Thấy gì từ việc ông Nguyễn Thanh Nghị làm phó bí thư thường
trực TP HCM?
Khi tướng Nguyễn Duy Ngọc vào Ủy ban Kiểm tra trung ương,
tướng công an Vũ Hồng Văn cũng rời đi, không còn giữ chức phó chủ nhiệm ủy ban
đầy quyền lực này.
Ông Văn, quê ở Hưng Yên, một lần nữa được điều trở lại Đồng Nai, lần này
không phải làm giám đốc công an tỉnh như hồi tháng 11/2019, mà được thăng tiến
lên bí thư tỉnh ủy.
Nhưng tin tức ở TP HCM dường như gây chú ý hơn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị rời Hà Nội về TP HCM giữ chức phó
bí thư thường trực Thành ủy trong một quyết định được Đảng công bố sáng 25/1.
Sinh năm 1976, cùng tuổi với tướng Vũ Hồng Văn, ông Nguyễn Thanh Nghị,
khi đang là phó hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc TP HCM, đã trúng ủy viên dự
khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần đầu tiên vào năm 2011. Ông Nghị sau đó
giữ chức thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Liên tiếp hai kỳ sau, tại đại hội 12 và đại hội 13, ông Nghị đều trúng ủy
viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông trở thành bí thư Kiên Giang, rồi sau đó
lại ra Hà Nội trở thành thứ trưởng một lần nữa, rồi lên làm bộ trưởng Bộ Xây dựng
hồi tháng 4/2021.
Ông Nghị là con trai của ông Nguyễn Tấn Dũng, người giữ chức thủ tướng
Chính phủ suốt 10 năm, từ 2006 đến 2016.
Ông Dũng, người được đánh giá là đối thủ chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng,
sau khi về hưu đã khá kín tiếng.
Tuy nhiên, sau khi ông Trọng qua đời, gần đây ông Dũng đã được Tổng bí
thư Tô Lâm trao tặng huân chương Sao vàng, huân chương cao quý nhất của Nhà nước
Việt Nam, cũng như xuất hiện cùng vị tân tổng bí thư trong một số dịp.
Nhiệm kỳ phó bí thư thường trực của ông Nghị là 2021-2025, nghĩa là thời
gian ông giữ chức vụ này khá ngắn, chỉ còn khoảng một năm nữa.
"Tôi sẽ luôn có ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp,
tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo của Đảng bộ TP HCM, các thế hệ đi trước
đã dày công vun đắp. Tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, không ngừng
học hỏi, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, điều hành," báo
Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nghị phát biểu.
Việc bổ nhiệm ông Nghị là phó bí thư Thường trực, là nhân vật số 2 sau bí
thư Thành ủy, diễn ra trong bối cảnh TP HCM đang khẩn trương chuẩn bị tổ chức Đại
hội Đảng bộ TP HCM nhiệm kỳ 2025-2030.
Đầu năm 2026, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tổ chức đại hội 14, bắt đầu một
nhiệm kỳ mới. Và với tuổi đời còn khá trẻ, cộng thêm thành tích 3 lần liên tiếp
là ủy viên trung ương Đảng, và sự hẫu thuẫn chính trị lớn, con đường thăng tiến
của ông được đánh giá là rộng mở.
Luân chuyển cán bộ
Những cuộc luân chuyển cán bộ cấp cao đang được diễn ra trên quy mô rộng
lớn, với tần suất cao, có thưởng, có phạt.
Luân chuyển cán bộ "là việc phân công hoặc bổ nhiệm cán bộ, công chức
lãnh đạo, quản lý giữ một chức danh lãnh đạo, quản lý khác trong một thời hạn
nhất định để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc
yêu cầu của chức danh được quy hoạch", theo Quy định số 65-QĐ/TW ngày
28/4/2022 của Bộ Chính trị.
Quy định này do ông Võ Văn Thưởng, khi đó là thường trực Ban Bí thư, kí.
Trước khi hội nghị trung ương mới nhất diễn ra ngày 23 và 24/1/2025, Đảng
đã thay một loạt các bí thư tỉnh ủy, cũng theo cách luân chuyển này.
Một tuần trước khi ông Nguyễn Thanh Nghị về, chiếc ghế phó bí thư thường
trực TP HCM là của ông Nguyễn Hồ Hải. Nhưng ông Hải đã được Bộ Chính trị điều về
làm bí thư Cà Mau vào sáng 18/1/2025.
Trước đó một ngày, ông Nguyễn Tiến Hải, sau khi thôi làm Bí thư tỉnh ủy
Cà Mau, đã được chỉ định làm bí thư tỉnh ủy Kiên Giang, thay cho ông Đỗ Thanh
Bình chuyển sang Cần Thơ giữ chức bí thư Thành ủy.
Ông Bình đến Cần Thơ thay cho ông Nguyễn Văn Hiếu, người vừa được chỉ định
vào chức vụ phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Cũng trong sáng, 18/1, Vĩnh Long chứng kiến sự thay đổi nhân sự khi thứ
trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng được điều về làm thay cho ông Bùi Văn Nghiêm
giữ chức vụ bí thư.
