Giai thoại PHÙNG KHẮC KHOAN

Giai thoại
PHÙNG KHẮC KHOAN

 Phùng Khắc Khoan 馮克寬 tên chữ là Hoằng Phu, hiệu là Nghị Trai 毅齋, sinh năm 1528, mất năm 1613, quê ở làng Phùng Xá, tục gọi làng Bùng, huyện Thạch Thất (nay thuộc Hà Nội). Ông đỗ Hoàng giáp năm Quang Hưng 3 (1580) đời Lê Thế Tông, nhưng nhân dân vẫn quen gọi ông là Trạng Bùng theo lối tôn xưng của dân gian.
 Tuy Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hơn ông đến 38 tuổi, nhưng tương truyền, hai ông là anh em cùng mẹ khác cha. 

 Thuở nhỏ, ông được cha rèn cặp, sau theo học Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tuy nổi tiếng là người có văn tài, kiêm thông cả thuật số, nhưng ông không đi thi và không chịu ra làm quan với triều Mạc. 

 Đầu đời vua Lê Trung Tông (ở ngôi: 1548-1556), ông theo Lê Bá Lỵ tham gia công cuộc phù Lê diệt 

 Trạng Bùng là người thông minh, có tài ứng đối nhanh nhạy, sắc bén, đã để lại khá nhiều giai thoại thú vị, nhất là trong khi đi sứ nhà Minh.
1/
Làm thơ nhanh trong một vụ kiện 

   Bấy giờ ông vào khoảng năm hai mươi tuổi, nhà Mạc tuy đã nắm quyền bính trong tay, nhưng Trạng thì vẫn một lòng thần phục nhà Lê. Nghe tin con cháu nhà Lê trốn sang Lào, Trạng đã lặn lội theo tìm tới tận vùng Sầm Nưa. Dọc đường hết lương, Trạng phải đóng một thầy tướng số và địa lý để kiếm ăn. 

  Một lần đến vùng nọ, ông mở lớp định gọi trẻ đến học, nhưng trong làng đã có một ông đồ dạy ở đây từ lâu. Nhiều bận, ông lắng nghe ông đồ láng giềng giảng sách thì thấy ông ta giảng nghĩa lung tung, sai sót rất nhiều. Thế mà người ta cứ cho con đến học rất đông, mới là lạ. 

 Phùng Khắc Khoan bèn mua mật về nấu thành kẹo hình con chim con thú, hễ đứa nào đến học, ông đều thưởng kẹo. Ông lại dán ở chỗ học một bài thơ châm biếm :

Đô đô bình trượng ngã
Đệ tử mãn đường hạ
Úc úc hồ văn tai
Đệ tử bất kiến lai.


Nghĩa là:
Đô đô bình trượng ngã
Học trò đến chật nhà
Úc úc hồ văn tai
Học trò chẳng thấy ai.


 Mấy câu thơ chế giễu rất sâu cay. Chữ Hán có một số chữ mặt chữ nhìn qua tương tự giống nhau, người học không đến nơi đến chốn thường đọc lầm. Bởi thế tục ngữ mới có câu “Chữ tác đánh chữ tộ, chữ ngộ đánh chữ quá". Sách Luận ngữ có câu: 郁郁乎文哉 Úc úc hồ văn tai, nghĩa là văn vẻ rực rỡ thay. 

 Nhưng về mặt chữ thì cả năm chữ này đều hơi giống mấy chữ: 都都平丈我 Đô đô bình trượng ngã, vốn không có nghĩa gì cả. Phùng Khắc Khoan có dụng ý chế giễu rằng: Thầy dốt đọc sách sai mặt chữ thì học trò đến học rất nhiều. Còn ông đọc đúng thì chẳng thấy đứa học trò nào đến. 

  Bọn học trò nhỏ được thưởng kẹo lại được học với ông thầy giảng hay nên dần dần bỏ thầy đồ cũ, kéo đến học với thầy mới Phùng Khắc Khoan. 

 Thầy đồ cũ tức lắm, làm đơn kiện lên quan huyện. Quan cho đòi cả hai người đến, bắt làm thơ để thử tài. Quan chỉ vào cái vỏ trai to dùng làm nghiên mực, bảo hai thầy đồ làm thơ vịnh. Đầu đề bài thơ là: Con Trai (chữ Hán là Bạng),  và cho làm thơ Nôm hay thơ Hán tuỳ ý.

 Phùng Khắc Khoan viết ngay một bài thơ thất ngôn bát cú chữ Hán như sau :

Hữu nhất giới lân phù thuỷ thượng,
Phi loa, phi cáp, kỳ danh bạng.
Tàng châu, đái giáp, võ văn tài,
Thổ vụ, thôn ba, hà hải lượng.
Ký đảo cuồng lan tận lực phù,
Tương thăng hồng nhật khuynh tâm hướng
Cửu châu tứ hải tổng tri danh,
Bỉ duật dung tài an cảm kháng?


Tạm dịch thơ:
Mặt nước lênh đênh vật có mai,
Chẳng sò, chẳng ốc, chính là “trai”.
Mù phun, sóng nuốt, biển sông lượng.
Giáp mặc, châu đeo, văn võ tài.
Gắng sức cản ngăn luồng sóng dữ,
Nghiêng lòng hướng đón ánh trời mai.
Chín châu bốn biển đều vang tiếng,
Tài mọn cò kia dám địch ai?

 Tương truyền, dân gian có bài dịch ra thơ lục bát như sau:
Trên sông nổi một vật gì
Không ốc không hến ắt thì là trai
Hạt châu ngậm áo giáp ngoài
Miệng phun sóng dữ nào ai sánh bì
Quản gì mưa gió thị uy
Hướng đông lòng vẫn kiên trì hôm mai
Bốn phương nổi tiếng anh tài
Cò kia cô thế chỉ hoài đứng trông.

 Còn thầy đồ già nghĩ mãi mới viết được bốn câu thơ chữ Nôm như sau:

Hùm hụp vừa bằng bàn tay doạng
Hỏi nó cái chi? Ấy cái bạng
Vỏ làm nghiên chép sử chép kinh
Ruột nấu cháo bổ tâm bổ tạng.

 Phùng Khắc Khoan nghĩ bụng thế nào mình cũng thắng cuộc. Nào ngờ quan huyện xem xong hai bài thơ, lại nhìn vào Phùng Khắc Khoan mà phán: 

- Cụ đồ học đã bạc đầu mới có thể làm thầy, còn anh đang trẻ giành sao được địa vị của bậc già cả được? 

 Rồi quan xử cho bọn học trò nhỏ về học với cụ đồ.

 Nghe xử xong, Phùng Khắc Khoan im lặng lần bậc thềm bước xuống sân. Quan huyện ngăn ông lại, nói: 
- Xin ông hãy vào thư phòng, tôi có câu chuyện muốn nói. 

 Rồi quan huyện bảo cụ đồ về, mời Phùng Khắc Khoan vào trong. Rượu được vài chén, quan huyện nhìn Khắc Khoan nói nhỏ: 
- Tiên sinh có biết loài sư tử không? Nó vồ được cả con hùm con beo, nhưng khi vồ con thỏ mà cũng dốc sức thì nó dại. Tiên sinh có hoài bão lớn lao nên nghĩ đến việc lớn hơn, há cần giành giật bọn trẻ con với ông già tầm thường như vậy làm gì? 

 Rượu tàn, quan huyện biếu ông mười lạng bạc và nói:
- Tôi mạo muội lấy chút tiền này thay lễ tết của học trò, mong giúp tiên sinh chút ít. 

 Phùng Khắc Khoan rưng rưng cảm động. Ông biết trên đời còn nhiều tài giỏi và có tình. Ông tỉnh ngộ và sắp xếp hành trang, tìm đường vào Thanh Hóa giúp nhà Lê.

Người quan huyện về sau cũng có công lớn trong buổi đầu dựng lại cơ nghiệp nhà Lê.
2/
Phùng Khắc Khoan và Liễu Hạnh công chúa 

 Lúc Phùng Khắc Khoan đi sứ từ Trung quốc về đến Lạng Sơn ông thấy một cô gái xinh đẹp ngồi dưới ba cây thông trước sân chùa, vừa đàn vừa hát. Ông bèn lên tiếng ghẹo:

Tam mộc sâm đình, tọa trước hảo hề nữ tử.
Câu này có nghĩa là: ba cây che sân, một cô gái đẹp ngồi đó. Nhưng chơi chữ lắt léo: Tam mộc 三木 là ba chữ mộc, mà ba chữ mộc ghép lại thành chữ sâm   . Chữ hảo là do chữ nữ và chữ tử ghép thành.
 
