Tại sao ông Nguyễn Tấn Dũng và Nông Đức Mạnh được trao Huân
chương Sao vàng?
Tổng Bí thư Tô Lâm vừa trao Huân chương Sao vàng cho cựu Tổng
Bí thư Nông Đức Mạnh và cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Sự kiện này có gì đáng
chú ý?
Huân chương Sao vàng là "huân chương cao quý nhất của nước Cộng hòa
Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam", theo Luật Thi đua, khen thưởng 2022.
Huân chương này có thể được trao cho cả cá nhân lẫn tập thể.
Lý do trao Huân chương Sao vàng
Đưa tin về sự kiện Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Sao vàng cho hai vị
cựu lãnh đạo hôm 20/1, báo Nhân Dân cho biết ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Nông Đức
Mạnh được trao phần thưởng này vì "có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất
sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc".
Để thi hành Luật Thi đua khen thưởng 2022, Điều 8, Nghị định 98/2023 quy
định về tiêu chuẩn "có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự
nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc", bao gồm (tóm lược):
Hoạt động cách mạng trước năm 1935 và 1945, tham gia liên tục hai cuộc
kháng chiến chống Pháp và Mỹ (khoản 1, 2 và 3);
Có quá trình công tác liên tục trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ hoặc thời
kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã đảm nhiệm một trong các chức vụ: Tổng Bí thư;
Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Quốc hội, 2 nhiệm kỳ từ 8 đến 10
năm. (khoản 4)
Có thể thấy, những tiêu chuẩn ở khoản 1, 2 và 3 không thể áp dụng cho quyết
định trao thưởng đối với ông Dũng và ông Mạnh, những người trưởng thành và hoạt
động chính trị muộn hơn các giai đoạn nói trên.
Mặt khác, dù có tham gia "kháng chiến chống Mỹ", nhưng công trạng
của ông Dũng không có gì nổi bật, nên có thể hiểu là việc xét thưởng dựa trên
đánh giá về hoạt động của ông trong giai đoạn tham gia bộ máy chính trị ở thời
bình (thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khoản 4).
Thêm vào đó, ông Dũng giữ chức thủ tướng gần 10 năm, từ tháng 6/2006 tới
tháng 4/2016. Ông Mạnh giữ chức tổng bí thư cũng gần 10 năm, từ tháng 4/2001 tới
tháng 1/2011. Xét riêng về tiêu chí thời gian đảm nhiệm cương vị trong Tứ Trụ,
hai ông đều đủ điều kiện nhận Huân chương Sao vàng.
Tuy nhiên, thành tựu - chứ không phải thâm niên công tác - mới là tiêu
chí quan trọng nhất để xét thưởng.
Ông Nguyễn Tấn Dũng có thành tựu gì?
Vào năm 2016, khi ông Nguyễn Tấn Dũng rời ghế thủ tướng, Tiến sĩ Lê Đăng
Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đã
đánh giá với BBC rằng ông Dũng "đã để lại những dấu ấn rất đậm nét về một
thời kỳ hội nhập ngày càng sâu sắc".
"Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng để lại một dấu ấn rất mạnh mẽ trong những
phát biểu về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền và
toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đấy là những dấu ấn hiện nay người dân Việt Nam
đang ghi nhận," ông nói.
Tuy nhiên, ông Doanh cũng nhắc tới điều được coi là "di sản rất nặng
nề" của ông Dũng.
"Ông Nguyễn Tấn Dũng đang để lại cho nền kinh tế Việt Nam một di sản
rất nặng nề, trước hết là tình hình cân đối ngân sách của Việt Nam hiện nay
đang rất khó khăn."
"Bội chi ngân sách rất cao, chi thường xuyên rất cao và nguồn thu
không đủ để chi thường xuyên và trả nợ, và Việt Nam hiện nay đang vay nợ mới để
trả lãi, tức là lợi tức và một phần vốn của nợ cũ và tổng số nợ mới của Chính
phủ ngày càng tăng lên."
