Biên giới phía bắc năm 1979:
Bài học nằm lòng
46 năm đã trôi qua, song những bài học rút ra từ cuộc chiến
đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc tháng 2/1979 vẫn vô cùng quý giá, đặc
biệt trong bối cảnh hiện nay.
Ngày 17/2 đúng 40 năm trước, 600.000 quân Trung Quốc đã tràn sang Việt
Nam. Cuộc chiến này tuy ngắn nhưng để lại thương vong nặng nề cho cả đôi bên và
đẩy quan hệ hai nước vào tình trạng đóng băng trong một thời gian rất dài sau
đó.
Mặc dù vậy, trải nghiệm đau thương này cũng giúp chúng ta đúc kết được
nhiều bài học qúy giá, đặc biệt trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông
vẫn còn căng thẳng và tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Có lẽ bài học đầu tiên và lớn nhất có thể rút ra từ cuộc chiến đấu bảo vệ
biên giới phía Bắc của tổ quốc tháng 2/1979 là không được phép đánh giá thấp nỗi
lo sợ của một cường quốc. Các cường quốc vẫn có những mối lo ngại về an ninh và
một khi lo sợ, rất có thể họ sẽ chủ động dùng vũ lực để trấn an bản thân.
Ở thời điểm Trung Quốc tấn công bành trướng chúng ta, tuy không mạnh như
Mỹ hay Liên Xô nhưng nước này vẫn có thể được coi là một nước lớn ở khu vực
Châu Á. Hơn nữa, Trung Quốc khi đó đã phát triển thành công vũ khí hạt nhân, đồng
nghĩa với việc họ có thể răn đe mọi đối thủ có ý định tấn công lãnh thổ của
mình.
Với lãnh thổ rộng lớn, Trung Quốc gần như là một “pháo đài bất khả xâm phạm”
trước kẻ địch. Vì vậy trên lý thuyết, Trung Quốc có ít lý do để lo sợ trước
Liên Xô, bất chấp căng thẳng giữa hai nước.
Thế nhưng từ góc nhìn của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh khi đó thì mọi chuyện
hoàn toàn khác. Điều duy nhất họ thấy là Liên Xô đang tìm cách vây hãm mình từ
tứ phía và Việt Nam sẽ là cái chốt cuối cùng giúp Liên Xô hoàn thành “vòng kim
cô” siết chặt Trung Quốc.
Lịch sử cho thấy người Trung Quốc đã không ít lần phải đối mặt với kẻ địch
hùng mạnh nhưng không bị khuất phục. Dưới triều đại nhà Thanh, Trung Quốc thậm
chí còn bị các cường quốc phương Tây đô hộ và chia năm xẻ bảy song dân tộc này
vẫn tìm được lối thoát.
Nhưng đối với những nhà lãnh đạo Trung Quốc, bản thân việc bị bao vây chiến
lược như vậy đã là một mối đe doạ an ninh nghiêm trọng. Đó là một mối lo sợ vô
hình, vốn chỉ tồn tại trong tâm trí các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc tháng 2/1979 cho thấy
Trung Quốc không chỉ dùng đến vũ lực khi họ muốn bành trướng lãnh thổ, mà họ
còn phát động vũ lực để trấn an bản thân trước các mối đe doạ. Có ý kiến hiện
nay cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không sử dụng vũ lực để giải quyết
tranh chấp Biển Đông bởi dùng vũ lực để chiếm đảo vô cùng rủi ro mà lại có thể
“lợi bất cập hại”.
Điều này tuy có thể đúng nhưng rút kinh nghiệm từ quá khứ, để duy trì được
hoà bình, Việt Nam cần tính đến cả trường hợp Trung Quốc tiến hành xung đột vũ
trang chớp nhoáng ở quy mô hạn chế để “dạy các nước khác một bài học” hay giành
lợi thế trên bàn đàm phán ở các thời điểm nhạy cảm.
Bài học thứ hai rất đơn giản: một nước nhỏ như Việt Nam cần làm mọi cách
để không bị coi là quân cờ trên bàn cờ nước lớn.
Năm 1965, quân đội Mỹ vượt Thái Bình Dương để đến Việt Nam với niềm tin rằng
Việt Nam chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Liên Xô và Trung Quốc. Dưới ảnh hưởng của
“học thuyết domino”, người Mỹ cho rằng Việt Nam là đạo quân tiên phong của khối
xã hội chủ nghĩa và rằng nếu không đánh chặn chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam,
toàn bộ Đông Nam Á sẽ ngả theo Liên Xô.
Trong khi, thực chất Việt Nam là một nước độc lập và chúng ta nhận viện
trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa đơn thuần để phục vụ mục tiêu thống nhất đất
nước chứ không phải để giúp cho Liên Xô giành lợi thế trong Chiến tranh Lạnh ở
Châu Á.
Năm 1979, Trung Quốc sử dụng vũ lực bành trướng sang biên giới chúng ta
cũng vì họ nghĩ rằng Việt Nam đưa quân sang Campuchia để lật đổ chế độ Khơ Me đỏ
diệt chủng chỉ để giúp Liên Xô kiểm soát Đông Dương. Trong khi thực chất đây
hoàn toàn là hành động tự vệ chứ không nhằm bao vây họ.
Hết lần này đến lần khác, chúng ta đều chịu thiệt bởi các nước không nhận
ra rằng người Việt Nam chiến đấu vì lợi ích của dân tộc Việt Nam chứ không phải
bất kỳ thế lực nào khác.
Nhìn vào vấn đề Biển Đông hiện nay, Việt Nam có lợi ích trong việc thắt
chặt quan hệ quốc phòng với Mỹ và tất cả các nước muốn duy trì hoà bình cũng
như tự do hàng hải trong khu vực. Nhưng cần tránh để bị hiểu lầm rằng Việt Nam
đang ngầm phối hợp với nước này để kiềm chế nước kia. Để làm được điều này,
chúng ta cần những sự hợp tác thực chất nhưng không khoa trương và đặc biệt
tránh những tuyên bố dễ gây hiểu lầm về lập trường đối ngoại – quốc phòng của
ta.
Cuối cùng, cách Trung Quốc chuẩn bị cho cuộc bành trướng biên giới cho thấy
họ tuy sẵn sàng sử dụng vũ lực nhưng vẫn hết sức cẩn trọng. Trước khi đưa quân
sang Việt Nam, lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc đã đích thân sang Mỹ, Nhật Bản
và các nước láng giềng chủ chốt để vận động ngoại giao và cô lập Việt Nam. Bắc
Kinh đã chuẩn bị hết sức kĩ lưỡng cho cuộc chiến này và họ chỉ tấn công chúng
ta khi đã chắc rằng cộng đồng quốc tế sẽ không lên án hay phản ứng một cách mạnh
mẽ. Nói cách khác, việc cô lập chúng ta về mặt ngoại giao có thể xem như một
trong những điều kiện cần để họ phát động cuộc bành trướng vào năm 1979.
Người Trung Quốc đặc biệt quan tâm tới dư luận quốc tế nên có lý do để
tin rằng ngày nào Việt Nam còn được sự ủng hộ ngoại giao của cộng đồng quốc tế,
đặc biệt là Mỹ và các nước phương Tây, ngày đó Trung Quốc còn động lực để hành
xử kiềm chế. Để tránh rơi vào tình trạng cô lập, Việt Nam cần chứng minh rằng
mình là một thành viên tích cực của cộng động quốc tế trong nhiều vấn đề dù
không trực tiếp ảnh hưởng tới lợi ích của ta, đồng thời hành xử kiềm chế trong
các cuộc khủng hoảng như sự kiện giàn khoan HD-981 năm 2014.
Những bài học trên có thể giúp Việt Nam tránh một cuộc đụng độ với Trung
Quốc trong tương lai nhưng nó không thể giúp ta có được một môi trường thực sự
hoà bình. Một dạng “hoà bình nóng” vốn chưa bao giờ là một trạng thái ổn định.
Là nước nhỏ cạnh một nước lớn, chìa khoá để chúng ta có thể đảm bảo an ninh về
lâu dài vẫn là quan hệ hữu hảo với láng giềng phương Bắc. Điều này chỉ đạt được
khi hai bên có thể cùng nhau xây dựng lòng tin chiến lược, trước hết qua việc
dám nhìn thẳng vào lịch sử, chấp nhận quá khứ nhưng bàn về tương lai.
Nhận xét
Đăng nhận xét