Người con gái nghe vậy, đối ngay:

Trùng sơn xuất lộ, tẩu lai sứ giả lại nhân.
 
Câu này có nghĩa: núi non mở đường, người sứ giả đi đến là ông quan. Câu này chơi chữ ở chỗ: Trùng sơn là hai chữ sơn , hai chữ sơn ghép lại thành chữ xuất  . Chữ sứ 使 là do chữ lại và chữ nhân ghép thành.
 
Phùng Khắc Khoan hết sức kinh ngạc vì sự đối đáp thông minh, mau lẹ của cô gái. Ông bèn nói tiếp:

- Sơn nhân bàng nhất kỷ, mạc phi tiên nữ tâm phàm.
Câu này có nghĩa: cô sơn nữ ngồi ở ghế, phải chăng là tiên nữ giáng trần ? Nhưng lắt léo ở chỗ: chữ sơn và chữ nhân ghép lại thành chữ tiên  . Chữ bàng có bộ kỷ . Chữ nhất và chữ kỷ ghép lại thành chữ phàm .

 Cô gái không cần nghĩ ngợi, đáp ngay:

- Văn tử đới trường cân, tất thị học sinh thị trướng.
Câu này có nghĩa: ông nhà văn chít khăn dài, chính thị học sinh nhòm trướng. Câu đáp không những lịch sự, dí dỏm mà chơi chữ cũng hết sức tinh vi: chữ văn và chữ tử ghép lại thành chữ học . Dưới chữ đới có bộ cân . Chữ trường và chữ cân ghép lại thành chữ trướng .

 Phùng Khắc Khoan vô cùng khâm phục cô gái.Ông cúi đầu làm lễ, lúc ngẩng đầu thì cô gái đã lẩn mất. Chỉ thấy trên thân cây gỗ viết bốn chữ:

 Mão khẩu công chúa
kế bên đó, treo tấm biển cũng có bốn chữ:
 Băng mã dĩ tẩu.   

 Những người đi cùng đoàn chẳng ai hiểu nghĩa hai câu đó như thế nào, hỏi Phùng Khắc Khoan. Ông từ từ đáp: 

- Cây gỗ là bộ mộc. Mộc thêm chữ mão là chữ liễu . Mộc thêm chữ khẩu là chữ hạnh  , người con gái vừa rồi chính là Liễu Hạnh công chúa.
 Còn bộ băng đi với chữ mã , chính là họ Phùng của ta. Chữ dĩ nằm cạnh chữ tẩu , chính là chữ khởi . Có lẽ Liễu Hạnh công chúa dặn họ Phùng ta phải khởi công sửa lại ngôi chùa này. 

 Sau đó,Phùng Khắc Khoan cho người tu sửa lại ngôi chùa khang trang. Trước chùa ông treo tấm hoành phi có bảy chữ:

 Tùng lâm tịch mịch phất nhân gia


 
Mấy chữ này có nghĩa: Rừng thông vắng vẻ, không phải nhà người thường. Nhưng xem kỹ, câu này cũng chơi chữ tinh vi: chữ phất đi với chữ nhân là chữ phật . Phất nhân gia, tức Phật gia, nghĩa là nhà Phật vậy.
Có lẽ ông muốn ghi lại một kỷ niệm đẹp đẽ trong lúc gặp gỡ lần đầu với Liễu Hạnh công chúa.

 Về kinh đô Thăng Long, một lần Phùng Khắc Khoan cùng hai bạn là Ngô và Lý đi chơi hồ Tây. 

  Ba người tha thẩn đến một quán rượu bên hồ, ngoài cửa quán thấy đề bốn chữ lớn:

西湖風月 Tây hồ phong nguyệt

Có cô gái đẹp ra chào, nói:
- Đây là quán hàng mới của Liễu nương, xin các ông vào uống rượu, làm thơ tự nhiên. 

