Đêm trước đổi mới: 13-Uy quyền của lòng dân

 
Đêm trước đổi mới:
13-Uy quyền của lòng dân

Đổi mới trong quan điểm tư tưởng, tư duy từ mỗi con người, đơn vị đến toàn Đảng toàn dân bằng cách tự nhận thức và thuyết phục...
 
Đổi mới không đổ vỡ
Chúng ta không có một văn bản nào chính thức định hướng, hướng dẫn đổi mới; cũng không có ai tuyên bố đổi mới từ đâu, lúc nào, cách nào... Toàn xã hội chung nỗi bức xúc bởi những khó khăn, thiếu thốn, ngột ngạt... Và từ trong mọi ngõ ngách cuộc sống đều khao khát thay đổi để thoát khỏi những khó khăn hiện tại.
 
Thế là từ những hợp tác xã nhỏ bé đã tìm ra khoán nông nghiệp, từ một công ty đã mạnh dạn phá bỏ chỉ tiêu, một địa phương âm thầm gạt bỏ cơ chế tem phiếu... hợp thành một cuộc đại cách mạng. Mỗi bước đột phá là thêm một sáng tỏ cho con đường đi tiếp. Mục tiêu mỗi đột phá chưa phải là cơ chế thị trường hay những gì lớn lao mà chỉ là nhằm giải quyết những ách tắc, bất hợp lý của cơ chế cũ.
 
Và tới một ngày chúng ta cùng đến một bờ bến mới thì vỡ lẽ ra rằng: cơ chế thị trường là cái đã được lịch sử lựa chọn. Đổi mới ở VN là đòi hỏi của đời sống toàn xã hội đưa đến, là loại đường mà cứ đi rồi mới thành đường.
 
Ông Đặng Phong hiện là trưởng ban lịch sử kinh tế của Viện Kinh tế VN. Ông đã hoàn thành các chuyên đề nghiên cứu về lịch sử kinh tế thời trước 1986 như Những mũi đột phá trong kinh tế trước năm 1986, Long An bước sang cơ chế một giá và Những cuộc phá rào ở An Giang.
 
Trong khi ở Liên Xô, Đông Âu, những cuộc lột xác gây biến động dữ dội nên thường đổ máu hoặc gánh chịu những đau đớn, mất mát lớn. Ở Trung Quốc, đó là tổng hợp thực tiễn, chuẩn bị tư tưởng, lý luận từ trên sau đó triệt để áp dụng xuống dưới. Cách riêng của VN là đổi mới từ dưới lên, sinh động và vừa đổi mới vừa chỉnh sửa.
Tức là kết quả cụ thể tinh lọc lấy hạt nhân sau đó lựa chọn áp dụng rộng. Điều này hay ở chỗ không khủng hoảng chính trị, không có sự xung đột giữa các lực lượng xã hội; có kết quả đúng rồi thì mới tiến hành. Tuy nhiên hạn chế ở chỗ: chậm, dò dẫm, thiếu triệt để và rất khó. Khó vì nó cần những yếu tố đặc biệt mới có thể tiến hành.
 
Trong quá trình đổi mới tư duy, chúng ta có các quan điểm đối lập nhau tạm gọi là bảo thủ và đổi mới. Những sự khác nhau không giải quyết bằng phân cực, chia rẽ, đối lập mà chờ đợi và thuyết phục, rồi từng bước khắc phục những khác biệt.
 
Và như vậy sự tháo gỡ, thay đổi không gây đổ vỡ; năng động không làm hỗn loạn; trái qui định nhưng không mất tính tổ chức. Đổi mới chín dần trong nhận thức có thể sớm hơn ở chỗ này, người này và chậm hơn ở chỗ khác, người khác. Thậm chí ngay trong một người mặt này hăng hái cải cách, mặt khác bảo thủ, nguyên tắc... Có lúc chính người lập ra hàng rào thì sau này lại đồng thuận đi phá hàng rào.
 
Những người “cầm còi” nào còn khư khư với cơ chế cũ và gây ách tắc cho việc tháo gỡ thì chính họ lại bị “huýt còi”. Nhưng đây không phải là sự thanh trừng nặng nề mà rất nhẹ nhàng, thường là thuyên chuyển công tác, tức là chỉ giao “còi” cho người khác mà thôi.
 
Những mũi đột phá ở VN rất đặc biệt vì không trực diện “tuyên chiến” với chính sách, chủ trương mà thường lách qua một cách tinh tế, tự nhiên. Nếu chính sách là bức tường thành thâm nghiêm cũ kỹ thì mũi đột phá không phải trọng pháo để bắn phá mà nó chỉ là những mũi dao, bay như đồ nghề thợ xây lách qua từng kẽ gạch. Đến một lúc những mũi dao, bay này có thể tháo dỡ cả một bức tường mà không gây đổ nát, kinh động. Thậm chí còn bảo quản được nhiều chất liệu dùng cho công trình mới.
 
Chúng ta đã lựa chọn một con đường vòng khá dài và tốn kém, mà ban đầu chúng ta vững tin rằng đó là con đường thẳng, ngắn nhất, dễ đi nhất và đi nhanh nhất. Còn cái xa lộ thông thường của qui luật lịch sử thì đã từng bị ngộ nhận là con đường vòng nguy hiểm, đầy tai họa và khổ đau, cần và có thể bỏ qua nó, nên đã đặt ở đó nhiều loại biển cấm và biển báo “nguy hiểm”.
 
Đổi mới là một cuộc đại uốn nắn lộ trình, tìm lại được xa lộ của qui luật, từ đó cỗ xe của chúng ta đi thênh thang, nhanh hơn, đỡ vất vả hơn. Còn các cuộc đột phá chính là việc nhổ dần những biển cấm và biển báo sai qui luật, để đưa chúng ta về xa lộ.
 
Bản thân việc đi nhổ những chiếc biển báo “nguy hiểm” hẳn cũng là việc nguy hiểm. Thật thú vị là hầu hết những người đi đầu trong các mũi đột phá quan trọng đều từng là những chiến sĩ cách mạng kiên trung trong bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng. Đó là Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Chính, Nguyễn Văn Hơn... đã bao năm lăn lộn trong máu lửa kháng chiến chống Mỹ.
 
Những con người như thế khó ai có thể nghi ngờ lập trường, phẩm chất của họ. Nói đúng hơn là rất khó “bắt tội” chống CNXH của họ. Vì vậy họ tồn tại và họ có điều kiện để vận động, thuyết phục... Sự nghiệp cách mạng và kháng chiến đã cho những hiệp sĩ ấy tấm “áo giáp” để đột phá cho cả những khó khăn ở thời bình.
 

Câu chuyện muôn đời
VN tuy đã trải qua nhiều cuộc cải tạo XHCN mạnh tay nhưng nền kinh tế tự do như chợ búa, quán xá, các cơ sở sản xuất tư nhân, hệ thống tư thương xưa gọi là phe phẩy vẫn luôn tồn tại bên cạnh nền kinh tế quốc doanh.
 
Nó được ví như cái bướu lạc đà. Tuy nó “chia bớt” nguồn dinh dưỡng từ cơ thể kinh tế XHCN để tồn tại nhưng khi quốc doanh gặp khó khăn như thiếu hàng hóa, đói nguyên liệu, không mua không bán được... thì cái bướu đó lại nuôi sống cơ thể xã hội. Đây cũng là lý do góp phần giải thích tại sao khi mô hình kinh tế cổ điển khủng hoảng thì toàn bộ nền kinh tế và đời sống xã hội ở các nước Đông Âu bị khủng hoảng trầm trọng, còn ở VN thì nhẹ nhàng hơn.
 
Bên cạnh đó phải nhớ rằng kể từ sau năm 1975 chúng ta đã có một nửa đất nước là xứ sở của nền kinh tế thị trường. Gần như toàn bộ miền Nam không chỉ kế thừa nền kinh tế thị trường trước đó mà còn được tiếp sức từ nguồn lực nước ngoài và Việt kiều với khoảng vài trăm triệu USD mỗi năm.
 
Tôi gọi điều này là “quyền uy của lòng dân”. Thật ra đó vẫn là câu chuyện muôn đời của hai chữ “vì dân”. Đất nước trải qua bao nhiêu gian nan, bi thương bởi chiến tranh. Đến khi hòa bình, thống nhất ai cũng thấy rằng tất cả mọi người trên đất nước này đều xứng đáng, đều rất cần một cuộc sống no ấm, đủ đầy hơn bao giờ hết.
 
Vậy nên khi đời sống quá thiếu thốn, khủng hoảng ngày một trầm trọng thì những người nắm công quyền cũng không nỡ thực hiện cải tạo một cách triệt để đến mức cắt bằng hết sinh kế của dân. Chẳng lẽ anh cán bộ có thể bắt một bà má (như bà má nào đó đã từng nuôi giấu anh) về tội bà đem con gà, nải chuối hay ống gạo đi bán?...
 
Mặt khác, ai cũng nhớ rằng mới đây thôi khi cán bộ và quần chúng, Đảng và dân luôn sát cánh bên nhau chia ngọt sẻ bùi, nhân dân không ngại hi sinh bất cứ thứ gì cho CNXH, thì nay làm sao có thể đẩy nhau vào thế đối địch, xử cạn tàu ráo máng với nhau được.
 
Văn kiện Đại hội VI chuẩn bị trong một thời gian dài tốn nhiều công sức, tiền của nhưng khi thấy không phù hợp, dù thời điểm đại hội đã cận kề thì vẫn phải sửa lại gần như toàn bộ. Nếu thiếu sự quyết đoán đó chúng ta chưa được như hôm nay. Nếu như quyết định sớm hơn thì nay khoảng cách của VN với các con rồng châu Á không phải là lớn và có lẽ ta không thua các nước mạnh trong khu vực.
 
Trước đây ta có thể “nhờ” hiện tượng xé rào để khám phá chính mình. Nhưng nay nếu ta tham dự sân chơi chung thì ở tầm vĩ mô ta phải nhìn xa trông rộng, dựa vào sức mạnh tổng thể để khai thác thế giới, loại bỏ sự khác biệt về thế hệ và quá khứ cũng như những nghi kỵ, bè phái. Tính Đảng hay CNXH xét cho cùng cũng chính là vì sự giàu mạnh của đất nước, vì những gì mà nhân dân đồng tình.
 
ĐẶNG PHONG (chuyên gia sử kinh tế VN)QUANG THIỆN ghi
======================================================
Nói đến bài học của đột phá kinh tế thời bao cấp, tôi rất tâm đắc với đánh giá của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt, đó là chúng ta hãy cẩn thận khi phân biệt ranh giới giữa đột phá, sáng tạo và sự chệch hướng. Trước đây, chính những thái độ do dự, đề phòng đã trở thành lực cản của nhiều nhân tố mới.
 
Những thái độ đó đã nhân danh tính Đảng, chủ nghĩa xã hội qui cho cái mới là chệch hướng. Nhưng cuối cùng những điều tưởng là chệch hướng ấy lại là đúng. Cái giá chúng ta phải trả ở đây là: đất nước mất thêm hàng chục năm thử thách, xã hội mất đi cơ hội phát triển, bánh xe lịch sử lỡ mất cuộc đua... một cách xót xa.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến