Triển vọng đàm phán Nga - Mỹ về Ukraina: Chiến lược đòi hỏi tối đa của Putin

 
Triển vọng đàm phán Nga - Mỹ về Ukraina: Chiến lược đòi hỏi tối đa của Putin

Ngày 11/03/2025, tại Ả Rập Xê Út, sau tám giờ đàm phán, Kiev đã chấp nhận đề xuất của Washington về một lệnh ngừng bắn 30 ngày. Thỏa thuận này sẽ được phía Mỹ chuyển cho Nga. Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, nếu như tổng thống Donald Trump có vẻ nóng lòng muốn chấm dứt chiến tranh Ukraina, thì đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tỏ ra không mấy vội vã đàm phán với Mỹ.
 
Hiện tại Matxcơva vẫn chưa có phản ứng gì về thỏa thuận giữa Washington và Kiev. Động thái mới nhất của Nga là một ngày sau khi có kết quả về đàm phán Mỹ - Ukraina, truyền thông Nga đưa tin tổng thống Vladimir Putin lần đầu tiên bất ngờ đến thăm vùng Kursk, bị Ukraina chiếm giữ từ hồi tháng 8/2024. Tại đây, ông được thông báo là hơn 430 binh sĩ Ukraina đã bị bắt làm tù binh.
 
Cảm giác bất an
Dự thảo hưu chiến 30 ngày sẽ phải được phía Mỹ chuyển đến Nga trong nay mai. Truyền thông phương Tây nói rằng áp lực giờ ở phía Nga. Bà Vera Grantseva, giảng viên trường đại học Khoa học Chính trị Sciences Po tại Paris, trên tờ 20 Minutes, tự hỏi : « Ông Trump có những đòn bẩy nào để có thể buộc Putin chấp nhận hòa bình » trong một cuộc chiến diện rộng ? Một cuộc chiến mà theo quan điểm của nhà phân tích Peter Schroeder, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm An ninh Mới của Hoa Kỳ, là do chính ông Putin « chọn lựa », nhằm đối phó với một « mối đe dọa an ninh cấp bách ».
 
Trái với nhiều nhận định cho rằng Vladimir Putin là một « kẻ cơ hội », rằng ông phát động chiến tranh là vì có « lòng tham lãnh thổ và quyền lực », nhà phân tích Peter Schroeder, trên trang Foreign Affairs ngày 03/09/2024, nhắc lại rằng cuộc chiến xâm lược Ukraina xuất phát từ nỗi bất an cho an ninh nước Nga trong tương lai của ông Putin. Đây là một cuộc chiến để phòng ngừa « Ukraina trở thành một quốc gia chống Nga, nếu không ngăn chặn, có thể bị phương Tây lợi dụng để phá hoại sự gắn kết tại nước Nga và việc đón nhận các lực lượng NATO có thể đe dọa chính nước Nga ».
 
Do vậy, theo quan điểm của Neil Melvin, giám đốc nghiên cứu về An ninh Quốc tế tại RUSI, hòa bình chưa hẳn là mục tiêu đầu tiên của Nga. Trả lời kênh truyền hình tư nhân Euronews, ông phân tích :
 
« Tôi nghĩ rằng tổng thống Putin bước vào cuộc chiến này vì hai lý do cụ thể. Thứ nhất, bởi vì ông ấy có một tầm nhìn lịch sử đặc biệt về nước Nga : Một nước Nga Vĩ đại, nước Nga của thời kỳ tiền cách mạng, thời kỳ tiền Xô Viết, một dạng đế chế - đế quốc Nga, mà ở đó, nhiều vùng lãnh thổ của Ukraina đương đại, trong tầm nhìn này, bị xem như những vùng đất chủ chốt của Nga, bởi vì chúng đã bị nhiều đời Nga hoàng khác nhau chiếm giữ. Lý do thứ hai là nhằm bẻ gãy sự gắn kết giữa  châu Âu và Mỹ, và nhất là đẩy lui sự hiện diện an ninh của Mỹ tại châu Âu ». Nói một cách khác là « bắt Ukraina phục tùng về mặt chính trị ».
 
Các mục tiêu tối đa của Nga và lập trường bất nhất của Trump
Trong tầm nhìn này, mục tiêu trước mắt của tổng thống Nga là đạt được tối đa các yêu sách của mình : Nhượng thổ, thay đổi chế độ, trung lập và giải giáp Ukraina – những đòi hỏi khắc nghiệt mà Kiev khó thể chấp nhận.
 
Trong khi những mục tiêu trên của Nga vẫn là bất di bất dịch, thì tổng thống Trump lại có những lập trường bất nhất. Để có thể mở được đàm phán với Nga, cuối tháng 12/2024, chính quyền Trump đưa ra đề xuất: chấp nhận thực tế các vùng lãnh thổ bị sáp nhập, hình thành vùng đệm phi quân sự do các lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu đảm nhiệm, hoãn việc kết nạp Ukraina vào NATO trong khoảng thời gian 15-20 năm.
 
Tuy nhiên, sau khi đã được phía Nga đồng ý mở đàm phán, Mỹ không còn nói hoãn kết nạp Ukraina vào NATO và thay vào đó là hồ sơ này đã khép lại hoàn toàn. Nguyên thủ quốc gia Mỹ còn có những phát biểu mà nhiều nhà quan sát đánh giá là có lợi cho Nga, đi theo tuyên truyền của Nga: « Ukraina rất có thể sẽ là Nga một ngày nào đó »… Tệ hơn nữa là ông đã có màn hạ nhục tổng thống Zelensky ngoạn mục tại phòng Bầu Dục trước ống kính thế giới.
 
Tất cả những điều đó phải chăng đó là vì ông Trump ham muốn đúc kết nhanh chóng một hiệp ước hòa bình, để có thể được trao giải Nobel Hòa Bình như người tiền nhiệm Barack Obama, theo như một số nhà quan sát ? Hay đó còn là một chiến lược « có tính toán » của ông Trump hòng làm suy yếu mối quan hệ « không gì lay chuyển » Nga – Trung, theo như phân tích của ông Edward Luttwak, nhà sử học, kinh tế gia và chuyên gia về chiến lược, trên trang mạng Unherd ?
 
Học thuyết Gromyko
Thật khó mà đoán được. Tuy nhiên, theo quan sát từ nhà nghiên cứu về Nga Dimitri Minic, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), chủ nhân điện Kremlin « đang thực hiện điều mà ông ấy đã biết cách làm tại Minsk, trong hai năm 2014-2015 : Thúc đẩy phương Tây "làm một công việc bẩn thỉu" là ép buộc Ukraina phải chấp nhận điều không thể chấp nhận ».
 
Chiến thuật này của Nga có ba lợi thế lớn : Làm suy yếu Kiev, bôi nhọ hình ảnh của phương Tây và làm gia tăng hơn nữa nỗi oán giận của người dân Ukraina đối với phương Tây. Và do vậy, Nga chẳng cần phải vội vã đến mức như phương Tây nghĩ để tự trấn an mình : Hoặc ông Trump giúp điện Kremlin đạt được tối đa các mục tiêu đề ra, hoặc các cuộc đàm phán thất bại. Nước Nga, tin rằng có thể giành được thắng lợi trên chiến trường, sẽ tiếp tục cuộc chiến.
 
Cách nhìn này của ông Putin được thể hiện rõ qua cuộc trả lời phỏng vấn gần đây nhất dành cho truyền thông trong nước liên quan đến cuộc đàm phán đầu tiên giữa Mỹ và Nga tại Ả Rập Xê Út và đã được trang Le Grand Continent dịch lại toàn bộ. Khi được hỏi « Ngài có ý định gặp ông Trump khi nào ? », tổng thống Nga đáp rằng cần phải có thời gian để chuẩn bị, xem xét kỹ các lợi ích sống còn của Mỹ hay Nga – « mà Ukraina là một phần ». Theo ông, việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới đòi hỏi « một sự chuẩn bị chu đáo » nếu « người ta muốn rằng cuộc gặp này sẽ cho ra những kết quả ».
 
Về điểm này, nhà cựu ngoại giao Pháp Michel Foucher, được trang Le Grand Continent trích dẫn, lưu ý rằng phương pháp đàm phán của điện Kremlin được tiến hành theo một học thuyết của Gromyko, từng là ngoại trưởng Liên Xô (1957-1985) :
 
« Học thuyết này gồm ba điểm : Hãy đòi hỏi tối đa, kể cả những thứ mà quý vị chưa bao giờ có ; đưa ra các tối hậu thư bởi vì quý vị sẽ luôn có được một phương Tây sẵn sàng đàm phán ; cuối cùng, không nhượng bộ điều gì cả, bởi vì quý vị luôn có được một đề xuất tương tự với những gì quý vị tìm kiếm – và nếu có thể hãy đòi hỏi nữa nhằm có được một phần ba hay một nửa những gì quý vị không có lúc ban đầu ».
 
