TẠI SAO TIỀN KHÔNG CHỈ LÀ TIỀN?


TẠI SAO 
TIỀN KHÔNG CHỈ LÀ TIỀN?

Bây giờ thì bạn hãy thử ngừng lại và trả lời câu hỏi ấy xem, tờ 50.000 đồng kia có hình ảnh cụ thể nào? Với bạn, câu hỏi này có quá khó không? Với rất, rất nhiều người, tôi tin câu trả lời là: quá khó! Và nghịch lý thế đấy, chúng ta không thể trả lời chính xác về một thứ đang nằm gọn lỏn trong ví ta, một thứ mà nhờ nó ta có thể mua được một bó hồng tuyệt đẹp tặng người yêu hay một bát phở nóng hổi để tặng cái dạ dày đang kêu gào vì đói khát. Chúng ta luôn chỉ coi cái thứ ấy là một vật đổi ngang giá đơn thuần. Chúng ta chỉ luôn coi tiền là tiền và chấm hết.

Ô, vậy tiền không là tiền thì còn là cái quái gì khác nữa? Xin được đưa câu trả lời cho câu hỏi ở đầu bài viết này, trên tờ 50.000 đồng Việt Nam đang lưu hành hiện nay có in hình Phu Văn Lâu. Rất có thể, bạn sẽ hỏi tiếp: Phu Văn Lâu là cái gì? Xin thưa: Phu Văn Lâu là một công trình kiến trúc đặc sắc trong quần thể kiến trúc của cố đố Huế nói chung. Phu Văn Lâu được xây dựng ngay từ đầu thời nhà Nguyễn, dùng để niêm yết những chỉ dụ lớn của nhà vua, hoặc kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức. Vì tính chất thiêng liêng ấy nên sau này nhà Nguyễn còn cho dựng ở đây tấm bia: "Khuynh cái hạ mã", để nhắc nhở mọi người khi đi qua phải nghiêng nón, xuống ngựa, tỏ lòng kính cẩn. Nhờ một hình ảnh trên một tờ tiền, cá nhân tôi dần nhận ra một vùng kiến thức mà trước đó thực lòng mình chưa thấu tỏ.

Cứ như một cơ duyên, không lâu sau đó, tại Cafe Thứ Bảy của nhạc sĩ Dương Thụ, tôi vô gặp tiến sĩ Hồ Trọng Minh, người tham gia vẽ phong cảnh mặt sau của tờ 50.000 đồng, và được nghe anh Minh kể lại một quá trình công phu thiết kế một tờ tiền. Chẳng hạn, để có những hình ảnh cuối cùng trên những tờ tiền mà chúng ta đang sử dụng, những người như anh Minh đã phải lặn lội đi thực tế, chụp cả chục tấm ảnh khác nhau, rồi sau đó tư duy, nghiền ngẫm, làm ra hàng hàng chục những bản thiết kế mẫu trước khi chốt lại một phương án sau cùng. Mỗi mẫu tiền như thế thường được thiết kế trong khoảng 3 tháng. Anh Minh cũng chính là người thiết kế mặt sau của tờ tiền có mệnh giá lớn nhất hiện nay, tờ 500.000 đồng. Anh bảo: "Đấy là thời điểm năm 2003, khi được giao nhiệm vụ, tôi đã suy nghĩ rất kỹ về chủ đề và hình tượng. Và bây giờ nếu nhìn kỹ những hình ảnh trên tờ 500.000 đồng, mọi người sẽ thấy ở trung tâm là hình ảnh ngôi nhà ở quê nội chủ tịch Hồ Chí Minh, một hình ảnh tượng trưng cho gia đình quê hương Việt Nam. Phía sau đó là hình ảnh luỹ tre mạnh mẽ, dạt dào tượng trưng cho người cha và một hàng cau mảnh mai, tượng trưng cho người mẹ gầy gò, tần tảo...".

Nghe anh Minh nói say sưa về những tờ tiền do anh thiết kế, tôi chợt hiểu: À, hoá ra tiền không chỉ là tiền. Tiền còn là một một tác phẩm mỹ thuật có tác giả cụ thể, có thông điệp cụ thể và có cả những số phận cụ thể của riêng nó. "Tôi là người làm ra tiền, nên tôi yêu tiền lắm" - anh Minh nói thế. Thật ra thì nào riêng gì anh, tất cả chúng ta về cơ bản đều yêu tiền, nhưng chúng ta yêu tiền vì đấy là tiền, còn những người như anh Minh yêu tiền vì đấy còn là những tác phẩm mà họ đã đổ mồ hôi, tâm huyết tạo nên.

Một ca sĩ nổi tiếng người Anh từng phát biểu: "Chúng ta nghèo đến mức, chẳng có bất cứ một cái gì khác ngoài tiền". Cá nhân tôi đã từng đồng cảm ghê gớm với phát biểu này. Nhưng đến lúc này thì tôi lại nghĩ, nếu mỗi lần mở ví tiêu tiền, bên cạnh việc coi tiền như một vật đổi ngang giá (tất nhiên rồi), chúng ta ít nhiều chú ý đến những giá trị thẩm mĩ và văn hoá mà những hình ảnh trên tờ tiền mang lại thì ngay cả khi chỉ còn lại mỗi tiền, chắc chắn chúng ta cũng chưa phải là người nghèo nhất.

Lịch sử tiền tệ thế giới từng chứng kiến nhiều loại tiền khác nhau. Theo nhiều nhà nghiên cứu tiền tệ thì ở châu Phi, Nam Á và Đông Á, người ta đã dùng vỏ sò làm tiền trong một khoảng thời gian kéo dài tới gần 4000 năm. Người Sumer thậm chí sử dụng luôn lúa mạch làm tiền vào khoảng 3000 năm trước Công Nguyên. Sau đó, phổ thông hơn là tiền đồng, tiền xu và đến năm 1380 ở Trung Quốc, dưới thời nhà Minh, lần đầu tiên tiền giấy ra đời. Theo bạn, đứng ở góc độ nghệ thuật mà suy xét thì trong tất cả những loại hình tiền tệ này, loại hình nào đẹp nhất?

Tiền vỏ sò chăng? Đây chắc chắn là một thứ tiền rất gần gũi với thiên nhiên, và thiên nhiên bao giờ cũng gợi trong lòng con người nhiều cảm xúc. Nhưng vò sò về cơ bản khá giống nhau, và nếu cứ phải tiêu thụ những thứ giống nhau hết ngày này qua ngày khác thì nguồn cảm hứng kia sẽ bị nguội dần đều.

Tiền lúa mì chăng? Nói đến lúa mì, người ta hẳn sẽ nghĩ ngay đến cái dạ dày. Một thứ tiền liên quan mật thiết đến dạ dày, một thứ tiền có thể ăn được theo đúng nghĩa đen, thứ tiền ấy có lẽ gợi nhiều cảm hứng phồn thực hơn là cảm hứng thẩm mĩ.

Còn tiền đồng? Tiền xu? Đấy là thứ tiền mà con người có thể khắc hoạ lên nó những ký hiệu của mình, và vì thế chắc chắn nó sẽ có nhiều khuôn mặt hấp dẫn hơn hẳn so với tiền vỏ sò hay tiền lúa mì. Nhưng đấy là hấp dẫn hơn so với những người anh trước nó, còn so với người em của nó - tiền giấy thì chắc chắn lại khiêm tốn hơn rất nhiều. Chỉ với chất liệu giấy, chỉ với những đồng tiền bằng giấy người ta mới có thể dễ dàng viết, dễ dàng vẽ, dễ dàng gửi gắm những thông điệp sâu xa của mình.

Trên thế giới hiện nay có một hiệp hội hoạt động khá mạnh và có nhiều tiếng vang, gọi là Hiệp hội những người sưu tầm tiền giấy quốc tế (IBNS), và trong năm 2018, Hiệp hội này đã tổ chức một cuộc bình bầu rất thú vị với chủ đề: Tờ tiền nào đẹp nhất thế giới? Bạn có tò mò muốn biết câu trả lời ngay không? Câu trả lời là: tờ tiền 10 franc Thuỵ Sĩ. Bạn lại tò mò tiếp: tờ tiền này có cái gì mà đẹp? Thì đây, Mặt sau của nó là các khớp răng đồng hồ và một đường hầm mô tả hệ thống đường sắt . Mặt trước của nó là đôi bàn tay một nữ chỉ huy dàn nhạc, phía dưới bàn tay là một quả địa cầu thể hiện những múi giờ khác nhau trên trái đất. Như thế có nghĩa nhìn mặt sau, bạn sẽ nghĩ ngay đến một đất nước Thuỵ Sĩ vốn nổi tiếng với những chiếc đồng hồ cùng một hệ thống đo thời gian chính xác đến từng giây. Còn nhìn mặt trước, bạn có thể nghĩ đến một nỗi ảm ảnh lớn, mang tính bản thể luận của loài người: nỗi ám ảnh thời gian! Chưa bàn tới những yếu tố thuộc về bố cục, đường nét hay màu sắc, chỉ mới nhìn vào ý nghĩa thông điệp mà nó có thể tạo ra, chúng ta rất dễ đồng ý rằng: những tờ tiền kiểu này có thể nói được những chuyện lớn hơn hẳn những chuyện tiền nong thuần tuý.

Chúng ta vừa nói đến những giá trị ngoài tiền mà những đồng tiền giấy mang lại, nhưng không vì thế mà chúng ta lờ đi một sự thật: Chỉ có khoảng 25% người Thuỵ Điển hiện nay còn chạm tay vào tiền giấy mỗi tuần. Vậy 85% còn lại dùng tiền gì vậy? 85% còn lại đã chuyển sang thực hiện các loại giao dịch online bằng thẻ tín dụng hoặc ứng dụng (app). Thậm chí ở Thuỵ Điển bây giờ, nhiều nhà thờ đã thay hòm công đức bằng một dầu đọc mã QR để người ta có thể nhanh chóng gí smartphone của mình vào đấy mà quyên góp. Một thống kê rộng hơn vào năm 2006 nói rằng tổng lượng tiền trên thế giới vào khoảng 470 nghìn tỷ USD thì trong đó tổng lượng tiền kim loại và tiền giấy chỉ chưa đến 47 nghìn tỷ đô. Điều đó có nghĩa hơn 400 nghìn tỷ đô còn lại trong các tài khoản - vốn chỉ tồn tại trên những chiếc máy vi tính mà thôi. Bây giờ, khi mua một ngôi nhà chẳng hạn, thay vì chuyển một lượng tiền giấy từ chiếc két A sang két B, người ta lại chuyển từ tài khoản A sang tài khoản B, từ máy tính A sang máy tính B. Báo chí Thuỵ Điển dự đoán, cứ với xu thế này đến năm 2025, Thuỵ Điển sẽ là nước đầu tiên trên thế giới triệt tiêu tiền giấy.

Đấy là xu thế - cái khách quan, tất yếu nằm ngoài ý muốn của con người. Vậy ý muốn chủ quan của con người thì sao? Vẫn báo chí Thuỵ Điển cho biết: cứ hỏi 10 người thì có tới 7 người khẳng định vẫn muốn dùng tiền mặt. Vì tiền giấy vẫn giúp người ta quản lý các khoản chi tiêu một cách chặt chẽ từng tháng, từng ngày, từng phút. Và vì tiền giấy vẫn giúp cho những người kém công nghệ hoặc những người tuyên chiến với công nghệ sẽ không phải sử dụng những thiết bị vốn không thuộc về mình. Tôi lại muốn bổ sung thêm một lý do thứ 3 nữa: vì tiền mặt còn là một tác phẩm có khả năng tạo ra những kiểu rung cảm mà những loại tiền thô sơ trước nó hoặc những loại tiền online sau nó, không thể nào tạo ra!

Viết xong bài viết này tôi tự nhủ, từ bây giờ, mỗi khi rút ví tiêu tiền, mình cũng phải cẩn thận!

PHAM MỸ CHÍ


Nhận xét

Bài đăng phổ biến