 Ba người đi vào, thấy trong nhà có dán bài thơ tứ tuyệt, nét mực còn tươi:

 Điếm phương môn nội chiếu minh nguyệt
 Thời chính nhân bàng lập thổ khuê
 Khách hữu tâm tinh câu nguyệt đới
 Huệ nhiên nhất mộc lưỡng nhân đề.

Bài thơ có nghĩa:
 
Cửa quán là đây trăng sáng soi
 Bên mành ai đứng đợi chờ ai
 Khách đến ba người thừa đội nguyệt
 Một cây huệ mọc giữa hai ngài.


 Phùng Khắc Khoan xem bài thơ, ngẫm nghĩ làm bộ không hiểu. Người bạn họ Lý nhanh nhẩu chiết tự: 

- Đây là ý tác giả nói: Điếm phương nhàn tức “quán đương vắng”; Thời chính giai, tức “được buổi đẹp”; Khách hữu tâm, tức “khách có lòng”; Huệ nhiên lai, tức “mời vào chơi”. 

 Phùng Khắc Khoan đưa mắt nhìn mặt nước hồ Tây mênh mông, lấp lánh, hồi tưởng lại cảnh gặp gỡ Công chúa Liễu Hạnh lần đầu ở Lạng Sơn năm nào… 

 Ba người xúc cảnh muốn làm thơ. Bỗng người hầu gái thướt tha bưng đến một cái khay, trên khay có tấm thiếp viết câu thơ:

西湖別佔一壺天  Tây hồ biệt chiếm nhất hồ thiên

 Ba người hết sức ngạc nhiên,biết đây là câu mở của một bài thơ liên cú. Lý, Phùng, Ngô liền theo câu đó, mỗi người lần lượt làm hai câu một, thành bài thơ liên cú như sau:

Tây hồ biệt chiếm nhất hồ thiên
Túng mục kiền khôn tận khoát nhiên
Cổ thụ nhiễu trang thanh tịch mịch
Kim ngưu khoát thủy lục quyên quyên
Hoạt kê thủy giả nhất chinh thuyền
Cách trúc sơ ly văn khuyển phệ
Phanh trà bại bích thăng trù yên
Khinh khinh quế trạo thứ trung đãn
Đoản đoản xoa y thân thượng xuyên
Phảng phất Động Đình du Phạm Lãi
Y hy Bích Hán phiếm Trương Khiên
Thiên tầm hiệu đãng ám thâm thiên
Tử cố vi mang diệt hậu tiên
Ái nãi vãng lai hồng liễu bạn
Ầu a xuất nhập bạch tự biên
Sa trung hiệp hỷ vong cơ lộ
Văn ngoại nhàn khan xuất tính điên
Kỷ khúc thương ca văn thủy quốc
Nhất song bạch nhãn ngạo trận huyền
Giao đầu đối thoại y hà cải
Thân thủ tương chiếu hỷ khiếm tiên
Lạp phong thiên gian lăng thái nộn
Lâm trận sao đề dưỡng ngư tiên
Hoặc tương đạm tửu hoa tùng chước
Thời chẩm trường cao liễu ánh miên
Túy hận linh tinh phao thủy điện
Dục dư hiệu tiễu bộc phong tiền
Ân hoa mục tử thân bằng kết
Thượng uyển tiều phu cựu ước kiên
Bão tất tử ngô quan bạng thế
Phàm hâm tiều bị một tòng uyên
Võng sơ mỗi tạ thê đồ hiểm
Câu trục tu tương lợi nhĩ huyền
Hận chư hạ lai đồ ái nhật
Trường An đông tận vị tri niên
Tâm vong khẳng bả yên hà hoản
Ban điểm ninh đang lục tự khiên
Vị thủy nhậm phù ban bá bốc
Đào nguyên hảo phỏng vũ tặng duyên
Văn chung sự giác tâm vi Phật

 Lý, Phùng, Ngô làm đến đây, bỗng trong nhà có tiếng trong trẻo của chủ nhân họ Liễu ngâm :

Đắc nguyệt ưng tri ngã thị liên

 Ba người không hẹn mà cũng vỗ tay khen ngợi câu kết. Nếu lấy câu mở đầu ghép với câu kết, hai câu thơ ấy sẽ là:

Tây hồ biệt chiếm nhất hồ thiên
Đắc nguyệt ưng tri ngã thị tiên.


 Rõ ràng đây là hai câu thơ của một con người. Lời thơ, ý thơ, tâm tình nhà thơ đều rất nhất quán.

 Cả bài thơ liên cú trên,  đã được Phan Kế Bính dịch thơ như sau:

Hồ Tây riêng chiếm một bầu trời
Bát ngát tư mùa rộng mất coi
Cỗi ngọc xanh xanh làng phía cạnh
Trâu vàng biêng biếc nước vàng khơi
Che mưa nhà lợp vài gian cỏ
Chèo gió ai bơi một chiếc chài
Giậu thủng chó đua đàn sủa tiếng
Trời hôm bếp thổi khói tuôn hơi
Mơn mơn tay lái con chèo quế
Xàn xạt mình đeo chiếc áo tơi
Thuyền Phạm phất phơ chơi bể rộng
Bè Trương thấp thoáng thả sông trời
Đò đưa bãi lác tai giòn giã
Giọng hát bờ lau tiếng thảnh thơi
Cò xuống đua qua vùng cát đậu
Diều bay sẽ liệng đám mây chơi
Khúc ca trong đục ầm bên nước
Quầng mắt xanh đen sạch bụi đời
Đầu gối long hà lai láng chuyện
Tay soi tiền giáp lả lơi cười
Chốc sen ngả nón chứa rau búp
Đáy nước dìm phao bắt cá tươi
Có lúc kề hoa bày tiệc rượu
Họa khi tựa bóng đứng đầu mui
Say rồi cởi áo quăng dông mắt
Tắm đoạn xoay quần hóng gió phơi
Trẻ mục Yên hoa bày tiệc rượu
Lũ tiều Thượng uyển hẹn lời dai
Bắt cò cứ vững ngồi rình bụi
Mò ngọc khen ai khéo lặn ngòi
Tay lưới thế thân không mắc vướng
Lưới câu danh lợi nhẹ tham mồi
Hạ rồi bến mát còn yêu nắng
Đông hết thành xuân chửa thấy mai
Thú cảnh yên hà sang dễ đọ
Sóng lòng trần tục dạ đầy vơi
Xe săn Vị Thủy thu hồ hải
Thuyền tới Đào Nguyên mặc sức bơi
Chuông sớm dục thanh lòng Phật đó
Trăng tròn soi bóng một tiên thôi.

  Bài thơ "Tây hồ quan ngư" ấy làm xong trong mùi rượu thoang thoảng thơm và mây nước Tây hồ bảng lảng. 

  Ít lâu sau, Phùng , Lý và Ngô lại đến thăm quán nàng họ Liễu. Nhưng đến nơi thì quán cũ đã không còn. Trên cây nơi ấy, ve sầu kêu ra rả. Ba người nhìn thấy ở thân cây có bốn câu chữ triện :

Vân tác y thường phong tác xa
Tiên du Đâu suất mộ yên hà
Thế nhân dục thức ngô danh tính
Nhất đại sơn nhân Ngọc Quỳnh hoa
.

  Lý và Ngô hỏi Phùng Khắc Khoan ý nghĩa bài thơ trên. Ông trầm ngâm một lúc, nói trong giọng buồn:
- Ba câu đầu của bài thơ thì các anh cũng đã rõ. Đó là : Lấy mây làm xiêm áo, lấy gió làm xe. Buổi sáng chơi vùng trời Đâu suất, chiều ngao du nơi mây khói. Người đời muốn biết tên họ ta. Ta là: “Nhất đại sơn nhân Ngọc Quỳnh hoa”. Chữ nhất và chữ đại là chữ thiên . Chữ sơn và chữ nhân là chữ tiên . Cả câu thứ tư có nghĩa là: Ta là tinh hoa Ngọc Quỳnh của tiên trên trời. 

  Nói xong, ông kể lại chuyện gặp bà Liễu Hạnh công chúa ở Lạng Sơn cho hai ông bạn Lý, Ngô nghe.
 Ba người lững thững ra về trong nỗi buồn nhớ mênh mông. 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến