“NGHỀ” KHEN THƠ


“NGHỀ” KHEN THƠ

Trước đây, Nguyễn Huy Thiệp từng có đánh giá về Đồng Đức Bốn: “Đồng Đức Bốn sở trường thể thơ lục bát. Anh không có nhiều hơn 50 bài thơ được gọi là tài tử vô địch, đấy là những viên ngọc thực sự, còn tất cả chỉ là bi ve, bi đất”.  Một nhận xét khiến người ta ngả mũ thán phục, trước hết ở sự sòng phẳng khen, chê. Nhiều anh em văn nghệ còn nhắc tới chuyện thi sĩ Hoàng Phủ Ngọc Tường viết lời giới thiệu cho một phụ nữ làm thơ vô danh ở Quảng Trị, đặc biệt khéo léo. Lời lẽ đẹp đẽ, bóng bẩy nhưng khen không lố, chê không mất lòng, cực kỳ lịch lãm. Đó là một tài năng khác của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Lực lượng làm thơ ngày càng đông lên nhưng những người khen lịch lãm, công tâm lại ngày càng ít. Đó là một sự thật đáng buồn đang diễn ra trong đời sống thi ca Việt. Nếu chỉ căn cứ vào những lời khen được viết/nói trong lời giới thiệu tập thơ, trong hội thảo thơ, lễ ra mắt thơ… ngỡ thi ca Việt đang vào mùa bội thu. Những người dễ dãi ban tặng lời khen thường là những bậc đàn anh, ít nhiều đã định vị tên tuổi trong nghề. Một nhà thơ lên tiếng: “Bây giờ người ta khen chê nhau không chỉ là chuyện bạn bè nể nang, hay vì trách nhiệm, mà còn vì những lí do khác.

Có những nhà thơ không chỉ khen thơ mà còn khen cả… thuốc chữa bệnh tiểu đêm. Các ông đã biết đóng quảng cáo, lăng xê chứ không chỉ chuyên tâm vào nghệ thuật nữa”. Thi sĩ này chỉ ra cái hại của việc dễ dãi khen: “Nó làm nhiễu loạn giá trị của văn chương. Không tốt cho người được khen, có nhiều người được khen xong rồi chẳng viết gì được nữa. Bởi lời khen ấy chỉ giúp hài lòng trong chốc lát nhưng không giúp ích cho hành trang đường dài của người sáng tác. Còn người buông lời khen dễ dãi cũng bị sứt mẻ uy tín. Có những ông khen như kiểu xoa đầu người ta, tưởng mình có quyền, không nghĩ sau đó bạn bè trong nghề… khinh”.  Nhưng hình như đã qua rồi cái thời người viết lo sợ  “mua danh ba vạn/bán danh ba đồng”?

Chém gió ra tiền

Người làm thơ nào cần lời khen nhất? Một nhà thơ đề nghị giấu tên cho biết: “Những người chập chững mới bước vào nghề cần một sự đánh giá của một người có uy tín. Sự đánh giá này thường là cái thẻ, giấy thông hành để người ta bước vào nghiệp viết. Cho nên, những lời giới thiệu thường là lời khen, chẳng ai muốn nhận chê cả”.

Lực lượng người làm thơ phát triển chóng mặt nên rất cần một lực lượng sẵn sàng khen thơ. Nhà thơ Đặng Huy Giang cho rằng, “nghề” khen thơ đã có từ lâu:  “Nhiều nhà thơ gạo cội hẳn hoi cũng hay khen lung tung. Bây giờ cứ nhìn tờ báo chuyên về văn chương thì thấy tập thơ nào chẳng đọc được, có ông viết giới thiệu còn chẳng thèm đọc sách cơ”. Chúng tôi hỏi nhà thơ Đặng Huy Giang: Người được khen có phải trả phí khen không? Anh thẳng thắn: “Có chứ, phải trả tiền cho người ta chứ. Tiền nhiều hay ít không biết, nhưng cũng phải trả công. Người ta hay tặng sách, nếu người ta muốn khen thì để một phong bì vào đấy, gọi là phí đọc. Hay dùng từ thịnh hành hơn là nhuận đọc”.  Anh kể chuyện: Từng hỏi một nhà thơ cảm tưởng về một tập thơ: “Tập thơ này được không bác?”. Nhà thơ nọ bình: “Có được gì đâu”. Tuy nhiên, ông cũng không ngại khai: “Nhưng nó cũng cho mình cái phong bì hơi dày”.

Nhà thơ Trần Nhương công nhận: Hiện tượng nịnh nhau, “bốc thơm” nhau hiện nay “hơi phổ biến” trong thi ca Việt. “Đấy là một thứ lươn lẹo, cả nể, không ai dám nói thẳng”. Chúng tôi đặt câu hỏi tương tự như với Đặng Huy Giang: Liệu làm chuyện “bốc thơm” có mang lại ích lợi tài chính không? Ông cười lớn: “Cũng có đấy, có quyền lợi họ mới dễ hạ mình. Có những người vì bạn bè, thân quyến nhưng hầu như có tí quà, có tí lì xì, có chai rượu”. Trần Nhương không tán thành việc dễ dãi khen thơ như hiện nay: “Năm 2012 có hội thảo thơ Thiền, nhiều nhà thơ nổi tiếng khen rùm beng, có quan văn còn khen những dòng thơ Thiền ấy trầm mặc, run rẩy. Những lời khen không xứng đáng với cái có để khen. Đó là trò đạo đức giả, trám vào thơ dở những cái tem vớ vẩn”.

