Việt Nam tính toán gì khi mua tên lửa chống hạm BrahMos của
Ấn Độ?
Gần đây, truyền thông Ấn Độ cho biết Việt Nam và Ấn Độ bước vào giai đoạn
cuối quá trình đàm phán mua tên lửa chống hạm BrahMos. Thông tin Việt Nam muốn
mua tên lửa BrahMos của Ấn Độ xuất hiện lần đầu từ năm 2012, cách đây 13 năm.
Sau đó, thông tin này tiếp tục xuất hiện qua nhiều năm, từ 2013, 2014, 2015,
2016, đến năm 2020, năm 2022, 2023 và mới đây, cuối năm 2024.
Tại sao quá trình Việt Nam đàm phán mua tên lửa BrahMos từ Ấn Độ lại kéo
dài suốt 13 năm qua, cho đến nay mới bắt đầu “bước vào giai đoạn cuối”, như
truyền thông Ấn Độ đưa tin? Tên lửa BrahMos có gì để Việt Nam đàm phán lâu như
vậy?
Tại sao đàm phán quá lâu?
Trao đổi với RFA, Tiến sỹ Nagao Satoru, giảng viên về an ninh quốc tế ở Đại
học Gakushuin, Tokyo, cho biết Việt Nam là quốc gia đầu tiên Ấn Độ dự định xuất
khẩu tên lửa BrahMos đến. Tuy nhiên, do BrahMos là sản phẩm hợp tác phát triển
giữa Ấn Độ và Nga, Nga đã không cho phép Ấn Độ bán tên lửa cho Việt Nam. Tại
sao lại như vậy?
“Lý do rất đơn giản: Việt Nam là thị trường vũ khí chính của Nga. Nếu Ấn
Độ bán BrahMos cho Việt Nam, Ấn Độ hưởng lợi còn Nga thì không. Nga hoàn toàn
thoải mái khi Ấn Độ bán BrahMos cho Philippines vì lâu nay Philippines là thị
trường vũ khí của Hoa Kỳ. Đó là lý do Philippines nhận được lô tên lửa BrahMos
đầu tiên từ Ấn Độ vào tháng Tư năm 2024 trong khi đến nay Việt Nam vẫn chưa đàm
phán xong.” Tiến sĩ Nagao Satoru giải thích.
Việc mua bán tên lửa BrahMos của Ấn Độ từ Việt Nam không chỉ gặp trở ngại
từ phía Nga trước đây mà còn do tính toán của phía Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học UNSW Canberra, Australia, cho
biết công nghệ tên lửa BrahMos kết hợp 60% công nghệ Ấn Độ và 40% công nghệ
Nga. Trước khi cuộc chiến Ukraine nổ ra đầu năm 2022 thì việc đàm phán Việt Nam
- Ấn Độ không thuận lợi, do nội bộ Việt Nam đặt vấn đề tại sao không mua trực
tiếp một loại tên lửa của Nga mà lại dùng tên lửa “kết hợp hổ lốn” giữa Nga và Ấn
Độ. Nhưng sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, Nga bị cấm vận và bị kẹt nguồn cung
vũ khí, việc mua tên lửa BrahMos từ Ấn Độ trở thành lựa chọn tốt hơn cho Việt
Nam.
Theo trang tin Naval News (Tin tức Hải quân) ở Pháp, trong triển lãm quốc
phòng cuối năm 2024 vừa qua, Việt Nam đã trưng bày một số loại tên lửa do chính
mình tự chế tạo. Đó là dòng tên lửa đất đối hải, Sông Hồng VSM-01A và Trường
Sơn VCS-01, tức là tên lửa đặt trên đất liền để tấn công tàu chiến trên biển.
Câu hỏi đặt ra là nếu Việt Nam đã có tham vọng tự chế tạo, sản xuất tên lửa thì
tại sao lại phải đi mua tên lửa Ấn Độ?
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương lý giải:
“Việt Nam đã thực hiện dự án chế tạo tên lửa từ 2014, đến nay đã được mười
năm. Đây cũng là điểm khiến Việt Nam băn khoăn: Nếu đã có tên lửa nội địa rồi
thì có nên mua của Ấn Độ nữa không, khi mà tên lửa của Ấn là một kiểu kết hợp
“năm cha ba mẹ” giữa Nga và Ấn? Đó cũng là điểm khiến cho quá trình đàm phán
mua tên lửa BrahMos của Ấn Độ bị chậm lại, tiến không được mà lui cũng không
xong.”
Theo South China Morning Post, dự án mua tên lửa BrahMos của Việt Nam có
bao gồm cả “chuyển giao công nghệ”. Đó là công nghệ gì của loại tên lửa này? Đó
là công nghệ động cơ, theo lý giải của nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương, Việt
Nam vẫn chưa làm chủ được một số công nghệ cốt lõi, đặc biệt là công nghệ động
cơ tên lửa.
Năng lực công nghệ yếu kém khiến cho Việt Nam không dễ thực hiện tham vọng
tự chế tạo tên lửa. Việt Nam có ý định hợp tác với Nga để làm chủ công nghệ động
cơ tên lửa, ông Nguyễn Thế Phương cho biết, tuy nhiên, ý định này không còn khả
thi sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra. Nhà nghiên cứu về quân sự và an ninh ở Đại
học UNSW Canberra giải thích lý do Việt Nam bỗng chuyển sang “thèm khát” tên lửa
BrahMos của Ấn Độ:
“Đó là tên lửa siêu thanh, chống tàu chiến. Trong đó, động cơ của BrahMos
là công nghệ Việt Nam mãi vẫn chưa làm được. Do Việt Nam không thể tiếp thu trực
tiếp công nghệ động cơ tên lửa của Nga, việc tiếp cận tên lửa BrahMos trở thành
con đường khả thi nhất trong việc phát triển năng lực công nghệ tên lửa của nước
này.”
Tại sao Việt Nam chọn tên lửa BrahMos?
Theo thông tin của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở
Washington DC, tên lửa BrahMos là tên lửa bay nhanh hơn tốc độ âm thanh, khoảng
từ 2000 km/h đến 2800 km/h.
Với tầm bắn khoảng 290 km cho phiên bản xuất khẩu, liệu Việt Nam có thể
dùng BrahMos vào việc gì? Dễ hiểu. Không nói ra nhưng ai cũng hiểu tên lửa chống
hạm BrahMos dùng để răn đe Trung Quốc, người láng giềng phía bắc với tham vọng
bành trướng trên Biển Đông.
Trên Biển Đông, Trung Quốc có hai trung tâm hải quân lớn, một đặt tại đảo
Hải Nam và một đặt tại quần đảo Trường Sa với “bộ ba” đá Chữ Thập, đá Subi và
đá Vành Khăn.
Trao đổi với RFA, Tiến sỹ Nagao Satoru nhận định rằng những căn cứ nói
trên trực tiếp đe dọa an ninh quốc gia của Việt Nam. Các chiến hạm và tàu hải cảnh
Trung Quốc đi vào Biển Đông, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương chủ yếu xuất phát từ
Hải Nam. Mặt khác, đối với Hải quân Trung Quốc, đảo Hải Nam là “Hawaii đối với
Hải quân Hoa Kỳ.” Nếu Việt Nam sở hữu tên lửa chống hạm đủ sức “răn đe” các chiến
hạm Trung Quốc tại căn cứ hải quân ở Hải Nam hoặc khi chúng vừa mới rời khỏi
hòn đảo, Trung Quốc sẽ phải “nghĩ lại” nếu nghĩ tới biện pháp động binh. Đó là
lý do tên lửa BrahMos rất hữu ích cho Việt Nam.
Theo Stephen W. Miller, cựu sĩ quan Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ và là một
cây bút bình luận về quân sự, cho biết trên tờ Asian Military Review rằng tên lửa
BrahMos có tính năng “bắn rồi quên”, tức là chỉ cần bắn ra, tên lửa sẽ tự tìm mục
tiêu, tương tự tên lửa chống xe tăng Javenlin. Vậy phải chăng Việt Nam muốn sở
hữu tên lửa BrahMos để răn đe lực lượng hải quân Trung Quốc?
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học UNSW
Canberra, Australia, cho biết để khóa đảo Hải Nam thì Việt Nam đã sử dụng tên lửa
Scud và tàu ngầm Kilo có tên lửa đối đất. Tên lửa BrahMos chống chiến hạm sẽ được
sử dụng phối hợp với Scud và tên lửa từ tàu ngầm Kilo. Ngoài ra, BrahMos cùng với
tên lửa từ tàu ngầm Kilo và Scud từ đất liền sẽ phối hợp với không quân (máy
bay Sukhoi cũng mua của Nga) tạo thành một thế trận liên hoàn nhiều lớp để tăng
cường sức răn đe.
