Việt Nam tuyên bố đường cơ sở mới ở Vịnh Bắc Bộ và đảo Bạch
Long Vĩ
Đường cơ sở mới của Việt Nam ở Vịnh Bắc Bộ gồm 14 điểm, gấp đôi số điểm
trên đường cơ sở của Trung Quốc
Chính phủ Việt Nam hôm 21/2 tuyên bố đường cơ sở ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, đảo
Bạch Long Vĩ và khu vực cửa sông Bắc Luân là dòng sông biên giới chảy giữa TP
Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh và TP Đông Hưng thuộc tỉnh Quảng Tây của Trung
Quốc. Tuyên bố này được đưa ra sau một năm Trung Quốc công bố đường cơ sở ở Vịnh
Bắc Bộ với bảy điểm.
Những tuyên bố của Hà Nội và Bắc Kinh về đường cơ sở tại Vịnh Bắc Bộ là
những tuyên bố đầu tiên của cả hai nước và sau khi hai bên đã ký Hiệp định phân
định Vịnh Bắc Bộ vào năm 2000.
Sau khi Bắc Kinh tuyên bố đường cơ sở mới ở Vịnh Bắc Bộ vào tháng 3/2024,
vào tháng 4 cùng năm RFA dẫn các nguồn tin từ Chính phủ Việt Nam biết rõ về sự
việc cho biết Việt Nam cũng dang xem xét để đưa ra đường cơ sở của mình ở Vịnh
Bắc Bộ. Các nguồn tin này không đưa ra chi tiết về kế hoạch này.
Đường cơ sở theo định nghĩa của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển
(UNCLOS) là một đường nối các điểm dọc theo bờ biển của một quốc gia để từ đó
tính chiều rộng lãnh hải và các vùng khác trên biển. Vùng lãnh hải của mỗi nước
được xác định có chiều dài 12 hải lý tính đừ đường cơ sở là nơi quốc gia ven biển
có chủ quyền và quyền tài phán không chỉ đối với vùng nước mà còn cả với vùng
đáy biển cũng như vùng trời tại đó.
Vịnh Bắc Bộ
Đường cơ sở mà Trung Quốc đưa ra ở Vịnh Bắc Bộ được chuyên gia Phan Văn
Song đánh giá là hiện không ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế của Việt Nam ở khu
vực này căn cứ theo Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ hai nước đã ký vào năm
2000, trừ khi Bắc Kinh muốn đàm phán lại Hiệp định này. Tuy nhiên, ông cũng cho
rằng đường cơ sở của Trung Quốc “có thể gây phức tạp cho các hoạt động trên biển
khác ở khu vực”.
Theo Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, đường cơ sở thẳng
của Trung Quốc “dường như đi hơi quá”.
“Nó sẽ dẫn đến sự chồng lấn ở khu vực đặc quyền kinh tế với đường ranh giới
và khu vực đánh cá chung (giữa Việt Nam và Trung Quốc) tại Vịnh Bắc Bộ, “ -
Giáo sư Carl Thayer nói.
Theo vị giáo sư này, đường cơ sở của Trung Quốc cũng có thể dẫn đến khả
năng “Trung Quốc gây sức ép thay đổi Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000 để
mở rộng vùng biển của Trung Quốc.”
Sau khi Trung Quốc công bố đường cơ sở mới, Việt Nam vào ngày 14/3 cùng
năm ra tuyên bố kêu gọi Bắc kinh tôn trọng Hiệp định đã ký kết giữa hai bên vào
năm 2000 và UNCLOS.
Trung Quốc đáp trả rằng việc xác định đường cơ sở ở Vịnh Bắc Bộ là quyền
hợp pháp của Trung Quốc.
Các chuyên gia quốc tế cho rằng đường cơ sở của Trung Quốc trung bình đã
lấn từ 20 đến 30 hải lý (từ 37 đến 55,5 km) vào vùng biển quốc tế, gây ảnh hưởng
nghiêm trọng đến tự do hàng hải ở eo biển Hải Nam.
Đường cơ sở mới tại Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam được xác định căn cứ theo Luật
Biển Việt Nam ban hành ngày 21/6/2012. Theo công bố mới, đường này có 14 điểm,
tức là gấp đôi số điểm trên đường cơ sở bảy điểm Trung Quốc đưa ra trước đó.
Điểm bắt đầu của đường cơ sở của Việt Nam được gọi là A11 tại Đảo Cồn Cỏ
và điểm kết thúc là A24 là Điểm số 1 theo Hiệp định phân định giữa hai nước vào
năm 2000.
Hiện Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán Hiệp định Hợp tác Nghề cá trong
Vịnh Bắc Bộ đã hết hết hiệu lực từ tháng 6/2020.
Theo chuyên gia Isaac Kardon - chuyên gia cấp cao tại Chương trình Châu Á
của Carnegie Endowment for International Peace - “Việc Trung Quốc tái phân loại
các vùng biển tiếp giáp chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm những nỗ lực đàm phán
này”.
Đảo Bạch Long Vĩ
Tuyên bố mới của Việt Nam cũng có đường cơ sở đối với đảo Bạch Long Vĩ và
được xác định là đường ngấn triều thấp nhất dọc theo bờ biển của đảo.
Đây là đảo nằm ở vùng Vịnh Bắc Bộ và là nơi Tổng bí thư Tô Lâm có chuyến
viếng thăm được báo chí Nhà nước đưa tin rầm rộ vào tháng 11 năm ngoái. Chuyến
thăm của ông Tô Lâm đến Bạch Long Vĩ là chuyến thăm đầu tiên của một người đứng
đầu Đảng Cộng sản Việt Nam tới đây kể từ khi hai bên ký Hiệp định phận định Vịnh
Bắc Bộ vào năm 2000.
Trong chuyến thăm hôm 14/11/2024 tới Bạch Long Vĩ, ông Tô Lâm đã kêu gọi
giới chức huyện đảo này “biến nơi đây trở thành pháo đài bảo vệ vùng biển, vùng
trời ta trên vịnh Bắc Bộ”, truyền thông Nhà nước đưa tin.
“Đảo Bạch Long Vĩ có vai trò là cửa ngõ, án ngữ kiểm soát tuyến hàng hải
quốc tế quan trọng, có vai trò là trung tâm hậu cần và trung chuyển cho các hoạt
động quân sự trên biển, một tiền đồn kiểm soát an ninh trật tự trên biển” -
Thông tấn xã Việt Nam loan tin.
Theo Giáo sư Carl Thayer, chuyến thăm này của ông Tô Lâm ngoài việc tìm
hiểu về điều kiện sống và làm việc của người dân địa phương còn có ẩn ý “là nhằm
nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng đảo đối với an ninh quốc gia và quốc
phòng trong chủ quyền của Việt Nam với các đảo và biển”.
Bạch Long Vĩ là đảo xa nhất của Việt Nam tính từ đất liền và là đảo có
người sinh sống lớn nhất ở Biển Đông, với diện tích khoảng hơn 3 km vuông. Đảo
cách Hải Phòng 110 km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 120 km.
Bạch Long Vĩ được bàn giao cho nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
vào tháng 3/1975 nhưng một số nguồn của Trung Quốc đã chỉ trích chính phủ của
Thủ tướng Chu Ân Lai lúc đó là đã nhượng đảo cho Việt Nam.
Vào tháng 12/1992, đảo trở thành huyện đảo thuộc chính quyền TP Hải
Phòng.
Theo Giáo sư Vũ Thanh Ca - nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học biển
và hải đảo Việt Nam - “Hiệp định phân định trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc
đối với Vịnh Bắc Bộ được ký kết vào năm 2000 nhìn nhận Bạch Long Vĩ là đảo của
Việt Nam”.
Ông Ca cũng khẳng định “hoàn toàn không có tranh chấp nào đối với chủ quyền
của hòn đảo này”.
Nhận xét
Đăng nhận xét