều không thành mà còn bị chống đối.

Riêng về cách viết theo mẫu tự La tinh thì mãi tới thời cận đại, khi các giáo sĩ Tây phương đến Việt nam để truyền giáo muốn ghi lại kinh giảng bằng tiếng Việt cho con chiên bản xứ thì nhận thấy chữ nôm quá rắc rối và khó học cho nên giáo sĩ Alexandre de Rhodes mới xử dụng mẫu tự La tinh để ký âm ngôn ngữ Việt. Do tính cách tiện dụng và dễ học của cách viết này mà qua thế kỷ 20 cách viết tiếng Việt theo lối phiên âm này được chấp nhận như là chữ Quốc ngữ và mở đường cho nền văn học tiếng Việt phát triển. Tuy nhiên khi nhìn lại quá trình hình thành của chữ quốc ngữ có phần nào gắn liền với sự mở đường cho thực dân Pháp cai trị Việt nam thì dân gian đôi khi cũng mai mỉa:

Tiếng Quốc ngữ, chữ nước ta
Ông cố ông cha lập ra...

Dĩ nhiên ông cố ông cha nói đây không phải là các tổ tiên người Việt mà là các ông cố đạo người Tây đem Phúc âm của Chúa đến rao giảng cho con cháu Tiên Rồng. Nhưng cũng chính nhờ thế mà dân Việt nam là dân châu Á đầu tiên và duy nhất xử dụng chữ viết theo mẫu tự La tinh. Ðiều này làm cho nhiều người lầm tưởng tiếng Việt dễ học. Sự thực do chữ viết có tính cách phiên âm nên đối với bất cứ ai biết mẫu tự La tinh và nắm được quy luật ký âm tiếng Việt là người ta có thể viết chính tả hay đọc những điều đã được viết ra một cách dễ dàng. Tuy nhiên để biết và hiểu tiếng Việt một cách thấu suốt thì không phải là chuyện dễ.

Mặc dù theo với nhu cầu tiến hóa của thời đại, tiếng Việt có khả năng vay mượn và đồng hóa ngôn ngữ ngoại quốc thành ngôn ngữ của chính mình để làm giàu cho cái kho ngữ vựng về mọi lãnh vực, nhờ đó mà có thể dùng để truyền đạt khoa học và tư tưởng, nên vẫn tiếp tục phát triển để tồn tại như một sinh ngữ, nhưng về phương diện khoa ngôn ngữ học thì cho tới ngày nay tiếng Việt vẫn chưa có được một bộ tự điển tiếng Việt đầy đủ hoặc sự chuẩn định chính xác nào cả. Mọi sự tiếp thu hay tạo từ mới, biến hóa âm vận cũng như các quy luật về văn phạm vẫn dựa vào sự thỉnh âm và chấp nhận của mọi người một cách mặc nhiên.

Ngoài ra, vì đặc tính lắt léo, thiếu tinh thần luận lý Tây phương khiến cho tiếng Việt không thích hợp với ngôn ngữ ngoại giao hay nghiên cứu khoa học, cho nên từ xưa tới giờ dù có bài ngoại, người dân Việt vẫn sính học ngoại ngữ và cần học ngoại ngữ vì lý do cần giao tiếp với thế giới hoặc khi cần mở mang kiến thức. Kể ra cũng là một điều nghịch lý khi một người có thể tự hào về đất nước có bốn ngàn năm văn hiến với một ngôn ngữ phong phú và lâu đời, nhưng nếu như chỉ biết có mỗi một thứ tiếng mẹ đẻ thì cũng chưa hẳn thấy mình là người trí thức đáng tự hào.

Riêng về mặt văn học mà nói thì nhờ đặc tính dồi dào của âm từ và ngữ điệu trong tiếng Việt mà ca dao rất phát triển và tạo cho dân Việt có được một kho tàng ca dao rất phong phú. Cũng do đặc tính dồi dào âm điệu và sự uyển chuyển của tiếng Việt giúp cho việc diễn đạt các trạng thái tâm hồn càng tinh tế mà về mặt văn chương, bản dịch Chinh Phụ Ngâm bằng tiếng nôm của bà Ðoàn Thị Ðiểm đã lấn lướt được bản chính viết bằng Hán văn của Ðặng Trần Côn. Nhưng chính Nguyễn Du mới là người đã xử dụng những đặc tính này của tiếng Việt một cách tài tình trong bút pháp khi ông sáng tác truyện Kiều. Chính vì nhờ vào những lời thơ trong sáng và có một sức truyền cảm rất mạnh mà truyện Kiều đã rất phổ cập trong dân chúng. Ðó cũng là lý do khiến cho trước đây Nguyễn Văn Vĩnh từng nói: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, dân tộc ta còn; dân tộc ta còn, nước ta còn."

Tuy nhiên đối với người ngoài thì mặc dù văn học Việt nam kể từ thời chữ Nôm cho tới nay cũng có những tác phẩm có thể góp mặt trên văn đàn thế giới nhưng vì người ngoại quốc ít có ai chịu học tiếng Việt để nghiên cứu văn học Việt, còn những tác phẩm tiếng Việt thì cũng do những cái rắc rối và đặc tính lắt léo của ngôn từ khiến cho không thể nào dịch hết ý nghĩa hoặc có khi còn không thể nào dịch được như các tiếng lái, tiếng chơi chữ cho nên cũng ít có ai dám dịch các tác phẩm tiếng Việt ra tiếng ngoại quốc. Vì lẽ đó mà những tác phẩm văn chương viết bằng tiếng Việt thường không được thế giới biết đến.

Tuy nhiên, đứng về mặt ngôn ngữ nói mà nhận xét thì tiếng Việt đã chứng tỏ có khả năng quyến rũ rất lớn đối với những người nói được tiếng Việt. Mặc dù qua bao nhiêu thế kỷ bị người Tàu cai trị, văn hóa Tàu xâm nhập vào mọi khía cạnh của đời sống người dân Việt nhưng con cháu những người Tàu sang Việt nam lập nghiệp thì vì lý do phải học nói tiếng Việt để có thể tiếp xúc làm ăn với người Việt, đều dần dần trở thành người Việt nam chứ không còn là người Tàu nữa. Ðiều này không những chỉ xảy ra cho người Trung hoa mà ngay cả những dân tộc bị dân Việt nam chinh phục như Chàm, Khờ me cũng thế.

Mặc dù từ xưa có một số nhà nho, rồi sau này một số nhà Tây học do chịu ảnh hưởng quá nặng của các nền văn hóa ngoại lai nên cũng đã từng chê bai tiếng Việt là "nôm na là cha mách qué", nhưng nếu gạt bỏ cái tinh thần luận lý để sống với tâm hồn thì bất cứ ai đã quen với tiếng Việt đều thấy tiếng Việt vẫn có những cái hay và cái đáng yêu mà không một ngôn ngữ nào có thể thay thế. Chính vì tính chất truyền cảm đó của tiếng Việt mà người dân Việt qua bao đời nay vẫn thấy mình gắn bó với thứ ngôn ngữ ấy mỗi khi muốn tìm đến với nhau trong tình tự dân tộc:

Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn quen

ĐOÀN VĂN KHANH


Nhận xét

Bài đăng phổ biến