Bên cạnh đó, khả năng phối hợp với các vũ khí khác của BrahMos rất mạnh
vì nó có nhiều phiên bản, có phiên bản chống chiến hạm trên biển và phiên bản tấn
công căn cứ cố định. Nó có nhiều bệ phóng khác nhau, tương ứng với các phiên bản
khác nhau: bệ phóng trên chiến xa, trên tàu chiến và trên máy bay chiến đấu.
Ngoài ra,tên lửa BrahMos là tên lửa BrahMos là vũ khí hiệu quả về mặt chính trị
và tiết kiệm chi phí đối với các quốc gia nhỏ. Tàu hải quân đắt tiền, nhưng tên
lửa thì không. Tầm bắn của tên lửa BrahMos gửi một thông điệp rõ ràng đến kẻ
thù tiềm năng: “chỗ chúng tôi là vùng nguy hiểm”, theo lý giải của TS. Nagao
Satoru.
Tên lửa tấn công BrahMos có phải là giải pháp bảo vệ hòa
bình?
Không chỉ Việt Nam mà năm ngoái, tháng Tư năm 2024, Philippines đã nhận
lô tên lửa BrahMos đầu tiên từ Ấn Độ. Indonesia cũng sắp hoàn tất đàm phán
thương vụ tên lửa chống hạm BrahMos. Tại sao không chỉ Việt Nam mà nhiều nước
Đông Nam Á khác như Philippines và Indonesia cũng “chọn mặt” Ấn Độ để “gửi
vàng” tên lửa chống hạm?
Trước sức bành trướng của Trung Quốc, các nước láng giềng xung quanh người
khổng lồ này đã tự họ đi những nước cờ riêng, không phối hợp với nhau. Tuy
nhiên, các nước cờ riêng lẻ này vô hình chung đã tạo thành một thế trận vô
hình, khiến cho Trung Quốc phải chia nhỏ lực lượng trên mỗi hướng tấn công giả
định của họ. Các chuyển động quân sự của Việt Nam nên được nhìn trong bức tranh
chung này. Đó là nhận định của TS Nagao Satoru.
Theo TS Nagao, cả Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn
Độ và Úc đang đồng thời cải thiện khả năng tấn công của mình, dù họ thực hiện một
cách đơn lẻ và không phối hợp cùng nhau. Điều đó khiến cho Trung Quốc phải chia
nguồn lực để để ứng phó với nhiều phía một lúc. Ngay cả khi có ý định tấn công
một hướng, họ vẫn không thể huy động tổng lực mà vẫn phải để dành lực lượng
phòng thủ các hướng khác. Do đó, tăng cường khả năng tấn công, thay vì chỉ xây
dựng năng lực phòng thủ, là chìa khóa để duy trì hòa bình của các nước láng giềng
xung quanh Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Trong các thảo luận về an ninh quốc gia, có một khái niệm là “no man’s
land” (“vùng đất không bên nào độc quyền kiểm soát”). Gần đây, các nhà quan sát
thảo luận một khái niệm tương tự đối với an ninh hàng hải là “no man’s sea”
(“vùng biển không có bên nào độc quyền, chiếm ưu thế tuyệt đối”). Theo nhà
nghiên cứu Nguyễn Thế Phương, hiện nay, các nước liên quan đến Biển Đông, bao gồm
cả Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, đều phát triển năng lực tấn công tầm
xa trên biển. Điều này đã làm cho Biển Đông trở thành một “no man’s sea”, tức
là vùng biển không bên nào có duy trì sự hiện diện tuyệt đối một khi chiến
tranh nổ ra. Đó là tình huống giúp cho các bên, đặc biệt là Trung Quốc, phải
tính đến cái giá phải trả và không muốn sử dụng “chiến tranh nóng” để giải quyết
tranh chấp mà chuyển sang đấu trí bằng các biện pháp “vùng xám”, nửa quân sự nửa
dân sự.
Trước việc các nước xung quanh Biển Đông như Việt Nam, Indonesia,
Philippines và thậm chí cả Thái Lan, một nước ngăn cách Biển Đông bởi Vịnh Thái
Lan, đã mua hoặc đang xúc tiến mua tên lửa BrahMos từ Ấn Độ, các chuyên gia về
an ninh của Trung Quốc đã gọi Ấn Độ là bên “gây ra bất ổn cho an ninh quốc tế.”
Tại sao các nước Đông Nam Á này, bao gồm cả Việt Nam, lại chọn Ấn Độ thay vì
Hoa Kỳ và các cường quốc khác? Ở phần tiếp theo, RFA thảo luận với các chuyên
gia về câu hỏi này.
Nhận xét
Đăng nhận xét