Kỳ 140 -NGƯỜI VIỆT ĐÊM TRƯỚC ĐÁNH BẠI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA TẦN THỦY HOÀNG


140
NGƯỜI VIỆT ĐÊM TRƯỚC ĐÁNH BẠI
CUỘC XÂM LƯỢC CỦA TẦN THỦY HOÀNG

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, có nhiều cuộc chống ngoại xâm vang dội từ thời Hai Bà Trưng đánh Tô Định cho đến Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán, thiết lập nền độc lập, rồi Đinh, Lê, Lý, Trần... bao đời gây nền độc lập. Tuy nhiên, cuộc chiến chống ngoại xâm đầu tiên đánh bại đạo quân xâm lược của Tần Thủy Hoàng thì lại ít được nhắc đến một cách chi tiết. Các sách giáo khoa lớp 4, 6 hay lớp 10 kể về giai đoạn mở đầu lịch sử nước nhà chỉ dành 1, 2 dòng nói về cuộc chiến chống quân Tần năm 218 trước Công nguyên. Do vậy, chúng tôi gắng kể lại và phân tích rõ hơn về cuộc chiến chống xâm lược đáng tự hào này.

Trước thời Tần Thủy Hoàng

Trong huyền sử thì ghi nhận cuộc chống ngoại xâm đầu tiên của nước ta là Thánh Gióng đánh giặc Ân ở thời Hùng vương thứ 6. Nhưng trong Đại Việt sử ký toàn thư khi kể chuyện Thánh Gióng cũng chỉ nhắc: Đời Hùng Vương thứ 6, ở hương Phù Đổng, bộ Vũ Ninh có người nhà giàu, sinh một con trai, đến năm hơn ba tuổi ăn uống béo lớn nhưng không biết nói cười. Gặp lúc trong nước có tin nguy cấp, vua sai người đi tìm người có thể đánh lui được giặc. Ngày hôm ấy, đứa trẻ bỗng nói được, bảo mẹ ra mời thiên sứ vào, nói: "Xin cho một thanh gươm, một con ngựa, vua không phải lo gì". Vua ban cho gươm và ngựa, đứa trẻ liền phi ngựa vung gươm tiến lên trước, quan quân theo sau, đánh tan quân giặc ở chân núi Vũ Ninh. Quân giặc tự quay giáo đánh lẫn nhau, chết rất nhiều, bọn sống sót đều rạp lạy, tôn gọi đứa trẻ ấy là thiên tướng, liền đến xin hàng cả. Đứa trẻ phi ngựa lên trời mà đi. Vua sai sửa sang chỗ vường nhà của đứa trẻ để lập đền thờ, tuế thời cúng tế.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục dẫn lại Sử ký (Trung Quốc) chép: Năm Tân Mão thứ sáu (1110  trước Công nguyên - TCN) đời Thành Vương nhà Chu, phía Nam bộ Giao Chỉ có Việt Thường thị qua ba lần sứ dịch, sang dâng chim trĩ trắng. Chu công nói: "Đức trạch chưa thấm khắp đến phương xa, người quân tử không nhận đồ lễ ra mắt; chính lệnh chưa ban ra tới, người quân tử không bắt người ta thần phục". Theo lời thông dịch, sứ giả muốn nói: "Ông già trong nước chúng tôi có nói: "Trời mưa không dầm gió dữ và biển không nổi sóng đã ba năm nay, ý chừng Trung Quốc có thánh nhân chăng?". Vì thế, chúng tôi sang chầu". Chu Công đem dâng lễ vật lên nhà tôn miếu. Sứ giả không thuộc đường về, Chu Công cho năm cỗ xe biền7 đều làm theo lối chỉ nam. Sứ giả đi xe ấy theo ven biển nước Phù Nam* và nước Lâm Ấp**, vừa một năm mới về đến nước. 

Sử ký của Trung Quốc nói sứ giả các nước phía Nam gặp vua Chu đi lại mất cả năm đủ thấy giao thông thời ấy rất khó khăn. Với mức độ phát triển thời Thương - Chu thì không thể có chuyện mang quân đi thôn tính các vùng đất xa như vậy, nhất là khi thời Thương hay Xuân Thu thì chưa hề có kỵ binh. Ngay cả thời Chiến quốc, các nước cũng chỉ lo việc tranh bá ở Trung Nguyên chứ xem nhẹ việc mở rộng lãnh thổ (trừ Tần). Nước Tần theo chủ trương của Bách Lý Hề mở rộng ảnh hưởng sang phía Tây ngày càng cường thịnh. Nước Sở ở phía Nam chỉ nhòm ngó lên phía Bắc tranh bá với Tam Tấn, Tề, Tần chứ không đặt nặng tư tưởng bành trướng xuống phía nam. Thế nên các nước nhỏ ở phía nam khá yên ổn ngay cả trong giai đoạn Chiến quốc biến loạn. Nhưng tình hình đã thay đổi khi Tần Thủy Hoàng đánh bại 6 nước, thống nhất Trung Nguyên.

Tần Thủy Hoàng thống nhất và bành trướng

Năm 230 TCN, Tần vương Doanh Chính tung ra các chiến dịch cuối cùng của thời kỳ Chiến Quốc nhằm chinh phục các vương quốc độc lập còn lại. Nước Hànsau nhiều lần thua trận, đã rất nhỏ yếu không còn khả năng kháng cự nên là nước đầu tiên bị hạ. Hàn vương An sợ hãi, vội thu hết sổ sách, địa đồ trong nước sang đầu hàng nộp đất. Tần vương chính thức thôn tính nước Hàn.

Hàn với Triệu vốn như môi với răng, trong lịch sử thì Triệu nhiều lần phải phát quân cứu Hàn nhưng lần này cũng bó tay. Sau khi diệt Hàn, Tần đánh Triệu. Năm 228 TCN, quân Tần phá vỡ kinh thành Hàm Đan, bắt sống Triệu vương Thiên. Hạ xong Hàn, Triệu thì Tần vương Chính quay sang đánh Ngụy để hoàn tất chiến thuật diệt Tam Tấn. Năm 225 TCN, quân Tần hùng mạnh tấn công Đại Lương, tháo nước sông vào thành. Ngụy vương Giả không chống nổi phải ra hàng.

Ngay trong năm 225 TCN, Tần vương Chính sai Lý Tín mang 20 vạn quân đánh Sở. Lý Tín bị tướng Sở là Hạng Yên đánh bại. Tần vương Chính bèn nghe theo lão tướng Vương Tiễn, tổng động viên 60 vạn quân giao cho Vương Tiễn ra mặt trận. Vương Tiễn đánh Sở trong 2 năm, đánh bại Hạng Yên, bắt sống Sở vương Phụ Sô. Hạng Yên chạy thoát, lập vua Sở mới là Xương Bình quân lên ngôi. Vương Tiễn lại tấn công xuống phía nam, giết chết vua Sở và Hạng Yên, bình định nước Sở. Nước Sở, quốc gia chư hầu lớn lớn nhất và kình địch nhất của nước Tần đến năm 223 TCN bị chinh phục

Một năm sau khi đánh bại Sở, Tần vương sai  quân tấn công Yên và nhanh chóng thôn tính nước Yên và nước Đại - tàn dư của nước Triệu. Năm 221 TCN, Tần vương Chính lấy cớ Tề vương Kiến mang 30 vạn quân phòng thủ ở biên giới phía tây là hành động gây hấn, bèn sai Vương Bí mang quân từ nước Yên tiến thẳng xuống phía nam đánh úp kinh thành Lâm Tri. Nước Tề vốn 40 năm không binh đao nên không chống nổi, Tề vương Kiến phải đầu hàng. Cả 6 nước hoàn toàn bị thôn tính.

Sau khi thống nhất 6 nước, Doanh Chính tự xưng là Tần Thủy Hoàng. Mặc dù là vị Hoàng đế sở hữu vùng lãnh thổ rộng lớn nhất từ trước đến thời điểm bấy giờ nhưng Tần Thủy Hoàng vẫn chưa hài lòng và muốn mở rộng biên giới hơn nữa. Các dân tộc ở phía nam trong đó có người Việt phải trải qua những tháng ngày không yên ổn sau đó.

ANH TÚ
Lời chua của Khâm định Việt sử thông giám cương mục:
* Phù Nam: Theo Phương dư kỷ yếu, nước Phù Nam ở trong cù lao lớn về phía tây Nam Hải thuộc quận Nhật Nam và ở về phía Tây Nam nước Lâm Ấp, cách quận Nhật Nam bảy nghìn dặm về phía Bắc, cách nước Lâm Ấp hơn ba nghìn dặm về phía Tây, diện tích được hơn ba nghìn dặm.
**Lâm Ấp: Quốc giới của Việt Thường thị xưa; đời Tần là huyện Lâm Ấp, thuộc Tượng Quận; đời Hán đổi làm huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam.




Nhận xét

Bài đăng phổ biến