CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI PHÍA BẮC - 1979 LÀ CUỘC XÂM LƯỢC

CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI PHÍA BẮC - 1979
LÀ CUỘC XÂM LƯỢC

Bộ sách Lịch sử Việt Nam do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học chủ trì thực hiện. Bộ thông sử gồm 15 tập, đề cập mọi vấn đề về lịch sử Việt Nam từ khởi thủy tới năm 2000. Hội Xuất bản Việt Nam đã trao cho bộ sách Giải Vàng Sách hay 2015.

Hôm 18/8, bộ sách được giới thiệu tới công chúng nhân dịp tái bản. Một trong những vấn đề khiến công chúng quan tâm là bộ sách dành một dung lượng viết về chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 chống Trung Quốc như một cuộc chiến chống xâm lược.

PGS, TS Trần Đức Cương - tổng chủ biên bộ sách - đã trao đổi với Zing.vn về vấn đề này.


- Cuộc chiến tranh chống Trung Quốc biên giới phía Bắc 1979 được đưa vào bộ sách “Lịch sử Việt Nam” như thế nào thưa ông?

- Phần dung lượng nói về cuộc chiến nằm trong tập 14 do tôi chủ biên. Nội dung này nằm trong khoảng từ trang 351 đến trang 359 “Quan hệ với Trung Quốc và cuộc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam ở biên giới phía Bắc”.

Đây là một trong những tập sách lịch sử đầu tiên nói về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979. Sách nói kỹ lưỡng hơn về cuộc chiến đấu này, của quân và dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc.

- Theo ông, vì sao thời điểm này chúng ta mới đưa cuộc chiến biên giới phía Bắc vào một cuốn sách sử chính thống?

- Thời điểm cuốn sách này ra đời, chúng ta đã có thể nói được một cách rõ ràng hơn, chứ chưa phải kỹ lưỡng về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc.

Dựa trên nhu cầu của xã hội, nhu cầu của bạn đọc trong cả nước, nhu cầu của người làm công tác biên soạn, nghiên cứu lịch sử… thì có thể đưa vấn đề này ra. Chúng tôi đưa ra dựa trên những nghiên cứu khoa học trước đó.

Người viết sử vẫn nghiên cứu, vẫn viết về các vấn đề. Còn chuyện công bố ra, công bố những gì còn liên quan tới công tác xuất bản. Chứ không phải các nhà sử học không viết hay không nghiên cứu.

- Trước nay, cuộc chiến này thường được gọi là “chiến tranh biên giới”, vì sao các tác giả nói thẳng đó là chiến tranh xâm lược?

- Làm sao không là xâm lược được? Trung Quốc đưa 600.000 quân, bấy nhiêu xe tăng, bấy nhiêu đạn pháo, rồi đánh sâu vào lãnh thổ người ta 30, 40 cây số, tàn phá bốn, năm thị xã, hàng trăm làng mạc của người ta… làm sao không gọi là xâm lược được?

Chúng tôi gọi như vậy, còn để phân biệt với cuộc chiến biên giới Tây Nam.

- Để xuất bản bộ sách này, nhóm biên soạn có gặp khó khăn nào không?

- Không gặp khó khăn nhiều. Vấn đề là tư liệu có sẵn, đã có nghiên cứu về vấn đề này rồi, chúng tôi tìm hiểu, tổng hợp lại những tư liệu đó kỹ hơn nữa.

Trong chừng mực bộ sách như này, vì còn nhiều nội dung khác, nên dung lượng về cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979 chỉ đưa ở mức tương đối, chứ nó không thể là một chuyên khảo viết riêng về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc được.

- Thời điểm biên soạn bộ sách, báo chí chưa đề cập nhiều về cuộc chiến này. Việc nhóm biên soạn đưa nội dung này vào có là một vấn đề phải bàn thảo nhiều?

- Việc bàn bạc để có được bản thảo tốt là có. Nhưng việc đưa nội dung chiến tranh biên giới phía Bắc vào không phải vấn đề gì quá nghiêm trọng. Với nội dung chừng mực như vậy cũng chưa phải là chúng tôi đã nói gì nhiều. Và quan trọng là mình tin mình viết đúng, về một vấn đề đối ngoại.

- Việc nói về cuộc chiến biên giới phía Bắc trong bộ sử này, theo ông có ý nghĩa gì?

- Việc đưa cuộc chiến đấu của quân và dân của ta trong thời điểm ấy nhằm bảo vệ tổ quốc là việc làm đúng đắn, cần thiết. Chắc chắn các nhà sử học còn phải nghiên cứu nhiều hơn, để đánh giá đầy đủ, đúng đắn hơn sâu sắc hơn về cuộc chiến đấu dũng cảm, nhiều hy sinh mất mát của quân và dân ta thời kỳ đó.

- Từ chuyện này, bàn rộng ra, lịch sử Việt Nam còn góc khuất nào mà bộ sách chưa bàn tới?

- Trừ những vấn đề nào đó mà chúng ta chưa thể biết được, thuộc về bí mật quốc gia… còn tất cả vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, nghiên cứu lịch sử đều có những đánh giá. Bây giờ có nhiều vấn đề trong lịch sử, các nhà sử học trao đổi, thảo luận chứ không tránh né.

- Cụ thể, bộ sách này bàn thảo đến những vấn đề nào mà trước đó chưa bàn nhiều?

- Những vấn đề mà trước đây coi là nhạy cảm, nhưng sự thật không phải vậy. Ví dụ, bộ sử này nói về cải cách ruộng đất, những vấn đề mà cải cách ruộng đất đem lại cho người nông dân. Nhưng những vấp váp trong thời kỳ cải cách ruộng đất cũng được nêu lên rành mạch.

Hoặc vấn đề hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở cả miền Bắc và miền Nam, việc duy trì một cách quá lâu, quá mức cần thiết cơ chế bao cấp, quan liêu và những hệ lụy của việc duy trì cơ chế này, trong bộ sử này nói rất rõ.

Cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội nước ta cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước cũng được đề cập rõ.

Bộ sách này viết đến năm 2000, nên có nhìn nhận, đánh giá về những sự kiện mới xảy ra. Ví dụ, chúng tôi đánh giá Đổi mới là cách giải quyết vấn đề, khủng hoảng xã hội.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến