Đoàn sư Minh Tuệ 'tạm dừng bộ hành', ông Báu suýt bị thay thế, nội bộ bất đồng

 
Đoàn sư Minh Tuệ 'tạm dừng bộ hành', ông Báu suýt bị thay thế, nội bộ bất đồng

Ông Đoàn Văn Báu vừa thông báo đoàn của sư Thích Minh Tuệ sẽ tạm dừng bộ hành, cũng như từng thông báo về những bất đồng trong nội bộ đoàn. Những điều này sẽ tác động tới tương lai của đoàn bộ hành như thế nào?
 
Trong một video ngắn đăng tải vào ngày 31/1 trên kênh YouTube Đoàn Văn Báu - Về miền đất Phật của ông Báu, ông đã thông báo đoàn sẽ tạm dừng khất thực trong khoảng một đến hai tuần để điều trị chân cho sư Minh Trí.
 
Ông Báu cũng nói rằng cũng có thể gửi sư Minh Trí vào một ngôi chùa để tịnh dưỡng, nhưng phương án hiện tại là tạm dừng khất thực.
 
Động thái này diễn ra không lâu sau khi ông Báu chia sẻ về những khúc mắc nội bộ cũng như những thay đổi trong cách khất thực, bộ hành của đoàn.
 
Cách đây vài ngày, trong hai video đăng ngày 28 và 29/1, ông Đoàn Văn Báu đã nói về những bất đồng đang diễn ra trong nội bộ đoàn, đặc biệt là giữa ông Báu và sư Minh Nhuận.
 
Theo lời kể của ông Báu, các bất đồng trong nội bộ đoàn đến từ các sư như sư An Lạc, sư Minh Nhuận… Nhưng ngay cả sư Minh Tuệ dường như cũng nghi ngờ về mục đích đi theo hỗ trợ đoàn của ông Báu.
 
Các thông tin này đều được ông Báu chia sẻ trên kênh YouTube, không có ý kiến trực tiếp của các nhà sư qua kênh khác, nên vẫn mang tính chất tuyên bố của một phía.
 
Phương án thay thế ông Báu
Trong video đăng ngày 28/1 trên kênh YouTube của mình, ông Đoàn Văn Báu nói rằng sư Chơn Trí sẽ bắt đầu sử dụng điện thoại vào hai mục đích là học ngoại ngữ và cập nhật kinh Phật.
 
Tuy nhiên, tới ngày 31/1, ông Báu nói rằng chiếc điện thoại này còn được sử dụng vào mục đích tra đường trên Google Maps và để liên hệ với người khác trong trường hợp thay thế ông Báu ra khỏi đoàn.
 
Theo lời kể của ông Báu, các sư đã có phương án thay thế ông trong đoàn vào một vài ngày tới và sư Minh Tuệ cũng đã đồng ý với phương án này.
 
Ông Báu nói rằng "các bên đều chuẩn bị chiến đấu hết rồi".
 
"Một bên là các sư phụ muốn thay thế tôi và tự đi. Còn một bên là tôi đưa tất cả các sư phụ về Việt Nam, còn tôi sẽ đưa thầy [Minh Tuệ] đi. Họ nhúc nhích là tôi sẽ ra tay trước, tôi đang nắm đằng chuôi hết mà," ông Báu nói.
 
Ông Báu nói chính việc mình là người lo thủ tục visa đã khiến các sư cần tìm cách đối phó. Nhưng ông đã "có phương án đối phó hết rồi nên cũng không biết mỉu nào cắn mèo nào".
 
Sau khi các sư chia sẻ về lý do có bất đồng với ông Báu, sư Minh Tuệ đã lên tiếng hòa giải mọi chuyện. Những lời này của sư Minh Tuệ, theo ông Báu, đã giải tỏa mọi gánh nặng và ông vẫn sẽ đi cùng đoàn bộ hành.
 
Trước đây, ông Báu từng nói rằng ngay cả khi sư Minh Tuệ có đuổi thì ông cũng không đi.
 
"Thầy có đuổi tôi đi thì tôi vẫn sẽ đi theo để bảo vệ" và "thầy có đuổi tôi đi thì tôi vẫn bám theo đoàn" là những lời khẳng định của ông Báu.
 
