Bài học từ "đêm trước" đổi mới

 
Bài học từ "đêm trước" đổi mới

Không một ai, dù là người thiếu thiện chí, có thể phủ nhận sự đổi mới về nhiều mặt của đất nước ta trong những năm qua. Loạt bài trong “Đêm trước” đổi mới vừa được đăng trên Tuổi Trẻ gợi nhắc những chuyện xảy ra hơn hai chục năm trước mà như là “cổ tích”.
 
Bản thân người viết những dòng này từng phải lò mò ra treo giỏ trước cửa hàng thịt chợ Bến Ngự từ 2-3 giờ sáng để “xí” chỗ xếp hàng mua cho được mấy lạng thịt tem phiếu sau ngày đứa con gái suýt chết vì bữa ăn độn sắn nhiễm độc do bầm dập vì vận chuyển, giẫm đạp, chen lấn trong các kho bãi...
 
So với lịch sử trường tồn của dân tộc, hai chục năm chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi; vậy mà những chuyện loại đó đã trở thành “cổ tích”. Điều đó chứng tỏ công cuộc đổi mới của chúng ta tiến bước nhanh chóng, nhưng mặc nhiên nó cũng minh định rằng những chủ trương, biện pháp duy ý chí thời ấy quả là quá lạ lùng, nếu không muốn nói là kỳ dị.
 
Những câu chuyện “đêm trước”... gợi nhắc một bài bút ký nổi tiếng “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc đăng trên báo Văn Nghệ năm 1987 (thời nhà văn Nguyên Ngọc làm tổng biên tập), kể về sự khốn khổ của người nông dân trong vòng kìm kẹp của cơ chế cũ.
 
Bài ký chấn động đến mức tác giả phải rời quê hương ra “lánh nạn” tại tòa soạn báo Văn Nghệ vì có những kẻ nắm quyền lực lúc đó ở địa phương đe dọa, lên án anh “nói xấu chế độ”!
 
Năm 1994, có dịp đi qua Thọ Xuân, quê hương của bạn văn yểu mệnh họ Phùng, tôi lặng nhìn ra cánh đồng lúa ngậm đòng hớn hở đón mưa và chợt nghĩ: “Giá như Phùng Gia Lộc được viết bài ký ấy sớm hơn... Giá như anh còn sống đến hôm nay để cùng chung vui với bà con nông dân bên những bồ lúa tràn đầy...”.
 
Gợi nhắc lại câu chuyện này cũng để muốn nói điều cốt yếu hơn: giá như những người lao động - lao động trí óc và lao động chân tay, những chủ thể làm nên lịch sử, được “cởi trói” sớm hơn, giá như những quyết sách đổi mới được thực hiện sớm hơn!
 
Ý nghĩ này có là ảo tưởng hay vô ích không, vì lịch sử không thể lặp lại và sự nghiệp đổi mới thì đã có biết bao thành tựu? Thiết nghĩ vấn đề đặt ra lúc này vẫn cần, hơn thế, vẫn cấp thiết.
 
Chúng ta ai cũng biết nhiều việc đổi mới thực chất là quay trở lại cái cũ - nói chính xác hơn là trở lại với “cơ chế” hợp qui luật của cuộc sống, hợp lòng dân (như việc bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, trả lại quyền lợi của người nông dân trên mảnh đất của mình...).
 
Những điều đó hoàn toàn không phải nhọc công “nghiên cứu” cả chục năm trời (tính từ khi kết thúc chiến tranh đến năm 1986) mới đổi mới được, nếu người cầm quyền không tự bó mình trong khuôn phép lỗi thời, thật sự chịu lắng nghe những đòi hỏi của cuộc sống, của nhân dân.
 
Không phải chỉ là “chuyện cũ”, ngay hôm nay vẫn còn không ít những qui định, “cơ chế” trái qui luật cuộc sống, kìm hãm sự phát triển của đất nước, gây trở ngại cho nhân dân.
 
Vì thế, bài học “đêm trước” đổi mới vẫn mang ý nghĩa thời sự, nhất là lúc các địa phương đang tổ chức đại hội Đảng, tiến tới đại hội toàn quốc của Đảng - nơi thật sự có quyền lực cao nhất quyết định phạm vi và tiến trình tiếp tục công cuộc đổi mới các mặt hoạt động của mỗi địa phương và của cả đất nước ta trong giai đoạn sắp tới.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến