VŨ QUẦN PHƯƠNG BÌNH THƠ NHƯ THÊ NÀO - Trần Đăng Khoa


VŨ QUẦN PHƯƠNG
BÌNH THƠ NHƯ THÊ NÀO 

“Vũ Quần Phương bình thơ” là cuốn sách đặc sắc trên thị trường sách của chúng ta hiện nay. Nhưng đặc biệt hơn, trong cuốn sách này, không phải chỉ có “Vũ Quần Phương bình thơ”, mà còn có thơ được bình. Cũng có thể xem như một tuyển thơ được tinh lọc bằng con mắt của một bậc “cao thủ” cùng với lời bình giải.

Thơ ca là nghệ thuật cần sự giảng giải. Vì thế, bên cạnh nhà thơ, còn có người bình thơ. Không phải chỉ có người bình thơ tôn vinh thơ. Chính thơ cũng tôn vinh người bình ở những phát hiện mới mẻ. Đấy là hai tấm gương cùng soi vào nhau, và cả hai cùng sáng lấp lánh. Và như thế, người bình thơ đâu phải kẻ “theo đóm ăn tàn”, cũng không phải “cây tầm gửi”. Họ có thể tồn tại độc lập và sang trọng. Có lẽ vì thế, khi nhắc đến Phong trào Thơ Mới, ta thường nghĩ đến Hoài Thanh, dù Hoài Thanh không phải nhà thơ mà là người bình thơ. Không có Hoài Thanh, vẫn có Phong trào Thơ Mới. Nhưng Phong trào Thơ mới mà không có Hoài Thanh thì Thơ Mới cũng không thể hiện lên hết được những vẻ đẹp mà nó đã từng có. Tôi gọi Hoài Thanh là nhà phê bình thiên tài. Đấy là cách khu biệt ông với những nhà phê bình lớn tài năng khác. Tuy thế, tài năng Hoài Thanh cũng chỉ dừng lại ở thời Thơ Mới. Sau này ông vẫn viết, nhưng ngọn bút nhạt dần. Nhiều tác giả, tác phẩm ông tôn vinh đã bị thời gian dần vùi lấp ngay cả khi ông vẫn còn đang sống. Bởi thế, có người hiểu lầm rằng, sau Thơ Mới thì Thơ không còn Mới nữa. 

Thực chất đâu phải vậy. Thời nào cũng có thơ hay. Chúng ta vẫn có những nhà thơ và tác phẩm thơ đặc sắc. Chỉ tiếc những vẻ đẹp ấy lại bị chìm lấp bởi bao nhiêu thơ dở. Bây giờ thì loạn chuẩn. Không ít tác phẩm kém chất lượng lại được tôn vinh, thậm chí còn được “bảo đảm chất lượng” bằng những Giải thưởng có tính nghề nghiệp. Chính vì thế, bạn đọc ngày càng xa lánh thơ ca. Nhiều người nghĩ đến thơ còn thấy dị ứng.

May sao, sau Hoài Thanh, chúng ta lại có Vũ Quần Phương. Ông là  nhà phê bình thơ đặc sắc. Vũ Quần Phương học được ở Hoài Thanh tài điểm huyệt văn, rồi cũng như Xuân Diệu, Chế Lan Viên…, ông rất giỏi khi đi vào những tiểu tiết tinh vi của bếp núc nhà nghề. Điều này thì các nhà phê bình thơ khác không thể làm nổi. Nhiều người nói lý luận chung chung thì còn nghe được, nhưng khi đi vào tác phẩm cụ thể mới hay họ chẳng hiểu gì. Bình thơ, đặc biệt thơ đương đại, có lẽ không ai viết hay hơn Vũ Quần Phương. Ông đã kỳ công chắt lọc, lựa chọn, giới thiệu hơn trăm thi sĩ, tính từ cụ Nguyễn Trãi cho đến những tác giả đương đại. Tập sách này cho ta thấy tài năng thẩm định đặc biệt về thơ ca của Vũ Quần Phương. Có khi chỉ vài trăm chữ, lại đi vào một tác phẩm cụ thể mà vẫn điểm huyệt, dựng được thần thái, hồn vía đời thơ của cả một tác giả. Làm được điều đó đâu có dễ dàng.

Tôi nghĩ nhà phê bình nghiên cứu chân chính bao giờ cũng phải là một nhà khoa học. Và đã là nhà khoa học thì phải có những phát minh. Nghĩa là anh phải tìm ra được những cái mới, mà trước anh không có. Trong tập sách này, ta gặp không ít những phát hiện mới mẻ của Vũ Quần Phương ở những tác giả đã quá quen thuộc, tưởng như không còn có gì để nói thêm nữa. Nhiều bài thơ tôi thuộc đã lâu, nhưng qua cái nhìn của Vũ Quần Phương, tôi ngỡ ngàng như mới thấy nó lần đầu.

Bởi thế, tôi tin, rất tin rằng, với tập sách này, Vũ Quần Phương sẽ chinh phục được bạn đọc, kể cả những bạn đọc khó tính.


Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA
**************************************************************************************************************************************************************

Nhận xét

Bài đăng phổ biến