Ông Báu cũng khẳng định nếu sư Minh Tuệ có mệnh hệ gì tới tính mạng thì ông sẽ tự sát. Ông chia sẻ mình đã nói ý định này cho vợ của mình biết.
 
"Nếu sư Minh Tuệ có vấn đề gì nguy hiểm tính mạng thì chắc chắn là tôi sẽ tự sát và tôi sẽ không quay trở về. Khi mà thầy còn thì tôi còn, thầy mất thì tôi mất. Tôi chỉ có một đường là không thành công thì chết thôi," ông nói.
 

Nội bộ bất đồng
Trong hai video ngày 28 và 29/1, ông Đoàn Văn Báu đã nói về những bất đồng đang diễn ra trong nội bộ đoàn.
 
Đáng chú ý nhất có lẽ là việc sư Minh Tuệ dường như vẫn nghi ngờ ông Báu sau hơn một tháng bộ hành cùng nhau. Ông Báu kể rằng sư Minh Tuệ đã hỏi mình (tức ông Báu) có làm việc cho Ban Tôn giáo Chính phủ hay Đảng và nhà nước Việt Nam hay không.
 
Ông Báu một lần nữa khẳng định là mình không làm việc cho chính quyền. Ông nói mình chỉ nộp danh sách đoàn bộ hành lên cho Công an tỉnh Gia Lai và được họ chấp nhận, ngoài ra ông không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào khác.
 
Điều này phần nào cho thấy những rạn nứt trong mối quan hệ giữa hai người.
 
Trước đây, khi trả lời phỏng vấn BBC, sư Minh Tuệ từng khẳng định rằng ông không biết và cũng không cần biết anh Báu là ai.
 
"Vâng, con không biết anh Báu là ai. Con cũng không biết anh Báu là an ninh hay quân đội hay là người nông dân gì hết."
 
"Con cũng không biết họ có hại mình, hay như có người nói là Việt cộng hay cái gì phản động, con chả cần biết. Nhưng mà chỉ cần giúp con thủ tục giấy tờ với lại đi thôi, còn những chuyện khác con không biết," sư Minh Tuệ nói lúc bấy giờ.
 
Về việc này, ông Báu nói rằng sư Minh Tuệ về Phật pháp thì rất cao siêu, còn chuyện đời thì vẫn rất "ngây thơ".
 
Mâu thuẫn lớn khác là giữa ông Báu và một vài sư khác, đặc biệt là với sư Minh Nhuận.
 
Theo lời ông Báu, sư Minh Nhuận đã đưa ra một số đề xuất, bao gồm việc để các YouTuber vào gặp gỡ giao lưu, phỏng vấn tự do với các sư và được tự do đi lại như thời điểm đoàn bộ hành còn ở tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.
 
Thừa Thiên Huế cũng là nơi sư Minh Tuệ đã bị "an ninh" đem đi vào đêm ngày 2/6, theo lời kể của ông. Thời điểm ấy, sư Minh Nhuận đã xuất hiện trong một video trên TikTok nói rằng đã có vài chiếc xe 16 chỗ và một chiếc xe 24 chỗ mang biển số xanh tới đưa đoàn bộ hành đi những nơi khác nhau.
 
Quay lại video của ông Báu, ông cho rằng những đề xuất này của sư Minh Nhuận là nhằm mục đích "phá đoàn", cho rằng việc đáp ứng những đề xuất trên sẽ gây ra sự hỗn loạn.
 
"Hôm nay đã rõ là sư phá đoàn. Tôi có thể nhận định sư vào đây không ngoài mục đích đó. Trong đoàn này, tôi chỉ có nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ thầy Minh Tuệ. Còn những người khác, có hay không có không quan trọng," ông Báu nói.
 
Ông Báu cũng kể rằng sư Chơn Trí cũng muốn đi tự do như đề xuất của sư Minh Nhuận. Tuy nhiên, ông Báu vẫn không thấy thuyết phục, cho rằng việc đi và nghỉ tự do như vậy có thể sẽ rất phiền phức nếu có chuyện gì không hay xảy ra.
 