Ông Bùi Văn Nghiêm, theo quyết định được công bố, nhận nhiệm vụ mới là
phó trưởng Ban Nội chính trung ương.
Đáng chú ý, Vĩnh Phúc, trong một năm trở lại đây, chứng kiến chiếc ghế bí
thư tỉnh ủy ba lần đổi chủ. Vào đầu nhiệm kỳ 13, bà Hoàng Thị Thúy Lan là người
ngồi ghế này. Nhưng bà Lan đã bị khởi tố và bắt giam hồi tháng 3/2024.
Đảng điều ông Dương Văn An, lúc đó đang là bí thư Bình Thuận, đến thay bà
Lan. Nhưng rồi, ngày 10/1, ông Dương Văn An nhận kỷ luật cảnh cáo, thôi chức. Một
ngày sau, Bí thư Lào Cai Đặng Xuân Phong được điều về thế chỗ.
Tại hội nghị mới nhất này, Đảng đã quyết định cho ông Dương Văn An thôi
chức ủy viên trung ương.
Đến ngày 22/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh được điều về
làm bí thư tỉnh ủy Hà Giang.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Dũng, quyền bí thư Hà Giang, được điều về
văn phong trung ương đảng "chờ phân công công tác".
Ông Dũng là người lên thay cho ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Hà Giang, được
điều lên Hà Nội làm bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường.
Ông Khánh, quê ở Hà Tĩnh, cùng tuổi với ông Nguyễn Thanh Nghị, đã bị
"cho thôi, chức ủy viên trung ương vào trong phiên họp bất thường ngày
3/8.
Hội nghị bất thường
Biến động nhân sự được nhìn thấy rất rõ qua các hội nghị trung ương.
Suốt khóa 12, cũng dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng, Ban chấp hành Trung
ương tổ chức 15 hội nghị, nhiều hơn 1 so với nhiệm kỳ trước đó.
Đến khóa 13, cũng dưới sự điều hành của ông Trọng, rất nhiều cuộc họp
trung ương bất thường được triệu tập. Tính đến nay, khóa 13 đã họp đến 21 hội
nghị, trong đó 10 hội nghị định kỳ và 11 hội nghị bất thường.
Đại hội 13, diễn ra từ 25/1 đến 1/2/2021 tại Hà Nội, đã bầu 200 ủy viên
trung ương, trong đó 180 người chính thức và 20 dự khuyết.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ này chứng kiến sự rơi rụng rất lớn số lượng các ủy
viên trung ương, cũng như ủy viên Bộ Chính trị.
Cùng với đó là sự đi lên của không ít người, trong đó có thể nhìn thấy sự
thăng tiến rất nhanh của các tướng công an trong thời gian qua.
Ngay từ hội nghị lần thứ ba, diễn ra vào đầu tháng 7/2021, trung ương đã
kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Công thương.
Đáng chú ý, hội nghị cũng đã kỷ luật cách tất cả chức vụ trong đảng của
ông Trần Văn Nam, Bí thư tỉnh ủy Bình Dương.
Khởi đầu đầy nghiêm khắc đã mang đến những diễn biến nóng bỏng tiếp sau
đó.
Phiên họp bất thường đầu tiên của Trung ương khóa 13 diễn ra vào ngày
6/6/2022, hai ủy viên trung ương là Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Khoa học và
Công nghệ, và Nguyễn Thành Long, Bộ trưởng Y tế, bị khai trừ ra khỏi Đảng, hình
thức kỷ luật nặng nhất.
Cả hai, ngay sau đó, đã bị khởi tố, bắt giam, liên quan đến đại án kit
test Việt Á.
Cho đến ngày 30/12/2022, một hội nghị bất thường khác được triệu tập để
"cho thôi" giữ chức vụ hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức
Đam.
Ông Minh là ủy viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng thường trực, có liên quan
đến đại án chuyên bay giải cứu, trong khi ông Đam, người ba khóa liên tục là ủy
viên trung ương, liên quan đến chiến lược chống Covid.
Không chỉ các ủy viên trung ương, các ủy viên Bộ Chính trị "rớt
đài" cũng chiếm kỷ lục khi con số lên đến 7.
Chỉ sau đó hơn hai tuần, ngày 17/1/2023, ông Nguyễn Xuân Phúc, được ban
chấp hành "cho thôi" giữ các chức vụ. Ông Phúc lúc đó đang là chủ tịch
nước, nhân vật quyền lực số 2 trong Đảng xếp theo quyền lực của "lãnh đạo
chủ chốt".
Các hội nghị bất thường chủ yếu, trong nhiệm kỳ này, bàn về việc kỷ luật
– nhân sự. Và về vấn đề này, vai trò của ủy ban kiểm tra trung ương được thể hiện
rất rõ.
Đầu tháng 1/2024, đến lượt ông Trần Tuấn Anh được cho thôi ủy viên Bộ
Chính trị, về hưu.