Chiến thuật « tâng bốc » Trump và đả kích EU
Trong khi chờ đợi, Vladimir Putin có những phương pháp « mềm mỏng » với đồng nhiệm Mỹ. Nguyên thủ Nga hiểu rằng Donald Trump rất « thờ ơ » với số phận của Ukraina khi thường xuyên dọa cắt mọi khoản viện trợ (như đã làm những ngày gần đây), đòi bồi hoàn chi viện Mỹ bằng nguồn tài nguyên của Ukraina. Ông Putin cũng biết rõ là Trump xem thường châu Âu, đang rất sợ hãi khi nghĩ đến viễn cảnh nguồn bảo đảm an ninh của Mỹ tan biến.
 
Thế nên, trong cuộc trả lời phỏng vấn trên, tổng thống Nga tiếp theo lời J.D Vance tại Munich, đã mạnh mẽ đả kích châu Âu, cáo buộc các nhà lãnh đạo khối này « cuồng loạn » tập thể. Khi phủ nhận những chỉ trích cho rằng Nga gây xáo trộn mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, tổng thống Nga cáo buộc giới lãnh đạo châu Âu phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng đang diễn ra, rằng châu Âu đã can dự « trực tiếp » vào cuộc bầu cử Mỹ…
 
Theo ông Dimitri Minic, tổng thống Nga đã biết cách « thao túng » Donald Trump. Một mặt, trong hậu trường, ông từ chối thẳng thừng các đề xuất của Mỹ, tăng cường mối các mối liên minh và đối tác giữa Nga với Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên. Nhưng trước công chúng, ông Putin tâng bốc đồng nhiệm Mỹ và « lẽ thường » của ông Trump, ủng hộ những phát biểu của đồng cấp Mỹ về cuộc chiến tranh Ukraina, « lẽ ra đã không xảy ra » nếu như ông Trump ở vị trí Joe Biden.
 
Đương nhiên, việc tâng bốc Trump chưa phải là yếu tố mang tính quyết định. Điều cốt lõi là sự lãnh đạm của ông Trump đối với số phận của Ukraina và châu Âu. Hành động tâng bốc này chỉ là một cách để điện Kremlin có thể hành động.
 
Không vội vã tạo ra hòa bình
Nếu như các vòng đàm phán với Nga vẫn chưa được bắt đầu, thì một số mục tiêu tối đa của Matxcơva về mặt cơ bản đã đạt được : Chấp nhận việc sáp nhập một số vùng của Ukraina bị Nga chiếm đóng và « Phần Lan hóa » Ukraina, tức là không trở thành thành viên NATO, bao gồm cả lệnh cấm cung cấp vũ khí và lắp đặt cơ sở hạ tầng quân sự Mỹ tại Ukraina.
 
Những ngày sắp tới có lẽ sẽ cho thấy rõ hơn hiệu quả của chiến lược trên của Nga qua việc liệu Mỹ có chấp nhận các điều kiện mà Nga đưa ra trong các cuộc đàm phán chính thức : Loại Zelensky khỏi các cuộc đàm phán và thay đổi chế độ ; Giảm quy mô quân đội Ukraina ; Dỡ bỏ một phần hoặc toàn bộ lệnh trừng phạt của phương Tây và Tạo ra một cấu trúc an ninh mới ở châu Âu, bao gồm cả việc đẩy lùi sự hiện diện của NATO.
 
Điều cuối cùng có thể sẽ là một « nhượng bộ » (tạm thời) vì Matxcơva hiểu rằng NATO và mối liên kết xuyên Đại Tây Dương hiện nay đã suy yếu đáng kể. Điện Kremlin tin rằng họ có thể đạt được mục tiêu này thông qua các biện pháp khác hoặc chờ cho Liên minh tan rã. Theo ông Dimitri Minic, nhờ Trump, điện Kremlin sắp đạt được ba mục tiêu chính của chính sách đối ngoại của Liên Xô và Nga : Giải thể NATO – rào cản chính đối với sự bành trướng của Nga tại châu Âu –, ngắt kết nối Hoa Kỳ với châu Âu và kiểm soát không gian hậu Xô Viết.
 
Bây giờ Putin đã cho Trump thấy rằng ông không vội vàng tạo ra hòa bình như Trump vẫn tin, và rằng Matxcơva đã làm ơn cho Washington khi chấp nhận mong muốn cấp bách của họ về hòa bình. Trong viễn cảnh này, tương lai của Ukraina và Châu Âu có lẽ đen tối hơn bao giờ hết !

Nhận xét

Bài đăng phổ biến