Trong tiếng Việt có nhiều từ gốc Hán.
Xin phép giới thiệu ý nghĩa và nguồn gốc của vài từ liên quan đến người dạy học
như "sư", sư phó" và "sư phụ". Trước hết, xin bàn về chữ sư (師). Xét về từ nguyên, ở Trung Quốc, sư (師) là ký tự xuất hiện trong Giáp cốt văn
thời nhà Thương, ban đầu là từ dùng trong quân đội: "sư đoàn" thời đại
Thương-Chu; cứ 2.500 người gọi là một sư (Chu Lễ. Địa quan. Tiểu tư đồ) hoặc đề
cập các thành phố lớn (kinh sư - Thi kinh. Đại Nhã. Công Lưu); người đứng đầu,
lãnh đạo (Chu Lễ. Thiên Quan. Tự Quan); người dạy đạo cho mọi người (Ngọc
Thiên); về sau là tên một quan chức có trách nhiệm giáo dục người dân rồi mở rộng
chỉ người dạy học (Thượng thư đại truyện, tập 4); người có kỹ năng hoặc kiến thức
chuyên môn (Mạnh Tử. Cáo Tử thượng), đồng thời là hình mẫu, tấm gương cho người
khác noi theo (Luận Ngữ. Khổng Tử); bậc thầy văn chương (Lễ Ký. Văn vương thế tử);
tiếng tôn xưng nhà tu hành; tín đồ Phật giáo tôn xưng Phật Thích-ca Mâu-ni; tiếng
kính xưng của tăng đồ đối với thầy dạy mình (Thủy hử truyện). Sư còn được dùng
như một kính ngữ. Xét về động từ, sư có nghĩa là bắt chước, học hỏi... Sư phó (師傅), một từ xuất hiện vào thời Chiến Quốc, nghĩa gốc dùng để
chỉ lão sư (老師: thầy dạy học)
trong Cốc lương truyện thời Chiêu Công năm thứ 19. Sau thời Tần và Hán, sư phó
còn có nghĩa là thầy dạy học, kể cả thầy của các hoàng đế (Sử Ký). Từ thời Tây Hán đến thời nhà Minh và
Thanh, sư phó là cách gọi vua chúa phổ biến nhất, song vào đầu thời Nam Tống,
sư phó còn dùng để chỉ người dạy học bình thường; sau thời kỳ giữa và cuối nhà
Thanh thì sư phó còn có nghĩa là người dạy kỹ năng về công nghiệp, thương mại,
kịch nghệ và các ngành khác. Sư phụ (師父 ) là từ ra đời trễ hơn, tuy xuất hiện hàng trăm lần trong
Tứ khố toàn thư (thời Càn Long, nhà Thanh), song chúng ám chỉ điều gì đó khác với
cách hiểu sư phụ là thầy dạy học vào thời nhà Đường (Lương thư). Trong Văn uyển
anh hoa, sư phụ có nghĩa giống sư phó, là thầy dạy học nói chung và thầy của
hoàng đế. Sau thời nhà Đường, từ sư phụ bắt đầu
dùng để chỉ những người có kỹ năng đặc biệt (Trung Triều cố sự của Úy Trì và
Lương khê mạn chí của Phí Cổn). Thời nhà Nguyên và Minh, sư phụ là kính ngữ
dùng để tôn xưng các nhà sư và đạo sĩ (Nguyên sử. Hình pháp chí). Sư phụ còn là kính ngữ mà người học dùng
để gọi thầy mình. Đối với người con, khái niệm sư phụ thể hiện qua câu "Phụ
sinh chi, sư giáo chi" (Cha sinh, thầy dạy). Về cơ bản thì sư phụ và sư
phó giống nhau, nhưng từ sư phụ mang tính cảm xúc hơn, nên người xưa có câu:
"Nhất nhật vi sư, chung sinh vi phụ" (Một lần là thầy, mãi mãi là
cha). Ở Việt Nam, ngày nay có những từ khác
thay cho từ "sư, sư phó, sư phụ". Song việc hiểu rõ ý nghĩa và nguồn
gốc của những từ này (và những từ Hán Việt khác) sẽ giúp cho việc đọc và cảm thụ
văn bản, tuồng cổ và phim cổ trang tốt hơn. Ví dụ, biết vì sao gọi Chu Văn An
là sư phó (vì ông đã từng dạy thái tử Trần Vượng, tức vua Trần Hiến Tông về
sau).
Nhận xét
Đăng nhận xét