18- MẠC ĐẠI TIÊN SINH


18
MẠC ĐẠI TIÊN SINH
Cánh độc hạc u hoài

Cục diện đương trường đang hồi căng thẳng tột độ, khi đại cao thủ của phái Tung Sơn là Đại tung dương thủ Phí Bân chuẩn bị mở sát giới, thì bất ngờ tiếng hồ cầm vang lên, và một bóng người gầy gò xuất hiện dưới tàng cây. Tiếng hồ cầm đột nhiên dứt bặt, lưỡi kiếm mảnh đã tung ra như con bạch xà lấp loáng dưới ánh trăng thượng huyền. 

Và Phí Bân ngã gục dưới các kiếm chiêu thần tốc. Kiếm quang vụt tắt, tiếng hồ cầm ai oán lại trổi lên, ảo não và mơ hồ theo từng bước chân xa dần của Tiêu Tương dạ vũ Mạc Đại tiên sinh. Một thảm họa được vãn hồi. Tấn kịch xảy ra chớp nhoáng và lặng lẽ trong đêm vắng. Vị kiếm khách bất ngờ đến rồi bất ngờ đi. Âm thầm và cô đơn. Như chính tâm sự u hoài của vị chưởng môn kì lạ ấy.

Trong suốt tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung chỉ phác họa một vài nét chấm phá đan thanh về Mạc Đại tiên sinh nhưng đã để lại ấn tượng lạ thường về vị chưởng môn phái Hành Sơn, làm người đọc bồi hồi khôn xiết. Ngày sư đệ ông là Lưu Chính Phong rửa tay gác kiếm, một sự kiện lớn làm xôn xao cả giang hồ, người ta chờ mong ông về nhưng ông vẫn biệt tích. Trong cảnh náo nhiệt của thành Hành Sơn ngày đó, nhiều người đang háo hức muốn hội kiến ông, thì có ai ngờ nỗi ông lão gầy ốm quê mùa, ôm cây hồ cầm ngồi hát trong quán trà, thản nhiên nhận những đồng xu bố thí như một ông lão ăn mày, lại là vị chưởng môn mà người ta đang ngóng đợi! 

Người ta chỉ kịp nhận ra ông lúc ông đã đi khuất, sau khi tung một đường gươm tinh ảo chém đứt bảy miệng chén trà, để cảnh báo các khách giang hồ ba hoa hiếu sự. Như một kẻ "đại ẩn" giữa đời, con người cô độc kia lại lặng lẽ ra đi, nhưng đã để lại sau mình dư hưởng của tám chữ làm kinh động võ lâm "Cầm trung tàng kiếm, kiếm phát cầm thanh" (Trong đàn có giấu kiếm, kiếm phát ra như tiếng đàn).

Khi tấn thảm kịch xảy ra trong Lưu phủ, toàn gia Lưu Chính Phong bị giết sạch, khiến bao tay hảo thủ giang hồ phải chấn động tâm thần, vẫn không thấy ông xuất đầu lộ diện. Rồi bất ngờ, ông lại hiện ra như hồn ma giữa đêm khuya, giết chết Phí Bân để cứu sống năm mạng người: Lệnh Hồ Xung, Khúc Phi Yến, Nghi Lâm, và cả hai đại cao thủ chính tà Lưu Chính Phong và Khúc Dương trưởng lão. 

Rồi ông lại tuyệt tích giang hồ. Cứ phiêu nhiên mà đến rồi phiêu nhiên mà đi. Như một cánh hạc cô đơn, Mạc Đại tiên sinh mãi ruỗi rong giữa cõi phong trần với cây hồ cầm vàng ố và một tâm sự ngậm ngùi khó hiểu. 

Là chưởng môn một môn phái lớn mà cứ làm một người phiêu đãng lênh đênh. Không gia đình, không thân hữu. Sống giữa cõi đời, mà tâm sự cứ như mây bay, hạc lánh. Người ta cho rằng ông và sư đệ là Lưu Chính Phong không hợp tính tình nhau, dù cả hai đều là những nghệ sĩ thượng thừa. Điều đó dẫu có đáng tiếc chăng nữa, thì cũng là chuyện thường tình. Ở trên đời có biết bao nhiêu tâm hồn hoằng đại vẫn ngộ nhận nhau suốt cả bình sinh?

Giữa bao nhiêu sóng gió giang hồ, bỗng nhiên Mạc Đại tiên sinh lại xuất hiện, vẫn dưới lớp một ông lão quê mùa ngồi độc ẩm trong một quán rượu vô danh trên bờ sông Hoàng Hà, để nhắn nhủ Lệnh Hồ Xung nên làm minh chủ và dẫn quần hùng hắc đạo lên Thiếu Lâm tự cứu Nhậm Doanh Doanh. Trong khi một bậc cao nhân thế ngoại là Xung Hư đạo trưởng tìm cách ngăn cản không cho Lệnh Hồ Xung làm việc đó, thì thái độ và hành động của Mạc Đại tiên sinh tỏ ra ông có cái tâm nhân bản hơn rất nhiều. 