Nhà thơ họ Đặng phản ánh: Trong đời sống thi ca hiện nay, đã xuất hiện những đội “chém gió ra tiền”. “Đội chém gió ra tiền” hoạt động tích cực ở những cuộc ra mắt sách. “Có người chém cẩn thận, có người chém vừa, có người chém thật lực. Đội chém gió rất đông, có những ông chém gió chuyên nghiệp, cuộc nào cũng có mặt”.  Nhà thơ kể: “Một lần, tôi được mời tới dự một cuộc ra mắt thơ. Đến nơi hãi quá. Có ông không đọc gì cũng chém, một nhà phê bình nói: Thơ thế này mới gọi là thơ, đàn bà phải yêu dữ dội thế, đàn ông chúng ta hèn. Tôi quay ra hỏi người được tâng bốc, ấy là một cô giáo, cô khai: Hết khoảng 60-70 triệu đồng để tập thơ ra đời, bao gồm khâu xuất bản, ra mắt... Tôi hỏi tiếp: Cô có thường xuyên đọc thơ người khác không, ý nói những nhà thơ nổi tiếng thế giới? Cô đáp: Chẳng đọc ai cả. Thế mà người ta cứ đua nhau khen cô. Chết ở chỗ cô này cứ tưởng mình hay thật”. Theo Đặng Huy Giang, hiện nay có nhiều người không đọc thơ, không hiểu thơ là gì vẫn làm thơ, “những người ấy làm thơ sao được, đích đến của họ là vào Hội Nhà văn, vào Hội xong không biết viết gì”.

Dở thì có gì để nói?

Người trong làng văn bình: Một trong những nhà thơ kiệm chê chính là đương kim Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Ninh Hồ. Chúng tôi trao đổi với Trần Ninh Hồ, ông chia sẻ: “Chê thì vô cùng. Cụ Hoài Thanh quan niệm: Đã dở thì có gì mà viết nữa. Tự bạn đọc và thời gian sẽ loại trừ. Còn khi bình nên hướng vào cái hay để tất cả mọi người cùng thưởng thức. “Người ta đã viết rất nhiều về lí luận văn chương nghệ thuật nhưng chưa ai dám đảo trật tự Chân- Thiện –Mỹ, từ Aristotle đến Platon”, Chủ tịch Hội đồng thơ dẫn giải.

Nhưng có những nhà thơ không đồng tình với quan điểm của Trần Ninh Hồ. Trần Nhương nói: Lý do anh ít khi đăng đàn vì anh không có khả năng khen “toàn tập”. Phải có khen, có chê. Nhà thơ Phạm Đức chỉ ra cách khen thơ được nhiều bậc có tiếng trong nghề sử dụng hiện nay: Khen chung chung. “Thí dụ thơ rất dung dị, gần gũi với dân gian, nhiều rung cảm... Cách khen ấy chẳng ích lợi gì song cũng đỡ gây hại”. Tuy nhiên, ngoài kiểu khen “vô thưởng vô phạt”, ông còn thấy kiểu khen nguy hại cho người được khen lẫn môi trường thi ca: Khen những thứ không đáng khen, “thậm chí trong những hội nghị lớn, không ít nhà văn, nhà thơ có tiếng vẫn gật gù với kiểu khen gây tác dụng tiêu cực ấy”.

Có người nói: Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý hay xuất hiện ở những cuộc ra mắt thơ. Nhưng anh phủ nhận: “Người ta cũng mời vừa phải thôi, không phải “tuần chay nào cũng có nước mắt”. Anh cho biết, bản thân cũng rất cẩn thận khi nhận lời tham dự: “Tôi phải nghĩ xem đó có phải là tác giả thơ đúng nghĩa hay không mới đến. Đến chỉ để vui vẻ, nói mấy lời đãi bôi tôi không thích”.  Cho nên, có những trường hợp anh từ chối, dù sự kiện linh đình. Nhà thơ không phản đối các cuộc ra mắt giới thiệu tác phẩm mới song theo anh thành phần mời nên có chọn lọc, “những người phát biểu phải có chút “số má”, trách nhiệm của người phát biểu phải trung thực”. Nhà thơ quân đội chia sẻ: “Khen quá thì bản thân người viết lời khen không yên lòng. Người được khen nếu tự trọng sẽ xấu hổ”.

Chúng tôi hỏi Nguyễn Hữu Quý: Anh có được “nhuận mồm” không? Nhà thơ đáp: Hầu như không có. Vì “tôi vô tư, không đặt thành vấn đề”. “Nhưng cũng có những người có gì đó mới chịu khen, đúng hay không?”, chúng tôi hỏi tiếp. Nhà thơ nhìn nhận: “Có thể có những người phải đặt giá mới viết, mới nói: Tôi đến nói cho anh, anh được tiếng, anh phải trả cho tôi gì đó. Nhưng tôi không có chứng minh cụ thể. Vì người ta nói quá những điều tác giả ấy có, tập thơ ấy có thì cũng phải thế nào chứ?”

NÔNG HỒNG DIỆU


Nhận xét

Bài đăng phổ biến