TẢN MẠN VỀ VĂN XUÔI - Võ Hoàng Nguyên


TẢN MẠN VỀ VĂN XUÔI

Viết văn xuôi như người thích đi bộ, được vững vàng trên mặt đất, được tha hồ mở lối, miễn cuối cùng vẫn đi đến đích. Tuy nhiên viết văn xuôi không có nghĩa là hoàn toàn tự do, không bị gò bó trong một quy tắc. Cũng như đi bộ trên mặt đất, tuy vững vàng nhưng cũng phải biết định hướng, chọn lối đi, tránh gập ghềnh sỏi đá, cỏ gai.

Ở đây, chúng ta không đề cập nhiều đến kỹ thuật cú pháp mà chỉ nêu ra những tính chất của văn xuôi mà thôi. Nhớ lại những bài tập làm văn thuở còn ngày hai buổi cắp sách đến trường, chúng ta sẽ mường tượng được ra những quy tắc văn xuôi là phức tạp đến độ nào. Tôi nhớ thầy Lê Văn Mỹ, giáo sư Việt Văn lớp 9, luôn dặn học trò: “Chỉ có ông Phạm Quỳnh mới được quyền viết câu văn dài tám thước, và chỉ có ông Trịnh Công Sơn là được quyền dùng những ca từ khó hiểu. Các em là người tập viết văn, phải viết sao cho câu ngắn gọn, từ ngữ dễ hiểu”. Thầy dạy thật là đơn giản, vậy mà chỉ mỗi việc viết câu cho ngắn gọn, quả không phải dễ tí nào.!

“Ý tưởng thì đi phi cơ, chữ viết lại đi bộ”. Đó là một sự ví von rất hay cho thấy nỗi khó của người viết văn. Bạn có thể đứng thuyết trình và nói tràng giang đại hải với rất nhiều thông tin được đưa ra. Nhưng cùng trong thời lượng ấy, khi bạn viết, nội dung sẽ không đầy đủ bằng lúc bạn nói. Tại sao vậy? Vì có những quy tắc về ngữ pháp mà bạn cần tuân thủ. Nếu không, người đọc sẽ khó hiểu được bạn nói gì. Bởi vậy mà có nhiều người chỉ thích nói chứ không thích viết. Vì khi nói bạn được hỗ trợ bằng ngôn ngữ thân thể. Nói sai văn phạm vẫn hiểu được. Nói ít vẫn hiểu nhiều. Còn khi viết, bạn phải dùng câu cú, cách chấm phết, các dấu than, dấu hỏi để diễn tả cảm xúc.

Nói về văn phạm thì mới nghe tưởng như nó là thứ gông cùm đáng ghét. Nhưng có rất nhiều trường hợp, thay vì một câu dài lòng thòng, chỉ cần chỉnh cho đúng văn phạm, nó sẽ trở thành ngắn và dễ hiểu vô cùng.

Trong văn xuôi, yếu tố nhạc điệu ít khi được đặt nặng. Tuy nhiên nếu có thêm, cộng với cú pháp hợp lý thì bài văn sẽ trở nên tuyệt vời. Lấy vị dụ bài văn xuôi để đời “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh. Một bài văn được làm chuẩn mực cho câu cú gãy gọn, ý tưởng mạch lạc, nội dung hàm súc. Tôi còn nhớ rất rõ giọng đọc miền Bắc của thầy Phạm Gia Quý trong giờ học Việt Văn ngày xưa. Nhạc điệu của bài văn “Tôi đi học” được Thầy lột tả hết tất cả những tâm sự mà tác giả muốn lồng vào qua nhạc điệu trong bài văn xuôi ấy.

Đây là đoạn đầu trong bài văn xuôi này. Trong sách “Tập đọc” các lớp tiểu học, hoặc sách “Luận văn” các lớp trung học đều có trích đăng:

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm miên man của buổi tựu trường.

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học..."

Dù là văn gì đi nữa, ngoài ý tưởng ra, cuối cùng bài văn phải thể hiện được xúc cảm của tác giả. Từ đó mới giúp người đọc hiểu được mình muốn nói gì và giúp họ rung cảm theo. Đó là hai vế quan trọng của một bài văn.

Võ Hoàng Nguyên 



Nhận xét

Bài đăng phổ biến