KHÍA CẠNH NHÀ PHÊ BÌNH Ở MỘT NHÀ THƠ – Lại Nguyên Ân


KHÍA CẠNH NHÀ PHÊ BÌNH
Ở MỘT NHÀ THƠ 

Trong giới những người làm văn nghệ chuyên nghiệp, hoạt động trên nhiều ngành là chuyện thông thường. Vừa làm thơ lại vừa viết văn xuôi và sáng tác kịch bản, vừa hoạt động ở nghệ thuật tạo hình lại vừa hoạt động ở nghệ thuật biểu diễn hoặc nghệ thuật ngôn từ… Có thể kể không ít trường hợp như vậy. Và thực sự mỗi người sáng tác có đầy đủ ý thức về thiên chức nghệ sĩ và lao động nghệ thuật của mình, tôi nghĩ đều có một nhà phê bình − tôi muốn dùng chữ "nhà phê bình" riêng ở chỗ này chứ không phải trong cả bài này để nói đến sự tự ý thức bên trong của họ. "Mỗi nhà thơ lớn đều là một nhà phê bình. Tôi thương hại những nhà thơ chỉ do bản năng điều khiển" − đây là lời một nhà thơ nước ngoài mà tạp chí Văn nghệ đã trích in như danh ngôn nhân một số chuyên đề về thơ hồi những năm 1960. Khác biệt của người nghệ sĩ không được gọi là nhà phê bình và người nghệ sĩ được gọi là nhà phê bình có lẽ ở chỗ: nơi kiểu người nói sau, sự tự ý thức trên kia trở thành một hoạt động xã hội; và sự xã hội hóa cái ý thức bên trong này, đến lượt nó, lại còn đòi hỏi không chỉ quan niệm về công việc sáng tạo riêng của mình (hoặc "kinh nghiệm sáng tác" như ta thường goi) mà còn đòi hỏi sự nhận thức về cả nền văn học, cả phong trào văn học, những đặc điểm, quy luật, thuộc tính khách quan của nó cũng như đòi hỏi những tri thức cần thiết cho hoạt động khái quát. Dấu ấn kinh nghiệm riêng không bị loại trừ (tuy cần được "khách quan hóa" mạnh hơn) mà được gộp vào nhận thức bao quát − có lẽ đây là cái đem lại màu sắc riêng, đóng góp riêng vào hoạt động phê bình của những người vốn đồng thời là nhà sáng tác.

Ở trường hợp Hoàng Trung Thông, [1] bước vào văn học với tư cách nhà thơ, con đường hình thành nhà phê bình cũng có nét riêng, không giống những người bước vào văn học bằng những bài phê bình đã đành, mà cũng không giống cả với các nhà thơ khác như Xuân Diệu, Chế Lan Viên − khi bước vào phê bình, ngay từ đầu khía cạnh nhà thơ ở họ đã tham gia  vào và góp phần lớn làm nên diện mạo đặc sắc của nhà phê bình ở các tác giả này.

Đọc phê bình tiểu luận của Hoàng Trung Thông, nhất là ngược về tập sách đầu (Chặng đường mới của văn học chúng ta, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1961), có thể thấy là phần kinh nghiệm riêng của nhà thơ không in dấu gì lắm lên phần tiểu luận phê bình của ông. Có thể hiểu được điều này nếu ta tán thành với nhau rằng tác giả của cuốn sách nói trên lúc đầu đã bước vào phê bình trước hết với tư cách là một cán bộ quản lý công tác văn nghệ (có lẽ đây không phải trường hợp của riêng mình ông mà cũng không phải trường hợp chung của mọi nhà phê bình). Bên cạnh một số bài phê bình không thật nổi bật viết về tác phẩm cụ thể, nhiều bài viết "chủ lực" của ông trong Chặng đường mới… thường có dạng những báo cáo, tham luận, những bản tổng kết, nhận xét chung về phong trào văn học. Ở đấy có cái bao quát cần thiết cho việc nhận định tình hình chung. Ở đấy phần thể nghiệm riêng, cảm thụ riêng của một nhà thơ chưa phải là điều cần tính đến hàng đầu, thậm chí có thể hầu như chưa cần tính đến. Và đặc điểm này nếu như có thể gây ra một vài thiệt thòi cho bạn đọc muốn được thêm yêu văn học qua "lăng kính" phê bình cảm thụ của nhà thơ, thì lại tạo cho văn phê bình của ông một sức vóc mà, chẳng hạn, những cây bút phê bình "nhà trường" không thể có, do yếu tố chính luận mang lại (cần nói vắn tắt rằng chính luận là một trong những thuộc tính cốt yếu của phê bình văn học nói chung; thiếu một chủ kiến "đối thoại với đương đại", các tri thức uyên bác không thể một mình tạo được sức thu hút trong công luận). Lấy việc truyền đạt, giải thích và cụ thể hóa các chủ trương chính sách văn nghệ làm nội dung chủ yếu của các bài viết, nhận định và phân tích, đánh giá và đề xuất vấn đề từ chỗ đứng một người quản lý trước toàn cảnh văn học, văn phê bình Hoàng Trung Thông có chủ đích rõ rệt: tác động đến phong trào văn học chung trong sự chuyển động của nó. Cũng chính nhiệt tình chính luận này đã đem lại cái rắn rỏi rất nguyên tắc trong các bài bút chiến của ông thời kỳ chống Nhân văn - Giai phẩm.

Tất nhiên ngay từ đầu giữa khía cạnh nhà thơ và nhà phê bình (đúng hơn, người quản lý công tác văn nghệ như đã nói ở trên) ở ông vẫn có sự nhất quán bên trong về tư tưởng cũng như về văn phong; phê bình của ông cũng mực thước như thơ ông và thơ ông cũng đậm màu chính luận như phê bình của ông. Điều cần nói là ở thời kỳ đó, cảm quan thẩm mỹ của nhà thơ dường như chưa tìm được cách thức kết hợp để hiện diện đồng thời ngay trên các trang phê bình. Phải chăng là lúc đó, sự tự ý thức về thẩm mỹ trong khía cạnh nhà thơ của ông cũng chưa chín muồi đến độ trực tiếp "ngôn luận" về nghề thơ, về những chuyện bếp núc trong thơ?

Nhìn lại một chút như trên để thấy sau hơn một chục năm kể từ khi in tậpChặng đường mới…, lần này, với tập Cuộc sống thơ và thơ cuộc sống (Nxb. Văn học, H., 1979), tiểu luận và phê bình của Hoàng Trung Thông quả cũng có một chặng đường mới. Khía cạnh nhà thơ đã chan hòa được nhiều hơn với khía cạnh nhà phê bình chính luận, chưa nói là cạnh đó, khía cạnh nhà nghiên cứu, − đĩnh đạc, uyên thâm và không ít say mê với đề tài của mình − cũng đã lộ ra ngày một rõ.

Cố nhiên những quan tâm đối với cả nền văn học, cả phong trào sáng tác vẫn là phần quán xuyến trên các trang viết của ông. Nhưng nếu ở tập Chặng đường mới… chú ý thường xuyên của ông là chống các quan điểm thù địch, là bồi dưỡng lực lượng sáng tác, hoặc trong vấn đề chất lượng ông thường trở đi trở lại với vấn đề phổ cập và nâng cao, vấn đề viết về công nông binh và viết cho công nông binh như chữ dùng hồi ấy, thì ở tập này, những quan tâm ấy được cụ thể hóa hơn trước: cụ thể hóa vào từng phần của đội ngũ, của phong trào, cụ thể hóa vào từng thể loại và tác giả. Ấy là khi ông viết về bộ phận thơ chống Mỹ ở miền Nam, hoặc khi ông đề tựa các tập thơ tuyển của các địa phương, hoặc nữa, khi ông nhận xét về dòng thơ trẻ trên miền Bắc ở thời điểm đã khá định hình và do đó theo ông có khá nhiều vấn đề đặt ra cho sự phát triển của nó.