Trong những phiên tòa vừa qua, người ta chứng kiến khá nhiều cựu bí thư tỉnh
ủy hoặc bộ trưởng ra trước tòa như cựu Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ, cựu Bí thư
Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, cựu Bí thư Lâm Đồng Trần Đức Quận…
Nội các dưới quyền ông Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng chứng kiến ba bộ
trưởng hầu tòa, gồm Nguyễn Thành Long, Chu Ngọc Anh và Mai Tiến Dũng trong các
vụ án khác nhau.
Những người ra hầu tòa, trước đó đều bị khai trừ đảng, phế truất chức vụ
và tư cách ủy viên trung ương.
Đáng chú ý, cuộc họp ngày 20/3/2024 là truất phế chức vụ chủ tịch nước với
ông Võ Văn Thưởng.
Lần thứ hai, chiếc ghế chủ tịch nước bị bỏ trống chỉ sau hơn 1 năm. Và lần
thứ hai người ta chứng kiến cảnh bà Võ Thị Ánh Xuân lên nắm tạm quyền chủ tịch
nước.
Cũng ngày hôm đó, bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc là Hoàng Thị Thúy Lan bị khai
trừ ra khỏi đảng. Bà Lan trước đó đã bị Bộ Công an khởi tố và bắt giam.
Thông thường, với các cán bộ cấp cao, quy trình là kỷ luật Đảng đi trước
một bước – cách chức vụ trong Đảng, hay khai trừ ra khỏi đảng, rồi mới đến xử
lý hình sự.
Điều này được thấy ở nhiều hội nghị trước đó, từ chuyện ông Nguyễn Thành
Long hay Chu Ngọc Anh.
Nhưng đến bà Lan thì Bộ Công an đã ra tay trước – kỷ luật đảng diễn ra
sau.
Diễn biến trên chính trường ngày càng gay cấn.
Khoảng hơn 1 tháng sau, ngày 26/4/2024, trung ương Đảng lại họp bất thường.
Lần này đến lượt ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội, nhân vật xếp thứ 4
trong "tứ trụ", được cho "thôi chức".
Khác với ông Nguyễn Xuân Phúc "thôi chức" vì lý do "trách
nhiệm người đứng đầu", ông Thưởng và ông Huệ đều được Ủy ban Kiểm tra
trung ương ghi thêm trong hồ sơ là "vi phạm, khuyết điểm, gây dư luận xấu".
Dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Phú Trọng, hội nghị trung ương lần thứ 9
diễn ra vào trung tuần tháng 5/2024, Bộ chính trị đã được bổ sung thêm 4 ủy
viên, gồm ông Lê Minh Hưng, Nguyễn Trọng Nghĩa, Bùi Thị Minh Hoài và Đỗ Văn Chiến.
Tại hội nghị này, thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã bị cho thôi chức
vì "vi phạm những điều đảng viên không được làm".
Cũng trong khuôn khổ hội nghị này, một thông báo về kết quả làm việc của
"lãnh đạo chủ chốt" được đưa ra.
Công chúng được nhìn thấy bức ảnh các thành viên lãnh đạo chủ chốt họp, gồm
Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư; Lương Cường - Thường trực Ban Bí thư; Lê Minh
Hưng – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an, và Trần
Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội.
Ông Lâm và ông Mẫn nằm trong "lãnh đạo chủ chốt" vì được
"trung ương thống nhất rất cao" giới thiệu để Quốc hội bầu làm chủ tịch
nước và chủ tịch quốc hội.
Đó cũng là hội nghị cuối cùng mà ông Nguyễn Phú Trọng tham dự.
Ở cuộc họp tiếp theo, ngày 3/8/2024, Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu làm tổng
bí thư, thay cho người tiền nhiệm quá cố.
Trung ương cũng không quên xem xét cho thôi 4 ủy viên trong hội nghị này,
trong đó có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng
Quốc Khánh.
Kể từ khi ông Tô Lâm lên làm tổng bí thư, đến nay, Trung ương Đảng đã họp
4 hội nghị, trong đó ba lần bất thường.
Ngày 16/8, các ủy viên trung ương lại gặp nhau ở Hà Nội, cũng bất thường,
để bầu Thượng tướng Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị.
Tướng Ngọc cũng được bầu vào Ban Bí thư trong dịp này, cùng với Thượng tướng
Trịnh Văn Quyết bên quân đội và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê
Minh Trí.
Riêng tướng Quang, 2 tháng sau, ông được phong hàm đại tướng công an.
Ở hội nghị tiếp theo vào ngày 25/11, hai ủy viên là Bùi Văn Cường, Tổng
Thư ký Quốc hội, và Nguyễn Văn Thể, cựu Bộ trưởng Giao thông – Vận tải, bị cho
thôi chức.
Và ở hội nghị mới nhất, tướng Nguyễn Duy Ngọc nắm quyền ở Ủy ban Kiểm tra
trung ương, được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị.
Như vậy, ngành công an hiện có ba ủy viên Bộ Chính trị, đều cùng quê Hưng
Yên. Bên cạnh Tổng Bí thư Tô Lâm là Đại tướng Lương Tam Quang và Thượng tướng
Nguyễn Duy Ngọc.
Nhận xét
Đăng nhận xét