Trễ nhất là từ thế kỷ 18, hai từ "nhạc phụ" và
"nhạc mẫu" đã xuất hiện trong tiếng Việt và được sử dụng phổ biến đến
ngày nay. Nhiều người biết phụ là cha, mẫu là mẹ, song nhạc là gì không phải ai
cũng biết. Có lẽ bản thảo viết tay Dictionarium Anamitico-Latinum (1772) của
P.J.Pigneaux là một trong những từ điển đầu tiên ghi nhận 2 từ ghép này kèm
theo chữ Hán: nhạc phụ (岳父), nhạc mẫu (岳母). Về nghĩa, trong Đại Nam Quấc âm tự vị (1895), Huình-Tịnh Paulus Của chú
giải: nhạc phụ là cha vợ, nhạc mẫu là mẹ vợ. Bây giờ, thử đi tìm từ nguyên của
hai thuật ngữ này. Nhạc phụ (岳父) có nguồn gốc từ câu chuyện Trương Thuyết (667 - 731) thời Đường Huyền
Tông. Ngày nọ, sau khi hoàng đế dâng lễ vật cúng bái các vị thần tại Thái Sơn
(ngọn núi đầu tiên trong Ngũ Nhạc), tể tướng Trương Thuyết (có tài liệu phiên
là Trương Duyệt) liền phong chức cho con rể Trịnh Dật lên hàng ngũ phẩm và ban
y phục màu đỏ. Tuy nhiên, theo quy định của nhà Đường lúc bấy giờ, sau nghi thức
lễ hiến tế, tất cả các quan dưới Tam Công đều bị giáng một bậc. Huyền Tông kinh
ngạc hỏi Trịnh Dật, nhưng Trịnh Dật không dám trả lời. Hoàng Phan Xước đứng gần
đó bèn tâu với vua: "Đó là sức mạnh của Thái Sơn vậy"(Thử Thái Sơn lực
dã). Câu Hoàng Phan Xước nói đó hàm có hai ý: một là nhờ dịp tế phong thiện núi
Thái Sơn; một là nhờ sức của cha vợ. Từ đó về sau, ở Trung Quốc, con rể bắt đầu
gọi cha vợ là Thái Sơn. Do Thái Sơn còn có tên khác là Đông Nhạc nên Trương
Thuyết còn được gọi là nhạc phụ hoặc nhạc ông. Trong tập 16 của Thổ Phong Lục, một bộ từ điển 18 tập do Cố Trương Tư
biên soạn vào thời nhà Thanh, có câu: "thê phụ diệc viết nhạc phụ, hoặc
xưng viết Thái sơn" nghĩa là "cha vợ gọi là nhạc phụ hoặc là Thái
Sơn". Trên Thái Sơn có hòn núi tên là Trượng Nhân Phong (do hình trạng giống
như một ông già) nên cha vợ còn được gọi là nhạc trượng hoặc trượng nhân phong.
Từ nhạc trượng (岳丈) xuất phát từ nhan đề bài Đại thọ nhạc trượng của tiến sĩ Hoàng Công Phụ,
người đã sáng tác bài thơ thất ngôn này thời nhà Minh để kỷ niệm ngày sinh của
cha vợ ông. Nhạc mẫu (岳母) xuất phát từ cụm từ "nhạc mẫu lậu chi" trong quyển Cao Trai mạn
lục của Tăng Tháo thời nhà Tống. Ngoài ra, còn từ khác là Thái Thủy (泰水), một biệt danh dùng để chỉ mẹ vợ,
xuất phát từ quyển Kê lặc biên do Trang Xước biên soạn vào cuối thời Bắc Tống.
Trong quyển nghiên cứu văn bản này, Trang Xước giải thích: "Thái thủy, vị
trượng mẫu dã" (Thái thủy có nghĩa là mẹ vợ). Từ xưa đến nay, từ ghép nhạc phụ và nhạc mẫu thường được dùng trong những
trường hợp trang trọng, đặc biệt là trong văn viết, chẳng hạn như: "Kính
thăm nhạc phụ từ mẫu song thân" (tr.125) hay "nhạc mẫu" (tr.608)
trong quyển Dictionarium latino-anamiticum (1838) của Jean Louis Taberd. Trong những trường hợp ít trang trọng hơn, người ta thường sử dụng từ ông
nhạc và bà nhạc thay cho nhạc phụ và nhạc mẫu. Điều này đã được ghi nhận trong
quyển Dictionnaire annamite-francçais (langue officielle et langue vulgaire) của
Jean Bonet, xuất bản năm 1899: nhạc phụ, beau-père (père de l'épouse) - ông nhạc;
nhạc mẫu, belle-mère (mère de l'épouse) - bà nhạc (tr.50). Cuối cùng, theo Đại Nam Quấc âm tự vị (sđd), người Việt xưa đã sử dụng từ
nhạc (岳) với nghĩa chung là
"cha mẹ vợ" hoặc gọi cha vợ là nhạc phụ, nhạc trượng, nhạc gia hoặc
ông nhạc; và gọi mẹ vợ là nhạc mẫu hoặc bà nhạc.
Nhận xét
Đăng nhận xét