Mặc dù Xung Hư đã biết rõ chuyện Doanh Doanh, vì tình yêu nên phải xả thân, hi sinh cứu Lệnh Hồ Xung, để chấp nhận cái giá phải trả là chung thân chịu giam cầm trong thạch thất, nhưng dưới mắt vị chưởng môn phái Võ Đang kia, Nhậm Doanh Doanh cũng vẫn chỉ là một "nữ ma đầu". 

Ông còn khuyên Lệnh Hồ Xung nên quên Nhậm Doanh Doanh đi, để tìm một nơi "danh môn chính phái", cho xứng đáng với tài năng và phẩm hạnh. Làm như "danh môn chính phái" là cái gì đó ghê gớm lắm trên cõi đời này! Vị đệ nhất kiếm thủ đương thời đó, kiếm pháp đã cực cao ắt phải có được cái tâm cực tĩnh và đạo hạnh cực thâm, thế sao ông vẫn còn nặng định kiến về chính tà đến vậy! 

Sự hi sinh của Doanh Doanh vì tình yêu đâu phải là điều dễ tìm thấy trên cõi đời này? Từ thân phận một "Thánh Cô" cực kì cao ngạo, thanh uy trùm cả võ lâm với hàng trăm ngàn người cầu cạnh, thế mà cô lại chấp nhận hi sinh vì Lệnh Hồ Xung. Điều đáng cảm động nhất là sự hi sinh đó lại diễn ra ngay tại thời điểm mà gã tửu đồ lãng tử kia đã thân bại danh liệt, như một thây ma vất vưỡng giữa cõi giang hồ.

"Sĩ vị tri kỉ giả tử", kẻ sĩ chịu đem cái chết để đáp đền tấm lòng tri kỉ, là chuyện rất nhân bản ở đời thường. Kinh Kha vì Thái tử Đan mà vượt sông Dịch sang Tần. Dự Nhượng vì cảm tấm lòng đãi ngộ "quốc sĩ" mà chịu hủy họai thân thể để báo thù cho Trí Bá. Khổng Minh nguyện "óc gan lầy đất" để đáp đền ơn tri ngộ của Lưu Tiên chúa. Bá Nha ngậm ngùi đập vỡ cây đàn trên nấm mộ Tử Kì. Giữa kẻ sĩ và tri kỉ còn vậy, huống hồ đây lại là một tri kỉ hồng nhan? 

Antony đã vì Cléopâtre mà chấp nhận hi sinh cả cơ đồ, để về chết dưới một nụ môi hôn. Từ Hải đã vì Thúy Kiều mà hân hoan làm "người tử sinh", để sự nghiệp năm năm hùng cứ bị vùi chôn nơi thiển thổ. Cho nên Kim Dung có để Lệnh Hồ Xung khước từ tất cả, sẵn sàng chấp nhận cả cái chết, để quyết tâm cứu cho được Doanh Doanh, thì đó cũng chỉ là một cách tiếp theo cung bậc đa tình của bao thiên tài kim cổ. 

Chốn suối vàng, Shakespeare ắt hẳn sẽ cùng Nguyễn Du nắm tay nhau mà nhắc chuyện Kim Dung!


Người xưa cho rằng chỉ có bậc thánh nhân mới quên được tình, và chỉ có người ngu mới không biết đến tình. Thánh nhân thì vong tình, ngu phu thì vô tình. Bọn chúng ta, với trái tim huyết nhục, ắt hẵn không thể đạt nỗi đến cảnh giới vong tình, nhưng cũng không thể là những kẻ ngu xuẫn vô tình. Nên suốt đời cứ cưu mang mãi một chữ tình để đắm chìm giữa cõi trăm năm. 

Câu nói của Trương Trào, một thi sĩ Trung Quốc, cách đây ba thế kỉ mà nghe ra vẫn còn vô cùng thắm thiết "Một chữ tình để duy trì thế giới, một chữ tài để tô điểm càn khôn". Ôi! cái tình là cái lụy, nhưng thử hỏi không có cái lụy ấy thì cõi đời sẽ buồn tẻ và đơn điệu biết bao nhiêu? Vị đạo trưởng khả kính được tôn xưng là Thái Sơn Bắc Đẩu của võ lâm đó, có lẽ do chỉ sống mãi với cõi đạo thanh tĩnh vô vi, nên không cảm thông được sự nhiệm màu của chữ "Tình". Hai chữ "vong tình" và "vô tình" sao mà gần nhau đến thế!

Khác hẳn Xung Hư đạo trưởng, Mạc Đại tiên sinh lại nhìn Doanh Doanh bằng đôi mắt đầy tính nhân văn của một kẻ hữu tình. Trong khi tất cả các nhân vật thuộc phe "chính giáo" xem chuyện giam cầm Doanh Doanh là một việc bình thường, thậm chí là đúng đạo lý và thích đáng với các việc làm của cô, thì chỉ có mỗi một Mạc Đại tiên sinh quan tâm và thôi thúc Lệnh Hồ Xung lên đường giải cứu Doanh Doanh. 

Khi Lệnh Hồ Xung thỉnh cầu ông đảm nhận trọng trách, thay thế gã bảo vệ cho các ni cô phái Hằng Sơn, để gã an tâm lên đường, thì Mạc Đại tiên sinh chỉ đáp ứng bằng sự yên lặng và những tiếng hồ cầm ai oán. 

Từ trạng thái hân hoan khi cùng Lệnh Hồ Xung đối ẩm, xem gã tiểu điệt kia như một người bạn vong niên, bỗng nhiên ông lại rơi vào trạng thái cô đơn cố hữu. Dường như trong đời, vị kiếm khách cô độc đó chỉ một lần hân hoan khi thấy Lệnh Hồ Xung, sau khi nghe ông kể rõ câu chuyện về Nhậm Doanh Doanh, đã nôn nóng lên đường đến Thiếu Lâm tự. Điều đó khiến người đọc cảm động xiết bao. 

Dưới đôi mắt lạnh lùng cô độc của Mạc Đại tiên sinh, chân dung cô "nữ ma đầu" Nhậm Doanh Doanh đã hiện ra như một nữ thánh chịu khổ nạn đóng đinh trên cây thập giá của Tình yêu! Làm người, phải có cái tâm lớn mới cảm hết được cái tình sâu. Trong tất cả các bậc tôn trưởng phe chính giáo, có lẽ chỉ Mạc Đại tiên sinh mới có được cái tâm lớn để thấu hiểu được cái tình sâu của Nhậm Doanh Doanh.

Kim Dung đã sáng tạo nên một nhân vật kì lạ, cô độc khắc khổ là Mạc Đại tiên sinh. Và Kim Dung cũng không cho độc giả hiểu vì lý do nào mà ông mang tâm sự bi thương ấy. Thế nhưng chỉ qua một đoạn ngắn hội kiến cùng Lệnh Hồ Xung trên quán rượu ven sông, tấm lòng quan hoài của ông đối với một "nữ ma đầu" phe đối địch, lại không có liên hệ gì đến ông, đã khiến chúng ta cảm mến ông bao xiết! 

Dưới lớp vỏ cô độc khắc khổ đó lại là trái tim nặng trĩu tình người của một kiếm khách tài hoa. Có lẽ trong đời, ông đã có một tâm sự u sầu tột bậc. Vì tình yêu? Vì thân phận? Vì những mộng hoài dang dở buổi thanh xuân? Ta không rõ nhưng vẫn có thể cảm thông. Vì ở trong đời, có biết bao nhiêu kẻ mang tâm sự u oán hận sầu mà không biết tỏ cùng ai, và cũng không thể tỏ cùng ai. 

Khách giang hồ như Mạc Đại tiên sinh thì làm gì có một Thượng Đế để cầu nguyện, nên suốt đời phải gởi tâm sự vào chén rượu và cung bậc hồ cầm ảo não thê lương. Cho dẫu khi, do gian mưu của Nhạc Bất Quần, ông cùng quần hào ngã gục giữa đám loạn kiếm trong thạch động sau núi Hoa Sơn, thì có lẽ tâm sự u hoài của Mạc Đại tiên sinh vẫn sẽ còn mãi mãi bay theo cánh hạc cô đơn giữa cõi giang hồ, cùng tiếng hồ cầm trong cung đàn Tiêu Tương dạ vũ.

Các tác giả có đỉnh cao của trí tuệ và chiều sâu của tâm hồn, thường dành ra những "khoảng không vắng lặng" lửng lơ trong tác phẩm mình, không lý giải, mà cứ để độc giả tự suy tư. Đó là Nguyễn Du với bi tâm của Từ Hải, là Kim Dung với tâm sự của Mạc Đại tiên sinh. Chính các "khoảng không vắng lặng" đó lại nói cho chúng ta rất nhiều về tâm tình của nhân gian và ý nghĩa đời!

HUỲNH NGỌC CHIẾN


Nhận xét

Bài đăng phổ biến