Sư Minh Tuệ chưa thể xuất cảnh khỏi Thái Lan:
Quá hạn thị
thực thì sao?
Khi tới hai cửa khẩu ở biên giới Thái Lan-Myanmar và Thái
Lan-Lào vào các buổi sáng ngày 4 và 5/3, sư Minh Tuệ và đoàn bộ hành đều không
thể làm thủ tục xuất cảnh, trong khi thời gian lưu trú theo thị thực chỉ còn
vài ngày.
Trước đó, vào ngày 24/2, sáu nhà sư, bao gồm sư Minh Tuệ, đã tới một cơ
quan xuất nhập cảnh ở Thái Lan để gia hạn thời gian lưu trú. Tới ngày 25/2, ông
Phước Nghiêm, một thành viên đi cùng đoàn, đã thông báo rằng các sư được gia hạn
thêm 15 ngày.
Tuy nhiên, vào ngày 5/3, ông Nguyễn Dân, một nhà báo đi theo đoàn, đã viết
trên tài khoản Facebook cá nhân rằng chỉ hai ngày nữa là sáu nhà sư này sẽ hết
hạn lưu trú ở Thái Lan. Cùng ngày, khi trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Nguyễn
Dân khẳng định thông tin về thời gian lưu trú của các sư mà mình nêu ra là
đúng.
Trong bối cảnh bấp bênh hiện tại, ông Nguyễn Thành An, một thành viên đi
trong đoàn, thông báo trên trang Facebook cá nhân là đoàn sẽ "hướng tới
Malaysia" – có thể hiểu là sẽ đi tới một cửa khẩu giữa Malaysia và Thái
Lan ở miền nam Thái Lan, một quãng đường ước tính dài khoảng gần 2.000km tính từ
nơi đoàn đang có mặt ở miền bắc Thái Lan vào sáng 5/3. Ông Dân chia sẻ rằng ông
không còn đi theo đoàn nữa, nên không thể xác nhận thông tin trên.
Theo lời ông Trần Nguyên, chủ kênh YouTube Trần Nguyên Phiêu Lưu Ký, đúng
là đoàn đi tới cửa khẩu Thái Lan-Malaysia. Ông nói mình cách đoàn khoảng 40km
và có cách để biết đoàn đang ở đâu, nhưng không chia sẻ cụ thể cách thức là gì.
Tới năm giờ chiều ngày 5/3, ông An cập nhật thêm một bức ảnh chụp chiếc
xe ô tô và thông báo đoàn đang dừng nghỉ, không cung cấp thêm thông tin gì về kế
hoạch sắp tới của đoàn.
Mọi chuyện bắt đầu trở nên gấp gáp vào sáng ngày 4/3 khi đoàn bộ hành bất
ngờ lên một chiếc xe ô tô, hướng tới cửa khẩu ở huyện Mae Sot, tỉnh Tak, Thái
Lan. Tới trưa cùng ngày, ông An thông báo các sư "không thể xuất cảnh từ
đây", đi kèm với tấm ảnh các sư đứng trước cửa một văn phòng Myanmar.
Sau đó, đoàn tiếp tục lên xe, lần này hướng tới cửa khẩu Chiang Khong giữa
Thái Lan và Lào. Tới nửa đêm 4/3 đoàn tới nơi và đến sáng 5/3 thì ra cửa khẩu
làm thủ tục xuất nhập cảnh.
Mục đích của việc làm này là xuất cảnh ra khỏi Thái Lan và nhập cảnh vào
một nước khác (Lào), sau đó xuất cảnh khỏi Lào và nhập cảnh trở lại Thái Lan,
khi đó thị thực sẽ được thêm thời hạn (thông thường 60 ngày).
Theo lời kể của ông Dân, nhân viên xuất nhập cảnh của Thái Lan nói rằng
sáu sư sắp hết thời gian lưu trú ở Thái Lan cần qua Lào và ở lại Lào hai ngày
thì khi quay lại Thái Lan sẽ được cấp thời gian lưu trú 60 ngày. Đoàn không lựa
chọn cách này nên quay lại và, theo lời ông An ở trên, "hướng tới
Malaysia".
Vì sao không qua Myanmar hoặc Lào?