Đến lượt sư Minh Tuệ cũng nói rằng việc sắp xếp chỗ nghỉ ngơi dù có tham vấn các sư nhưng vẫn không tạo được sự thoải mái nên tốt nhất là để mọi người tự đi.
 
Tất cả những điều nói trên, bao gồm ý kiến của các nhà sư, đều chỉ được biết đến qua lời tường thuật của ông Báu.
 
Cuối cùng, đoàn bộ hành thống nhất là từ ngày 29/1, các sư sẽ đi hoàn toàn tự do, chỉ khi nào gặp các vấn đề rắc rối thì mới giải quyết. Nhóm hỗ trợ cũng sẽ đứng ở phía ngoài quan sát khi các sư khất thực.
 
Dù vậy, trong video đăng ngày 31/1 trên kênh Le Kha Giap của ông Lê Khả Giáp ghi lại cảnh bộ hành ngày 30 và 31/1, có thể thấy được việc chuẩn bị trước chỗ nghỉ cho các sư.
 
Theo ông Giáp, đoàn tiếp tục làm vậy là vì ông Therawat, một thành viên khác trong đoàn và là người Thái Lan, đã thông báo việc nghỉ ngơi tùy ý tùy chỗ là không được.
 
"Sau sáu giờ [tối] mà đi vào chỗ này cũng như vi phạm pháp luật vậy các bạn. Những khu rừng kiểu này cần phải xin phép trước. Do đó, hôm qua, sau một thời gian thuyết phục, cuối cùng quyết định là quay trở lại cách hoạt động như quãng thời gian đầu tiên."
 
Những thay đổi về cách khất thực dường như cũng không xảy ra. Người dân tới đảnh lễ vẫn xếp thành hàng, những người thuộc nhóm hỗ trợ vẫn đứng ngay gần các sư và nhận đồ ăn, đồ uống trực tiếp từ tay các nhà sư.
 
Một điều khác mà ông Báu nói rằng đoàn đã thống nhất là những người tới gặp các sư thì không cần xếp hàng mà cứ tự do, thoải mái vào đảnh lễ.
 
Nhưng việc YouTuber thoải mái vào giao lưu được thống nhất là sẽ không diễn ra.
 
Ngoài ra, ông Báu kể rằng ông Hùng, một thành viên khác trong nhóm hỗ trợ, đã bày tỏ ý muốn rút khỏi đoàn. Ông Báu nói mình đã ngăn cản ông Hùng, nói rằng nếu bây giờ ông Hùng hoặc ông Báu bỏ cuộc thì là "trúng âm mưu của bọn chúng", ám chỉ những người muốn phá đoàn bộ hành. Ông Báu không nhắc đích danh ai khi nói về điều này.
 
Tới ngày 30/1, ông Lam, một người từng đi bộ hành cùng với đoàn ở Lào, đã nhập đoàn. Khi quay lại, trong video trên kênh YouTube của ông Giáp, ông Lam cũng bày tỏ lo ngại về "những thông tin không tốt về nội bộ đoàn".
 

'Không bằng người đời, không bằng tình nguyện viên'
Nhóm các nhà sư có thể cũng sẽ có thay đổi nhân sự.
 
Trong video đăng ngày 29/1, ông Báu đã nói rằng muốn đưa ba sư là sư Minh Nhuận, sư Minh Đạt và sư Phúc Giác ra khỏi đoàn vì những người này có "hành tung mờ ám, những hoạt động, hành vi phá đám hiện hữu".
 
Ông cũng nhắc tới việc sư Minh Nhuận thường xuyên hỏi số điện thoại của nhiều người để sư Chơn Trí lưu lại.
 
"Rõ ràng có sự liên lạc với bên ngoài," ông Báu nói.
 
Trong một video đăng ngày 30/1 trên kênh YouTube của ông Báu, chính ông đã nói rằng việc sử dụng điện thoại là không phạm giới, "tùy theo cái nguyện của các sư tu hạnh đầu đà", nhưng cho rằng "không nên kết giao, không nên xin số điện thoại liên lạc của người này người kia hoặc xin các thông tin của mạng xã hội".
 
Việc các sư có khả năng liên lạc với những người bên ngoài đoàn bộ hành có vẻ khiến ông Báu không yên tâm. Ông đã nói với ông Hùng rằng việc này "phải giải quyết rất rõ ràng trong câu chuyện này không thì câu chuyện sẽ rất là phức tạp".
 
Ông Báu và ông Hùng đã thống nhất vào báo với sư Minh Tuệ sẽ đưa ba sư Minh Nhuận, Minh Đạt và Phúc Giác rời khỏi đoàn.
 
"Bằng mọi giá tôi phải đưa ba người đó ra khỏi đoàn cho dù như thế nào," ông Báu nói.
 
Nhưng sau khi nói chuyện với sư Minh Tuệ, chủ đề này dường như đã bị tạm gạt sang một bên.
 
Ông Báu cũng tuyên bố rằng một số "sư nhỏ" (cách ông gọi các sư khác ngoài sư Minh Tuệ) dù thực hành tu tập nhưng "không bằng người đời, không bằng tình nguyện viên".
 
Tới ngày 31/1, ông Báu thuật lại lời sư Minh Nhuận nói rằng sư Minh Nhuận nghi ngờ ông Báu làm việc cho chính quyền Việt Nam nên đã đưa ra những yêu cầu trên để ông Báu giận dữ và "bộc lộ chân tướng".
 
Còn về trường hợp sư Minh Đạt, ông Báu nhận là mình "giận cá chém thớt" vì sư Minh Đạt là do sư Phúc Giác đưa qua và ngay từ đầu ông Báu đã có ấn tượng xấu.
 
"Tôi nói thẳng trường hợp này là giận cá chém thớt chứ sư cũng chả có ấn tượng xấu hay sai phạm gì cả," ông Báu thú nhận.
 
Về sư Phúc Giác, ông Báu kể rằng sư chia sẻ lý do bản thân nghi ngờ ông Báu là do từng "va chạm" và có ấn tượng không tốt với công an, cộng với việc từng bị ông Báu đuổi khỏi đoàn khi ở Lào. Nhưng sau đó hai người đã giải quyết xong mâu thuẫn này, cũng theo lời kể của ông Báu.
 
Theo ghi nhận của BBC, sau những câu chuyện ông Báu, một bộ phận ý kiến trên mạng đang có xu hướng yêu cầu "đuổi" các "sư nhỏ" bị nhắc tên ra khỏi đoàn.
 
Thậm chí nhiều người còn gọi những sư này là "kẻ vô ơn". Chính ông Báu cũng từng nói rằng ông chỉ đi theo bảo vệ sư Minh Tuệ, còn những sư khác "có hay không không quan trọng".
 
Ở chiều ngược lại, không ít ý kiến cho rằng ông Báu không có quyền và cũng không có cách nào bắt ép sư nào đó rời đoàn.
 
Theo lời kể của ông Báu, trước khi đưa ra quyết định sư nào có đi cùng đoàn được hay không, các sư sẽ thảo luận, còn ông Báu và những người khác, ở đây ông Báu dùng từ "chúng tôi", sẽ "tư vấn lựa chọn" về việc một nhà sư có đồng hành được cùng với đoàn hay không.
 
Sau đó, khi tất cả mọi người thống nhất một danh sách, ông Báu nói rằng mình sẽ công bố ra ngoài.
 
Tuy nhiên, do các sư không sử dụng mạng xã hội, do đó cũng khó kiểm chứng được danh sách ông Báu đưa ra ngoài có giống với danh sách đã thống nhất hay không.
 
Khi được hỏi rằng liệu làm thế nào để công chúng có thể kiểm chứng được danh sách thống nhất giữa mọi người và danh sách công bố ra ngoài là giống nhau, ông Báu đã nói rằng chúng tôi có thể xác nhận điều này với sư Minh Tuệ.
 
Thời điểm đó, BBC không còn dịp phỏng vấn sư Minh Tuệ nên chưa xác nhận chính xác được liệu có sự thiếu đồng nhất nào hay không.
 
Liên quan tới vấn đề này, sư Minh Tuệ từng nói rằng "anh Báu cũng quyết định được" việc sư nào có thể gia nhập đoàn, sư nào không do ông Báu có thể xét tới những yếu tố liên quan như pháp luật và mức độ phù hợp của các nhà sư thông qua thông tin trên mạng xã hội.
 
