Lúc đó quãng năm 1983, tôi đang học lớp 8 trường huyện. Cô giáo dạy lớp
tôi đến từ thành phố Đà Nẵng, hằng ngày cô phải đạp xe hơn 30km. Đời sống giáo
viên lúc đó thì cũng như ông giáo Hàng mà Tuổi Trẻ đã phản ánh: thiếu thốn mọi
bề. Trong khi đó, sống ở miền quê chúng tôi sướng hơn cư dân thành phố nhiều
(trong đó có cô giáo của tôi). Vì ngoài số lúa được nhận từ hợp tác xã, ba mẹ
chúng tôi còn có thể trồng khoai, dưa, sắn, bắt cá, chim ngoài đồng, nuôi gà
trong vườn... Tất cả những khoản cải thiện này là ước mơ của dân thành phố. Một ngày cận
tết, miền Trung mưa phùn rét mướt. Cô giáo chằm nón và tặng mẹ tôi một chiếc
nón lá thật đẹp. Tôi đem nón về cho mẹ và mẹ bảo trưa thứ bảy mời cô giáo về nhà ăn cơm. Bữa
cơm đó có cá rô kho mặn, canh cải nấu cá lóc và có cả thịt gà. Sau bữa cơm
trưa, mẹ tôi còn đong tặng cô giáo một túi gạo độ chừng 5kg và một con gà. Trưa thứ hai, sau khi dạy xong, cô giáo theo tôi về nhà. Vừa gặp mẹ tôi,
cô giáo đã bật khóc: “Chị ơi, em đã vứt hết quà của chị xuống sông Hàn rồi, em
uất quá chị ơi”. Thì ra, khi chở mấy ký gạo và con gà về đến trạm gác cầu Nguyễn Văn Trỗi,
cửa ngõ vào Đà Nẵng, cô bị chặn lại và cán bộ kiểm soát đòi tịch thu vì cho đây
là hàng lậu. Sau một hồi giằng co, cô đã không kiềm chế được và đã vứt cả gạo,
cả gà xuống sông. Sau đó cô bị cơ quan chức năng gửi công văn đến trường và bị ban giám hiệu
phê bình trước tập thể. Lúc đó tôi thật không hiểu vì sao cô giáo lại bị cho là
buôn lậu. Đến tuổi trưởng thành và bước vào đời, chúng tôi đã được thở trong
làn không khí đổi mới kể từ năm 1986. Câu chuyện cô giáo tôi đã thật sự trở
thành cổ tích!
Nhận xét
Đăng nhận xét