CHỐNG TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC 1979: NHỮNG GÌ ĐÃ QUA
CHỐNG TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC 1979:
NHỮNG GÌ ĐÃ QUA
Chiến tranh chính thức nổ ra rạng
ngày 17/2/1979, khi mấy chục vạn quân Trung Quốc đánh tràn sang đất Việt Nam
trên toàn bộ chính diện gần một ngàn năm trăm kilômet sáu tỉnh biên giới phía bắc,
nơi lúc ấy hầu như chỉ có bộ đội địa phương, dân quân tự vệ cùng một số sư đoàn
mới được thành lập.
Cuộc "trừng phạt" ấy
diễn ra trong vòng 1 tháng, tính đến khi Trung Quốc rút các lực lượng của mình
về nước. Trên thực tế cuộc chiến tranh này kéo dài 10 năm, tương đương với các
cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và là "cuộc chiến tranh Đông Dương
thứ ba" như báo chí nước ngoài đã viết.
Chúng ta vẫn gọi "Cuộc chiến
tranh biên giới phía Bắc" và "Cuộc chiến tranh biên giới phía Tây
Nam" như những cuộc chiến riêng biệt nhưng theo tôi, xét về nguyên nhân và
kết quả, cả hai cuộc chiến tranh này nên có một tên chung, nhất là nó diễn ra đồng
thời, tác động lẫn nhau chặt chẽ. Người viết muốn nói nó là một.
"Campuchia Dân chủ" đã
chống phá Việt Nam ngay từ khi quốc gia này được thành lập, thậm chí từ khi họ
còn là Khmer Đỏ trên bưng.
Sau Mậu Thân 1968, nhiều cá thể
cán bộ, bộ đội trú đóng trong vùng Đông Bắc Campuchia bị giết. Đã có những xe vận
tải lương đạn của Bộ đội 559 bị cướp.
Lấy cớ với Hiệp định Genève 1954
Việt Nam có một nửa đất nước, Lào có hai tỉnh, còn Campuchia chẳng có gì, Khmer
Đỏ còn gây áp lực đòi ta tiếp sức cho chúng chống lại chính quyền Xihanuc đang
giúp đỡ Việt Nam.
Sau năm 1975, mọi việc rõ ràng
hơn. Họ tuyên bố sẽ đánh chiếm thành phố Hồ Chí Minh cùng với ngày càng dày các
vụ tấn công biên giới lãnh thổ Việt Nam, bắn phá giết chóc nhân dân rất dã man,
tàn bạo, điển hình là vụ thảm sát Ba Chúc (An Giang) tháng 4/1978, hơn 3.000
dân chỉ còn 3 người sống sót.
Các cuộc tấn công một cách có hệ
thống đã buộc quân đội Việt Nam phản công trong một cuộc tổng công kích, bắt đầu
từ 25/12/1978, cũng là để đáp lời kêu gọi của lực lượng Khmer yêu nước trước cuộc
diệt chủng diễn ra ở đất nước họ.
Trên đất Campuchia lúc đó có hơn
ngàn cố vấn nước ngoài, chủ yếu là cố vấn quân sự, nhưng họ cũng không kịp giúp
cho đất nước này tổ chức phòng ngự mà là một cuộc tháo chạy hỗn loạn về phía
Poi Pét, biên giới Thái Lan.
Cuộc tiến công mạnh mẽ, áp đảo của
Việt Nam đã tạo ra những “ nguy cơ tiềm tàng”.
Người đứng đầu Ban liên lạc Đối
ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố trong một cuộc họp lúc
đó: Những người Trung Quốc trên đất Campuchia là công dân Campuchia, khi
chiến tranh kết thúc quan hệ giữa chúng ta với họ là quan hệ với người
Campuchia.
Sự lo xa đó có lẽ không cần thiết.
Bởi vì, trong cuộc truy kích với
các mũi vu hồi, Quân đội Việt Nam nhận được lệnh không thắt gọng kìm ở Poi Pét,
để mặc Ban lãnh đạo Campuchia Dân chủ cùng với các cố vấn của họ có thể chạy
thoát qua biên giới.
Phnom Penh thất thủ sau một tuần,
BBC gọi đó là "cuộc tiến quân nhanh nhất thế giới", nhưng sự thực những
trận đánh đẫm máu nửa du kích, nửa chính quy, những trận đánh khiến quân đội Việt
Nam phải ở lại đất này thêm 10 năm chưa bắt đầu, do Khmer Đỏ bảo toàn lực lượng,
tản mác trong rừng.
Cuộc chiến tranh trên Mặt trận
phía Bắc nối tiếp ngay cuộc chiến tranh trên Biên giới Tây Nam.
Phía Trung Quốc đã công bố đây
là cuộc phản kích tự vệ chống lại sự xâm lấn bằng vũ lực của Việt Nam để làm
yên lòng dư luận trong nước.
Đặng Tiểu Bình thì tuyên bố sẽ “dạy
cho Việt Nam bài học” khi đi thăm Thái, Mỹ, Nhật... trước đó và nhận được
sự "hiểu biết" từ các nước này.
Gần đây một số nhà nghiên cứu đã
đưa ra tới bốn, năm, thậm chí cả chục nguyên nhân cho cuộc chiến tranh
này.
Nhưng ngay lúc đó, ai cũng có thể
hiểu rằng nếu không có sự thất thủ của Campuchia Dân chủ - sự thất bại của
Khmer Đỏ - thì sẽ không có cuộc đại tấn công "dạy cho Việt Nam một bài học".
Nghĩa là nguyên nhân chủ yếu,
nguyên nhân phát động cuộc chiến tranh này từ phía Trung Quốc là để cứu Khmer Đỏ.
Lịch sử ghi nhận, thượng tuần
tháng 2/1979, Quân ủy Trung ương Trung Quốc quyết định tổ chức Bộ chỉ huy chiến
dịch với quyết tâm "đánh mạnh, đánh đau" để buộc Quân đội
Việt Nam phải rút lực lượng khỏi Campuchia.
Nhân dân Nhật báo ngày 27/1/1979
không úp mở: "Sự thất thủ của Phnom Penh chính là lý do...quan hệ với
Việt Nam đã vượt qua giới hạn..."
Nhưng cuộc tiến công của Trung
Quốc đã không đạt được mục tiêu ấy ngay từ đầu bằng chiến thuật biển người, tốc
chiến tốc thắng.
Quân đội của họ đã tiến bước chậm
chạp bởi sự đánh chặn quyết liệt của các lực lượng tại chỗ, mặc dù Việt Nam
chưa tổ chức được phòng ngự sâu, phòng ngự cơ bản. Địa hình và công tác hậu cần,
tiếp liệu kém cỏi của phía Trung Quốc là một nguyên nhân khác.
Đầu tháng 3, khi những quân đoàn
chủ lực thiện chiến được điều động ra từ phía Tây Nam chiếm lĩnh các vị trí
then chốt, Quân đội Việt Nam quyết định một cuộc phản công trên mặt trận Lạng
Sơn, nơi bốn sư đoàn Trung Quốc đang tác chiến.
Chắc chắn, đây sẽ là một quyết định
tiêu diệt chiến đẫm máu. Nhưng nó đã không xảy ra khi Việt Nam ra lệnh tổng động
viên và ngay sau đó Trung Quốc tuyên bố rút quân ngày, 5/3. Quân đội Việt Nam
không giành quyền truy kích.
Trung Quốc rút hết quân về bên
kia biên giới ngày 16/3/1979 nhưng cuộc chiến trên mặt trận phía Bắc vẫn tiếp
diễn.
Những cuộc xung đột bằng súng,
pháo ở Lạng Sơn, Cao Bằng đầu những năm 80 và đặc biệt dữ dội là cuộc chiến quy
mô cấp sư đoàn (của cả hai bên) được chỉ huy bởi cấp quân đoàn, quân khu diễn
ra ở Vị Xuyên (Hà Giang).
Đây vừa là một chiến dịch vừa là
một Mặt trận với nhiều trận đánh kéo dài.
Trên danh nghĩa đó là cuộc tranh
chấp một loạt bình độ, cao điểm 300 - 400, 1200, 1507, 1509... mà Việt Nam gọi
là núi Bạc, núi Đất, còn phía Trung Quốc gọi là Lão Sơn, Giả Âm Sơn..; nhưng thực
chất đây là những cuộc tiến công gây sức ép cho thất bại của Khmer Đỏ lúc đó, đặc
biệt là sự thất thủ căn cứ Phnom Malai.
Mục tiêu của chiến dịch này vẫn
là buộc Việt Nam triệt thoái lực lượng của mình khỏi Campuchia. Và Trung Quốc vẫn
không dành được mục tiêu ấy.
Cuộc chiến tranh giữa Việt Nam -
Trung Quốc, bao gồm cả hải chiến trên quần đảo Trường Sa, kết thúc cuối những
năm 80, với kết sổ thương vong nặng nề cho cả hai bên.
Nhận xét
Đăng nhận xét