Tuy nhiên, khi các sư đã gia nhập đoàn rồi, việc đưa ai ra khỏi đoàn đang được tiến hành theo hướng báo cáo với sư Minh Tuệ. Do đó, ông Báu sẽ không thể toàn quyền quyết định.
 

Sư Minh Tuệ 'tị nạn chính trị', ông Báu 'đã báo công an'
Như đã đề cập, ông Đoàn Văn Báu từng nói rằng sư Chơn Trí sẽ bắt đầu sử dụng điện thoại vào hai mục đích là học ngoại ngữ và cập nhật kinh Phật.
 
Ông Báu cho rằng việc để sư Chơn Trí sử dụng điện thoại là sẽ có rất nhiều nguy cơ xảy ra vì sư An Lạc từng nói đến việc nhập quốc tịch khác cho sư Minh Tuệ.
 
Nhưng ông nói mình từng hỏi sư Minh Tuệ về giới "không theo giặc" nên rất là yên tâm. Dường như, ông Báu đang nhận định việc nhập quốc tịch khác cho sư Minh Tuệ là có yếu tố chính trị.
 
Trong video ngày 29/1, ông Báu nhắc lại chủ đề này, đồng thời cho biết mình đã báo cáo việc trên với Công an tỉnh Gia Lai.
 
Trước đây, ông Báu từng nói với BBC News Tiếng Việt rằng ông là trưởng đoàn - chức vụ mà "thứ nhất là do sự ủy quyền của sư Minh Tuệ và thứ hai là các cơ quan chức năng cũng đã có biên bản, ghi nhận bằng văn bản đề cử làm trưởng đoàn". Ông Báu cho biết "cơ quan chức năng" ở đây là Công an tỉnh Gia Lai.
 
Ông cũng tuyên bố chịu trách nhiệm, trên cương vị trưởng đoàn, về tất cả những vấn đề có liên quan, gồm phát ngôn, pháp lý và an toàn của đoàn.
 
Theo đánh giá của ông Báu, chỉ cần sư An Lạc gọi một cuộc điện thoại cho đại sứ quán Mỹ "thì người ta sẽ bố trí người đến đón ngay và đưa thầy vào trong đại sứ quán là người ta sẵn sàng cho tị nạn chính trị để chống Việt Nam".
 
Ông cũng nói rằng có những nhân viên của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UHNCR) xuất hiện gần đoàn bộ hành.
 
Tuy nhiên, thủ tục giấy tờ tị nạn không phải đơn giản như vậy, chưa xét tới việc liệu sư Minh Tuệ có muốn đi hay không. Trong trường hợp sư Minh Tuệ muốn đi thì mọi chuyện không có vấn đề gì, nhưng nếu sư Minh Tuệ không muốn thì không ai ép được cả.
 
Dù vậy, ông Báu cho rằng có "những thế lực chống đối" sẵn sàng đưa sư Minh Tuệ đi tị nạn chính trị, những người có âm mưu phá hoại hạnh tu của sư Minh Tuệ. Ông này suy đoán rằng họ có thể khống chế sư Minh Tuệ rồi thêu dệt những tin đồn không chính xác về nhà sư.
 
Theo lời kể của ông Báu, ông đã báo chuyện này cho Công an tỉnh Gia Lai, nói rằng công an đã trả lời rằng "chuyện này đã ra khỏi Việt Nam thì họ sẽ không quản".
 
"Mà nếu như có tình huống đó xảy ra thì họ càng mừng nữa. Bởi vì sao? Bởi vì ông đã bị lợi dụng, ông đã bộc lộ ra rồi và lúc đó Việt Nam sẽ không bận tâm nữa. Nên tôi có nhờ công an Việt Nam hỗ trợ thì họ nói như vậy."
 
"Họ nói nếu mà tình huống đó xảy ra thì ông Minh Tuệ cũng không phải là chân tu và Việt Nam cũng không thèm quan tâm nữa vì rõ ràng là một phản động rồi. Và nếu như cậu mà không cẩn thận thì cậu sẽ trở thành tội đồ của dân tộc," ông Báu thuật lại.


 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến