KIM TRỌNG “LẪM LIỆT” HAY LÀ KIỀU “LẤM LÉT’


KIM TRỌNG “LẪM LIỆT”
HAY LÀ KIỀU “LẤM LÉT’

Trong một bản Kiều, chữ thứ 3 và chữ thứ 4 của câu 409 là [澟烈] mà có tác giả đã đọc thành: 

Nàng rằng: “Lẫm liệt dung quang (...)

Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên giảng lẫm liệt là: “có dáng hiên ngang, vẻ oai nghiêm đáng kính phục”. Cái dáng hiên ngang và cái vẻ oai nghiêm này rõ ràng là không thích hợp tí ti nào với phong thái của Kim Trọng mà ta có thể thấy ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên giữa chàng với Thúy Kiều:

Trông chừng thấy một văn nhân
Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng
Đề huề lưng túi gió trăng
Sau lưng theo một vài thằng con con
Hài văn lần bước dặm xanh
Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.

đâu có phải là:
Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao
Đường đường một đấng anh hào
Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài.

mà đòi “lẫm” với chả “liệt”.

Vậy thì hai chữ [澟烈] ở đây phải đọc như thế nào? Thưa rằng đó là hai chữ lấm lét. Ở đây, chữ nghĩa và ý tứ trùng khít với nhau một cách chặt chẽ và đẹp đẽ không sai chạy đi đâu được. Lấm lét là gì? Cũng quyển từ điển trên đã cho nghĩa của hai tiếng này là: “không dám nhìn thẳng mà cứ liếc trộm để dò xét”.
Với chữ này và nghĩa này thì hai câu:

Nàng rằng:“Lấm lét dung quang
Chẳng sân ngọc bội thì phường kim môn”

phải được hiểu là: “Thúy Kiều nói với Kim Trọng: “Thiếp lén nhìn dung quang của chàng thì thấy rằng nếu chẳng thuộc sân bội ngọc thì chàng cũng thuộc phường kim môn”.

Chính vì chữ nghĩa và ý tứ như trên nên câu 409 mới có một dị bản mà hầu như mọi người yêu Truyện Kiều thời nay đều thuộc là:

Nàng rằng: “Trộm liếc dung quang (...).

Trộm liếc đồng nghĩa với lấm lét và đây là hai dị bản về từ ngữ chứ không phải về ý nghĩa còn “lẫm liệt” thì lại không phải là một dị bản về mặt ý nghĩa vì đây thực ra chỉ là một cách đọc sai. Ở đây, Thúy Kiều đã dùng hai chữ [澟烈] để nói về mình còn tác giả kia thì giảng rằng đây là Kim Trọng “dáng vẻ người có khí chất hiên ngang, oai nghiêm đáng kính phục”. Vậy ta hãy xem Kim Trọng “hiên ngang, oai nghiêm đáng kính phục” như thế nào khi được biết Thúy Kiều đã bán mình để chuộc cha:

Vật mình vẫy gió tuôn mưa
Dầm dề giọt ngọc, thẫn thờ hồn mai
Đau đòi đoạn, ngất đòi thôi
Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê.

Tu mi nam tử mà “vẫy gió tuôn mưa” và “tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê”... như thế thì lẫm là lẫm như thế nào và liệt là liệt ra làm sao? Đã thế mà sau đó lại còn:

Ruột tằm ngày một héo don
Tuyết sương ngày một hao mòn mình ve
Thẫn thờ lúc tỉnh lúc mê
Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao

thì còn thua cả yểu điệu thục nữ nữa chứ làm sao mà “lẫm liệt” cho được? Hoàn toàn khác với Từ Hải chết đứng. Còn nếu có ai chê hai tiếng lấm lét của Nguyễn Du là quê mùa thì xin nhắc những người đó rằng đây là tiếng Việt cuối thế kỷ 18 đầu 19 chứ đâu có phải tiếng Việt đầu thế kỷ 21. Ở thời của Nguyễn Du thì đây là chữ xịn, nghĩa xịn đấy!

AN CHI

Nhận xét

Bài đăng phổ biến