"Hệ thống ngân hàng của Việt Nam hiện nay cũng đang có rất nhiều dấu
hỏi và rủi ro, mặc dầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố là nợ xấu của hệ thống
ngân hàng Việt Nam đã giảm xuống 3%, nhưng các tổ chức quốc tế như Fitch,
Standard Poor's và Moody vẫn đánh giá tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt
Nam là vào khoảng 15%..."
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam trước khi ông Dũng nhậm chức
ở mức tăng khoảng 7 và 8%. Sau khi ông Dũng nhậm chức, mức tăng trưởng lên
8,23% (năm 2006) và 8,46% (năm 2007), nhưng từ năm 2008 tới năm 2016, mức tăng
trưởng đều dưới 7%.
Cũng vào thời điểm năm 2016, hãng tin AP đã có bài viết nhìn lại di sản
10 năm giữ chức của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Bài viết đánh giá ông Dũng là một nhà hùng biện giỏi, có khả năng giao
thiệp tốt với lãnh đạo nước ngoài giúp nâng cao vị thế của Việt Nam. Tuy nhiên,
bài báo cũng cho rằng trong nội bộ Đảng, ông Dũng bị quy trách nhiệm cho những
thất bại của các doanh nghiệp quốc doanh khổng lồ, bao gồm cả sự sụp đổ của Tổng
công ty Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam
(Vinalines).
Ông Lê Hồng Hiệp, chuyên gia tại Viện ISEAS (Singapore), vào năm 2016 cho
rằng kế hoạch xây dựng các tập đoàn kinh tế quốc doanh của ông Dũng là một ý tưởng
hay, nhưng cách thực thi còn yếu kém. Thay vì lựa chọn và thúc đẩy các công ty
tư nhân làm ăn hiệu quả, có tiềm lực, ông Dũng lại quyết định đầu tư cho các tập
đoàn nhà nước không có kết quả kinh doanh khả quan và có nhiều dấu hiệu tham
nhũng.
Đánh giá về chính sách thời ông Dũng làm thủ tướng, nhiều nhà phân tích
cho rằng chính phủ của ông đã gia tăng quá mức vai trò của nhà nước trong hoạt
động của thị trường, đẻ ra nhiều giấy phép con, nhiều điều kiện kinh doanh gây
khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhiều vụ tham nhũng, nhiều quan chức vào tù
Chính phủ dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã để xảy ra nhiều vụ tham
nhũng lớn, khiến nhiều quan chức dưới quyền ông phải vào tù.
Ông Đinh La Thăng là chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (từ tháng
1/2006 tới tháng 12/2008) và Bộ trưởng Giao thông vận tải (nhiệm kỳ 2011-2016)
dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Đinh La Thăng đã lãnh án 30 năm tù về các sai phạm xảy ra chủ yếu khi
ông còn lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, doanh nghiệp trực thuộc chính phủ.
Liên quan đến ngành dầu khí và vụ án Đinh La Thăng, ông Trịnh Xuân Thanh,
cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam, đã lãnh án chung
thân do các sai phạm trong thời gian lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước này.
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước dưới thời ông Dũng được đánh giá là
làm ăn yếu kém, tham nhũng tràn lan. Nổi cộm còn có các vụ án tại Vinashin và
Vinalines, với các bản án lên tới 20 năm tù giam, chung thân dành cho các quan
chức quản lý doanh nghiệp nhà nước.
Các bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh
Tuấn cũng đã lãnh án tù liên quan đến thương vụ MobiFone mua AVG. Ông Son là bộ
trưởng, ông Tuấn là thứ trưởng khi thương vụ AVG diễn ra.
Năm 2020, ông Son bị tuyên án chung thân về tội "Nhận hối lộ"
và "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng".
Ông Tuấn bị tuyên án 14 năm tù giam.
Một bộ trưởng khác dưới thời ông Dũng là ông Vũ Huy Hoàng cũng lãnh án 10
năm tù do sai phạm khi còn làm Bộ trưởng Công Thương.
Hàng loạt vụ việc, hàng trăm quan chức dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng đã bị xử lý, nhẹ thì kỷ luật đảng, nặng thì truy cứu hình sự trong chiến dịch
"đốt lò" của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đối thủ chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giữ chức thủ tướng từ năm 2006-2016 và ông được
giới quan sát chính trị, chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là nhân vật
quyền lực số một trong giai đoạn này.
"Ông Dũng có vai trò quan trọng trong phân bổ ngân sách nhà nước đến
các chính quyền địa phương cũng như mối quan hệ tốt giữa ông và giới doanh nghiệp.
Ông còn có ưu thế đối với Bộ Quốc phòng và đặc biệt là Bộ Công an (nơi ông từng
giữ chức thứ trưởng, thời điểm Bộ Công an có tên là Bộ Nội vụ)," Tiến sĩ
Lê Hồng Hiệp từng viết như vậy trên trang Nghiên cứu Quốc tế vào năm 2015.
Khi đang ở đỉnh cao quyền lực, ông Nguyễn Tấn Dũng đã đối mặt với người
được đánh giá là đối thủ chính trị của ông - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một
nhà lý luận cộng sản kiên trung, người luôn tìm cách kéo quyền lực từ Chính phủ
sang phía Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giáo sư Carl Thayer từng nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng bản thân
ông Dũng là một mối lo ngại (cho Đảng Cộng sản Việt Nam) vì ông Dũng coi Việt
Nam là trên hết chứ không phải Đảng là trên hết.
Ông David Brown, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, đã nhận xét
với BBC rằng chính ông Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo việc ông Dũng và những thân
hữu vô kỷ cương của ông đang làm suy yếu tính chính danh của Đảng.
Vào năm 2012, ông Trọng từng rơi nước mắt trên nghị trường khi chia sẻ về
việc Bộ Chính trị bỏ phiếu nhất trí kỷ luật "một đồng chí ủy viên Bộ Chính
trị", nhưng Ban Chấp hành Trung ương Đảng - cơ quan quyền lực cao nhất của
Đảng - đã quyết định không kỷ luật người này.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gọi nhân vật này là "đồng chí
X" và sau đó công chúng cho rằng đó là ông Dũng.
Tới năm 2016, chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong quá trình kéo quyền
lực từ phía Chính phủ về Đảng, đã thành công loại ông Dũng ra khỏi chính trường
Việt Nam, sử dụng một quy định trong Quyết định 244-QĐ/TW do chính ông Trọng ký
vào năm 2014.
Nhìn lại di sản của ông Nguyễn Tấn Dũng, đáng chú ý có việc Việt Nam gia
nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Tuy nhiên, ông cũng đối mặt
với những lời chỉ trích. Vụ án xảy ra tại Vinashin khiến tổng nợ của tập đoàn
này lên tới hơn 80.000 tỷ đồng, theo bài viết vào tháng 10/2010 trên Tuổi Trẻ
Online.
Tới cuối năm 2011, ông Dũng đã nhận trách nhiệm, nhưng không nhận mình
sai.
"Xảy ra chuyện như Vinashin, cuối cùng thủ tướng đứng ra nhận trách
nhiệm. Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ
tôi cũng không ra quyết định nào sai," Vietnamnet dẫn lời ông Dũng.
Vào năm 2012, một lần nữa ông Dũng xin lỗi, lần này là về sự yếu kém của
Chính phủ.
"Tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu
Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân
về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều
hành," ông Dũng phát biểu trước Quốc hội.
Kể từ khi rời ghế thủ tướng, ông Dũng ít khi xuất hiện trên truyền thông
hoặc các sự kiện của nhà nước mà có sự góp mặt của các cựu lãnh đạo. Nhiều người
đã đặt câu hỏi về những bê bối tham nhũng trong thời kỳ ông làm thủ tướng, thậm
chí có người đã thẳng thắn đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của ông.
Trong năm 2024, đã có nhiều lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật với những sai phạm
được cho là đã xảy ra từ lâu, ví dụ như vụ ông Võ Văn Thưởng hay ông Vương Đình
Huệ, hoặc việc ông Nguyễn Xuân Phúc bị kỷ luật cảnh cáo do sai phạm từ thời còn
làm thủ tướng.
Điều này cho thấy những sai phạm trong quá khứ có thể sẽ được khơi lại để
xử lý nếu cần thiết.
Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời vào tháng 7/2024, ông Nguyễn Tấn
Dũng đã dần xuất hiện trở lại thường xuyên hơn.
Tới giữa tháng 8/2024, trên Facebook cá nhân, ông Nguyễn Sĩ Dũng, cựu Phó
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và từng là thành viên Nhóm tư vấn của Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng nhiệm kỳ 2011-2016, đã đăng bài ca ngợi ông Dũng là người có
"nhân cách lớn" và cần được phải bảo vệ danh dự.
Sau tất cả những vụ bê bối, sau tất cả những câu hỏi về trách nhiệm của
ông Nguyễn Tấn Dũng, giờ đây, tấm huân chương "cao quý nhất của nước Cộng
hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" do Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đã cho
thấy quan điểm chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về người từng làm thủ tướng
gần một thập kỷ.
Điều này cũng có thể khép lại những mối đe dọa chính trị đối với ông và
các thành viên gia đình ông, trong số đó có hai người con trai của ông hiện
đang giữ các chức vụ trong Chính phủ và Trung ương Đoàn.
Tương tự, ông Nông Đức Mạnh cũng từng bị đặt câu hỏi khi có những bức ảnh
chụp nhà riêng của ông với nhiều đồ đạc màu vàng, chạm khắc tinh xảo. Ông cũng
không được đánh giá cao trong vai trò là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhưng sau rốt, tấm huân chương mới trao cho thấy ông đã được Đảng nhìn nhận.
Nguy cơ hứng chịu những phê bình, chỉ trích chính thức của Đảng về sau này hầu
như sẽ không còn.
Chủ tịch nước Lương Cường dự, Tổng Bí thư Tô Lâm trao
Theo Điều 77 của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022, chủ tịch nước là người
quyết định tặng huân chương và huy chương. Do đó, theo quy định thì Chủ tịch nước
Lương Cường là người ký quyết định trao tặng Huân chương Sao vàng cho hai ông
Nguyễn Tấn Dũng và Nông Đức Mạnh.
Luật này cũng quy định rằng người ký quyết định trao tặng sẽ là người trực
tiếp trao tặng hoặc ủy quyền trao tặng. Tuy nhiên, tại sự kiện ngày 20/1, Chủ tịch
nước Lương Cường có tham dự nhưng không trực tiếp trao tặng.
Thay vào đó, Tổng Bí thư Tô Lâm là người trao huân chương cho hai vị cựu
lãnh đạo.
Báo chí do nhà nước quản lý khi đưa tin về quyết định trao tặng đã không
đề cập đến người ký, chỉ đề cập Tổng Bí thư Tô Lâm là người trao.
Việc người không phải chủ tịch nước trao Huân chương Sao vàng không phải
chưa từng có tiền lệ.
Chính ông Nông Đức Mạnh khi còn là tổng bí thư đã trao Huân chương Sao
vàng cho cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng trao Huân chương Sao vàng cho
Chủ tịch Cuba Raul Castro Ruz. Năm 2010, ông Trọng, khi đó là chủ tịch Quốc hội,
đã trao Huân chương Sao vàng cho Công an Hà Nội.
Vào năm 2022, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã trao Huân chương
Sao vàng cho thủ tướng và chủ tịch Quốc hội Lào.
Nhiều Huân chương Sao vàng được truy tặng cho những cá nhân đã qua đời
thì do những quan chức không phải chủ tịch nước đứng ra thay mặt.
Nhận xét
Đăng nhận xét