Chiến tranh biên giới 1979-1989:
Nhìn lại để trân quý nền hòa bình hiện tại
Bài viết cung cấp cho độc giả cách nhìn nhận về nguyên nhân
của cuộc chiến tranh từ tư liệu hồi ức của các cựu quân nhân Việt Nam.
Tuyên bố của Trung Quốc
Ông Đặng Tiểu Bình - lãnh đạo Trung Quốc đã có những phát biểu, tuyên bố
trước về một cuộc chiến tranh đối với Việt Nam.
Trong chuyến đi thăm Mỹ vào cuối tháng 1, đầu tháng 2/1979, ông Đặng Tiểu
Bình trao đổi với Tổng thống Jimmy Carter về một số chính sách của Trung Quốc,
trong đó nhấn mạnh: “Trung Quốc vẫn phải dạy cho Việt Nam một bài học. Liên Xô
có thể sử dụng Cuba, Việt Nam, và sau đó Afghanistan phát triển thành một nước ủy
nhiệm. Trung Quốc đang tiếp cận vấn đề này từ một thế mạnh. Hành động sẽ rất hạn
chế”.
Khi trao đổi với báo chí Mỹ, ông Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh: “Vai trò của
người Việt Nam sẽ còn tồi tệ hơn người Cuba”. Và rằng: “Chúng tôi gọi người Việt
Nam là những người Cuba của Phương Đông. Nếu bạn không dạy họ những bài học cần
thiết, thì điều đó sẽ chẳng xảy ra”.
Rời nước Mỹ, ông Đặng Tiểu Bình qua Nhật nhằm lôi kéo nước này vào “mặt
trận” cô lập Việt Nam. Trong cuộc trao đổi với Thủ tướng Masayoshi Ohira, ông
nhắc lại quan điểm của Trung Quốc: Việt Nam phải bị “trừng phạt” vì Campuchia
và cam kết: “Duy trì phát triển lâu dài của hòa bình và ổn định quốc tế… [nhân
dân Trung Quốc] sẽ quyết định hoàn thành các nhiệm vụ của chúng ta, và sẽ không
vô ngại những điều cần thiết”.
Đó chính là những lời rào trước, đón sau hay nói cách khác là tuyên bố về
việc sẽ tiến hành cuộc chiến tranh phi nghĩa mà lãnh đạo Trung Quốc quyết ý thực
hiện đối với Việt Nam.
Ngày 17/2/1979, giới cầm quyền Trung Quốc huy động 60 vạn quân chủ lực tấn
công quân sự đối với Việt Nam trên toàn tuyến phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu)
đến Móng Cái (Quảng Ninh) với chiều dài hơn 1.400km.
Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến, Trung Quốc đã đánh thọc sâu vào
lãnh thổ Việt Nam (có những nơi quân đội Trung Quốc vào sâu từ 15 đến 20 km) ở
nhiều tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, tiến hành các cuộc sát hại nhân
dân, đốt phá và cướp bóc các thành phố, thị xã, làng mạc. Với hành động đó,
Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, một quốc gia độc lập,
có chủ quyền và được quốc tế công nhận.
Đáp lại hành động của Trung Quốc, Đảng lãnh đạo quân dân Việt Nam thực hiện
quyền tự vệ chính đáng, tiến hành cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược
ở vùng biên giới phía Bắc.
Trước tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm của quân dân Việt Nam, ngày
5/3/1979, giới cầm quyền Trung Quốc tuyên bố bắt đầu rút quân. Thể hiện thiện
chí hòa bình, khi Trung Quốc rút quân, Đảng và Nhà nước Việt Nam tuyên bố không
truy kích.
Từ ngày 6/3/1979, phía Trung Quốc vừa rút quân, vừa đánh phá, gây thiệt hại
về người và của đối với đồng bào các dân tộc ở một số vùng giáp biên giới.
Đến ngày 18/3, Trung Quốc mới rút hầu hết quân khỏi Việt Nam. Tuy nhiên,
một bộ phận quân chủ lực Trung Quốc “vẫn chiếm đóng trái phép một số nơi thuộc
các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, có nơi sâu trong nội địa Việt Nam từ
200-600m; thường xuyên gây xung đột vũ trang, làm cho tình hình trên tuyến biên
giới tiếp tục căng thẳng kéo dài”.
Từ năm 1980, quân Trung Quốc tiếp tục sử dụng pháo, súng cối bắn phá trên
toàn tuyến biên giới; đồng thời, tổ chức nhiều đợt tấn công lấn chiếm nhiều điểm
trên khu vực biên giới thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trung Quốc lựa chọn Hà Tuyên và lấy Vị Xuyên làm điểm tấn công lấn chiếm
sau ngày 18/3/1979. “Từ một địa bàn được xác định là hướng thứ yếu, Vị Xuyên
nhanh chóng trở thành một điểm nóng, một mặt trận điểm trong chính sách gặm nhấm,
gây xung đột biên giới của nhà cầm quyền Bắc Kinh”.
Cuối năm 1988, giới cầm quyền Trung Quốc cho quân dừng hoạt động pháo
kích sang đất Việt Nam. Đầu năm 1989, quân Trung Quốc rút khỏi các điểm lấn chiếm
lãnh thổ Việt Nam ở Bắc Vị Xuyên và dừng hoạt động lấn chiếm trên toàn bộ tuyến
biên giới phía Bắc Việt Nam.
Đến tháng 10/1989, Trung Quốc rút toàn bộ quân khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đến
đây, cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung mới thật sự chấm dứt.
Ý đồ gây chiến của Trung Quốc
Bên cạnh việc khai thác các tư liệu hồi ký và phỏng vấn về hồi ức của các
cán bộ, cựu quân nhân Việt Nam đã được công bố trên các sách báo, chúng tôi còn
trực tiếp phỏng vấn 3 người từng tham gia chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm
lược trên tuyến biên giới phía Bắc trong những năm 1979-1989.
Một người là đại tá, nguyên Trung đoàn trưởng, tác chiến ở mặt trận Lạng
Sơn năm 1979; một đại tá, nguyên chiến sĩ đồn công an vũ trang, tác chiến ở mặt
trận Cao Bằng, từ năm 1979-1981; và một thượng sĩ, cựu binh trung đoàn, chiến đấu
ở mặt trận Cao Bằng, từ năm 1986-1988.
Các cựu binh Việt Nam cho rằng có 5 nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự bùng nổ
của cuộc chiến:
Thứ nhất,
xuất phát từ tham vọng bá quyền, bành trướng, xâm lược Việt Nam của giới
cầm quyền Trung Quốc. Đại tá N.C.N. - nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn
540, Sư đoàn 338, Quân đoàn 14, tác chiến ở mặt trận Lạng Sơn năm 1979, nói: “Họ
muốn thôn tính mình. Họ muốn mua chuộc mình không nổi, nên họ xâm lược mình. Họ
bắt buộc mình theo họ".
Đại tá N.C.S. nguyên là chiến sĩ đồn công an vũ trang Bí Hà (nay là đồn
biên phòng Thị Hoa, thuộc Hạ Lang), huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng, tham gia chiến
đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ở mặt trận Cao Bằng cho rằng: “Trung Quốc có âm
mưu đánh chiếm vào biên giới của ta. Xâm phạm chủ quyền biên giới. Mục đích của
họ là đánh chiếm thị xã Cao Bằng. Theo Trung Quốc là 'chiến tranh tự vệ', nhưng
họ đánh sâu vào lãnh thổ của ta như vậy thì rõ ràng là họ đã tiến hành một cuộc
'chiến tranh xâm lược'”.
Nguyên nhân thứ hai
của cuộc chiến được các cựu binh Việt Nam lý giải là Trung Quốc muốn đỡ
đòn cho tập đoàn Khmer Đỏ trên chiến trường Campuchia nên đã tấn công Việt Nam ở
vùng biên giới phía Bắc.
Ông N.T.Đ. nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 427, Sư đoàn 392, Quân khu 1,
tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ở mặt trận Cao Bằng nói: “Khi tôi
tham gia trên chiến trường, mình vẫn nghe đài bên kia phát, là lũ 'tiểu bá' vô
ơn, đánh các đồng chí Campuchia… Phải dạy cho Việt Nam một bài học… Từ 'tiểu
bá' chính là ám chỉ Việt Nam đánh Campuchia. Về chính thức, Trung Quốc không
nói đỡ đòn cho Campuchia. Còn thực tế là như vậy (Việt Nam buộc phải rút một bộ
phận quân đội từ Campuchia về hỗ trợ)”.
Thứ ba,
theo các cựu binh Việt Nam, Trung Quốc phát động chiến tranh là để tranh
thủ sự ủng hộ của các nước đang chống phá Việt Nam lúc đó, qua đó tập trung nguồn
lực phục vụ cho việc thực hiện kế hoạch “4 hiện đại hóa” ở trong nước.
Thứ tư,
việc gây ra cuộc chiến còn là hành động trả đũa của Trung Quốc đối với
các động thái ngoại giao của Việt Nam với Liên Xô. Đại tá N.C.N. cũng cho rằng:
“Họ đánh mình để làm mình hoang mang, để mình không quan hệ với Liên Xô nữa.
Trung Quốc ý đồ thế”.
Và đây cũng là cách mà ông N.T.Đ. lý giải về nguyên nhân của cuộc chiến
tranh. Ông nói: “Theo cá nhân tôi được biết, thế giới lúc bấy giờ, hệ thống chủ
nghĩa xã hội có sự rạn nứt. Vị trí của Việt Nam rất quan trọng, nắm được Việt
Nam sẽ ảnh hưởng lớn đến Đông Nam Á. Liên Xô có quân đội đóng tại cảng Cam Ranh
của Việt Nam.
Do đó, Việt Nam trở thành một mắt xích cực kỳ quan trọng. Trung Quốc chưa
thuyết phục Việt Nam bằng nhiều thứ và chưa thuyết phục được ai bằng kinh tế.
Trung Quốc chỉ còn cách sử dụng quân sự.
Đặng Tiểu Bình nói “dạy cho Việt Nam một bài học” tức là đánh để Việt Nam
biết ai là quan trọng. Đặng Tiểu Bình nói “Chổi ngắn không quét được nhện xa”
là như thế.
Nguyên nhân thứ năm
được các cựu binh Việt Nam nhắc đến là Trung Quốc muốn phá hoại tiềm lực
của Việt Nam.
Có thể thấy rằng mục tiêu kìm hãm sự phát triển, muốn Việt Nam bất ổn cả
về kinh tế, chính trị, quân sự và đối ngoại, hòng tách và cô lập Việt Nam ra khỏi
các liên minh đối ngoại, hợp tác để phát triển đất nước sau cuộc kháng chiến chống
Mỹ cũng là một trong nhiều lý do quan trọng để Trung Quốc tiến hành cuộc chiến
tranh.
10 năm ròng rã đầy hy sinh
Sẽ còn có nhiều những lý giải khác nhau nữa về nguyên nhân của cuộc chiến
tranh biên giới Việt - Trung (1979-1989), song qua khảo cứu tư liệu hồi ký và
phỏng vấn một số cán bộ, quân nhân Việt Nam, có thể thấy hầu hết thông tin đều
cho rằng người gây ra cuộc chiến này là Trung Quốc và đây là một cuộc chiến
tranh phi nghĩa của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Từ 5 nguyên nhân được các cựu binh Việt Nam đưa ra thì có thể thấy, đó đều
là những nguyên nhân, lý do vô lý xuất phát từ lợi ích của Trung Quốc, bất chấp
đạo lý và luật pháp quốc tế.
Đương nhiên, tư liệu hồi ký và phỏng vấn của quân nhân Việt Nam mà chúng
tôi đã đề cập ở trên là chưa nhiều; những thông tin trong hồi ức về nguyên nhân
bùng nổ cuộc chiến tranh còn ít, chưa phản ánh đầy đủ về nguyên nhân bùng nổ cuộc
chiến tranh biên giới 1979-1989. Thêm vào đó, tư liệu hồi ký và phỏng vấn là những
ghi chép lại bằng trí nhớ về những sự việc đã xảy ra đối với bản thân trong quá
khứ, do đó mang đậm tính chủ quan và phụ thuộc độ lãng quên thông tin của tác
giả cung cấp.
Vì vậy, để nghiên cứu khách quan, toàn diện về cuộc chiến tranh biên giới
Việt - Trung, cần tiếp tục nghiên cứu và phải nghiên cứu nghiêm túc, đa chiều với
nhiều phía, nhiều phương pháp tiếp cận, xóa bỏ những “e ngại” về chính trị - đối
ngoại.
Nghiên cứu về cuộc chiến tranh này không phải để khơi lại, gây chia rẽ
thù hằn giữa hai dân tộc Việt Nam và Trung Quốc, mà nhằm tôn vinh những quân
nhân Việt Nam đã tham gia chiến đấu và trân quý nền hòa bình hiện tại.
Tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên năm 2019, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn
Sang đã viết trong Sổ tưởng niệm: “Ngày 17/2/2019. Đời đời nhớ ơn các anh hùng,
liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước. Đảng, Tổ quốc, nhân dân đời đời ghi nhớ công
lao của các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng, bảo vệ biên cương Tổ quốc
trong giai đoạn tháng 2/1979 ở biên giới phía Bắc và kéo dài cả 10 năm ròng rã;
đầy hy sinh nhưng cũng đầy khí phách Việt Nam! Kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ
các đồng chí!”.
Nhận xét
Đăng nhận xét