CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC BIÊN GIỚI - 1979


CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC BIÊN GIỚI
1979
KHÚC QUANH LỊCH SỬ
TRONG QUAN HỆ VIỆT – TRUNG

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng "núi liền núi, sông liền sông". Tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước được hình thành trong quá trình lịch sử và được củng cố và phát triển khi nhân dân hai nước thực sự làm chủ vận mệnh của mình.

Trong quá trình đấu tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đã dày công vun đắp mối tình hữu nghị Việt - Trung.

Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước đã sát cánh bên nhau, giúp đỡ lẫn nhau với tinh thần quốc tế cao cả. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói:

"Mối tình thắm thiết Việt – Hoa
Vừa là đồng chí, vừa là anh em".

Nhưng trên thực tế, lịch sử có những bước thăng trầm. Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã có lúc đi vào một khúc quanh nghiêm trọng.

Ngày 17/2/1979, đánh dấu một "khúc quanh lịch sử" quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Đó là sự kiện Trung Quốc sử dụng lực lượng lớn quân đội có pháo binh, xe tăng yểm trợ tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung.

Cuộc chiến tranh biên giới quy mô lớn diễn ra một tháng, thực chất là một lần "xuất quân lớn" của quân đội Trung Quốc xâm lược trên toàn tuyến biên giới vào Việt Nam.
Chiến tranh đã làm làm cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước bị tổn thương nghiêm trọng.

Sách báo phương Tây gọi sự kiện này là "Anh em đỏ chiến tranh với nhau" (Thời báo New York ngày 19/2/1979).

Đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc thì cuộc chiến tranh là một sự thực đau lòng.

Vì sao chiến tranh lại xảy ra?

Ngày 30/4/1975, sau khi giành được thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân Việt Nam luôn luôn mong muốn xây dựng đất nước trong hòa bình, song đã phải đối phó với cuộc chiến tranh trên biên giới Tây Nam do nhà cầm quyền "Cam-pu-chia dân chủ" (Khmer Đỏ) do Pôn Pốt, Iêng-Xari đứng đầu gây ra.

Cuối năm 1978, đầu năm 1979, sau khi kiên quyết giáng trả hành động xâm lấn lãnh thổ của quân đội "Cam-pu-chia dân chủ", theo lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với các lực lượng cánh mạng Cam-pu-chia đánh đổ tập đoàn phản động Pôn Pốt, cứu nhân dân Cam-pu-chia khỏi họa diệt chủng.

Ngày 7/1/1979, thủ đô Phnôm Pênh hoàn toàn giải phóng, nhân dân Cam-pu-chia thực sự làm chủ vận mệnh của mình.

Hơn một tháng sau, ngày 17/12/1979, hàng chục vạn quân Trung Quốc đã đồng loạt tiến công vào sáu tỉnh biên giới Bắc Việt Nam, gây ra cuộc chiến tranh tàn khốc với nhân dân Việt Nam.

Dù tàn phá tan hoang, tàn sát dã man người Việt trong cuộc chiến Trung Quốc xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc, điều họ không bao giờ làm được là bẻ gẫy ý chí độc lập của dân tộc Việt Nam. Đài tưởng niệm 86 chiến sĩ hi sinh được xây dựng tại nền đồn biên phòng Pò Hèn năm xưa (Ảnh: Lại Cường)
Bằng lực lượng lớn, quân Trung Quốc tập trung đánh vào Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Phong Thổ (Lai Châu) của Việt Nam.

Trên hướng Lạng Sơn, Trung Quốc dùng Quân đoàn 43, 54, 55 đánh chiếm Đồng Đăng, Tam Lung, Lộc Bình và thị xã Lạng Sơn.

Trên hướng Cao Bằng, Trung Quốc dùng Quân đoàn 41, 42 đánh chiếm thị xã Cao Bằng, mỏ thiếc Tĩnh Túc.

Trên hướng Lào Cai, Trung Quốc dùng Quân đoàn 13, 14 đánh chiếm thị xã Lào Cai, mỏ A-pa-tít Cam Đường.

Trên hướng Phong Thổ (Lai Châu), Trung Quốc dùng Quân đoàn 11 đánh chiếm thị trấn Phong Thổ.

Như vậy, Trung Quốc đã dùng tới chín quân đoàn chủ lực, 2.558 khẩu pháo, 550 xe tăng và xe thiết giáp vào cuộc tiến công Việt Nam.

Ở Cao Bằng, quân Trung Quốc tiến sâu vào đất Việt Nam từ 40 đến 45 ki lô mét. Ở Lạng Sơn, Lào Cai, quân Trung Quốc cũng tiến sâu vào đất Việt Nam từ 10 đến 15 ki lô mét.

Các hướng tiến công của quân Trung Quốc ngay trong những ngày đầu đã bị bộ đội địa phương và dân quân, tự vệ Việt Nam chặn đánh.

Trong năm ngày (từ 17-21/2/1979), quân và dân Việt Nam đã đánh thiệt hại nặng 14 tiểu đoàn quân Trung Quốc, bắn cháy và phá hủy 140 xe tăng và xe bọc thép.

