Sư Minh Tuệ chia sẻ về hành trình sau khi ông Đoàn Văn Báu
rời đoàn
Cuộc bộ hành của sư Thích Minh Tuệ trên đất Thái Lan gần
đây gây ra nhiều tranh luận liên quan đến nhân vật Đoàn Văn Báu, một cựu sĩ
quan an ninh.
Ông Đoàn Văn Báu trước đây từng khẳng định mình là trưởng đoàn, dù chính
sư Minh Tuệ nói rằng ông Báu cũng chỉ là một người trong đoàn mà thôi.
Vào ngày 4/2, sau nhiều tranh cãi, ông Báu đã rời đoàn, rồi ông đã nhanh
chóng trở lại vào ngày 8/2.
Vào đầu tháng 1/2025, khi BBC News Tiếng Việt gặp sư Minh Tuệ, ông mới chỉ
tới Thái Lan được vài ngày. Từ thời điểm đó tới nay, nhiều thay đổi đã xảy ra,
trong đó diễn biến lớn nhất là việc ông Đoàn Văn Báu, ông Lê Khả Giáp và ông
Hùng rời đoàn.
Không lâu sau sự thay đổi nhân sự này, đoàn đã tạm dừng bộ hành ba ngày tại
khu đất được cho là thuộc sở hữu tư nhân ở ven đường 225 thuộc huyện Wichian
Buri, tỉnh Phetchabun.
Đoàn bộ hành gồm 10 nhà sư, đồng hành cùng với họ là một số người hỗ trợ
khác. Một thành viên mới trong số đó là ông Lê Quang Hà, người được cộng đồng mạng
cho là nhân vật thay thế ông Báu làm trưởng đoàn dù ông không thừa nhận.
Vào ngày 8/2, ông Báu và ông Hùng bất ngờ quay lại gặp đoàn. Sau vài tiếng
đồng hồ nói chuyện với sư Minh Tuệ về việc gia nhập đoàn bộ hành, ông Báu·đã xả
lời thề ông có với sư Minh Tuệ. Ông Hùng cũng làm như vậy.
Ông Báu đã phát sóng trực tiếp cuộc nói chuyện này trên kênh YouTube của
mình trong một video với nhan đề "sám hối". Trong cuộc nói chuyện đó,
phần lớn chỉ nghe rõ giọng của ông Báu, trong khi tiếng của sư Minh Tuệ, người
ngồi đối diện với ông Báu và thiết bị ghi hình của ông, có âm lượng rất nhỏ và
khó nghe.
Sau cuộc nói chuyện này, ông Báu và ông Hùng rời khỏi địa điểm các sư nghỉ
ngơi.
Vào sáng 9/2, sư Minh Tuệ và đoàn đã bắt đầu bộ hành trở lại. Ở thời điểm
đó, ông Báu, ông Giáp và ông Hùng không quay lại đoàn.
Nhiều người lo rằng thiếu đi ba người này, việc đi tới Ấn Độ sẽ gặp khó
khăn, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều YouTuber và Phật tử tới gặp
đoàn bộ hành.
Đối với sư Minh Tuệ, việc đi được tới Ấn Độ quan trọng như thế nào? Liệu
ông có lo lắng về số lượng người đi theo đoàn ngày càng đông?
BBC News Tiếng Việt đã có mặt tại tỉnh Phetchabun và có cuộc trao đổi với
sư Minh Tuệ vào ngày 7/2.Bộ hành ở Thái Lan và hành trình tới Ấn Độ
BBC: Thưa nhà sư Minh Tuệ, sau khi ở Thái Lan được hơn một tháng, sư thấy
mọi chuyện diễn ra như thế nào?
Sư Minh Tuệ: Đều tốt đẹp.
BBC: Vào đầu tháng 1/2025, sư có chia sẻ rằng mọi người cảm thấy tương đối
lạnh khi ngủ nghỉ buổi đêm. Bây giờ việc khất thực, ngủ nghỉ có khó khăn không?
