BIÊN GIỚI THÁNG 2-1979: SÒNG PHẲNG VỚI LỊCH SỬ
BIÊN GIỚI THÁNG 2-1979:
SÒNG PHẲNG VỚI LỊCH SỬ
SÒNG PHẲNG VỚI LỊCH SỬ
Phỏng vấn Nghiên cứu sinh môn Lịch sử Vũ Minh Hoàng
Đại học Cornell (Hoa Kỳ)
Ông có những suy nghĩ như thế nào
khi nhìn lại cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979?
NCS Vũ Minh Hoàng:
Theo tôi, chiến tranh biên giới
phía Bắc và chiến tranh biên giới phía Tây Nam nên được gọi bao trùm là Chiến
tranh Đông Dương thứ ba (với Chiến tranh giành độc lập là Chiến tranh Đông
Dương thứ nhất và Chiến tranh giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và liên minh Hoa Kỳ
- Việt Nam Cộng Hòa là Chiến tranh Đông Dương thứ hai). Đây là một cuộc chiến
tranh vô cùng nhức nhối và phức tạp, có liên quan cả đến lịch sử sâu xa
giữa các dân tộc Trung Quốc – Việt Nam – Campuchia, đến những biến động chính
trị trong khu vực sau Chiến tranh Đông Dương thứ hai, và đến cả tổng thể Chiến
tranh Lạnh giữa Liên Xô, Trung Quốc, và Hoa Kỳ.
Trong ba cuộc chiến tranh Đông
Dương, Chiến tranh Đông Dương thứ ba có ảnh hưởng trực tiếp nhất và lớn nhất tới
sự hình thành của trật tự khu vực và thực trạng chính trị trong khu vực Châu Á
– Thái Bình Dương ngày nay. Tuy nhiên, do thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc
tại Hội nghị Thành Đô năm 1990 với mục đích giảm thiểu tối đa tuyên truyền gây ảnh
hưởng xấu tới quan hệ hai nước, hiện tại các nguồn thông tin trong cả hai nước
về cuộc chiến này vẫn chưa được nghiên cứu và tuyên truyền rộng rãi.
Tôi tin rằng chủ ý cho điều khoản
này tại Thành Đô là tích cực, muốn dẹp đi quá khứ đau thương và xây dựng một
quan hệ tốt đẹp mới giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai dân tộc. Nhưng về mặt thực
hành thì chủ chương này vẫn chưa đạt được như cả hai nhà nước mong chờ.
Trong bối cảnh thế giới đã thay
đổi rất nhiều, người dân ở cả hai nước có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin hơn
trước, nếu hai Chính phủ muốn đạt được mục đích của điều khoản này, sẽ phải làm
điều trái ngược với chính lời văn của điều khoản đó, khẩn trương giải mật các
tài liệu liên quan đến cuộc chiến tranh này, để các học giả, quan chức, và dân
chúng có thể tự do thảo luận về lịch sử một cách thẳng thắn, có cơ sở. Đây là
cách duy nhất để chúng ta đạt được mục tiêu chung sống hòa bình giữa hai dân tộc
và dẹp tan những lời xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Tôi nghe nhiều về việc khi ta vừa
mới thống nhất đất nước, vừa mới hoà bình, tức là khi "sức ta cùng, lực ta
kiệt" thì Trung Quốc cắt giảm viện trợ, xúi bẩy Hoa Kiều Việt Nam hồi
hương và thậm chí, đứng sau Khơ-me đỏ tiến hành chiến tranh biên giới phía Tây
Nam, và đỉnh điểm là lúc 5giờ 25 phút sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc
nổ súng trên toàn tuyến biên giới Việt Nam, đánh chiếm nước ta từ Phong Thổ,
Lai Châu, tới địa đầu Móng Cái. Góc nhìn của ông về những chuyện này như thế
nào?
Việc Trung Quốc cắt giảm viện trợ
sau khi Việt Nam thống nhất đất nước là tất nhiên.
Từ cuối thập kỷ 1960, thực lực của
Trung Quốc giảm mạnh do Cách mạng Văn hóa, đã phải rút gần như tất cả dân quân
tình nguyện về nước, và viện trợ đã giảm thêm sau khi Trung Quốc cải thiện quan
hệ với Mỹ năm 1971-1972.
Tới năm 1975-76, khi các đoàn Việt
Nam sang xin viện trợ, phía Trung Quốc đã báo là khả năng của Trung Quốc có hạn:
thu nhập trung bình ở Việt Nam lúc đó cao hơn Trung Quốc; Mao Trạch Đông mới mất
và Trung Quốc vẫn đang trong quá trình chấn chỉnh nội bộ sau Cách mạng Văn hóa
(mà khi đó chưa chắc là phe ôn hòa sẽ chiến thắng); và năm 1976 Trung Quốc đã lại
gánh phải động đất ở Đường Sơn khiến hơn 240,000 người thiệt mạng (có những nguồn
còn ước tính tới hơn 700,000 người thiệt mạng).
Cũng có một số quan điểm đã xem
hành động cắt giảm viện trợ một cách vô cùng tiêu cực, là một thủ đoạn ép Việt
Nam phải đi theo Trung Quốc và từ bỏ Liên Xô.
Nhưng trong thực tế, Trung Quốc
cắt hoàn toàn sau khi Việt Nam đã gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế (CMEA) do
Liên Xô dẫn đầu.
Mà suy nghĩ rộng ra sẽ thấy, sau
khi ta thống nhất, thì khi đó nước bạn lại rơi vào khó khăn, lúc đó ta cứ muốn
viện trợ nhiều hơn sẽ là thiếu nhạy cảm và không hợp lý.
Trong các cuộc phỏng vấn sau khi
chiến tranh Biên giới tháng 2/1979 đã nổ ra, Đặng Tiểu Bình đã nêu rõ là ngoài
lý do chiến lược, ông ta còn muốn trừng trị Việt Nam vì ghét thái độ. Tôi cho rằng
việc Đặng Tiểu Bình sử dụng vũ lực để gửi thông điệp chính trị là vi phạm luật
quốc tế và có tội đối với nhân dân cả hai nước.
Còn việc họ xúi bẩy Hoa Kiều hồi
hương như thế nào thì vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Việt Nam đã đưa ra Sách trắng
năm 1979, cáo buộc nhà cầm quyền Trung Quốc đứng đằng sau một số cá nhân, tổ chức
một số cá nhân, tổ chức đã hô hào xúi giục bà con người Hoa hàng loạt tháo chạy
khỏi Việt Nam, nhằm chia rẽ nội bộ, gây náo loạn, giảm uy tín Việt Nam trên trường
quốc tế. Phía Trung Quốc thì ngược lại, cáo buộc Việt Nam đàn áp người Hoa và
ép họ nhập quốc tịch Việt Nam.
Vì lưu trữ cả hai bên vẫn chưa
được bạch hóa, nên tìm hiểu lại câu chuyện xảy ra như thế nào rất khó khăn. Dựa
trên một sổ phỏng vấn và điều tra lưu trữ, tôi có thể một phần tái tạo lại câu
chuyện như sau:
Vì đã đổ nhiều xương máu trường
kỳ đấu tranh thống nhất đất nước, Chính phủ Việt Nam sau năm 1975 đã quyết tâm
nhanh chóng hợp hóa miền Nam vào chế độ Xã hội Chủ nghĩa bằng những biện pháp cứng
rắn như cải tạo hàng loạt và lâu năm với các nhân vật từng làm việc cho chế độ
cũ, cải tạo tư sản ở miền Nam, thống nhất tiền tệ toàn quốc, và đưa tất cả các
dân tộc thiểu số vào quốc tịch Việt Nam.
Tuy là với mục đích xây dựng xã
hội chủ nghĩa, thống nhất đất nước, và không có chủ ý bài Hoa, những chính sách
này đã ảnh hưởng đặc biệt mạnh tới quyền lợi nhất thời của cộng đồng người Hoa,
do cộng động này ở Việt Nam, cũng như ở phần lớn các nước Đông Nam Á, chiếm đa
số trong giới thương gia và nắm một phần lớn năng lực tài chính trong xã hội.
Tâm lý của họ cũng chịu ảnh hưởng
lớn bởi bối cảnh lịch sử của người Hoa ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói
riêng. Qua nhiều thế kỷ, cả dưới thời thực dân lẫn dưới những chính quyền dân tộc
chủ nghĩa, người Hoa ở Đông Nam Á đã nhiều lần đối mặt với những chính sách bài
Hoa, từ những trường hợp bị phân biệt đối xử trong hệ thống (Việt Nam Cộng hòa,
UMNO ở Malaysia) tới nhiều trường hợp bị diệt chủng (1603 và 1639 ở Manila,
1740 ở Batavia, 1965 ở khắp Indonesia).
Trong bối cảnh đó, không có gì
đáng ngạc nhiên khi số đông cộng đồng người Hoa hoảng hốt trước những chính
sách mới của Chính phủ Việt Nam, và những tin đồn là mục tiêu xây dựng xã hội
chủ nghĩa chỉ là trá hình cho biện pháp áp bức người Hoa, không cần Chính phủ
Trung Quốc gieo cũng quá dễ nảy sinh và phát tán một cách hữu cơ trong một cộng
đồng đa nghi.
