PHÊ BÌNH THƠ VÀ CON ĐƯỜNG CÔ ĐỘC - Võ Tấn Cường


PHÊ BÌNH THƠ 
và CON ĐƯỜNG CÔ ĐỘC 

Không có nỗi cô độc nào giống như nỗi cô độc của nhà phê bình thơ khi đối diện với bài thơ. Tôi hình dung về nhà phê bình thơ giống như người lữ hành mang trên lưng đủ thứ hành trang nặng nhọc lê bước qua sa mạc chữ và khát khao vươn tới ốc đảo của cái đẹp thi ca…

Người ta thường gán ghép cho nhà phê bình thơ đủ thứ, tùy thuộc vào cái nhìn và quan niệm khác nhau của từng người. Có người cho rằng phê bình thơ giống như cái roi ngựa, nhà phê bình quất vào con ngựa thi ca (nhà thơ hoặc bài thơ) để nó lồng lên, phi nước đại hướng tới chân trời thi ca. Người khác lại cho rằng phê bình thơ phải là sự tri âm, giao cảm giữa nhà phê bình và nhà thơ. Đối với kiểu phê bình "roi ngựa", nhà phê bình thơ cảm thụ, đánh giá bài thơ thông qua hệ thống lý luận có sẵn. Phê bình thơ theo kiểu này chẳng khác gì dùng nơm úp cá đi săn tìm vầng trăng đáy biển. Kiểu phê bình thơ "tri âm" khiến nhà phê bình thơ hướng về sự giao cảm, đồng điệu nhưng thường bỏ sót những phong cách, hồn thơ độc đáo, dị biệt nằm ngoài tầm tư duy, cảm thụ của nhà phê bình thơ. Hệ quả của kiểu phê bình thơ "tri âm" dễ dẫn đến sự ve vuốt, tâng bốc vốn là những điều xa lạ với nhân cách và tư duy của những nhà phê bình thơ chân chính.

Đối với tôi, phê bình thơ giống như viết một bài thơ bằng văn xuôi mà đối tượng chính là bài thơ. Nhà phê bình thơ phải thấu triệt, chiêm cảm thế giới bí ẩn, lung linh của bài thơ. Anh ta còn phải khám phá cơ chế sáng tạo của nhà thơ diễn ra như thế nào. Nhà phê bình thơ phải chiêm cảm được nỗi đau "sinh nở" của nhà thơ trong suốt quá trình thai nghén cho đến khi hoàn thiện tác phẩm. Đối với nhà phê bình thơ, nhà thơ và bài thơ chỉ là đối tượng là  chất liệu để anh ta hướng về cái đích của thi ca và tạo dựng thế giới hình tượng của bài phê bình.

Nhà phê bình thơ khám phá thế giới bí ẩn của bài thơ và tâm hồn nhà thơ bằng trực giác và cái nhìn thấu thị. Anh ta là người cô độc trên hành trình khám phá chính mình và khám phá cái đẹp của bài thơ. Nhà phê bình thơ không thể dùng hệ thống thuật ngữ để tái hiện, diễn tả hình tượng mơ hồ, đa nghĩa của bài thơ. Anh ta phải là người phát kiến, chiêm nghiệm về cái được biểu đạt tiềm ẩn phía sau ngôn từ thi ca và những khoảng lặng âm vang giữa các câu chữ của bài thơ.

Nhà phê bình thơ trong mối quan hệ với bài thơ và người đọc giống như cột thu lôi thu nhận dòng điện thi ca trong bài thơ, thể hiện trong bài phê bình và truyền vào tâm hồn người đọc. Thông qua bài phê bình thơ, nhà phê bình phải tạo được xung động thẩm mỹ và mở rộng biên độ tình cảm, tư tưởng của bạn đọc. Sự khám phá của nhà phê bình thơ chỉ là tiền đề cho những khám phá bất tận của bạn đọc. Nhà phê bình thơ không có tham vọng thấu triệt tận cùng thế giới bí ẩn của bài thơ…

Nhà phê bình thơ phải là người có tâm hồn thi ca. Điều này tưởng như đơn giản nhưng không phải nhà phê bình thơ nào cũng có và cũng tự nhận biết. Nỗi đam mê, tâm hồn say đắm với thi ca và trực giác bén nhạy là hành trang cần thiết của nhà phê bình thơ trong cuộc hành hương đến với cái đẹp và ngôi đền thi ca. Giống như cuộc chạy tiếp sức, nhà phê bình thơ bắt đầu từ bài thơ và cơ chế sáng tạo của nhà thơ để độc hành đến thế giới của cái đẹp và chân trời thi ca.

VÕ TẤN CƯỜNG


Nhận xét

Bài đăng phổ biến