Sư Minh Tuệ: Vâng, cũng đều tốt đẹp cả. Có khó khăn và cũng không có khó
khăn, nhưng mà mình khắc phục. Chung quy lại thì đều dẫn đến con đường tập học
cho mình dần hoàn thiện hơn. Cái tốt đẹp là mọi người vẫn bố thí, thời tiết vẫn
diễn ra thuận lợi, ấm hơn hay lạnh thì mình khắc phục, tu học được.
Nhưng mà cái khó khăn lớn nhất của mình là con vẫn tham, vẫn sân, vẫn si.
Cái đó làm cho mình hơi thấy khó khăn. Cái thuận lợi là mình dần giảm tham, giảm
sân, để mình được tốt đẹp hơn.
BBC: Sắp tới sư và đoàn mình đã quyết định được lộ trình đi tiếp tới Ấn Độ
chưa?
Sư Minh Tuệ: Vâng, có con đường đi, có người giúp. Cái khó khăn bây giờ
là làm cái visa (thị thực). Visa đi vào các nước nghe nói khó khăn và tốn kém
tiền bạc. Con không biết làm cái visa đấy. Nhờ mọi người làm thì nói khó khăn.
Đó là cái khó khăn, không thấy thuận lợi.
Sắp tới [đoàn] vẫn tiếp tục đi bộ tới Ấn Độ theo con đường đã định sẵn,
đi vào Myanmar. Nếu mà bên Myanmar cho nhập cảnh, thuận lợi đúng pháp luật thì
mình đi. Nếu mà không cho thì cũng chịu, đi con đường khác.
BBC: Vậy đã có lộ trình di chuyển từ vị trí hiện tại tới Myanmar chưa? Ai
là người quyết định và mọi người tìm đường như thế nào?
Sư Minh Tuệ: Con có lộ trình. Ngày xưa thì nhờ thầy Báu, nhưng mà thầy
Báu bỏ về rồi thì nhờ thầy Hà, hay là nhờ mấy anh em. Con cũng hỏi đường. Nếu
không có [người hỗ trợ] thì mình cũng tự hỏi đường để mình đi. Nhưng mà có ai
đó tình nguyện giúp cho mình thì mình cũng cảm ơn. Nói chung là tốt đẹp.
Họ có cái điện thoại để dùng Google Maps, hoặc họ biết bản đồ. Như hôm
trước cũng có người thông hiểu con đường, người ta cũng đến chỉ cho mình con đường.
BBC: Nếu các sư tự đi thì có sợ bị lạc không?
Sư Minh Tuệ: Đi lạc thì mình hỏi [đường], mình đi lại, tại vì mình không
có giới hạn thời gian. Mình có thể đi nhiều năm, quay đi quay lại. Đối với
mình, đi để tập học thôi, chứ không phải cái đích đến mình đi. Lạc thì quay lại,
không lạc nữa.
Họ chỉ đúng thì mình đi đúng. Họ chỉ sai thì mình đi, mình cũng vui vẻ chứ
không oán thán họ, chẳng hạn như [việc] họ chỉ mình con đường sai thì mình cũng
vui vẻ. Lạc cũng vui vẻ.
BBC: Sư đã nói quan trọng là quá trình mình đi. Trước đây, sư từng phát
nguyện sẽ đi tới Ấn Độ, việc thực sự đặt chân được tới Ấn Độ quan trọng như thế
nào?
Sư Minh Tuệ: Đấy là những cái mình hứa, mình đạt được thì gọi là mình
không thất hứa. Có nói có làm, chứ không phải mình sợ khổ hay là [do] một vấn đề
gì.
Nếu mà vấn đề ngoại cảnh ép buộc thì cái đấy con cũng chịu thôi. Hay là bệnh
tật xảy ra, hay là mạng sống không đi được, nhưng mà mình vẫn còn khỏe mạnh thì
mình đi đến Ấn Độ rồi muốn làm gì cũng được.
Phải chắc chắn là đến Ấn Độ. Một lời mình nói ra không phải để nói chơi.
Còn không ai giúp, mình con cũng tự đi. Những vấn đề khách quan, chẳng hạn như
hỏi đường rồi họ chỉ đường lạc, đấy là do khách quan [thì] họ chỉ lạc, nhưng mà
mình vẫn tiếp tục đi. Không có cái [việc] tự mình đi về.
Chết rồi thì thôi, nhưng mà chưa chết thì vẫn cứ lên đường đi. Khi nào tới
thì mới nói.
BBC: Sư có nói là việc tu tập vẫn tốt đẹp. Sư có thể chia sẻ trong quá
trình gần hai tháng từ Việt Nam qua Thái Lan, sư biết ơn ai nhất trong số những
người hỗ trợ sư?
Sư Minh Tuệ: Ở đây không có nói chuyện biết ơn hay không biết ơn. Ai con
cũng biết ơn cả. Người giúp con, con vẫn biết ơn. Người không giúp con, con vẫn
biết ơn. Người hại mình, con vẫn biết ơn.
Tại vì, ở đây mọi người thường hay nói là, chẳng hạn một người mà tới vì
nói yêu mến và chỉ cho mình con đường, hay cho mình vật thực để ăn, rồi mình đi
cảm ơn người ta, rồi nói mang ơn. Cái đấy là duyên, phước báu lẫn nhau thôi.
Tại vì mình cảm ơn người ta là cho mình cái cơm đó để mình ăn, tu hành.
Mình gìn giữ giới luật, mình học đúng, mình làm đúng giới luật, đúng thiền định
Phật thì khi đó mình tập đến giải thoát, an lạc, hạnh phúc.
Nhờ cái duyên đó mà cho họ được cái may mắn. Mình cũng được may mắn là
mình biết ơn người ta. Nhưng mà người ta cho mình hay giúp mình rồi mình đi làm
sai lời dạy của Phật, làm điều ác, tham, sân, hay không đúng giới luật, lừa đảo,
làm không đúng lời dạy, tham dục, sân hận, si mê thì mình vô ơn với họ.
Kể cả những người không cho mình, không giúp mình, mình vẫn ước nguyện
cho họ được hạnh phúc. Chứ không phải mình biết ơn người này hay không. Tất cả
là đều bình đẳng. Họ đều có duyên cả.
Chẳng hạn, bữa nay họ giúp mình, mình biết ơn. Nhưng mai người khác giúp
mình, mình cũng biết ơn. Mốt lại người khác, biết đâu vậy. Nên là ở người, mình
bình đẳng, mong là ai mình cũng biết ơn cả. Chứ không yêu người này, ghét người
kia được. Ghét cũng khổ, yêu cũng khổ. Nên là mình bình đẳng.
Nhưng mà mình biết cảm ơn họ là mình làm cho tốt cái việc làm của mình.
Chẳng hạn họ chỉ cho mình đường đi, thì mình cứ đi tốt con đường, không phạm
pháp, thì coi như là đặt niềm tin cho họ thôi.
Nhiều người đi theo ở Thái Lan
BBC: Theo như quan sát của BBC, số lượng Phật tử và YouTuber đi theo đoàn
tăng lên khá nhiều, sư có lo sẽ ảnh hưởng tới việc bộ hành của đoàn không?
Sư Minh Tuệ: Con chả lo ngại gì cả. Họ là YouTuber, con cũng không có quyền
đuổi YouTuber. Họ cứ làm việc đúng như quy định pháp luật. Mình [có] quyền hành
gì [mà] mình đuổi họ, hay mình nói họ gì. Họ làm đúng pháp luật, mà mình vì an
toàn mình đuổi họ thì cũng không được.
Họ cứ làm cái việc gì theo đúng mưu cầu hạnh phúc của họ. Con tu học là
việc của con. Cùng chung sống.
Chẳng hạn như, Phật pháp là của chung, đường đi là mở ra cho mọi người.
Tuân thủ quy định của pháp luật thì người ta đi. Dù cho họ có phá, hại con
không đi [được] nữa thì con vẫn vui vẻ. Con không có vấn đề gì. Con không lo lắng.
BBC: Về 17 sư mà sư nói rằng từng muốn gia nhập đoàn, các sư đó còn muốn
gia nhập đoàn nữa hay không? Sư tiếp nhận thông tin về những người muốn gia nhập
đoàn như thế nào?
Sư Minh Tuệ: Việc có 17 sư hay 18 sư hay bao nhiêu thì con không biết.
Nếu mà có điều kiện thuận lợi và được pháp luật cho phép thì là
18.000 sư mà được tu học theo Phật hay là bao nhiêu, tất cả cũng đều được hạnh
phúc.
Đất nước, điều kiện hay là môi trường thuận lợi cho người ta học giới
luật thiền định thì tốt.
Nhưng mà, còn [thông tin] 17 sư thì con không dùng mạng, nên là cũng do mọi
người nói rồi như thế này. Nhưng mà con cũng nói với họ con thì không có mời gọi
hay cũng không phải là cho phép họ đi học theo Phật. Con cũng học theo
Phật.
Hữu duyên thì cùng đi chung học tập.
Nhưng mà, con cũng nói với họ rằng ai muốn đi thì con không ngăn cản.
Nhưng đi rồi [mà] làm ảnh hưởng mình là mình không học được, sẽ lộn xộn rồi
đâm ra mất trật tự an toàn xã hội, giống như hồi ở Việt Nam, chẳng hạn.
Giờ con nói là họ đi hay không là họ phải tự làm visa của họ cho đầy đủ.
Chứ đi sang đây rồi không có visa rồi lại mất công. Muốn đi bộ được theo visa
thì cái vị đó phải đúng pháp luật, thì muốn đi thì đi.
Chẳng hạn như ở đất nước đó là nếu là tôi làm đúng visa, [đúng] pháp
luật rồi thì tôi được phép đi. Nếu mà đoàn và mọi người được họ [chính
quyền sở tại] đồng ý cho phép. Còn họ giới hạn, nói là đoàn này chỉ đi được
10 người thì mình cũng tuân thủ theo pháp luật.
Nhưng mà họ phải có giấy tờ, visa. Chẳng hạn như đi bộ qua Myanmar ba
tháng thì họ phải có visa ba tháng rồi mới xin vào. Chứ giờ không có vào rồi
lại mất công gây gánh nặng cho mọi người đi xin visa. Với lại, con cũng không
có tiền để trả tiền làm visa. Đường sá, [tiền đi lại] gì, họ phải làm được
cái đấy.
Không liên quan [tới con] tại vì con không có tiền bạc, không có lương
gì hết.
Con chỉ đi cùng, nhờ người giúp. Mà giờ vấn đề thủ tục giấy tờ, visa này
là rất là khó. Lung tung cả lên, người thì nói dễ, người thì nói khó, người
thì nói bao nhiêu tiền bạc gì. Giờ con không có, nên là con cũng khuyên họ như
thế.
Muốn đi thì hoàn thành tất cả các thủ tục. Đừng có gây ảnh hưởng tới ai,
tự mình liên hệ, duyên với mình như thế nào thì mình làm. Rồi mình cầm cái visa
trong tay rồi mình đi.
Tự đi hưởng duyên thì cũng đi. Không có duyên mà có cái giấy tờ mình đi
riêng, đúng quy định pháp luật. Chứ không phải nhất thiết phải đi tụ học đông để
làm gì.
BBC: Theo quan sát của BBC, trong thời gian gần đây, khi sư khất thực thì
sư không đi hết cả hàng mọi người đang đảnh lễ nữa mà sư chỉ đi khoảng 3-4 người.
Vì sao lại thay đổi so với ngày trước như vậy?
Sư Minh Tuệ: Con là một người không có tài sản, không có gì cả. Cuộc sống
là nhờ khất thực. Chỉ muốn vừa đủ cho mình, không lấy dư quá. Ôm cũng nặng, ăn
không hết, lãng phí của người ta.
Nhưng mà chẳng hạn như như sáng hôm nay (7/2) con đi ra bộ hành luôn là
con phải đi hết hàng. Nhưng nếu đi rồi quay lại thì không [đi] hết hàng nữa, đủ
rồi. Nói chung là tùy chỗ, [có chỗ] đi hết, có chỗ không đi hết. Chứ không phải
là chỗ nào mình cũng đi hết.
Nếu có khả năng đi thì mình cùng với mọi người cùng đi, không sao. Nhưng
mà giờ là [sáng] sớm này, đi ra cổng mà mình đã ôm đầy rồi, còn đi một vòng là
giống như mình đi trình diễn. Không phải.
Mình đủ rồi nên biết dừng lại ở đó và mình về thôi.
Nhận xét
Đăng nhận xét