Trong khi vai trò truyền
thông của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vẫn còn được bàn cãi, thời
đó cũng như ngày nay, Bắc Kinh vẫn luôn trong tình trạng phải đấu tranh với Đài
Bắc làm lãnh đạo và nơi nương tựa của dân Hoa Kiều hải ngoại toàn cầu, nên
không thể không phản ứng mạnh mẽ khi tình hình cộng đồng Hoa Kiều ở Việt Nam trở
nên căng thẳng.
Khi mà bối cảnh quan hệ giữa Bắc
Kinh và Hà Nội đã xấu đi từ cuối năm 1977. Lúc đó, hai bên đã có những xung đột
biên giới và đàm phán biên giới bế tắc, và cả hai đã toan nghi ngờ ý đồ của
nhau về lập trường chính trị trên bàn cờ quốc tế, nạn Hoa Kiều dấy lên vào
tháng 3/1978 tựa như một que diêm khai hỏa một thùng thuốc nổ đã có sẵn vậy.
Nhìn lại, Chính phủ Việt Nam đã
rất kiên nhẫn khi đợi đến tận xuân năm 1978 để tiến hành tái cơ cấu kinh tế miền
Nam sau khi đã nắm vững kiểm soát chính trị. Tiếc thay, đó lại chính là thời điểm
nhạy cảm về mặt ngoại giao để tiến hành những chính sách tái cơ cấu kinh tế
này, không chỉ đối với quan hệ Việt-Trung mà cả với đàm phán bình thường hóa
quan hệ Việt-Mỹ và những nỗ lực hội nhập kinh tế khác của Bộ Ngoại giao trong
những năm đó.
Việc Trung Quốc đã ủng hộ chế độ
Khmer Đỏ là một vết nhọ trong những trang sử Trung Hoa, cũng như các nước khác,
trong đó có các nước ASEAN và Hoa Kỳ, khi mà họ đã bỏ phiếu cho Khmer Đỏ giữ ghế
ở Liên hợp quốc sau khi chính quyền này bị quân Việt Nam và quân Campuchia yêu
nước lật đổ.
Trung Quốc đã ủng hộ nhiều nhất
cho chế độ này, trợ cấp gần như toàn bộ vật liệu công nghệ, vũ khí, lương thực
cho chế độ Khmer Đỏ.
Nhưng chúng ta cũng không thể
quên rằng chính Việt Nam cũng đã giúp Khmer Đỏ giành quyền lực, và kể cả sau
khi chúng ta biết rõ về tội ác của chúng, Việt Nam vẫn duy trì viện trợ, đặc biệt
là ở hai mảng viễn thông và y tế, và chỉ dừng lại khi Khmer Đỏ từ chối viện trợ,
không cho máy bay chở thuốc của Bộ Y tế hạ cánh, và cuối cùng tiến hành diệt chủng
người gốc Việt ở Campuchia và khởi chiến trên toàn biên giới Tây Nam.
Còn việc Trung Quốc xúi giục
Khmer Đỏ tấn công biên giới Việt Nam thì tôi và các học giả quốc tế có một số
nghiên cứu khác với một số học giả trong nước.
Những nghiên cứu của các ông cho
thấy những điều gì?
Hai học giả đã từng nghiên cứu ở
cả lưu trữ Campuchia lẫn Trung Quốc là Andrew Mertha (đã từng trong ban hướng dẫn
của tôi ở Cornell, hiện ở Johns Hopkins) và John Ciorciari (Đại học Chicago) đều
kết luận rằng ý tưởng tấn công các nước láng giềng (có cả Lào và Thái Lan) là của
nhóm Pol Pot – Ieng Sary. Trung Quốc đã tiếp tay cho chúng.
Theo Mertha, khi Trung Quốc viện
trợ trạm radar tập trung vào vùng Tây Nam Campuchia nhằm phục vụ mục đích phát
triển kinh tế và quốc phòng, Khmer Đỏ lại quyết xây ở vùng giáp biên giới với
Việt Nam, nhằm phục vụ mục đích xâm lược vào lãnh thổ Việt Nam. Khi Trung Quốc
viện trợ một sân bay muốn đặt trên sông Stung Svey Chek ở mạn Tây Bắc để tránh
gây lo ngại cho Việt Nam, Khmer Đỏ lại kiên quyết xây ở Kampong Chhnang để phục
vụ tốt hơn cho các chiến dịch quân sự ở biên giới với Việt Nam.
Nhà báo Nayan Chanda cũng viết về
những chuyến ngoại giao con thoi của bà Đặng Dĩnh Siêu (phu nhân của Thủ tướng
Trung Hoa Chu Ân Lai) tới Phnom Penh để cố gắng thuyết phục Khmer Đỏ giảng hòa
với Việt Nam, nhưng không ăn thua.
Cá nhân tôi đã nghiên cứu ở Thư viện
Tổng thống Carter và Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ, tìm được nhiều tài liệu chứng
minh là cho tới giữa 1978, Trung Quốc vẫn ao ước có thể tranh thủ bình thường
hóa quan hệ Việt-Mỹ để kéo Việt Nam khỏi vòng tay Liên Xô.
Tôi không khẳng định được là
Trung Quốc đã không xúi giục Khmer Đỏ xâm chiếm Việt Nam, chỉ nói được rằng
trong lưu trữ Khmer Đỏ và Hoa Kỳ đã được mở không có căn cứ cho lập luận này;
và cho tới khi kho lưu Trung Quốc được mở hoàn toàn; mọi chứng cứ hiện
hành cho thấy là Trung Quốc không thực sự muốn có chiến tranh giữa Khmer Đỏ và
Việt Nam, nhưng cũng không kháng cự và thực sự cố gắng ngăn chặn cuộc chiến
tranh này xảy ra khi đồng minh của mình quyết tâm tham chiến.
Tôi kết luận như vậy không phải
là để xá tội cho giới lãnh đạo Trung Quốc: cho dù khả năng cao là họ đã không
trực tiếp xúi giục Khmer Đỏ tấn công Việt Nam, họ đã tiếp tục trang bị quân sự
cho chế độ này một khi hiểu rõ ý đồ của chúng, và vì vậy phải chịu liên lụy cho
những hành động của chúng, cũng như các nước khác đã tiếp tay Khmer Đỏ cũng đều
phải chịu một phần liên lụy phù hợp với cống hiến của họ cho cuộc cách mạng
Khmer Đỏ.
Có quan điểm cho rằng, một trong
những nguyên nhân nổ ra cuộc chiến Biên giới tháng 2 năm 1979 còn liên quan tới
chiến lược của Việt Nam và nhằm phá sự liên kết, đoàn kết giữa Việt Nam - Liên
Xô. Quan điểm của ông như thế nào?
Quan điểm này vừa đúng, vừa sai.
Đúng là vì đó đúng là quan điểm
của Trung Quốc, như họ đã nêu rất rõ ở các kênh báo chí truyền thông đương thời.
Sai là vì Trung Quốc đã hoàn
toàn hiểu lầm Việt Nam.
Sau chiến tranh, Việt Nam đã cố
gắng hết sức để giữ quan hệ tốt với cả Liên Xô lẫn Trung Quốc, kiên quyết không
để bên nào lôi kéo đưa ra những phát ngôn làm mất lòng bên kia.
Liên Xô đã nhiều lần mời Việt
Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế, nhưng Việt Nam vì nể Trung Quốc nên
không chịu.
Chỉ tới khi quan hệ Việt-Trung
đã xấu đi đáng kể mùa xuân năm 1978, Việt Nam mới gia nhập CMEA vào tháng 6 năm
1978, và chỉ khi Việt Nam đã không còn đường nào khác ngoài việc phải giải quyết
tận gốc đe dọa từ Khmer Đỏ, mới ký Hiệp ước Hòa bình Hữu nghị với Liên Xô tháng
11 năm 1978, làm một hình thức quốc phòng.
Theo phỏng vấn của tôi với cựu
Phó Thủ tướng Vũ Khoan, lúc đó là chuyên viên ở Đại sứ quán Việt Nam ở
Matxcova, Việt Nam thậm chí còn không báo trước với Liên Xô khi khởi đầu chiến
dịch giải phóng Campuchia ngày 25 tháng 12 năm 1978. Tôi nể phục nhất là các bạn
Liên Xô, đã sẵn sàng cam chịu làm đồng minh với một nước độc lập quyết liệt như
Việt Nam.
Liên quan tới chuyến thăm Trung
Quốc của Tống Bí thư Lê Duẩn hồi tháng 9/1975 và năm 1977, hai bên bất đồng
quan điểm trong nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề biên giới lãnh thổ. Điều này
liên quan thế nào tới quyết định “dạy cho Việt Nam một bài học” của ông Đặng Tiểu
Bình?
Việt Nam và Trung Quốc vẫn có
nhiều bất đồng về biên giới lãnh thổ, mà tới nay vẫn tồn tại.
Khi Đặng Tiểu Bình sang công du
Hoa Kỳ tháng 1 năm 1979 để ký kết Hiệp định bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ,
ông đã trình bày kế hoạch dạy bài học cho Việt Nam, và quả nhiên là chiến tranh
biên giới phía Bắc đã diễn ra gần như y hệt kế hoạch đó: quân Trung Quốc đã xâm
chiếm các tỉnh miền Bắc, tàn phá cơ sở vật chất, và rút lui trong vòng một
tháng.
Bài học Đặng Tiểu Bình muốn dạy
Việt Nam là không thể trông cậy vào Liên Xô được.
Có một bài học ẩn ý
mà Trương Tiểu Minh (Air War College) đã nhấn mạnh, đó là cho Quân đội
Nhân dân Trung Quốc, để họ thấy được Cách mạng Văn hóa đã làm quân đội bị lạc hậu
như thế nào, và Đặng Tiểu Bình có thể thay thế các vị trí quan trọng trong quân
đội với những sỹ quan trung thành với ông ta.
Rõ ràng, Việt Nam đã không học
bài học đó. Nhưng vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tuy có là một yếu tố làm xấu
đi quan hệ song phương và dẫn đến chiến tranh, không nằm trong giáo trình của Đặng
Tiểu Bình.
Nhìn vào thực tế, các quốc
gia nào có chung đường biên giới thường dễ xảy ra “va chạm”. Là
một nhà nghiên cứu, hẳn ông đã đọc nhiều về bang giao quốc tế, vậy, ông có gợi
ý gì để các quốc gia nhỏ không bị lôi kéo, không bị trở thành quân cờ trên bàn
cờ của các nước lớn?
Tôi không đồng ý với “thực tế” bạn
nêu ra về các đường biên giới. Trên thế giới có rất nhiều đường biên giới,
và phần lớn thời gian, gần như tất cả những đường biên giới này, trong đó bao gồm
biên giới Việt-Trung và Việt Nam-Campuchia hiện nay, là nơi thương mại sầm uất,
là cửa giao dịch hòa bình giữa hai đất nước, hai dân tộc.
Tôi không muốn nói quá khái quát
về vấn đề nước nhỏ, nước lớn, và biên giới hòa bình hay không, vì mỗi trường hợp
có những đặc thù riêng, và có những phức tạp riêng khi phân định, và nhiều hơn
nữa khi nói đến gìn giữ hòa bình.
Hiện tại, tôi tương đối hài lòng
với biên giới Việt-Trung trên đất liền và Vịnh Bắc bộ, vì đã được phân định rõ
ràng, và được hai bên tôn trọng.
Tháng 12 khi về Hà Nội, tôi có dự
một buổi tọa đàm của Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Viện
Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) về các đề xuất của Trung Quốc cho các
khu hợp tác kinh tế qua biên giới. Diễn giả hôm đó là Phó Giáo sư – Tiến sỹ
Nguyễn Anh Thu đã chia sẻ nhiều về việc nhiều quan chức Việt Nam hỏi chị nghiên
cứu đề xuất của họ để làm gì, gạt ngay đi vì lý do an ninh – quốc phòng.
Tôi rất mừng là ở Việt Nam vẫn
có những người như chị Thu, không dễ phật lòng, vẫn tận tụy lên từng tỉnh
thành, phỏng vấn, khảo sát các lãnh đạo, doanh nghiệp địa phương để nắm rõ nhu
cầu, mong ước, quan ngại của họ, và quay lại tham khảo các ý kiến các bộ ngành
để trình lên Ban Kinh tế Trung ương.
Tôi tin là việc gắn bó lợi ích
kinh tế hai nước vào thương mại biên giới là một trong những cách tốt nhất để
giữ gìn hòa bình, vì khi đó cả hai sẽ có ít động lực để cho phép chiến tranh và
phá hủy thành quả chung.
Đúng, chúng ta phải cẩn trọng,
phải nghiên cứu kỹ lưỡng những cơ hội và rủi ro trước khi tiến hành, nhưng đừng
ngay lập tức dập vùi những động thái tích cực phía bạn.
Như lời bài hát của ABBA trong
bài Happy New Year, tôi mong là thỉnh thoảng chúng ta đều sẽ có một ước mộng về
một thế giới nơi mỗi người hàng xóm đều là một người bạn.
Chúc mừng năm mới!
Xin cám ơn NCS Vũ Minh Hoàng đã
dành thời gian cho Tuần Việt Nam/Báo VietnamNet.
Thu Thủy thực hiện
Nhận xét
Đăng nhận xét