Trong xu hướng cụ thể hóa tình hình chung của văn học, nói rõ hơn, trong xu hướng cố gắng xuất phát từ các hiện tượng văn học cụ thể, nhà chính luận văn học ở Hoàng Trung Thông ngày càng cần đến sự trợ giúp nhiều hơn của nhà thơ-tác giảNhững cánh buồm, Trong gió lửa, Như đi trong mơ… Để đề xuất vấn đề, ở một thời kỳ đã phát triển hơn của văn học, phải "vào" sâu hơn nữa trong các hiện tượng, xác định từng phong cách, định giá trị từng tác phẩm, từng tập thơ, bài thơ, đoạn thơ, câu thơ, hình ảnh, ngôn ngữ… Ở đây, không có cảm quan nhà thơ tham gia thì khó mà nói rằng những nhận xét về thơ lại có thể xác đáng được như vậy. Dĩ nhiên, nhiệt tình chính của Hoàng Trung Thông không phải là tập trung cho việc bình thơ (ông dành việc đó cho các bài nghiên cứu về thơ Cụ Hồ, thơ Đỗ Phủ, Lục Du…); cái trục chính vẫn là sự quan tâm về cả phong trào văn học − ở đây quy tụ về phong trào thơ − mà những trích dẫn chỉ là căn cứ cho việc đề xuất, gợi ý, uốn nắn. Nét chính luận ở những bài viết này vẫn là nét trội. Nói về dòng thơ trẻ chẳng hạn, nếu như nhiều nhà phê bình lên tiếng vào lúc nó vừa hé nở để bày tỏ nhiều hân hoan, chờ đợi và hy vọng hơn là đặt ra những đòi hỏi nghiêm khắc, thì nhà phê bình Hoàng Trung Thông lại lên tiếng ở lúc dòng thơ này đã đi qua một chặng đường, đã có diện mạo khá rõ, với các ưu điểm và nhược điểm, với những xộc xệch trồi sụt trong cả đội ngũ cũng như trong mỗi cây bút. Phân tích phần mạnh yếu, chỉ ra những mặt cần khắc phục, mong mỏi những sáng tạo ngày càng chín chắn, thành tựu − đó là nhiệt tình chính luận của nhà phê bình. Không ngẫu nhiên mà lời kết luận nhiều bài viết của ông thường là "chúng ta chờ đón, hào hứng, tin tưởng" (tr. 61), "chúng ta mong và tin chắc" (tr. 74), "tôi tin tập thơ sau sẽ vượt lên nhiều" (tr. 84)… − dẫn chứng về cú pháp này càng cho thấy diễn đàn phê bình của Hoàng Trung Thông là diễn đàn chính luận nhiều hơn là diễn đàn bình thơ. Tất nhiên những luận bàn về sự chững lại hay vượt lên, bỏ cuộc hay gắn bó hơn với thơ là một chuyện phức tạp, liên quan đến nhiều nhân tố của hoạt động sáng tạo nghệ thuật, song nhiệt tình thúc đẩy sáng tác của nhà phê bình − cái ý muốn sao cho ngọn lửa ở muôn nhà cũng sáng giống như ngọn lửa của mình − ở đây vẫn là điều đáng ghi nhận. Cái xốc vác năng nổ rất giàu tự tin của tác giả Bài ca vỡ đất đến giờ vẫn còn nồng đậm như xưa.

Chất chính luận của Hoàng Trung Thông nếu mạnh ở phần viết về phong trào thơ hiện tại thì ở phần viết về thơ cổ, trong và ngoài nước, chỗ mạnh và nổi lên lại là chất nghiên cứu, phân tích, cảm thụ. Ở đây, cạnh cái chủ kiến rõ ràng của nhà chính luận còn đòi hỏi sự chuẩn bị về văn hóa, những tri thức cần thiết về thi pháp thơ cổ. Tác giả của các bài nghiên cứu về Đỗ Phủ, Lục Du có sự chuẩn bị cần thiết này − ông vốn thông thuộc và có nhiều gắn bó với nền văn học lâu đời của hai nhà thơ đó, từ cổ điển đến hiện đại mà hai bài nghiên cứu được in vào đây chỉ là phần nhỏ trong số rất nhiều những công trình dịch thuật và giới thiệu của ông. Viết về Đỗ Phủ, Lục Du, ngòi bút của ông đạt tới sự nhuần nhuyễn trong phân tích, cảm thụ (điều mà ông chưa đạt tới khi viết về thơ Pushkin, hoặc thơ Maiakovski) − đây là dấu hiệu cho thấy cả nhà thơ, nhà phê bình, nhà nghiên cứu trong ông đã được huy động đồng đều ở một mức cao hơn trước. Có lẽ không có một tri thức và một kinh nghiệm cảm thụ vững vàng về thơ chữ Hán cổ điển cũng như về thơ Việt Nam truyền thống, ông khó có thể thành công trong bài nghiên cứu về thơ Hồ Chí Minh. Chẳng hạn, bạn đọc bình thường rất dễ tin theo các nhà phê bình khác cho rằng "để lẫn một số bài thơ của Bác với thơ Đường, Tống cũng không ai phân biệt được". Chính Hoàng Trung Thông đã cho thấy chỗ thiếu xác đáng của lập luận ấy, và ông không chỉ minh chứng bằng sự khác biệt về thời đại, về tư tưởng xã hội chính trị; sâu hơn, ông chứng minh được sự khác biệt ở tận trong thi pháp. Tri thức được chuẩn bị về mặt này giúp ông nhận ra thêm một nét cách tân ngay trong thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh: nhại lại thơ Đường để tạo ra một hiệu quả thẩm mỹ khác hẳn. Tiếc là ông chưa đi xa hơn sự chứng minh tinh tế nói trên. Nếu không, có lẽ người  đọc đã được một ví dụ sinh động để thấy rằng đằng sau cái mà ta vẫn gọi là "bình cũ rượu mới" thực ra là một cái gì đó khác hơn, sâu xa và biện chứng hơn.

Phê bình không phải là chiếc dùi cui trong tay nhà độc tài. Điều rất quan trọng là nó phải gây được sự thuyết phục, mà thuyết phục được cả nhà văn lẫn các loại bạn đọc khó tính khác nhau − như kinh nghiệm của nhiều người viết phê bình cho thấy − quả không dễ chút nào. Nếu thật sự Hoàng Trung Thông đạt đến mức "có khả năng thuyết phục được mọi người trước những vấn đề văn học còn tranh luận"[2] − như nhận xét trong một cuốn sách gần đây, − thì chúng ta sẽ phải lưu ý học cách của ông: biết hái đúng những quả chín. Bàn tay vin cành lý luận của ông là bàn tay rất mẫn cảm cái nóng lạnh của thời tiết, và như thế, chúng ta trở lại bài học về tính chính luận kể trên, một trong những yếu tố quan trọng của hoạt động phê bình văn nghệ.

LẠI NGUYÊN ÂN
********************
● Đã đăng báo “Văn nghệ”
[1] Bài này viết nhân đọc cuốn Cuộc sống thơ và thơ cuộc sống, phê bình tiểu luận của Hoàng Trung Thông, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1979.
[2] Xem: Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ: Nhà văn Việt Nam (1945-1975), tập I, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1979, tr. 295 (bài Về một nền lý luận, phê bình nghiên cứu văn học theo quan điểm mác-xít ba mươi năm qua (1945-1975) do Phan Cự Đệ viết).
**************************************************************************************************************************************************************



Nhận xét

Bài đăng phổ biến