Các trận chiến đấu diễn ra quyết liệt trên hướng Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai. Đặc biệt, các trận chiến đấu ở Đồng Đăng và thị xã Lạng Sơn, quân Trung Quốc với nhiều trung đoàn bộ binh, có xe tăng và pháo binh yểm trợ, chia thành nhiều hướng tiến công đồng loạt.

Quân và dân Lạng Sơn đã hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, kiên quyết ngăn chặn các mũi tiến công của quân Trung Quốc.

Chỉ trong ba ngày (27, 28/2 và ngày 1/3), quân và dân Lạng Sơn đã đã đánh thiệt hại nặng và loại khỏi vòng chiến đấu một trung đoàn, ba tiểu đoàn quân Trung Quốc, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh.

Trước sức tiến công mạnh mẽ của quân và dân ta, trước những tổn thất lớn và tình hình dư luận thế giới kịch liệt lên án, phản đối cuộc chiến tranh do Trung Quốc gây ra, ngày 5/3/1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân. Từ ngày 6/3/1979, phía Trung Quốc bắt đầu vừa đánh vừa rút quân.

Đến ngày 20/3/1979, phần lớn quân Trung Quốc rút về bên kia biên giới, số còn lại chiếm đóng khu vực mốc 121 ở Cần Yên, mốc 94 ở Trà Lĩnh, mốc 63 ở Trùng Khánh, mốc 121 Thông Nông.

Trên hướng Lạng Sơn, đối phương còn chiếm đóng hai vị trí là điểm cao 605 giáp Khơ Đa - mốc 15 Đông huyện Văn Lãng và khu vực bình độ 400 huyện Cao Lộc.

Điều đáng chú ý là, sau khi tuyên bố rút quân, Trung Quốc vẫn duy trì 12 sư đoàn và hàng chục trung đoàn độc lập áp sát biên giới Việt Nam, thường xuyên gây tình hình căng thẳng, tiếp tục lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam ở mọi quy mô, thực hiện kiểu "chiến tranh phá hoại nhiều mặt".

Cuộc chiến tranh trên biên giới Việt - Trung diễn ra trong vòng hơn một tháng, được phía Trung Quốc tuyên bố là đã "dạy cho Việt Nam một bài học", "đánh sập huyền thoại về tài bách chiến bách thắng của quân đội Việt Nam".

Nhưng thực tế thì ngược lại, tờ Nhật báo Phố Wall Mỹ, số ra ngày 6/3/1979, dưới đầu đề: "Ai cho ai bài học" đã viết:

"Sau khi tính số lỗ lãi của đòn trừng phạt Việt Nam vừa qua của Trung Quốc, thế giới có thể nhất trí rằng: Trung Quốc đã phải rút khỏi cuộc chiến tranh với uy tín bị tổn thương và mặt mày đầy máu me, thương tích...".

Tiến công Việt Nam, Trung Quốc thực sự đã tiến hành một cuộc "xuất quân lớn" nhằm phá hoại và làm suy yếu Việt Nam, đánh một đòn nặng vào cơ sở kinh tế, vật chất ở các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, làm cho Việt Nam mất thế ổn định.

Hậu quả là nhiều làng mạc, thị xã bị phá trụi, đường giao thông, các thiết bị sản xuất, các cơ sở y tế, trường học... bị phá hoại không hoạt động được.

Các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Cam Đường bị phá hủy hoàn toàn.

330 làng bản, 735 trường học, 428 bệnh viện và trạm xá, 41 nông trường, 38 lâm trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ, 80.000 héc-ta lương thực và hoa màu bị phá hủy.

Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân ở sáu tỉnh biên giới mất nhà cửa, hàng nghìn người Việt Nam, trong đó chủ yếu là các cụ già, phụ nữ và trẻ em bị chết và bị thương...

Ngoài ra, còn có nhiều công trình văn hóa, lịch sử, nhiều nhà bảo tàng ở các địa phương cũng bị đối phương phá hủy.

Cuộc chiến tranh do Trung Quốc phát động đã làm tổn hại mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam và Trung Quốc. Đó là một "khúc quanh lịch sử" trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Cuộc chiến tranh trên biên giới Việt - Trung đã kết thúc. Hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển đã đến với nhân dân hai nước Việt - Trung.

Những đau khổ mà nhân dân hai nước phải gánh chịu trong chiến tranh là bài học xương máu phải được nhận thức đầy đủ.

Nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc đều không muốn chiến tranh. Người Trung Quốc thường nói: "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân" (Cái mà mình không muốn thì đừng gây ra cho người khác). Quá khứ vẫn là quá khứ, nhưng tương lai luôn ở phía trước.

Tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc đang được củng cố và phát triển. Chúng ta mong rằng với bài học của quá khứ và sự nỗ lực của cả nhân dân hai nước theo đúng những nguyên tắc, mà lãnh đạo hai Đảng, hai Chính phủ đã chấp thuận, tình hữu nghị đó sẽ ngày càng phát triển tốt đẹp.

ĐẶNG VIỆT THỦY

Nhận xét

Bài đăng phổ biến