Khi thông báo rằng các sư "không thể xuất cảnh" ở cửa khẩu tại
huyện Mae Sot, Thái Lan, ông An cũng đăng một tấm hình chụp một văn bản có nội
dung thông báo "tạm thời đình chỉ việc nhập cảnh đối với người nước ngoài
có thị thực hợp lệ do Đại sứ quán Myanmar cấp, có hiệu lực từ ngày
15/5/2023" ở cửa khẩu này. Thời điểm ban hành văn bản là vào ngày
22/5/2023.
Trước đây, vào tháng 2/2025, một nguồn tin thân cận với Ủy ban Biên
giới Liên huyện Thái Lan – Myanmar (một ủy ban hợp tác giữa Myanmar và
Thái Lan nhằm giải quyết một số vấn đề ảnh hưởng tới hai phía biên
giới) đã nói với BBC News Tiếng Miến Điện rằng cửa khẩu đường bộ giữa
Myanmar và Thái Lan đã đóng cửa với người nước ngoài, chỉ cho phép
người Thái Lan và Myanmar ở những khu vực lân cận qua lại.
Việc đoàn không thể đi qua Myanmar có lẽ không quá bất ngờ. Sư Minh Tuệ
cũng từng nhận tin rằng sẽ không thể đi đường bộ qua Myanmar, nhưng ông đã nhiều
lần khẳng định nếu không được sang thì sẽ ngồi ở cửa khẩu bảy ngày. Tuy nhiên,
trong bối cảnh thời gian gấp rút do sắp hết hạn thị thực như hiện tại, kế hoạch
này đã không được thực hiện.
Hiện tại, nếu đúng là đoàn đang hướng về phía Malaysia, quãng đường cần
đi là gần 2.000 km, với thời hạn được cho là chỉ còn hai ngày, tức tương đối gấp
gáp.
Lựa chọn này rõ ràng là vất vả hơn việc đi qua Lào hai ngày và quay lại
Thái Lan. Vì sao các sư không đồng ý qua Lào?
Theo lời kể của ông Dân, luật sư hỗ trợ giấy tờ cho đoàn và nhân viên xuất
nhập cảnh của Thái Lan đã nói rằng việc sang Lào rồi quay lại là cách duy nhất
để các sư có thêm thời gian ở lại Thái Lan. Nhưng các sư vẫn từ chối.
Ông Dân mô tả tâm trạng của các sư và các tình nguyện viên trong đoàn khi
nghe thông báo này bằng từ "chán nản".
Từ trước khi tới cửa khẩu Chiang Khong, ông Dân và một số YouTuber đi
theo đoàn đã nhiều lần nói rằng các sư không muốn sang Lào. Trả lời BBC, ông
Dân cho biết chính sư Minh Tuệ đã từng nói không muốn quay lại Lào. Ông Dân
không rõ lý do cụ thể là gì.
Trong khi đó, ông Nguyên kể rằng khi nhận được thông tin về việc cần phải
sang Lào, đã có một vài sư trong đoàn can ngăn sáu sư này qua Lào, cho rằng có
rủi ro sẽ không được nhập cảnh lại Thái Lan. Ông Nguyên nói rằng các sư không
muốn đoàn bị tách ra.
"Lúc ấy không thấy sư Minh Tuệ nói gì cả, chỉ thấy sư Minh Tuệ đi ra
và lên xe thôi," ông Nguyên thuật lại.
Quá hạn thị thực trên đất Thái Lan thì sao?
Nếu ở Thái Lan quá hạn thị thực, đoàn bộ hành có thể đối mặt với việc bị
phạt, gồm phạt hành chính, cho vào danh sách đen, trục xuất…
Theo luật pháp Thái Lan, với mỗi ngày quá hạn thị thực, cá nhân sẽ bị phạt
500 baht (gần 380.000 VND), tối đa là 20.000 baht (hơn 15 triệu VND) cho khoảng
thời gian là 40 ngày.
Nếu ở quá hạn hơn 90 ngày, cá nhân có thể bị cấm nhập cảnh Thái Lan, tùy
vào số ngày ở quá hạn. Nếu ở quá hạn hơn 90 ngày và chưa tới một năm, một cá
nhân có thể bị cấm nhập cảnh Thái Lan trong vòng một năm.
Đi kèm với những mức phạt trên có thể là một "dấu đen" trong hộ
chiếu, khiến việc nhập cảnh vào Thái Lan hoặc những quốc gia trở nên khó khăn
hơn.
Nhận xét
Đăng nhận xét